12 tháng 4, 2022

Chùa Bửu Hưng (chùa Cô Hồn)

BỬU HƯNG TỰ (CHÙA CÔ HỒN)
  • Địa điểm: số 241 đường Phan Đình Phùng, phường Quang Vinh, Tp.Biên Hòa
  • Năm xây dựng: 1920
  • Người xây dựng: Dân làng
  • Trụ trì hiện nay: Sư cô Diệu Minh
  • Năm trùng tu: 1967, 1999
  • Hệ phái gốc: Phật Giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng
  • Điện thoại: 061. 947649
Chùa Bửu Hưng

Năm 1920, do nhu cầu cần có ngôi Tam bảo hầu mong tiếng mõ lời kinh sẽ xua đi chướng khí của vùng đất còn nhiều u tịch, siêu độ những vong hồn vô chủ chưa được siêu thoát, nguyện cầu cuộc sống an bình, người dân trong vùng đã quyên góp tiền của, công sức dựng nên chùa Bửu Hưng. Từ ngày được xây dựng đến nay, Bửu Hưng Tự trải qua nhiều đời sư trụ trì. Vị sư đầu tiên không rõ pháp danh, được thỉnh về chùa không bao lâu thì viên tịch. Bửu Hưng Tự vắng sư thời gian dài. Năm 1958, cư sĩ Thích Thiện Hương tự Thiện Tánh (thế danh Nguyễn Văn Quế) được thỉnh về lo việc hương đăng. Từ năm 1965 đến nay, chùa trải qua các đời kế nhiệm trụ trì: thầy Thích Viên Đức (1965), Thượng tọa Thích Thiện Nguyệt (1966), thầy Thích Quảng Châu (1967) và từ năm 1970 đến nay, chùa do Sư cô Diệu Minh.

Bửu Hưng Tự quay hướng tây nam, tọa lạc trên ngọn đồi thấp, khuôn viên gần 3.000 m2, được bao bọc bởi vòng rào xây bằng gạch, đã trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu vào những năm 1960, 1963 khi Viện Hóa đạo mượn làm văn phòng. Ngôi chùa được trùng tu qui mô vào năm 1967, Thượng tọa Thích Thiện Nguyệt trụ trì tại chùa đã cho sửa chữa toàn bộ phần chánh điện: thay mái ngói, lót lại nền gạch; gia cố tường, móng; tu bổ bệ thờ; đặt tượng Phật Di Lặc, Quan Âm trước mặt tiền chùa và xây dựng thêm một số công trình phụ khác như lập trường Bồ đề kỳ nhi, Cô nhi viện, mở phòng chữa bệnh đông y từ thiện... Năm 1999, Sư cô Diệu Minh trùng tu nhà thờ Tổ, nhà giảng: thay cột gỗ, lót lại nền, thay ngói âm dương bằng tole giả ngói.

Chùa Bửu Hưng kiến trúc hình chữ Nhị (=) gồm: chánh điện, nhà giảng nối tiếp nhau. Tả, hữu của nhà giảng là lớp học, nhà bếp, liêu phòng Tăng Ni và Sư trụ trì. Trước chùa có cây bồ đề to, tán rộng phủ bóng mát tô điểm cảnh chùa thêm vẻ cổ kính, trang nghiêm. Giữa sân, đối diện cổng chính là tượng Phật Di Lặc, bên trái tượng Quan Thế Âm ngự toà sen. Phía sau tượng Quan Thế Âm là miếu Bà, bên phải là miếu Cô Hồn thờ vong linh các nghĩa sĩ trại Lâm Trung bị giặc Pháp xử bắn năm 1916.

Chánh điện có diện tích 53,9 m² (7,7mx7m) xây theo kiểu tứ trụ truyền thống. Cột bê tông, bốn mái lợp ngói móc, giữa nóc gắn chữ Vạn được thiết kế dạng vòng tròn tượng trưng cho vòng luân hồi của giáo lý nhà Phật. Trên cửa chánh điện có tấm hoành phi sơn son khắc tên chùa bằng chữ Hán. Các tượng Phật an vị trên bệ thờ bằng xi măng gồm tượng Phật Di Lặc, Địa Tạng Bồ tát, Quan Thế Âm, Phật Thích Ca và Phật đản sanh. Tả hữu đặt tượng Hộ Pháp, tượng ông Tiêu, giá treo chuông và trống.

Ni sư Thích Nữ Diệu Minh

Sau chánh điện là nhà thờ Tổ thờ Tổ sư Đạt Ma và vong linh những người đã khuất. Hậu cung (nhà giảng) thờ Phật Chuẩn Đề và linh vị các Sư thầy đã viên tịch.

Bửu Hưng Tự là di tích lịch sử được UBND tỉnh xếp hạng. Năm 1978, nơi đây gắn liền với một sự kiện cách mạng quan trọng. Tháng 6/1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Minh Châu, Hội nghị cán bộ Đảng Biên Hòa triệu tập ở gian phía sau chùa. Hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền, thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Chùa là cơ sở cách mạng, tiếp tế lương thực, thuốc men cho kháng chiến. Đến ngày thống nhất đất nước, Sư cô Diệu Minh cùng các Tăng Ni Bửu Hưng Tự không ngừng phát huy truyền thống nhà chùa, thực hiện hạnh nguyện "tốt đạo đẹp đời", tích cực hoạt động từ thiện, quyên góp trợ giúp Hội người mù, trẻ mồ côi, đồng bào bị thiên tai...

Sư cô Diệu Minh, thế danh Lê Thị Cúc, sinh năm 1941 tại tỉnh Hải Dương. Trước khi xuất gia Sư cô tham gia học châm cứu, cắt giác... và dần ngộ ra rằng: dòng đời là bể khổ trầm luân, chỉ có con đường xuất gia làm con Phật mới giải thoát được bản ngã của con người trần tục, cứu khổ cứu nạn chúng sanh thoát bể khổ đường mê. Hạt giống bồ đề cứ lớn dần trong tâm tưởng, năm 1964 Sư cô xuất gia, tu học và thọ Pháp với Hòa thượng Thích Thiện Nguyệt chùa Tam Bảo (Sài Gòn). Thọ Tỳ kheo ở Long Thiền Tự do Hòa thượng Thích Huệ Thành giới đàn năm 1967. Từ khi xuất gia đến nay, Sư cô Diệu Minh hiến dâng cả cuộc đời mình nơi cửa Thiền môn. Bước chân Sư cô dong ruổi khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam làm việc từ thiện, giữ nghiêm giới răn, làm tròn bản ngã người chân tu, được nhận Huy chương "Vì sự nghiệp Chữ Thập đỏ Việt Nam" của Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam năm 2000, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh hội Phật giáo, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tp.Biên Hòa...

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Ngôi chùa mang tên Chùa Cô hồn

Dân Biên Hòa hầu hết đều biết hoặc nghe tên chùa Cô hồn, cái tên nghe là lạ. Thật ra chùa có tên là Bửu Hưng, nằm ở đầu đường Phan Đình Phùng. Nguồn gốc tên chùa Cô hồn là một câu chuyện lịch sử bi tráng.


Đầu thế kỷ 20, một Hội kín yêu nước được lập nên ở Biên Hòa, mang tên trại Lâm Trung. Trại chiêu tập người, tổ chức luyện tập võ nghệ, trang bị vũ khí, tích trữ lương thực…chờ thời cơ đánh Pháp. Người dân xem những trại viên Lâm Trung trại như những vị hảo hán Lương Sơn Bạt. Căn cứ trại đóng tại núi Gò Mọi, vùng Thiện Tân, Vĩnh Cửu.

Cuối tháng 1/1916, nghĩa quân trại Lâm Trung chia làm nhiều toán tấn công vào các nhà hội ở Tân Trạch, Tân Khánh, Tân Lương… và khám đường Biên Hoà, chợ Tân Uyên (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Biên Hoà). Cuộc tấn công làm cho quân Pháp và chính quyền tay sai ở Biên Hoà bất ngờ. Thế nhưng, sau đó, quân Pháp tập trung lực lượng đàn áp, lùng bắt các trại viên. Tháng 3/1916, giặc Pháp bắt được các trại viên chủ chốt trại Lâm Trung.

Tháng 6/1916, thực dân Pháp lập toà án xử các trại viên Lâm Trung và tuyên án tử hình 9 người tại Dốc Sỏi (xóm Bình Thành, nay là đầu đường Hưng Đạo Vương). Trước khi bị xử bắn, một số trại viên đã tỏ rõ khí tiết hiên ngang, dõng dạc tuyên bố trước họng súng quân thù “Ta sinh làm tướng, chết làm thần, chúc bà con ở lại mạnh giỏi”, “Cứ bắn ta đi, ta xem cái chết như quy thị tân gia”.
Thi thể của các trại viên bị xử tử được chôn chung trong một nấm mộ (hiện nay vẫn chưa xác định được vị trí). Người dân tiếc thương và ngưỡng mộ tinh thần bất khuất của các nghĩa sĩ nên lập một miếu thờ tại nơi các vị đã hy sinh vào năm 1918. Để tránh sự dòm ngó của chính quyền Pháp, họ gọi đây là Miếu Cô hồn.

Năm 1920, ngôi miếu được chuyển về khu đồi cao, tức là vị trí hiện tại ở đường Phan Đình Phùng, đồng thời xây cất lại thành một ngôi chùa mang tên Bửu Hưng tự. Thuở ấy, đây chỉ là một ngôi chùa đơn sơ. Vị sư đầu tiên được thỉnh về trụ trì một thời gian thì viên tịch, nay không rõ pháp danh. Từ đó chùa không có trụ trì mãi cho đến 1958. Chùa được trùng tu vào những năm 1960, 1963, trùng tu với quy mô lớn năm 1967. 1999. Tuy vậy đến nay đây cũng chỉ là một ngôi chùa nhỏ và khá đơn sơ. Chánh điện chùa có diện tích 54 
m2 (7,7 x 7 m).

Chánh điện chùa


Các cụm tượng và miếu thờ ở khuôn viên chùa

Chùa Bửu Hưng được công nhận là Di tích Lịch sử Cách mạng cấp tỉnh, nhưng lý do chính không phải là vì gắn liền với sự kiện lịch sử của 9 vị nghĩa sĩ Lâm Trung trại như kể ở trên, mà vì lý do sau:

Vào tháng 6 năm 1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Minh Châu, hội nghị cán bộ đảng ở Biên Hòa đã được triệu tập ở gian phía sau chùa. Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chánh quyền trong cách mạng tháng Tám; thành lập ủy ban khởi nghĩa; lấy tổ chức Thanh niên Tiền phong để tập họp đồng đảo các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, người lao động sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ, vận động binh lính của Pháp ngã theo cách mạng giao nộp vũ khí...

Ngôi miếu cô hồn trong khuôn viên chùa, nơi hương khói cho 9 nghĩa sĩ Lâm Trung trại

Gác lại những câu chuyện lịch sử, thì hiện nay mặc dù là một ngôi chùa nhỏ, nghèo nhưng Bửu Hưng tự thường xuyên tổ chức những bữa cơm từ thiện, giúp đỡ những số phận cơ nhỡ. Hằng năm, vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 nhà chùa đều tổ chức lễ cầu an cho bá tánh và cầu siêu cho các linh hồn anh hùng liệt sĩ theo nghi thức Phật giáo.

Phạm Hoài Nhân

Chùa Bửu Hưng

Tên tự viện: CHÙA BỬU HƯNG

Địa chỉ: Số 06 (cũ 241), đường Phan Đình Phùng, khu phố 2, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại liên lạc: 090 7285499 (Sư cô Thích nữ Giới Huệ).

Hệ phái: Bắc tông

Môn phong: Cổ truyền

Năm thành lập: 1920.

Khai sơn: Cố Hòa thượng Thích Quảng Châu.

Trụ trì hiện nay: Ni trưởng Thích nữ Diệu Minh.

Chùa Bửu Hưng đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.









Đức Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét