2 tháng 9, 2021

Chùa Thần Quang (Cổ Lễ)

Tên thường gọi: Chùa Cổ Lễ

Chùa thường gọi là chùa Cổ Lễ, tọa lạc ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Tòa nhà chánh điện

Chùa Cổ Lễ

Mặt tiền chùa

Tương truyền, chùa do Thiền sư Minh Không thời Lý sáng lập. Ông là người chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông (1128 – 1138), được phong làm Quốc sư.

Ngôi chùa hiện nay do Hòa thượng Quang Tuyên tạo dựng vào năm 1920 và được trùng tu nhiều lần. Trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng (đế tháp đặt trên lưng một con rùa lớn đầu quay vào chùa), cao 32m, có 8 mặt, dựng năm 1926.

Kiến trúc chùa có tính độc đáo, đó là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố gô-tích của Châu Âu.

Tòa thượng điện được bài trí đặc biệt, tượng đức Phật sơn son thếp vàng cao khoảng 4m được đặt ở tầng cao, gần mái vòm gô-tích. Mặt sau điện, thờ tượng Quốc sư Minh Không.

Điện Phật

Bàn thờ Tổ

Tượng Bồ tát Địa tạng


Tượng Hộ Pháp

Chùa có đại hồng chung nặng 9.000 kg, cao 4,20m, đường kính miệng 2,2m, thành chuông dày 8cm, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước, được Hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936. Đây là đại hồng chung lớn nhất Việt Nam. Năm 1945, trong lúc chiến tranh, chùa đã vần đại hồng chung xuống lòng hồ cất giấu. Đến năm 1954, đại hồng chung được kéo lên đặt tạm trên bệ để khách thập phương chiêm ngưỡng. Hòa thượng Thích Thế Long đã viên tịch vào ngày 23 – 2 – 1985. Ngài nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP).

Công trình xây dựng tháp chuông được tiến hành theo bản vẽ thiết kế kỹ thuật của Viện Khoa học Kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Tháp gồm ba tầng, cao 14,5m, rộng 9m, mái cong lợp ngói mũi hài, hoàn thành vào ngày 23 – 10 – 1997 do hai ông Trần Quang Khải và Nguyễn Đức Cử phụng cúng. Tầng trên cùng treo quả chuông đời Lê nặng khoảng 300 kg, hai tầng dưới treo đại hồng chung nặng 9.000 kg. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Lầu chuông

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa

Tháp Tổ

Đại hồng chung (nặng 9 tấn, đúc năm 1936)

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Bí ẩn truyền đời về phép lạ của thiền sư Minh Không

Lịch sử chùa Cổ Lễ ở Nam Định gắn liền với những truyền thuyết có từ xa xưa về phép thần thông của thiền sư Minh Không - người sáng lập chùa.

Nằm ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, chùa Cổ Lễ là một ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo nổi tiếng của tỉnh Nam Định. Chùa được xây dựng từ thời Lý Thần Tông (thế kỷ 12).
 
Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ quốc sư Nguyễn Minh Không – người sáng lập chùa. Việc thờ tự này gắn liền với những truyền thuyết có từ xa xưa

Theo đó, thuở thiếu thời, thiền sư Minh Không chuyên làm nghề chài lưới, được truyền từ người cha. Năm 29 tuổi ngài mới xuất gia đầu Phật. Với nỗ lực học hành không ngừng nghỉ, thiền sư đã tích lũy được một kho tàng kiến thức đồ sộ về Phật pháp và y học

Khi danh tiếng được xa gần biết đến, triều đình đã mời sư Minh Không lên kinh thành làm Y sư. Tại đây, ngài đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tông khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm “Lý Triều Quốc sư”.

Sau đó, thiền sư Minh Không cùng Thiền Sư Giác Hải và Thiền Sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em và sang Tây vực (Bắc Ấn Độ) tu hành. Tại đây, họ học phép “Tam vô lậu” đắc “Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt”. Sau khi đắc lục trí thần thông, ba ngài trở về nước.

Đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Sài Sơn, Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không trụ trì chùa Thần Quang (chùa Cổ Lễ), Đức Giác Hải Thiền sư trụ trì chùa Diên Phúc. Từ đó ba vị Thiền sư trở thành “Nam Thiên tam vị Thánh Tổ”.

Dân gian kể rằng, sau khi lập chùa Cổ Lễ, thiền sư Minh Không đã sang nước Tống quyên góp đồng đem về đúc “An Nam Tứ Đại Khí” (4 bảo vật quý của Việt Nam), gồm tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh); chuông Quy Điền (Hải Dương); tháp Báo Thiên (Hà Nội) và đỉnh Phổ Minh (Nam Định). 

Trên đường chuyên chở số đồng lớn về Đại Việt, sư Minh Không đã gặp không ít khó khăn, thử thách. Gặp lúc sóng to gió lớn, không gọi được thuyền chở đồng, ngài đã dùng tài phép phi phàm của mình biến chiếc nón thành thuyền để chở an toàn số đồng về đúc bảo vật.

Sau khi hoàn thiện, An Nam Tứ Đại Khí trở thành biểu tượng cho sự thịnh trị của vương triều Đại Việt trong một thời gian dài. Tiếc rằng khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, các vật báu này đã bị quân giặc cướp hoặc phá huỷ để lấy đồng đúc vũ khí.

Tưởng nhớ công lao, đức độ của Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không, từ ngày 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, dân làng Cổ Lễ tổ chức lễ hội truyền thống ở chùa Cổ Lễ... 

Quốc Lê
Cổ Lễ, ngôi chùa mang dáng dấp thánh đường

Thành phố Nam Định qua cầu Treo khoảng 15km là đến thị trấn Cổ Lễ nhỏ xinh nằm giữa cánh đồng lúa xanh bát ngát. Thị trấn êm ả lâu đời này được biết đến nhiều là nhờ ngôi chùa cùng mang tên Cổ Lễ, một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất miền Bắc, có kiến trúc đặc sắc và còn sở hữu quả chuông lớn nhất Việt Nam.

Toàn cảnh chùa nhìn từ đỉnh tháp

Du khách đi từ xa đã thấy chùa vừa uy nghiêm vừa ấm áp, gần gũi với những mái ngói rêu phong ẩn hiện dưới bóng cổ thụ xanh rì. Những kiến trúc ban đầu được xây bằng gỗ từ thế kỷ XII bởi thiền sư Minh Không, người đã có công đúc An Nam tứ khí (tượng Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh) đã không còn tồn tại.

Chùa Cổ Lễ hiện nay được xây dựng vào năm 1920 bằng những vật liệu truyền thống gồm gạch và vữa làm từ vôi, mật mía, giấy bản. Chùa là một quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ tam quan, tháp, chùa chính, hội quán, nhà tổ, đền thờ. Sự bố trí khéo léo giữa các kiến trúc và khoảng sân vườn làm người ta có cảm giác chùa rộng lớn hơn diện tích thực.

Màu ngói nâu cổ kính

Đứng ở góc nào nhìn lên cũng thấy mái cong, khối tháp cổ kính trầm mặc giữa những tán cây xanh mướt đầy sức sống. Bên cạnh hai điện thờ là hai cây gạo có trăm năm tuổi đời, tán cây đã gần ôm trọn được tòa nhà cổ kính. Cứ đến tháng Ba, giữa nền trời xanh ngắt, hoa gạo nở đỏ rực trên màu ngói nâu tạo nên vẻ đẹp chỉ có ở một ngôi chùa xứ Bắc.

Niềm tự hào lớn của chùa Cổ Lễ là quả chuông cao 4,2m, nặng 9 tấn, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước. Nhiều cụ già ở đây còn kể lại rằng vào năm 1936, trong lúc nấu đồng đúc chuông, một số người dân đã tháo trang sức bằng vàng, bạc đang đeo thả vào dòng kim loại nóng chảy.

Điều làm nên nét độc đáo của chùa Cổ Lễ là chính điện có cấu trúc mái vòm theo kiến trúc gothique nên tòa nhà này trông phảng phất dáng vẻ của một giáo đường Thiên chúa. Kiến thức rộng lớn, khả năng sáng tạo và tinh thần cởi mở của hòa thượng Phạm Quang Tuyên, người thiết kế nên ngôi chùa này thật đáng để hậu thế ngưỡng mộ.

Tháp Liên Hoa

Ngoài ra, chùa còn có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, có tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong rất tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.

Từ trên đỉnh tháp nhìn xuống sẽ thấy những cánh đồng lúa như tấm lụa xanh dài vô tận. Thấp thoáng phía đằng xa, thành Nam nhỏ bé như bàn tay. Một chiếc cầu cong ba nhịp nối liền khu tháp với một tòa kiến trúc mái vòm cao là Phật giáo hội quán. Bên trái hội quán là dãy nhà thờ Trần Hưng Đạo, gần đó là đền thờ Bà Liễu Hạnh. Trong mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng mõ đều đều, tiếng đọc kinh ngân nga văng vẳng, đây quả là nơi di dưỡng tinh thần không chỉ dành riêng cho những người mộ đạo.

Một chút pha trộn trong kiến trúc

Hàng năm, từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch, hội chùa Cổ Lễ lại được tổ chức tưng bừng với rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn. Hấp dẫn nhất là cuộc thi bơi thuyền truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa luôn làm náo nức cả thôn xóm. Đây cũng là một trong những hội chùa nổi tiếng khắp miền Bắc với những hoạt động văn hóa cổ truyền như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người... Đối với nhiều người dân trong vùng, hội chùa Cổ Lễ chính là cái Tết thứ hai trong năm.

Theo THANH HẢI
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Huyền thoại về chùa Cổ Lễ có 27 nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận”

Nhắc đến thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), du khách sẽ nhớ đến ngay Chùa Cổ Lễ - nơi có những nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận” để giành lại độc lập cho dân tộc.

Chùa Cổ Lễ với lối kiến trúc độc đáo

Chùa Cổ Lễ cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 15 km; được xây dựng từ thế kỷ 12 thời Lý Thần Tôn với hiệu là "Thần Quang Tự". Chùa thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.

Theo văn bia còn lưu giữ tại chùa ghi lại, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không hương quán tại làng Điền Xá (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Thủa nhỏ, ngài làm nghề chài lưới của cha ông; đến năm 29 tuổi ngài xuất gia.

Ngài cùng Thiên sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em sang Tây Vực (Bắc Ấn Độ) tầm học phép "Tâm vô lậu" đắc "Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt".

Sau khi đắc lục trí thần thông, cả 3 trở về nước. Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Sài Sơn. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không trụ trì chùa Thần Quang (nay gọi là chùa Cổ Lễ). Đức Giác Hải Thiền sư trụ trì chùa Diên Phúc. Từ đó, 3 vị trở thành "Nam Thiên Tam Vị Thánh Tổ".

Chùa Cổ Lễ được Bộ Văn Hóa xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật, "Di tích lịch sử văn hóa","Danh lam thắng cảnh quốc gia"năm 1988.

Sau đó, ngài vượt Tống quyên đồng đem về đúc "An Nam Tứ Khí". Đây là 4 bảo vật quý ở nước ta gồm: Tượng Phật cao hơn 4 m ở chùa Quỳnh Lâm, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Chuông Quy Điền nặng 1.000 kg ở Lục Đầu Giang, Phả Lại, Hải Dương; Tháp "Báo Thiên" cao 9 tầng ở Hà Nội; Đỉnh Phổ Minh nặng 1.000 kg ở Tức Mặc, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định).

Thượng tọa Thích Tâm Vượng- Trụ trì chùa Cổ Lễ chia sẻ: Trước đây, chùa được thiết kế bằng gỗ theo kiến trúc cổ. Trải qua thời gian phong hóa của nắng xói, mưa mòn và mối mọt nên ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 1902, Đệ Nhất sư Tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì đã trùng tu, tái thiết lại ngôi chùa theo kiến trúc"Nhất Thốc Lâu Đài" với quy mô rộng lớn, mang nền kiến trúc văn hóa Phật Giáo trứ danh. Nguyên liệu xây dựng chùa chủ yếu là vôi, gạch, cát, mật…

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 m, nằm trên lưng con rùa khổng lồ.

Theo đó, phía trước chùa có tháp "Cửu Phẩm Liên Hoa" thiết kế theo kiểu 9 tầng hoa sen cao 32 m; nằm trên lưng con rùa khổng lồ, đầu rùa hướng vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to.

Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp (còn gọi là cầu cuốn) bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi). Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là Hội Quán Đường - nơi thờ Phật quan âm nghìn mắt nghìn tay, luôn từ bi cứu khổ cứu nạn cho dân. Trước sân chùa Trình có quả 2 lư khổng lồ.

Ngoài ra, 2 bên Hội Quán Đường là Đền thờ Linh Quang Từ - nơi thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo và Đền thờ Thánh mẫu - nơi thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Cầu Cuốn bước vào chùa Trình.

Để đến được tới ngôi Tam Bảo tòa chính cung cao 29 m nơi thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, du khách phải đi qua cây cầu  núi là Tả Sơn Kiều hoặc Hữu Sơn Kiều. Hai cầu núi đều có chiều dài hơn 14m.

Ngôi Tam Bảo tòa chính cung được xây dựng, thiết kế theo lối kiến trúc kết hợp giữa Âu và Á, giữa cổ và kim. Phía bên ngoài, có họa tiết, hoa văn, phù điêu mang biểu tượng Phật giáo; và có rồng, có phượng, hoa sen, cánh đao…

Một nhà sư đang sinh hoạt tại chùa Cổ Lễ cho biết: Năm 1934, Hòa thượng Phạm Thế Long kế vị trụ trì. Năm 1936, ông cùng nhân dân, tín đồ Phật tử đúc một quả chuông đồng nặng 9 tấn; cao 4,2 m; đường kính 2,2 m; thành chuông dày 8 cm; gọi là chuông Đại Hồng Chung. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam tại thời điểm đó.

Quả chuông đồng nặng 9 tấn, được đúc từ năm 1936.

Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và chữ Hán là báu vật thiêng liêng của chùa Cổ Lễ. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, sợ chuông bị giặc phá hoại, người dân cùng nhà chùa vần chuông ngâm giấu dưới hồ.

Khi hòa bình lập lại (năm 1954), quả chuông đồng được kéo lên đặt ở bệ giữa lòng hồ. Trải qua thời gian dài, đến nay quả chuông vẫn còn được giữ nguyên vẹn và trở thành biểu tượng lịch sử của chùa Cổ Lễ.

Năm 1997, được sự giúp đỡ của người dân, nhà chùa đã xây dựng 1 gác chuông ở sau chùa với chiều cao hơn 13 m, rộng 8,21 m gồm 3 tầng tứ diện 12 mái. Tầng trên cùng treo quả chuông nhỏ đời Lê Cảnh Thịnh thế kỷ XV nặng khoảng 300 kg; hai tầng dưới treo quả chuông nặng 9 tấn, cùng trọng lượng với quả chuông đang được đặt ở giữa lòng hồ.

Chùa Cổ Lễ được thiết kế theo kiến trúc Nhất Thốc Lâu Đài.

27 nhà sư"cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận"

Chùa Cổ Lễ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoà thượng Thích Thế Long đã chủ trì buổi mít tinh trọng thể làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư "cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận" để bảo vệ quê hương. Đó là ngày 27/2/1947.

27 nhà sư này là những người yêu nước đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định. Song, trong số này cũng có người đến từ Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình.

Hôm đó, tại buổi lễ Cởi áo cà sa, chư ni Thích Đàm Nhung xúc động đọc lời phát nguyện:

"Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Việc quân đâu có quản gian lao
Gậy thiền quét sạch loài xâm lược
Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào".

Ngay sau đó,27 nhà sư đã "cởi áo cà sa", chính thức lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc.

Bên trong Ngôi Tam Bảo tòa chính cung chùa Cổ Lễ chủ yếu thờ Phật.

Theo lịch sử để lại, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhà sư đã lập nên nhiều chiến tích; tuy nhiên có 12 nhà sư đã hy sinh tại các mặt trận chiến trường.

Các nhà sư còn lại, sau khi xong nhiệm vụ cứu nước, có người tiếp tục ở lại quân ngũ giữ nhiều chức vụ cao, có người lại trở về cửa thiền tu hành, giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chiếc ba lô - một kỷ vật thời chiến của những nhà sư ra chiến trường đang được lưu giữ cần thận ở chùa.

Đây là một kì tích, dấu ấn hết sức đặc biệt của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Nam Định, chùa Cổ Lễ nói riêng. Phải nói rằng, sự kiện 12 nhà sư hy sinh nơi chiến trường đã trở thành 1 sự kiện quan trọng, đầy tự hào trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Năm 1999, để tưởng nhớ công ơn của những nhà sư đã anh dũng hy sinh bảo vệ đất nước, nhà chùa cùng một nhóm ni sư đã xây dựng một vườn tượng trong khuôn viên chùa.

Tại các bậc lên xuống có gắn nhiều rồng đá, lan can sấu cá, rồng cách điệu; còn ở trên nóc chùa có gắn rồng, phượng, hoa văn cổ…

Được biết, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Cổ Lễ vừa là nơi hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định, vừa cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực Sư đoàn 320, Đại đội 91 của tỉnh, Đại đội 75 huyện Trực Ninh.

Ngày nay, hàng năm, cứ từ ngày 13 - 16/9 Âm lịch, hội chùa Cổ Lễ lại được tổ chức tưng bừng với rất nhiều trò chơi dân gian như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người, đua tải trên dòng sông uốn lượn quanh chùa..., nhằm suy tôn Thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không - tổ sư nghề đúc đồng.

Xung quanh chùa có nhiều cây xanh, lối đi thông thoáng.

Trên cùng nóc Tòa Chính cung chùa Cổ Lễ được trang trí rất đẹp mắt.

Xe ô tô của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Hòa thường Thích Thế Long.

Trống đồng cổ xưa còn lưu giữ trong chùa Cổ Lễ.

Vường tượng 12 nhà sư đã hi sinh anh dũng để bảo vệ Tổ quốc.

Hàng năm, cứ từ ngày 13 – 16/9 Âm lịch, hội chùa Cổ Lễ lại được tổ chức với nhiều trò chơi văn hóa dân gian, trong đó có bơi thuyền

Chùa Cổ Lễ là công trình mang đậm kiến trúc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam. Năm 1988, chùa được Bộ Văn hóa xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa", là "Danh lam thắng cảnh quốc gia", đồng thời là trụ sở Phật giáo huyện Trực Ninh và là cơ sở trường hạ Phật giáo tỉnh Nam Định.

Chùa Cổ Lễ đã trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của huyện Trực Ninh nói riêng của của tỉnh Nam Định nói chung.

Mai Văn Chiến - Trần Quang
Ngôi chùa ở Nam Định gần ngàn năm tuổi, nơi có 'báu vật' nặng 9 tấn giữa lòng hồ

Được xây dựng từ thời Lý với tên tự Thần Quang, chùa Cổ Lễ là quần thể kiến trúc phật giáo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Nằm trên khu đất rộng hơn 10 mẫu Bắc Bộ tại huyện Trực Ninh (Nam Định), chùa Cổ Lễ hiện lên yên bình, trầm mặc giữa những khu nhà ở cao tầng, hiện đại. Ngôi chùa gần nghìn năm tuổi với những bức tường rêu phong bạc màu ấy đã âm thầm chứng kiến biết bao đổi thay của thời đại; lưu giữ trong mình sự trôi chảy của thời gian, của lịch sử và cả những giá trị văn hoá không thể đong đếm được. 




Đến chùa Cổ Lễ vào những ngày mùa hạ nắng chiếu, thế nhưng chỉ cần bước chân vào chùa, chắc hẳn ai cũng sẽ bị “cuốn” vào bầu không gian trầm cổ và an lành. Hồ nước trong xanh in bóng nền trời, những bóng cây to dịu mát và cả mùi thơm thoang thoảng của hoa cau... tất cả hoà cùng tiếng chuông thi thoảng ngân vang, mang theo những lời nguyện ước thành tâm của các phật tử. 





Chùa Cổ Lễ có hiệu là “Thần Quang Tự”, là công trình văn hoá kiến trúc Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ XII, thời vua Lý Thần Tôn để thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.

Chùa Cổ Lễ trước đây là ngôi chùa kiến trúc bằng gỗ. Trải qua sự phong hoá của mưa nắng và thời gian, ngôi chùa cổ xưa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1902, Đệ Nhất Sư Tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì chùa và đã cho trùng tu tái thiết lại ngôi chùa theo kiến trúc mới “Nhất Thốc Lâu Đài”.




Tổng cảnh quan của chùa nếu nhìn từ trên xuống, sẽ tạo thành chữ Thiện (lành) trong chữ Nho. Những dãy nhà, hồ nước, cây cầu… được kết hợp với nhau tạo thành không gian hài hoà, liền mạch. Từ cổng chùa đi vào là cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m. Tiếp đến là toà Phật Giáo Hội Quán Quan Âm Đài với hai bên là Phủ - Đền. Nối liền sau đó là Cầu Núi và hai dãy hành lang dài theo chùa. Phía cuối là toà Chính Cung cao 29m thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không bằng gỗ bạch đàn.





Chùa được thiết kế xây dựng bởi Đức Sư Tổ Phạm Quang Tuyên mà không cần một bản vẽ thiết kế nào. Đức Sư cũng không sử dụng những vật liệu hiện đại như xi măng, sắt thép... mà chỉ sử dụng những nguyên liệu nội địa như: vôi, gạch, cát, mật, muối….


Đặc biệt, kiến trúc của chùa là sự kết hợp độc đáo giữa văn hoá Đông - Tây. Đức Sư Tổ Phạm Quang Tuyên đã dung hoà những hoa văn, hoạ tiết, phù điêu… của Việt Nam trên nền mái vòm theo kiến trúc Gothic kiểu lâu đài của phương Tây, để tạo nên tổng thể đặc biệt, độc nhất.







Một trong những báu vật giá trị của chùa Cổ Lễ chính là quả chuông cổ lớn nhất Việt Nam, có tên gọi Đại Hồng Chung. Vào năm 1934, Hoà Thượng Phạm Thế Long kế vị trị trì chùa, đến năm 1936 Người cho đúc quả chuông đồng cao 4m20, đường kính 2m03 và nặng 9 tấn đặt giữa hồ nước trước toà Chính Cung. Quá trình đúc chuông thời bấy giờ hoàn toàn bằng thủ công, nên đòi hỏi rất nhiều công sức và sự tỉ mỉ, cẩn thận khi thực hiện.





Ngoài những giá trị về kiến trúc, Chùa Cổ Lễ cũng là nơi làm lễ cởi áo cà sa cho 35 vị Tăng Ny khoác chiến bào xông pha ra trận cứu nước từ năm 1947 đến năm 1981. Chùa được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia năm 1988.


Chính hội chùa Cổ Lễ được diễn ra vào dịp kỷ niệm ngày đại sinh Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không vào trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm.



Thùy Chi - Ảnh: Trần Việt Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét