- Địa điểm: ấp I, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch
- Năm khai sơn: thế kỷ XIX
- Người trụ trì: Sư cô Thích nữ Tắc Tâm
- Năm trùng tu: 1904, 1909, 1961, 1983, 1993
- Hệ phái gốc: Lâm Tế Chánh Tông (nay là Thiên Thai Giáo Quán Tông)
- Điện thoại: 061. 515275
Theo lời các bộ lão trong làng kể lại, chùa Khánh Lâm thành tạo cách đây đã hơn 200 năm do một Sư ông gốc người Huế từng làm chức Thượng Thư ở triều đình về ẩn tu. Thuở ấy, chùa chỉ là một am tranh nhỏ, xung quanh là rừng rậm mịt mù. Chùa được trùng tu nhiều lần, Sư ông cũng thu nhận đệ tử qua nhiều đời, hiện giờ còn lại các long vị thờ ở chùa từ đời Lâm Tế thứ 37: Thượng Tịnh Hạ Nhãn, huý Tiên Sắc; đời thứ 38: Thượng Chánh Hạ Trung, huý Minh Cẩn; Thượng Bảo Hạ Châu, huý Minh Tỉnh; đời thứ 39: Thượng Quý Hạ Trịnh, huý Như Chân; Thượng Chơn Hạ Hạnh, huý Như Khải; Thượng Quý Hạ Biên, huý Kiểu Tiên; đời thứ 40: Thượng Tâm Hạ Thường, huý Kiểu Thế; đời thứ 40 (Lâm Tế Gia Phổ) Thượng Trí Hạ Ngộ, huý Hồng Từ; đời thứ 41: Thượng Trí Hạ Lâm, huý Nhựt Tấn, Thượng Trí Hạ Tiên, huý Nhựt Đường; đời thứ 42: Thượng Quảng Hạ Nghiêm, huý Lệ Trang. Vào đời Lâm Tế thứ 39, Sư ông Thượng Chơn Hạ Hạnh, huý Như Khải vận động Phật tử ở khắp nơi mua được bộ cột đá xanh và trùng tu lại chùa. Đây là lần trùng tu có qui mô nhất, di tích hiện tồn đến ngày nay. Khởi công xây dựng vào năm 1904 mãi đến năm 1909 (Kỷ Dậu) mới khánh lạc. Thời gian qua đi, những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh chùa bị hư hại đi nhiều nhưng bộ cột đá xanh và bộ tượng gỗ của chùa vẫn tồn tại đến ngày nay. Năm 1961, Sư Lệ Trang tự Quảng Nghiêm trụ trì chùa có sửa lại chánh điện, thay ngói và những vì kèo bị hư. Đến năm 1983, Sư cô Thích nữ Tắc Tâm trụ trì cho đổi lại mái ngói một lần nữa.
Chùa Khánh Lâm nổi bật với lối kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống kiểu nhà ba gian hai chái. Hệ thống cột, móng nền làm bằng đá xanh, khung vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói vảy cá. Nội thất chánh điện trang nghiêm với những bức hoành phi, liễn đối, bao lam bằng gỗ chạm hình rồng, mây, dây hoa lá cách điệu, tất cả được sơn son thếp vàng. Phật điện trang nghiêm với hệ thống tượng bằng gỗ: bộ tượng A Di Đà (gồm 3 tượng) bằng gỗ mít, gỗ mun; tượng Địa Tạng, tượng Quan Âm, tượng Nam Tào, tượng Bắc Đẩu, tượng Ngọc Hoàng, tượng Thế Chí, tượng Văn Thù, tượng Phổ Hiền, tượng Hộ Pháp; bộ tượng Thập điện Diêm Vương gồm 10 tượng.
Phật Điện
Có thể nói tập hợp tượng gỗ ở chùa Khánh Lâm khá phong phú cả về số lượng lẫn giá trị nghệ thuật, với phong cách tạo hình mang đậm tính dân gian, truyền thống.
Chùa Khánh Lâm thành tạo bằng công sức của những người một lòng với Phật pháp. Với bề dày lịch sử của mình, chùa Khánh Lâm đã một lòng đi cùng quê hương xây dựng một cuộc sống tốt đạo - đẹp đời.
Chùa Khánh Lâm là một trong số ít những ngôi chùa ở Đồng Nai còn bảo lưu gần như nguyên vẹn lối kiến trúc cổ và sưu tập tượng gỗ có giá trị nghệ thuật cao, được tạo tác bằng đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân dân gian.
Ngoài giá trị là cơ sở tín ngưỡng gắn bó với đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân ở Đồng Nai, chùa Khánh Lâm còn là một minh chứng lịch sử phản ánh chặng đường khẩn hoang kỳ vĩ của người dân Phú Hội anh hùng. Hiện nay chùa có ba Ni:
1. Lưu Thị Ba, pháp hiệu: Thích nữ Tắc Tâm, Tỳ kheo Ni trụ trì.
2. Phan Quang Thị Ánh Mai, pháp hiệu: Thích nữ An Lộc, Tỳ kheo Ni chúng.
3. Phạm Thị Phương Thùy, pháp hiệu: Thích nữ An Trí, Tỳ kheo Ni chúng.
Thuộc dòng Thiên Thai Giáo Quán Tông.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét