- Địa điểm: K2/73, phường Bửu Hòa, Tp.Biên Hòa
- Khai sơn: 1684
- Trụ trì hiện nay: Hòa thượng Thích Thiện Khải
- Năm trùng tu: 1925, 1954, 1968, 1969, 1990, 1991
- Hệ phái: Cổ truyền Lục Hòa Tăng
- Điện thoại: 061. 855138
Thanh Lương Cổ Tự tọa lạc tại K2/73, phường Bửu Hòa, Tp.Biên Hòa, bên cạnh miếu Bà Chúa Xứ và đền thờ Nguyễn Tri Phương (gần bờ sông Đồng Nai).
Chùa Thanh Lương là một trong những ngôi chùa cổ kính ở Biên Hòa, trước đây có thờ long vị đức ông Trần Thượng Xuyên. Theo lời kể của Hòa thượng trụ trì và chư Tăng chùa Thanh Lương thì ngôi chùa này có niên đại cách nay khoảng 318 năm (tức xây dựng năm 1684).
Chùa nằm trong khuôn viên rộng khoảng 800 m². Xung quanh có tường rào xi măng và rào sắt. Trước cổng chùa có hai cây bồ đề đại thụ cao hơn 10m, cành lá sum suê, quanh năm tỏa bóng mát. Dưới gốc cây đại thụ bên trái có bệ thờ Phật chuyển pháp luân giáo hóa cho 5 anh em Kiều Trần Như.
Chùa cổ Thanh Lương trải qua nhiều đời trụ trì và được trùng tu, tôn tạo ngày một kiên cố. Năm 1940, Hòa thượng Thích Thiện Khải về trụ trì chùa, tới năm 1954 chùa bị xuống cấp, hư hỏng, dột nát, được Phật tử và bá tánh thập phương cúng dường nên Hòa thượng đã cho đại trùng tu ngôi chùa có hình dáng kiến trúc như hiện nay.
Chùa Thanh Lương có kiến trúc gồm 3 nếp nhà sắp theo hình chữ Tam (三) gồm: chánh điện, hậu Tổ, nhà khách và nhà trù. Chánh điện kiến trúc tứ trụ, mái lợp tôn giả ngói, đỉnh mái gắn biểu tượng Nhật-Nguyệt. Nội thất chánh điện có 8 cột gỗ tròn, xung quanh tường xây lộ cột gỗ bên trong, nền lát gạch bông. Các vì kèo, đòn tay, xà ngang đều bằng gỗ tốt chắc chắn, nối các cột có các bao lam địa võng bằng gỗ chạm lộng với các đề tài: long, lân, quy, phụng, cúc điểu và dây lá, hoa cúc rất sắc xảo và mỹ thuật. Đặc biệt giữa bao lam điện thờ có khắc "năm 1925". Như vậy đây có thể là một trong những mốc thời gian chùa được tu sửa, tôn tạo ở đầu thế kỷ XX. Bốn cột chánh điện treo bốn tấm liễn đối chữ Hán cổ bằng cây, sơn son nhũ vàng, xung quanh treo 10 bức hoành phi có từ rất lâu, bị ám khói nhang ngả màu nâu đen. Hầu hết các bàn thờ trong chùa đều được làm bằng gỗ tốt, trông rất cổ kính.
Phật điện
Điện thờ ngôi Tam bảo được Hòa thượng trụ trì tu tạo bằng xi măng xây tam cấp gắn gạch bông trang trí (năm 1969), thờ rất nhiều tượng như: bộ Tam Thế Phật, Phật Thích Ca, Văn Thù Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật đản sinh... Tả, hữu thờ: Địa Tạng Vương Bồ tát và Quan Thánh Đế Quân. Tiền điện thờ Phật Di Lặc, dưới bệ thờ trang trí cảnh chúa sơn lâm nằm nghỉ dưới tán cây xanh. Trong chùa có nhiều cổ vật như đại hồng chung, tiểu hồng chung, chuông, mõ... Hai bên tường từ chánh điện, xuống hậu Tổ và nhà khách treo 10 bức tranh bằng thiếc nội dung về cuộc đời của đức Phật Thích ca Mâu ni.
Hậu tổ thờ Tổ sư Đạt Ma, ông Giám Trai và 14 long vị Tổ. Đặc biệt, thờ long vị và tượng đức ông Trần Thượng Xuyên, nguyên là Tổng lãnh binh ba châu: Cao, Lôi, Liêm dưới triều Minh (Trung Hoa). Năm 1679, ông vượt biển đến đất Đại Việt xin thuần phục chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận cho vào khai khẩn xứ Đông Phố (nay là Đồng Nai). Năm 1996, long vị đức ông được gia đình họ Trần rước về thờ tại tộc gia (Tp.Hồ Chí Minh). Dưới chân tượng đức ông có ghi hàng chữ Việt: "Hộ pháp Tam Bảo Tôn Thần Trần Thượng Xuyên thẩn tướng Quy y ngày 8/1/Canh Thìn (1655 1700) - Gia đình Lâm Trợ, phụng cúng 1883" (tượng bằng gốm làm theo mẫu tượng đồng có từ cuối thế kỷ XIX đã bị mất). Dựa vào long vị đức ông từng được tôn thờ ở hậu Tổ và nhiều đồ đồng của họ Trần phụng cúng cho chùa, có thể suy đoán đức ông Trần Thượng Xuyên là một trong những vị Tổ khai sơn chùa Thanh Lương cách nay trên 300 năm.
Hòa thượng Thích Thiện Khải
Nhà khách và nhà trù có hiện trạng tường xây, cột bằng bê tông, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bông. Hai cột tròn lớn ở cuối nhà khách treo hai tấm liễn đối gỗ hình lòng máng. Trên các đầu cột là xà ngang, vì kèo bằng gỗ, treo các tấm hoành phi chữ Hán với nét bút điêu luyện, chạm trổ tinh xảo.
Nhà khách thờ Phật Chuẩn Đề, đức Long Vương, Bồ tát Quan Thế Âm, Phật Thích Ca, ba thầy trò Đường Tăng và di ảnh của Phật tử quá vãng gởi chùa. Ngoài ra còn trang trí nhiều tranh ảnh lịch Phật giáo, hình ảnh Hòa thượng trụ trì. Đây còn là nơi nghỉ ngơi của Hòa thượng trụ trì chùa.
Năm 1968, chùa xây cổng và tường rào, trên cổng ghi "Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam Thanh Lương Cổ Tự - 1968". Năm 1990, Hòa thượng trụ trì cho tu sửa mặt tiền chùa có kiến trúc kiểu cổ ba gian. Khác với các ngôi chùa trong tỉnh: hành lang, tiền sảnh chùa Thanh Lương không để thoáng mà được xây kín tường ở giữa và hai vách bên hông, chỉ để lộ hai cửa hai bên (kéo cửa sắt bên trong). Mặt tiền trang trí hồ lô, lân gốm, búp sen và tượng Phật đản sinh. Giữa ô-văng gắn hình tượng Nhật-Nguyệt bằng gốm cổ Biên Hòa. Mặt tiền chùa có dòng chữ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam - THANH LƯƠNG CỔ TỰ - Tân tạo 1990, Canh Ngọ"
Năm 1994, được sự trợ duyên của Phật tử và bá tánh cúng dường, Hòa thượng trụ trì cho xây thêm nhà Thiền đường bên phải chánh điện với diện tích khoảng 80 m2, tường gạch, mái lợp tole, cửa kính, nền lót gạch bông. Nơi đây là nơi học tập, sinh hoạt, tiếp khách của chư Tăng chùa Thanh Lương.
Ngoài hai cây bồ đề đại thụ, trong sân chùa trồng nhiều loại cây rừng, mai tứ quý, phát tài, sứ, vạn tuế... Trước chùa có tượng Quan Âm lộ thiên đứng trên tòa sen giữa hồ nước. Kế đến là tháp thờ Bồ tát Quan Thế Âm chế ngự long thần, tháp có kiến trúc tứ diện (4 mặt), mái cong đổ bê tông, đỉnh tháp có trang trí bình thanh tịnh. Trước cửa chùa còn có tượng Đương Lai hạ sinh Di Lặc tôn Phật (tượng cao khoảng 2m) đứng trên bục lục giác cao 1,5m.
Chùa Thanh Lương tu học theo hệ phái Phật giáo cổ truyền với các lễ cúng chính vào 4 ngày rằm lớn trong năm và ngày lễ giỗ Tổ vào ngày 8, 9 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Hòa thượng trụ trì Thích Thiện Khải, thế danh Phạm Văn Tây, sinh năm 1913, quê làng Tân Bản (Bửu Hòa), tham gia cách mạng thời kháng chiến chống Pháp hoạt động tại căn cứ Chiến khu Đ. Hòa thượng nguyên là Phó Tăng Trưởng giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam tỉnh Biên Hòa, có nhiều công lao đóng góp cho hoạt động đạo pháp và xã hội: Viện chủ Thanh Lương Cổ Tự, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai (từ khóa II đến khóa V), Trưởng ban Tăng sự tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai, Uỷ viên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ năm 1996, do thầy trụ trì tuổi cao sức yếu, chùa Thanh Lương có thêm thầy bổn tự (phó trụ trì) Thích Thiện Pháp, thế danh Lê Văn Minh, sinh năm 1968, quê Long Thành (Đồng Nai), xuất gia năm 1975, thọ Tỳ kheo năm 1990 tại Tổ đình Long Thiền. Thầy Thiện Pháp trợ lực cùng Hòa thượng trụ trì chăm lo, kiến tạo ngôi Tam bảo (chùa Thanh Lương) ngày một bền vững nhưng vẫn không làm mất đi vẻ cổ kính, giá trị văn hóa của ngôi cổ tự vốn có lịch sử hơn 300 năm.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Thanh Lương cổ tự
Tên tự viện: CHÙA THANH LƯƠNG CỔ TỰ
Địa chỉ: K2/73, ấp Tân Mỹ, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Số điện thoại liên lạc: 0798914995
Hệ phái: Bắc tông
Tông phong: Cổ truyền Lục Hòa Tăng
Năm thành lập: 1684
Trụ trì hiện nay: Đại đức Thích Thiện Tâm. (ĐT: 0916162416).
Chùa Thanh Lương Cổ Tự đã được GHPGVN và Nhà nước công nhận.
Đại đức Thích Thiện Tâm trụ trì hiện tại
"Cố Hòa thượng Thích Huệ Phát"
Đức Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét