- Địa điểm: ấp Long Hiệu, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch
- Năm xây dựng: đầu thế kỷ XX
- Người trụ trì: Đại đức Tuệ Hải
- Năm trùng tu: 1931, 1956, 1992, 2000
- Hệ phái : Bắc Tông nay là Thiền Tông
- Điện thoại: 061. 521404
Chùa Long Hương được xây dựng vào năm 1908, lúc đầu là ngôi chùa làng nhỏ, vách ván, mái lá, nền gạch Tàu. Đến năm 1931, được sự trợ duyên của dân làng và bá tánh gần xa, ngôi chùa được trùng tu lại với qui mô rất lớn, kiểu nhà 5 nóc gồm chánh điện, nhà giảng, nhà Tổ, Đông lang, Tây lang và nhà khói. Phần chánh điện là cây Đại Trụ, tường gạch lợp ngói âm dương, mặt dựng phía trước gắn tứ linh. Nhà giảng xây ở phía sau, gồm 3 gian, tường, lợp ngói âm dương. Nhà Tổ xây theo kiểu 3 gian 2 chái, cột vì kèo bằng gỗ cẩm lai, vách bằng lăng. Đông lang, Tây lang và nhà khói cũng làm kiểu 3 gian, mái lợp ngói, vách ván. Chùa Long Hương thuở ấy nổi tiếng khắp vùng là một chùa đẹp, qui mô. Năm 1941, Hòa thượng viên tịch nhằm ngày 18/4 và nhập tháp ngày 25/4.
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, khắp nơi trong vùng thực hiện phong trào "tiêu thổ kháng chiến", chùa Long Hương bị đốt cháy suốt 7 ngày đêm. Đại hồng chung của chùa cao hơn 2m được cách mạng đem về đúc súng. Hiện giờ chỉ còn lại chuông gia trì để ở hậu Tổ của ngôi chùa hiện tại. Năm 1956, tưởng nhớ đến vị sư đắc đạo dân làng đã góp tiền, góp công lập lại chùa, Hòa thượng Thích Trí Ngộ trụ trì. Năm 1958 chiến tranh lại tàn phá một lần nữa, ngôi chùa chịu chung cảnh thăng trầm của thế sự. Năm 1992, với sự trợ duyên của dân làng và các Phật tử gần xa, đặc biệt là công sức của Thượng tọa Thích Trí Thâm và Phật tử Tuệ Tâm, ngôi chùa được tái thiết lại với lối kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống: kiểu nhà tứ trụ, mái ngói, tường gạch. Năm 1994, Đại đức Thích Tuệ Hải ở Thiền viện Thường Chiếu về trụ trì. Kế tục những sự nghiệp còn dang dở, Đại đức Tuệ Hải tu sửa lại phần tiền sảnh, xây thêm lầu chuông và lầu trống, xây lại tháp của Sư ông.
Đại Đức Tuệ Hải
Chùa Long Hương tọa lạc ở vị thế khá đẹp, nằm trên lưng chừng quả đồi đất sét, nổi cao giữa xung quanh là những vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả. Đứng giữa sân chùa có thể quan sát xung quanh, xa xa là đoạn cuối con sông Đồng Nai uốn khúc và những cánh đồng lúa, những vườn cây ăn quả xanh ngút ngàn.
Với bề dày lịch sử của mình, chùa Long Hương đã đi cùng những thăng trầm của đất nước và quê hương Long Tân anh hùng.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét