24 tháng 4, 2022

Chùa Phước Hưng

CHÙA PHƯỚC HƯNG
  • Địa điểm: ấp Trầu, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch
  • Năm xây dựng: 1891
  • Người trụ trì: Sư cô Thích nữ Thắm Liên
  • Năm trùng tu: 2002
  • Hệ phái gốc: Khất Sĩ
  • Điện thoại: 061. 549215
Phước Hưng Tự là ngôi Già Lam được thành tạo năm 1891, nay tọa lạc tại ấp Trầu, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch trên một khuôn viên rợp bóng cây xanh, mặt tiền trông ra huyện lộ đi trung tâm huyện Nhơn Trạch. Nguyên thuỷ, chùa được kiến tạo tại ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền do các bộ lão trong làng xây dựng, năm 1930 dời về vị trí hiện tại. Kết cấu chùa dạng Ngũ Giác đài gồm: chánh điện, nhà Tổ, nhà hậu liêu, phòng thuốc Nam và giảng đường. Chánh điện có kiến trúc dạng tứ trụ với bốn cột gỗ tạo thành một gian trung tâm vuông vắn và mở rộng ra các hàng cột xung quanh đỡ lấy hai chái, tiền sảnh và hậu điện. Hệ thống cột, vì kèo, rui mè bằng gỗ tốt là di tích hiện tồn của ngôi Già Lam; riêng mái ngói đã thay đổi nhiều lần. Nội thất chánh điện bày trí theo phong cách cổ truyền: "tiền Phật, hậu Tổ". Ở Bảo điện thờ Tam Thế Phật, tả hữu thờ Thập điện Diêm Vương, Quan Âm Bồ tát và Chuẩn Đề Bồ tát. Phía trước Bảo điện thờ Tiêu Diện, Hộ Pháp. Hậu điện thờ Đạt Ma Tổ sư và long vị của các sư thầy đã tịch. Nhà Tổ và cũng là Trai đường làm theo kiểu nhà ba gian hai chái, hệ thống cột gỗ với đường kính khá lớn, tồn tại từ khi ngôi chùa mới thành lập.

Chùa Phước Hưng

Chùa Phước Hưng là một trong số rất ít những ngôi chùa ở Đồng Nai còn giữ được lối kiến trúc truyền thống kiểu nhà tứ trụ, nhà ba gian hai chái với hệ thống cột, khung vì kèo, hoành phi, liễn đối bằng gỗ chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ với nhiều dụng công. Một nét nổi bật của chùa Phước Hưng là bộ tượng Phật bằng gỗ, gồm tượng: Quan Âm, Kim Đồng Ngọc Nữ, Thập Điện Diêm Vương, Hộ Pháp và tượng Địa Tạng ngồi trên con thanh sư.. tất cả đều được tạo tác bằng đôi tay tài hoa của những nghệ nhân dân gian.

Chùa Phước Hưng từ ngày tạo dựng đến nay đã trải qua nhiều đời trụ trì.

• Đời thứ nhất: Hòa thượng Thích Thế Hiện

• Đời thứ hai: Hòa thượng Thích Nhựt Viên

• Đời thứ ba: Hòa thượng Thích Thiện Niệm

• Đời thứ tư: thầy Năm (không rõ pháp danh)

Hiện nay, ở gian hậu Tổ còn lưu giữ long vị các Hòa thượng trụ trì tại chùa. Trụ trì hiện nay là Ni sư Thích nữ Thắm Liên (từ năm 1989 đến nay).

Ni sư Thích nữ Thắm Liên

Ni sư Thắm Liên, sinh năm 1941 tại Thủ Đức (Tp.Hồ Chí Minh), xuất gia tu học tại tịnh xá Pháp Đăng (Vũng Tàu), thọ Tỳ kheo năm 1974. Cuộc đời tu hành của Ni sư theo kinh Pháp Hoa, lấy Bồ tát Hạnh sự dấn thân phục vụ cho đời và hòa hợp Tăng đoàn là chính yếu. Từ ngày xuất gia tu học cho đến nay, Ni sư lúc nào cũng đem hết khả năng và tấm lòng phục vụ đạo pháp, đem đạo và đời để hoá giải những khổ đau. Ni sư đã phát tâm làm từ thiện từ lúc còn tu học. Năm 1964, Ni sư là hội viên Hội Từ thiện chùa Xá Lợi (Tp.Hồ Chí Minh). Năm 1979, là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng; năm 1989 là Hội viên Hội Từ thiện quận Thủ Đức; năm 1990 là Hội trưởng Hội Từ thiện chùa Phước Hưng; năm 1995 là Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Tổ quốc huyện Nhơn Trạch. Đã gần 30 năm làm công tác từ thiện, bước chân của Ni sư đã rong ruỗi khắp nẻo đường, đến những nơi có khó khăn, hoạn nạn. Từ ngày về trụ trì chùa Phước Hưng đến nay, Ni sư đã cùng với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức nhiều đợt cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, trị giá hàng trăm triệu đồng bao gồm: lương thực, quần áo, thuốc chữa bệnh... Ngoài ra, tại chùa Phước Hưng, Ni sư còn mở cơ sở may gia công cho các chủ hàng ở Tp.Hồ Chí Minh tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương; duy trì một phòng khám thuốc Nam miễn phí, khám chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo. Mỗi năm, Ni sư đều mời các bác sĩ bệnh viện 175 (Tp.Hồ Chí Minh) về khám và phát thuốc miễn thuốc cho 300 người dân nghèo thuộc xã Hiệp Phước, Phước Thiền, Phú Hội; tổ chức cai nghiện rượu, giúp đỡ hòm, vải liệm để chôn cất người thân quá cố của những gia đình nghèo, neo đơn. Ni sư cũng là người tích cực góp tiền xây dựng nhà tình nghĩa, quỹ tình thương "Vì trẻ em nghèo, trẻ em suy dinh dưỡng" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động. Bên động từ thiện, tại chùa Ni sư còn mở một lớp Bát Quan Trai sinh hoạt thường xuyên cho hơn 100 người, tổ chức thuyết giảng pháp, luận kinh cho Tăng, Ni và Phật tử quanh vùng. Bằng công sức và đức hạnh của mình, từng ngày Ni sư góp nhặt công đức giúp cho xã hội, cho cuộc đời này ngày một tốt đẹp hơn.

Chùa Phước Hưng trao xe lăn cho người tàn tật.

Ngôi chùa Phước Hưng nơi đi về của Ni sư Thắm Liên mỗi ngày giờ đã xuống cấp trầm trọng bởi thời gian và những tác động khắc nghiệt của thiên nhiên. Với hoài bão xây dựng lại ngôi Tam bảo khang trang hơn để Ni chúng và Phật tử gần xa có nơi nương tựa.

Năm 2002, Ni sư đã đứng ra lo việc trùng tu ngôi chùa khang trang, bền vững như hiện nay.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét