12 tháng 4, 2022

Hiển Lâm Sơn Tự (chùa Hóc Ông Che)

HIỂN LÂM SƠN TỰ
  • Địa điểm: ấp 6, xã Hoá An, Tp.Biên Hòa
  • Năm khai sơn: 1920
  • Người khai sơn: Thiền sư Huệ Lâm
  • Viện chủ: Ni sư Thích nữ Diệu Thể
  • Người trụ trì: Đại đức Thích Huệ Ninh
  • Năm trùng tu: 1930
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 954969
Từ trung tâm thành phố Biên Hòa theo Quốc lộ 1K qua cầu Hóa An khoảng 200m tới ngã ba rẽ phải 500m là đến chùa Hiển Lâm. Chùa cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 2km theo đường chim bay về phía tây-nam, toạ lạc trên một ngọn đồi thấp nhìn xuống cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, xa xa là con sông Đồng Nai uốn khúc.

Chùa Hiển Lâm Sơn Tự

Hiển Lâm Sơn Tự hay chùa Hóc Ông Che cả tên dân gian lẫn tên chữ Hán đều chỉ một ngôi chùa ở chốn rừng sâu. Chùa do Thiền sư Huệ Lâm (tục danh Bùi Văn Tươi) khai sơn năm 1920. Thiền sư Huệ Lâm (1887-1945) là con một pháp sư danh tiếng ở Biên Hòa, khi lớn lên Thiền sư xuất gia làm đệ tử Hoà thượng Khánh Lâm ở chùa núi Châu Thới. Tục truyền sau một thời gian tu học, Huệ Lâm được thầy rất quí mến truyền hết những bí pháp và truyền rằng Huệ Lâm đi về phía hóc rừng nọ lập chùa để hoằng hóa chúng sanh. Thoạt đầu, ông xe một cái chòi nhỏ, có lẽ vì thế mà người ta gọi là "Hóc có ông che chòi". Lại có người cho rằng do đêm người ta nghe tiếng rừng thiêng lảnh lót như tiếng che ép mía nên gọi nơi đó là Hóc Ông Che. Thiền sư Huệ Lâm lẳng lặng giữa rừng, ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, đêm đêm tụng kinh siêu độ, cầu an. Hàng ngày ông đào đất đắp thành gò, lâu dần tạo thành quả đồi chẳng khác thiên tạo. Ngôi chùa cổ kính theo đó dựng lên. Ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ, thấp, cột làm bằng gỗ thường, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét, dần dà những Phật tử đến đây kẻ góp công người góp của xây dựng lại chùa. Từ đó đến nay chùa đã nhiều lần trùng tu, tuy nhiên kiến trúc gỗ và mái ngói vẫn không thay đổi đến ngày nay.

Hiển Lâm Sơn Tự thực sự là một quần thể tín ngưỡng đa tạp: Chùa, miễu, am. Mỗi cơ sở thờ tự của chùa đều có một truyền thuyết khác nhau phản ánh chặng đường khẩn hoang kỳ vĩ của những người đi mở đất ở xứ Đồng Nai. Đảnh bà thờ Linh Sơn thánh mẫu, bà Ngũ Hành, bà Nữ Oa, được xây bằng đá xanh gồm những phiến đá có kích thước lớn (3mx20cmx20cm) ghép lại với nhau tạo thành.

Hoành Phi

Am chư vị thờ các vị âm binh, âm tướng cũng có một truyền thuyết rất thú vị: Thuở nọ, đây là một khu rừng hoang vắng đầy thú hoang, chim chóc. Ở đó có một con cọp dữ khôn lanh không ai trừ được. Chính vì vậy mà khu rừng lại càng hoang vắng vì không mấy ai cả gan héo lánh vào. Thời đó, ở vùng Tân Khánh có thầy Năm Minh là người giỏi võ có tiếng và ở Tân Ninh (Dĩ An) cũng có một thầy võ xuất chúng ở miệt dưới về đây lập nghiệp. Cả hai kết nghĩa huynh đệ thân thiết như ruột thịt. Hôm nọ, biết cọp dữ làm hại người ở vùng Hóc Ông Che thì hai vị quyết định đưa đồ đệ đến tìm giết cọp. Họ chia lực lượng thành ba cánh, chặt cây phá bụi đi vào rừng sâu tìm cọp dữ mà đánh. Khoảng giữa buổi thì họ đụng cọp, người và thú đánh nhau từ sáng đến chiều không phân thắng bại. Đám học trò yếu sức dạt ra, chỉ còn lại hai thầy, tay đánh, miệng hô phù phép gọi âm binh, âm tướng suốt đêm. Sáng hôm sau dân làng nổi mõ cùng đám học trò vô rừng xem thì hỡi ơi, hai ông thầy võ bị cọp vồ nằm chết bên xác cọp dữ. Tục truyền, đám âm binh, âm tướng của hai thầy võ gọi đến trợ lực vì chủ bị chết bất đắc kỳ tử, chưa kịp thu hồi nên chúng bơ vơ vất vưỡng nơi rừng hoang hiển lộng làm khiếp đảm người đời. Từ khi Thiền sư Huệ Lâm về đây lập chùa, nhờ đạo cao đức trọng của mình đã thu phục số âm nhơn này và lập am chư vị làm chỗ nương tựa cho chúng. Các tượng âm binh, âm tướng làm bằng gỗ có thể nói đây là một tập đại thành đặc biệt độc đáo theo khả năng tưởng tượng của người tạo tác. Theo nhà nghiên cứu dân gian Huỳnh Ngọc Trảng thì "Các tượng âm binh, âm tướng này phải chăng là những người Mọi ở đầu nguồn được mua làm điền nô, mỗi nhà có từ 50 đến 60 người. Trong buổi đầu khẩn hoang ở xứ Đồng Nai như tác giả Phủ Biên tạp lục đã đề cập đến từ cuối thế kỷ XVII".

Phật Điện

Chùa Hiển Lâm Sơn tọa lạc trên ngọn đồi thấp thành tạo nhờ công sức của những người khẩn hoang ở vùng đất này. Toàn cảnh chùa được bài trí rất đẹp, đường từ cổng vào chùa lát bằng gạch, đá xanh. Kiến trúc của chùa làm theo kiểu chữ Đinh (丁) gồm chánh điện, nhà Tổ và nhà giảng. Kiểu thức kiến trúc dạng tứ trụ, toàn bộ hệ thống cột, kèo, rui, mè của chùa bằng gỗ, mái lợp ngói vảy cá, móng cột và móng nền là những khối đá xanh. Mặt tiền chánh điện được làm theo kiểu chùa Huế. Nơi Bảo điện trang nghiêm thờ Tam thế Phật, Tứ Đại Thiên Vương, Chuẩn Đề, Phạm Thiên Đế Thích, Văn Thù Bồ tát, A Nan, Ca Diếp, Bát bộ Kim Cương. Hai bên hành lang thờ Thập bát La Hán, Đạt Ma Tổ sư và Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình, Châu Xương. Hậu điện thờ Phật Chuẩn Đề, bà Chúa khai sơn, đức linh bà Chúa khai sơn. Nhà hậu Tổ cũng xây theo kiểu tứ trụ, khu vực trung tâm thờ Tổ Huệ Lâm Thiền sư, Phật Di Lặc Lục Lặc, Pháp Hoa Bồ tát, Đại Diệu tướng Bồ tát, Tam Tạng, Mẫu Công, Đạo Minh, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Chủ Mang quỉ Vương, Sa Tăng. Ngoài ra, Am chư vị và tháp Tổ sư được xây bên phải chùa. Am chư vị thờ các âm binh, âm tướng, ông ba đầu sáu tay, ông ba mặt, ông ba sừng, ông hai sừng, ông một sừng... và các âm nhơn khác.

Điều đặc sắc nhất của chùa Hiển Lâm Sơn là các bộ tượng (gỗ và gốm đất nung) hiện đang thờ ở chùa. Bộ tượng gốm là do Sư Điền (pháp danh Lệ Hạnh-Thiền Viên) sinh năm 1893 là tác giả. Ông là người có năng khiếu tạo dựng, cùng với ông Bùi Văn Cần (là người giỏi làm nghề đồ mã), học nghề làm gốm từ ông Bùi Văn Láng và Bùi Văn Bồi. Sư Điền đến lò ông Trần Lâm tạo tác tượng tại chỗ, sau đó nung bằng trấu.

Cố Thiền Sư Huệ Lâm

Bộ tượng gốm đất nung này gồm 96 tượng, được làm thuần túy bằng phương pháp thủ công, là sản phẩm của những người thợ gốm không chuyên, tạo tác với những nét mộc mạc, hồn nhiên gần gũi với đời thường. Khác hẳn với những nét tôn nghiêm chuẩn mực thường gặp ở những bức tượng do giới chuyên nghiệp tạo tác, các tượng La Hán, Minh Vương, Ngọc Hoàng, Di Đà Tam tôn, Giám Trai, Địa Tạng, Táo Quân, Phật đản sinh, Di Lặc, Phật Chuẩn Đề, Chủ Mạng Quỉ Vương, Mẫu Công, Đạt Ma Tổ sư, Sa Tăng, Hộ Pháp, Bát bộ Kim Cương, Tứ Đại Thiên vương, Quan Công, các nữ thần.... Mỗi tượng đều đạt trình độ nghệ thuật đáng chú ý. Tượng Địa Tạng ngồi trên con Thanh Sư có thể nói là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc với tỷ lệ hợp lý, chuẩn mực, cách thể hiện khuôn mặt, đôi mắt tất cả tạo nên một thần thái trang trọng và độ lượng. Tượng Di Lặc Lục Lặc đã được sáng tạo trên sự cân nhắc đến từng chi tiết. Sáu đứa trẻ tượng trưng cho Lục căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý) ở đây đã được bố trí hợp lý không làm cho rối rắm và hạn chế sự nổi trội của đối tượng chính đó là Phật Di Lặc như hầu hết các tượng thuộc đề tài này mà chúng ta thường thấy trong các chùa ở Nam bộ. Các tượng Bát bộ Kim Cương đều có diện mạo thanh tú và hiền từ của "võ tướng, tướng văn" ít nhiều phóng túng trong ý tưởng sáng tạo. Điều này khác hẳn với vẻ oai vệ và dữ dội của các tượng Kim Cương khác.

Trong hầu hết các chùa ở Nam bộ, các pho tượng lớn đều là tượng gỗ hay tượng làm bằng hợp chất xi măng. Chỉ duy nhất pho tượng Bồ tát Chuẩn Đề của chùa Hóc Ông Che là tượng gốm đất nung đạt kích cỡ lớn. Nhận xét về tập hợp tượng đất nung ở chùa Hiển Lâm Sơn, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: "Đây có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật tượng đất nung sơn thếp ở Đồng Nai. Rõ ràng bộ tượng này trở thành chuẩn mực nhờ sự gia công các thể phụ trang trí nhằm nâng loại tượng này lên một mức cao theo hướng dụng công tỉ mỉ. Đó là nét độc đáo hiếm thấy và không có một dị bản thứ hai nào".

Bộ tượng gỗ "mục đồng" với 66 tượng gồm ông ba mặt, ông ba sừng, ông hai sừng, ông một sừng và các tượng âm nhơn khác. Tượng được tạo hình bằng phương pháp chặt mảng lớn đôi khi dừng lại ở mức tạo dáng phác thảo, tượng mới chỉ là phôi tỉ lệ tượng lùn, tất cả được sơn vẽ và có quần áo. Trong am chư vị, các tượng được bày trí gồm: tượng ông ba đầu sáu tay đứng giữa là thống lĩnh của các vị âm binh, âm tướng ở đây. Các tượng ông ba mặt, ông ba sừng, ông hai sừng và các vị âm nhơn khác đặt trên giá gỗ nằm ở hai bên tả hữu. "Nét đặc sắc của sưu tập tượng gỗ ở chùa Hiển Lâm Sơn là tính chất phi thường mà chủ tâm của người tạo tác nhằm vượt ra khỏi hiện thực, vượt lên trên hình ảnh của giới dương trần coi sự quái dị phi thực là yêu cầu chính của việc tạo hình lập dáng, của việc sơn vẽ điểm trang râu tóc". “Khác với một số bộ tượng ở các nơi khác, tượng âm binh, âm tướng ở đây dường như không chịu ảnh hưởng của mặt tuồng mà có chút ít gần với tượng nhà mồ Tây Nguyên, tượng thần của vùng Mã Lai đa đảo" (Huỳnh Ngọc Trảng-Nguyễn Đại Phúc, Tượng Mục đồng, Nxb Văn hóa, 1996, Tr.89).

Ni Sư Thích Nữ Diệu Thể & Đại Đức Thích Huệ Minh

Ngoài ra, tại đảnh Bà còn thờ một pho tượng Nam thần bằng đá được tạc theo phong cách nghệ thuật Champa- hiện niên đại chưa xác định được.

Chùa Hiển Lâm Sơn là một trong số rất ít những ngôi chùa ở Đồng Nai còn bảo lưu kiểu kiến trúc nghệ thuật cổ-một ngôi chùa làm theo kiểu nhà tứ trụ với cột kèo bằng gỗ vững chắc, bao lam, hoành phi, liễn đối chạm trổ có nhiều dụng công và mang tính nghệ thuật cao. Những đề tài được khắc trên bao lam, hoành phi, liễn đối đều ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc. Ngoài giá trị là cơ sở tín ngưỡng ở Đồng Nai, chùa Hiển Lâm Sơn là một minh chứng lịch sử phản ánh chặng đường khẩn hoang kỳ vĩ của những người đi mở đất phương Nam.

Do vị trí "Hóc" hẻo lánh nên chùa là nơi nương náu hoạt động của những người yêu nước trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Năm 1945, Yết Ma Thiện Niệm trụ trì chùa (khi Thiền sư Huệ Lâm viên tịch) là người tích cực tham gia kháng chiến, là Ủy viên tài chánh Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Năm 1961, Yết Ma Thiện Niệm viên tịch đã giao lại cho Sư ông Thích Huệ Thành đảm nhiệm trụ trì và đặc cử cho Ni sư Thích nữ Diệu Thể là thành viên của Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Biên Hòa trực tiếp quản lý chùa. Ni sư cùng đồng bào Phật tử đã có nhiều đóng góp tài vật cho kháng chiến. Ni sư Diệu Thể vì tuổi cao nên đã đề nghị Hòa thượng Thích Huệ Thành (nay đã viên tịch) cử Ban trụ trì gồm các vị: Thích Quảng Thiền, Thích Huệ Minh, Thích Huệ Thới, Thích Huệ Đạt (là đệ tử của Hòa thượng Thích Huệ Thành, dòng Lâm Tế thứ 41) có trách nhiệm chăm lo Phật sự tại chùa. Trải qua gần 100 năm thành tạo và phát triển, chùa Hiển Lâm Sơn đã đồng hành cùng quê hương đất nước gìn giữ được nền đạo pháp, di tích của những bậc tiền bối để lại và hơn nữa còn phát huy được truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Hàng năm tham gia thường xuyên các phong trào từ thiện của địa phương và Trung ương, hiện trong chùa đang nuôi dưỡng một số người già neo đơn có công với cách mạng.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Chùa Hóc Ông Che

Cái tên Hóc Ông Che dễ khiến người ta tưởng là tiếng Khmer, hoặc nếu tiếng Việt thì khiến liên tưởng tới một chỗ hóc bà tó, thâm sơn cùng cốc nào đó.

Mà đúng thiệt, để đi tới ngôi chùa này ta phải đi qua các xóm làng tương đối hoang vắng (hoang vắng xét trong điều kiện đây là một địa điểm thuộc thành phố Biên Hòa, đô thị loại II, chứ không phải là rừng rậm hoang vu nghe!).

Tên chính thức của chùa là Hiển Lâm, địa chỉ tại số 88/18 ấp Tân Hóa, xã Hóa An, TP Biên Hòa, số điện thoại là (061)3954969. Ấy, nhưng đừng căn cứ theo địa chỉ ghi trên để đi tìm, vì ở Hóa An người ta chả ghi tên đường đâu (dân cũng chẳng biết tên đường luôn, nói chi tới số nhà). Bạn đến chùa bằng cách sau: Từ Biên Hòa qua cầu Hóa An, tới chợ Hóa An quẹo phải (đường Hoàng Minh Chánh) đi theo con đường rải đá khoảng 500 - 600 met thì có một ngã ba, phía trái có bồn nước cao của công ty Cấp nước, bạn quẹo trái đi khoảng 400 met nữa nhìn bên trái là thấy chùa.

Tam quan chùa là đây, nhìn rất uy nghi tráng lệ khiến ta quên mất rằng chùa có tên là... Hóc Ông Che!


(Điều khiến tôi cảm thấy hơi buồn là tam quan chùa toàn chữ Hán, kể cả 4 chữ Hiển Lâm Sơn Tự!)

Mặt trong tam quan

Chùa Hiển Lâm (Hóc Ông Che) do thiền sư Huệ Lâm (1887 - 1945, thế danh Bùi Văn Tươi) khai sơn năm 1920. Ông là con một pháp sư danh tiếng ở Biên Hòa, xuất gia học đạo với hòa thượng Khánh Lâm ở chùa núi Châu Thới. Sau một thời gian theo học, thiền sư theo lời thầy đi về hướng Hóa An (lúc bấy giờ còn rừng rậm hoang vu) vào một hóc rừng lập chùa. 

Ông tự chặt cây mở lối, dựng chòi để ở trong hóc rừng ấy. Ngày ngày ông đào đất đắp gò để từng bước dựng chùa và bốc thuốc chữa bệnh, rao giảng phật pháp cho người dân địa phương. Tên Hóc Ông Che ra đời từ đấy, nghĩa là cái hóc rừng nơi có ông sư che chòi. Khi chùa được tạo dựng, người dân quen miệng gọi chùa Hóc Ông Che luôn. Cũng có một cách lý giải khác cho rằng, ở chốn rừng có ngôi chùa này lúc ban đầu đêm đêm nghe tiếng rừng thiêng lảnh lót như tiếng của cái che ép mía đều đều vang lên nên gọi với cái tên như trên, tuy nhiên cách giải thích này nghe không thuyết phục lắm..

Dù sao đi nữa, cả 2 tên gọi Hóc Ông Che hay Hiển Lâm Sơn Tự đều gợi lên một chốn rừng sâu hoang vằng. Và thật vậy, mãi cho đến bây giờ dù chùa đã được xây dựng lại khang trang nhưng khi bước vào khuôn viên chùa những hàng cây cao che bóng mát vẫn khiến người ta có cảm giác lâng lâng thoát tục, như đi vào chốn rừng xanh u nhã. 

Cũng là những cụm tượng Đức Phật đản sinh, Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia hay Đức Phật nhập Niết Bàn như những ngôi chùa khác, nhưng ở đây những tượng ấy thấp thoáng giữa rừng cây xanh thật hài hòa và thật sự nếu bạn không phải là một Phật tử đi lễ chùa thì đây cũng là một điểm tham quan yên ả và tuyệt đẹp.




À, ở ngay sau tam quan có cụm tượng Tam Tạng thỉnh kinh. Dù rằng những nhân vật Tây du ký này đã được phong thành Phật và cũng nhiều chùa có cụm tượng về họ, nhưng cá nhân tôi không thích cụm tượng này ở chùa, tạo hình cụm tượng này ở chùa Hóc Ông Che cũng không đẹp.


Theo ghi chép, chùa được trùng tu và mở rộng vào các năm 1930, 1975. Kiểu thức kiến trúc nghệ thuật cổ còn bảo lưu đậm nét với kết cấu dạng nhà tứ trụ. Nội thất chùa với những cột gỗ cao treo câu đối, bao lam và hoành phi được chạm trổ tinh tế. Chánh điện chùa bài trí các ban, tượng thờ Phật. Nối tiếp với chánh điện là nhà Tổ thờ Đức tổ Huệ Lâm Thiền sư và gian thờ Tam Thế Phật. Nhà Giảng được xây song song với nhà Tổ.

Chánh điện chùa

Tượng Phật ở chánh điện chùa

Tượng Phật Bà Quan Âm trên đài sen ở sân chùa

Hiển Lâm Sơn có các bộ tượng thờ bằng gốm đất nung và gỗ, là sản phẩm của những người thợ gốm không chuyên với những nét chạm trổ mộc mạc, gần gũi với đời thường, gồm tượng của các vị: Di Đà Tam Tôn, Di Lặc Lục Lặc, Địa Tạng, Đạt Ma Tổ Sư… Bộ tượng gỗ “mục đồng” với 66 tượng gồm ông ba mặt, ông hai sừng, ông một sừng và các tượng âm nhân lại được tạo hình bằng phương pháp chặt mảng lớn, ở dạng phác thảo, sơn vẽ và có quần áo. 

Nhóm tượng bên phải chánh điện

Nhóm tượng bên trái chánh điện

Hiển Lâm Sơn Tự cũng là nơi có quần thể tín ngưỡng đa dạng: chùa, miễu, am. Đảnh bà thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, bà Ngũ Hành, bà Nữ Oa… Trong khuôn viên chùa còn có Am Chư vị, tháp Tổ sư. Am Chư vị thờ các âm binh âm tướng tương truyền là lực lượng đã từng trợ giúp hai thầy võ địa phương đánh cọp dữ cứu dân làng thời khai khẩn. Phía sau chùa trên gò đất cao có đảnh thờ các vị nữ thần: Linh Sơn Thánh Mẫu, Ngũ Hành, Nữ Oa.

Câu chuyện về Am Chư vị và một số truyền thuyết về ngôi chùa chốn sơn lâm này xin được giành cho một bài viết khác.

Chùa Hóc Ông Che ở không xa TP Biên Hòa, chỉ khoảng 3 km. Nếu bạn không nề hà một chút đoạn đường xấu khoảng 1 km để đến đây thì chùa là một điểm đến để bạn lắng lòng với rừng xanh, với Phật pháp và tưởng nhớ đến một thời cha ông khẩn hoang lập ấp rất tuyệt đấy bạn ạ!

Phạm Hoài Nhân
Am Chư vị ở chùa Hóc Ông Che và huyền thoại về vị sư giết cọp

Từ tam quan chùa Hóc Ông Che đi thẳng sâu vào bên trong theo hướng tay phải, bạn sẽ đến một am thờ gọi là Am Chư vị. Câu chuyện về Am Chư vị này khá lý thú.

Cửa Am Chư vị

Theo truyền thuyết được người dân sống gần chùa Hóc Ông Che kể lại, sau thời gian theo học sư Khánh Lâm ở Châu Thới Sơn Tự, sư tổ chùa Hóc Ông Che là Huệ Lâm được thầy mình tặng bộ vật phẩm gồm: Cái rựa, xâu chuỗi và mõ gỗ. Rựa dùng để phát quang rừng rậm, xâu chuỗi dùng để tham thiền, mõ dùng để tụng kinh luyện trừ âm binh. Ngoài ra ông còn được truyền thụ bí kíp về võ bùa.

Cũng theo truyền thuyết, người luyện được võ bùa thì trong khi đấu võ có thể gọi được âm binh, âm tướng đến trợ lực.

Miễu thờ phía trước am Chư vị

Thuở ấy, vùng Hóa An (nơi chùa Hóc Ông Che tọa lạc) là khu rừng rậm rạp, đầy thú hoang. Trong rừng có con cọp hung dữ từng hại nhiều người, bắt gia súc. Con cọp này đã hung dữ lại khôn lanh nên không ai trị được. Cọp dữ tạo nên khiếp sợ trong dân làng và khu rừng vốn hoang vắng lại càng hoang vắng hơn, không ai dám bén mảng.

Có một người ở Dĩ An đến đây sinh sống, vốn tinh thông võ nghệ. Ông cùng với thầy Hai (tên thường gọi của sư Huệ Lâm) kết nghĩa anh em, quyết trừ cọp dữ. Lại nghe kể rằng người này cũng giỏi môn võ bùa giống như thầy Hai.

Hai người đưa đồ đệ đến khu rừng tìm diệt hổ dữ. Sau nhiều ngày dò tìm, ông thầy Hai và người em kết nghĩa bắt gặp cọp dữ. Trận chiến kéo dài từ sáng đến tối không phân thắng bại giữa cọp và người. Đám đồ đệ yếu sức sau đó phải dạt ra né tránh nhằm đảm bảo tính mạng. Còn lại hai thầy kiên trì hợp sức quần nhau với cọp. Người ta kể lại rằng: Hai thầy  tay vung roi, miệng hô thần chú, chân tay tả đột hữu xông, đánh nhau với cọp suốt mấy ngày liền, với sự trợ lực của âm binh, âm tướng.

Khi đám đồ đệ gọi thêm người quay lại rừng trợ lực thì trận chiến đã kết thúc. Cọp dữ đã bị giết chết, xác nằm đó nhưng hai thầy cũng đã kiệt sức nằm chết giữa rừng. Vì chủ chết bất đắc kỳ tử nên các âm binh, âm tướng không có ai thu hồi lại, đành bơ vơ vất vưởng nơi rừng hoang. Đ
ồ đệ chùa Hóc Ông Che thấy vậy mới lập am để thờ các vị này, gọi là Am chư vị. 

Các tượng thờ bên trong Am Chư vị, có hình tượng cọp ở giữa

Bức tranh trên vách am kể lại chuyện sư đánh cọp

Hình ảnh cọp dữ cùng âm binh, âm tướng trên vách am

Truyền thuyết về võ bùa có thể có thật hoặc không, chuyện đánh cọp của 2 nhà sư cũng có thể phần nào được thêu dệt, nhưng chắc chắn có một điều có thật mà câu chuyện để lại: đó là xưa kia vùng đất này là nơi hoang sơ nhiều thú dữ, cha ông ta tốn nhiều mồ hôi, xương máu để khần hoang, mở làng, lập ấp.

Phạm Hoài Nhân
Chùa Hiển Lâm Sơn Tự

Tên tự viện: HIỂN LÂM SƠN TỰ ( CHÙA HÓC )

Địa chỉ: Số 88/18, khu phố Tân Hóa, phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Số điện thoại liên lạc: 0251 3954969.

Hệ phái: Bắc tông

Tông phong: Cổ truyền

Năm thành lập: 1919 (Kỷ Mùi).

Khai sơn: Cố Thiền sư Huệ Lâm, thế danh: Bùi Văn Tươi.

Trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Huệ Ninh (ĐT: 091 9546648).

Hiển Lâm Sơn Tự đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.












Đức Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét