24 tháng 9, 2021

Chùa Tôn Thạnh

Tên thường gọi: Chùa Tôn Thạnh

Chùa tọa lạc ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. ĐT: 072.874119. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Mặt bên chùa

Chùa Tôn Thạnh (năm 1990)


Mặt tiền chùa

Mặt bên chùa

Tiền đường

Chùa do Thiền sư Viên Ngộ dựng vào năm 1808 với tên chùa Lan Nhã.

Thiền sư Viên Ngộ húy Tánh Thành thuộc Thiền phái Lâm Tế chi phái Liễu Quán đời thứ 39. Ở nhà Tổ của chùa có đặt thờ bài vị các vị Tổ dòng thiền Liễu Quán: Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán (đời thứ 35), Tổ Tế Nhơn – Hữu Bùi (đời thứ 36), Tổ Đại Bửu – Ngọc Sâm (đời thứ 37), Tổ Đạo Tứ – Quảng Thanh (đời thứ 38), Tổ Tánh Thành – Viên Ngộ.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Tăng Ngộ tên là Nguyễn Chất (có tài liệu ghi Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Ngọc Ngộ) người huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Năm 1806, Chất phát nguyện đi tu nhưng cha mẹ không cho. Cha của Chất còn bảo: “Ta nghe nói, đức Phật là nhất thiết không hư, không có vật gì dính ở thân mình. Mầy muốn bỏ trần theo Phật thì hãy xuống bếp lấy tay cầm than lửa đem lên đây cho cha hút thuốc, cha mới tin là con có chân tâm phụng Phật”. Nghe cha nói xong, Chất xuống bếp lấy than lửa bỏ trên bàn tay mang lên, than cháy bỏng cả lòng bàn tay. Người cha phải cho Chất đi tu.

Ngài xuất gia tại chùa Vĩnh Quang, được ban pháp danh là Viên Ngộ, người đời thường gọi là Tăng Ngộ. Ngài học đạo với hai vị Hòa thượng Đạo Huệ – Huyền Quảng và Đạo Tứ – Quảng Thanh. Ngài chuyên tâm tu hành, giới hạnh trang nghiêm, mỗi ngày chỉ ăn bữa Ngọ.

Điện Phật (năm 1990)

Điện Phật (năm 2003)

Điện Phật

Bàn thờ Tổ

Ngoài việc tu học, ngài còn tham gia những công việc của cộng đồng. Ngài đã phát tâm một mình chặt gai đốn cây, sửa con đường từ Đông sang Tây ở trong làng bị bùn lầy, cây cối rậm rạp, có cả hùm beo trú ẩn, để người dân đi được thuận tiện, an toàn.

Năm 1808, ngài đến làng Thanh Ba (Cần Giuộc) cất chùa Lan Nhã rộng lớn (sau chùa đổi tên là Tông Thạnh. Đến năm 1841, vì kỵ húy tên vua Thiệu Trị là Miên Tông nên chùa đổi tên là Tôn Thạnh). Tại chùa, ngài cho mời thợ đúc từ Quy Nhơn vào đúc pho tượng Bồ tát Địa Tạng bằng đồng. Lần đầu, do phía sau tượng còn khuyết một lằn to bằng ngón tay, nên lần sau, ngài Viên Ngộ đã chặt một ngón tay ở bàn tay phải của mình bỏ vào nồi đồng, pho tượng được viên mãn.

Theo kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, đức Phật Thích Ca phó chúc cho ngài Địa Tạng cứu độ chúng sanh sau khi Phật nhập Niết bàn cho đến lúc đức Di Lặc ra đời. Biểu tướng của ngài thường được các chùa tạc tượng thờ là người xuất gia, đầu tròn, mặc áo ca sa, tay mặt cầm tích trượng có mười hai khoen (ý nghĩa là ngài luôn dùng pháp thập nhị nhân duyên cảnh tỉnh chúng sanh), tay trái nắm hạt minh châu (biểu thị ánh sáng trí tuệ).

Tượng đức Phật Thích Ca

Tượng Bồ tát Địa Tạng

Tượng Bồ Tát Địa Tạng (năm 1990)

Tượng Bồ Tát Địa Tạng bằng đồng (năm 2003)

Tượng Bồ tát Địa Tạng ở chùa cao 110cm, ngồi trên mình con thanh sư . Tay phải ở tư thế kết ấn, tay trái đặt ngửa ngang ngực, lòng bàn tay chứa hạt minh châu. Sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (NXB. TP. HCM, 2002) cho biết đây là Bảo Châu Địa Tạng, là một trong sáu hình tướng của vị Giáo chủ cõi u minh – gọi là Lục Địa Tạng. Về tư thế tay là sự kết hợp giữa hai hình thức ấn quyết khác nhau: Thí vô ấn úy và An ủy ấn, làm cho tượng ít nhiều sinh động, giảm được tính chất đăng đối của thế ngồi trang nghiêm và sự tĩnh tại do hiệu quả của chiếc mũ tì lư trên đầu cùng con thanh sư quỳ mọp bên dưới bất động.

Về sau, cha ngài bị bệnh nặng, ngài lập đàn khấn nguyện trường tọa mười năm (ngồi luôn, không nằm) để cầu thêm tuổi thọ cho cha.

Năm 1820, trong vùng phát bệnh đậu mùa, nhiều người bị chết. Ngài lập đàn cầu kinh mật nguyện chung thân tịnh cốc (không ăn suốt đời) cầu nguyện cho người dân được bình yên. Cả vùng đều được bình an.

Đến năm 1846, ngài quyết định tuyệt thủy rồi viên tịch vào ngày 19 – 02 năm Bính Ngọ. Người trong làng xây tháp thờ Ngài trong khuôn viên chùa.




Tượng La Hán

Tượng La Hán (năm 2003)

Tượng Giám Trai

Tượng Tiêu Diện

Tượng đức Phật


Tượng La Hán

Tác giả Nhật Hà trong bài Chùa Tôn Thạnh được công nhận là Di tích lịch sư – văn hóa (Báo Giác Ngộ số 122, ngày 01 – 8 – 1998) cho biết tại xã Mỹ Lộc ngày nay có một địa danh Giồng Ông Ngộ để ghi nhớ công lao của vị cao tăng này.

Chính ở chùa này, cụ Nguyễn Đình Chiểu làm nơi viết văn, dạy học, hốt thuốc trị bệnh cứu người. Dưới mái chùa Tôn Thạnh, cụ đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học bất hủ như Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… Hiện trong khuôn viên chùa có tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, dựng năm 1973. Nội dung trên bia được ghi bằng chữ Quốc ngữ như sau: “Dưới mái chùa Tôn Thạnh này, từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862), Đại Chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) bề ngoài mở lớp dạy học, bên trong lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp. Và cũng nơi đây, cụ đã sáng tác thơ Lục Vân Tiên”.

Tháp Tổ Viên Ngộ

Văn phòng ban đại diện Phật giáo huyện Cần Giuộc đặt tại chùa

 Long vị Tổ Liễu Quán

Bản lưu ký của Tri huyện Võ Văn Kiết

Long vị Tổ Ngọc Sâm

Long vị Tổ Quảng Thanh

Long vị Tổ Viên Ngộ

Nhân dịp kỷ niệm 176 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Đình Chiểu (01 – 7 – 1822 đến 01 – 7 – 1998), tỉnh Long An đã long trọng tổ chức Lễ rước bằng di tích lịch sử – văn hóa chùa Tôn Thạnh theo quyết định số 2890 của Bộ Văn hóa & Thông tin.

Điện Phật chùa được bài trí tôn nghiêm. Bàn thờ giữa tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca, tượng Di Dà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí), tượng Đản sanh, tượng Di Lặc, tượng Hộ Pháp. Các bàn hai bên thờ tượng Bồ tát Địa Tạng, Thập bát La hán… đặc biệt, chùa còn giữ pho tượng cổ Tiêu Diện bằng đất nung.

Chùa đã được đại trùng tu năm 2005.

Chùa đặt văn phòng Ban Đại diện Phật giáo huyện Cần Giuộc. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Biển tên chùa

Bia ghi cụ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác tác phẩm Lục Vân Tiên tại chùa

Chân dung Tổ Viên Ngộ

Hoa sen

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Vẻ đẹp cổ kính của Chùa Tôn Thạnh ở Long An

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ngôi chùa có lịch sử hơn 200 năm tuổi, là nơi Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn, một chí sĩ yêu nước của dân tộc Việt Nam từ năm 1859 – 1861 đã sống và sáng tác bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng. 

Cổng tam quan 

Theo sử liệu, chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã, do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808) sau đó ít lâu chùa có tên mới là là chùa Tông Thạnh, mãi cho đến năm 1841, vì kỵ húy tên của vua Thiệu Trị là Miên Tông nên chùa bắt buộc phải đổi tên là chùa Tôn Thạnh với ý nghĩa mong mỏi dòng dõi sau này đời đời hưng thịnh. 

Vào năm 1820, trong vùng Long An phát bệnh đậu mùa lan rộng, có rất nhiều người bị bệnh dẫn đến cái chết. Cảm thương trước đại nạn, Đại bi tâm phát khởi, Thiền sư Viên Ngộ lập đàn cầu kinh tiêu tai, giải ách, phát khởi mật nguyện chung thân tịnh cốc (không ăn suốt đời) cầu nguyện cho đại dịch tiêu tan, cầu cho quanh vùng được bình an và quả nhiên linh ứng nhiệm màu. 

Đến năm 1846, ngài quyết định tuyệt thủy rồi viên tịch vào ngày 18/2 năm Bính Ngọ. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình đem lại điều lành cho chúng sinh, người dân quanh vùng xây tháp thờ trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh. Chính vì vậy chùa Tôn Thạnh còn được gọi là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ, Lão Ngộ. 

Tháp thờ Thiền sư Viên Ngộ 

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, chùa Tôn Thạnh trông “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” nổi tiếng ở đất Gia Định xưa. Trải qua nhiều năm lịch sử, chùa Tôn Thạnh đã được tu sửa lại và xây dựng thêm một số công trình mới, nhưng vẫn không làm mất đi những nét cổ xưa u tịch ngày nào. 

Con đường dài dẫn vào chùa đi qua cổng lớn đề tên “Chùa Tôn Thạnh” được dựng vào năm 1960; hai bên đường là hàng cây cổ thụ xanh mát, khiến du khách nghe lòng an nhiên bỏ trút đằng sau những ồn ào của phố thị để bước vào chốn tâm linh thanh tịnh. 

Tổng thể kiến trúc nếu quan sát trên cao thì thấy gần giống chữ đinh, thứ tự từ trước ra sau bao gồm: Mặt tiền sân trước, Chính điện, Nhà giảng, hành lang Đông, hành lang Tây với mái lợp ngói, tường xây gạch. 

Chánh điện cổ kính 

Chánh điện có diện tích khá khiêm tốn nhưng lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật qua các cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX và các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thiếp vàng. 

Mái ngói lợp kiểu vảy cá truyền thống 

Giá trị nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cao 110 cm, đúc bằng đồng. Tương truyền pho tượng này được đúc tới hai lần. Lần đầu đúc xong thì phát hiện phía sau còn có một khe nứt nên khi đúc lần sau, thiền sư Viên Ngộ đã chặt một ngón tay cho vào nồi nấu đồng và lần đúc này đã thành công viên mãn. 

Bên trong chánh điện 

So với nhiều chùa khác ở Nam Bộ, Tôn Thạnh không phải là ngôi chùa cổ nhất, cũng không phải là ngôi chùa có kiến trúc bề thế, nghệ thuật. Song nơi đây từ năm 1859 đến 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đến ở đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ, bốc thuốc trị bệnh và tham mưu cho nghĩa quân chống Pháp. Và cũng chính tại ngôi chùa này, ông đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong áng văn bất hủ, có đoạn viết: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm/Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.”, đồng thời hoàn thành thi phẩm nổi tiếng: Lục Vân Tiên. 

Sân Thiên tỉnh 

Hiện trong khuôn viên chùa có tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, dựng năm 1973. Tấm thứ 2 vừa được dựng lên vào tháng 6-1998 ca ngợi công đức của Cụ Đồ Chiểu và kỷ niệm ngày chùa được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27 tháng 11 năm 1997. 

Tấm bia kỷ niệm về cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu 

Trong khung cảnh thanh bình, yên ả, đứng trước tấm bia ca ngợi công đức của cụ Đồ Chiểu trong khuôn viên chùa, bồi hồi đọc lại những dòng chữ, câu từ của Áng Văn tế bi hùng thuở trước, ta lại càng thấy tự hào và biết ơn bao anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh bảo vệ non sông. 

Tượng Phật trong khuôn viên 

Du lịch Long An, đến chùa Tôn Thạnh ghé thăm một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén tâm hương trước bảo tháp của Thiền sư Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ngày nào đã từng ở tại chùa Tôn Thạnh viết nên những áng thơ, văn tuyệt tác để lại cho đời càng làm chuyến đi thêm phần ý nghĩa.

Chùa cổ Tôn Thạnh

Thuộc địa phận xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, chùa cổ Tôn Thạnh có lịch sử hơn 200 năm tuổi, là nơi Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn, một chí sĩ yêu nước của dân tộc Việt Nam từ năm 1859 - 1861 đã sống và viết những áng văn bất hủ cho nền văn học nước nhà… 

Theo sử liệu, chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã, do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808). Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Thiền sư Viên Ngộ thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình đem lại điều lành cho chúng sinh, người dân quanh vùng còn gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ, Lão Ngộ. 

Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ nhất Long An ban đầu có tên là chùa Lan Nhã được Thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.


Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, chùa Tôn Thạnh trông “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” nổi tiếng ở đất Gia Định xưa.

Một góc vườn chùa trồng cây cảnh và non bộ tạo cảm giác yên bình trong chùa Tôn Thạnh.

Mái ngói chùa có nhiều hoa văn cổ rất đẹp.

Chùa Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ thu hút nhiều khách hành hương và du lịch. 

Mười sáu năm sau khi Thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong thời gian 3 năm (1859 - 1861), nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi viết văn và bốc thuốc trị bệnh cứu người. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu (1861), một trong ba cánh nghĩa quân Cần Giuộc đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan Hai Phú Lang Sa (cách gọi quân Pháp lúc bấy giờ theo phiên âm Hán-Việt). Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người “dân ấp, dân lân”, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” tại chùa Tôn Thạnh.

Hiện dấu tích về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được lưu lại ngay trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh qua hai tấm bia, tấm thứ nhất lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng năm 1973, tấm thứ hai trích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” xây dựng năm 1998. Ngoài ra, trong vườn còn có tháp ba tầng hình lục giác, cao 4,5m của Tổ sư Viên Ngộ với tầng trên cùng chạm nổi dòng chữ “Nam mô A di đà Phật” và tháp Tổ Tắc Thành hình vuông, ba tầng, cao 3m.

Qua nhiều lần trùng tu, chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh ‘’rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng’’ như xưa. Thay vào đó là một tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, hành lang phía đông, hành lang phía tây, mái ngói, tường gạch. Tuy nhiên, chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng và giá trị nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cao 110cm, đúc bằng đồng. 

Chánh điện chùa Tôn Thạnh.

Nhà sư trụ trì bên quả chuông cổ có từ thời xây dựng chùa Tôn Thạnh.

Trải qua nhiều năm lịch sử, chùa Tôn Thạnh vẫn giữ gần như nguyên vẹn nét cổ kính với phần lớn các chi tiết gỗ, nhiều pho tượng bằng đất nung... 

Tượng Phật tổ trong chánh điện.

Tượng Địa Tạng Vương Bồ tát. 

Trích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong chùa Tôn Thạnh.

Tấm bia lưu lại dấu tích của cụ đồ Chiểu từng viết văn, dạy học và chỉ đạo nghĩa sĩ Cần Giuộc kháng Pháp. 

Đến viếng chùa Tôn Thạnh, thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén nhang tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào, chắc hẳn chuyến tham quan của du khách sẽ trở nên thú vị và bổ ích hơn rất nhiều.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét