- Tên thường gọi: Chùa Làng, Chùa Bình Trước
- Địa điểm: 1/17 khu phố 4, phường Thống Nhất, Tp.Biên Hòa
- Niên đại dựng chùa: Thế kỷ XVIII
- Người khai sơn: dân làng Bình Trước
- Trụ trì hiện nay: Thượng tọa Thích Huệ Chí
- Năm trùng tu: 1942
- Hệ phái gốc: Cổ truyền Lục Hòa Tăng
- Điện thoại: 061. 827976
Trụ trì đầu tiên của chùa là: Hòa thượng Đạo Chơn dòng Lâm Tế thứ 36. Các đời tiếp theo là:
- Hòa thượng Nhật Cần (đời thứ 37)
- Hòa thượng Minh Thị (đời thứ 38)
- Hòa thượng Như Đạo và Hoà thượng Như Trịnh (đời thứ 39)
- Hòa thượng Hải Chất (đời thứ 40)
- Thượng tọa Nhật Phát và Thượng tọa Huệ Chí (đời thứ 41). Thượng tọa Huệ Chí đang trụ trì tại chùa.
Chùa Thiên Long tọa lạc trên khu đất cao, rộng nay thu hẹp lại chỉ còn 300 m². Xung quanh có 500 m² tường gạch, xi măng bao bọc. Phía trước chùa có tượng Quan Âm lộ thiên và cổng tam quan bề thế.
Chùa có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Tam (三) gồm: tiền điện, chánh điện, sân thiên tĩnh và hậu đường nối tiếp nhau theo trục dọc.
Thượng Tọa Thích Huệ Chi
• Tiền điện: cũng chính là mặt tiền chùa gồm hai lớp mái lợp ngói vẩy cá (ngói móc). Ở đây có thờ tượng Hộ Pháp và Kim Cang.
• Chánh điện: kiến trúc kiểu nhà tứ trụ truyền thống, 4 cột gỗ tròn có đường kính 45cm, trên mỗi cột đều có treo câu đối chữ Hán, nét chạm tinh xảo, sơn son thếp vàng. Mái chánh điện dạng bánh ít - mái đặc trưng các chùa cổ ở Nam bộ.
Chánh điện là nơi tập trung cao nhất sự bài trí và thờ cúng ở chùa. Ở đây ta thấy có bộ tượng gỗ cổ như: Thập điện Diêm Vương, Thập bát La Hán. Đặc biệt bộ tượng Di Đà Tam tôn tạc bằng gỗ mít rừng được xem là bộ tượng lớn nhất ở Biên Hòa (tượng A Di Đà trong tư thế tọa thiền cao đến 2,5m). Đây là những pho tượng hiếm hoi, quí giá của chùa. Ngoài ra, chùa còn thờ nhiều tượng bằng đất nung và một pho tượng Quan Công làm bằng giấy bồi rất độc đáo. Giá trị nghệ thuật của nó là sự dụng công khá tỉ mỉ. Đây là di tượng làm bằng chất liệu dễ mục nát hiếm hoi còn sót lại của chùa.
Hệ thống bao lam, hoành phi của chùa Thiên Long được chạm lộng công phu. Chánh điện có 3 tấm bao lam. Chính giữa là bao lam lớn và đẹp nhất được chạm lộng đề tài: Thập bát La Hán. Bộ tượng được chạm khắc dưới dạng ngồi trên mình thú (thượng kỳ thú), tay bắt ấn, tay cầm bửu bối, chứng tỏ tượng được tạo tác không phải trong tư thế tham thiền nhập định mà ở trạng thái hoằng hóa, thuyết pháp độ sanh. Tấm bao lam chạm lộng hai mặt cho thấy nghệ thuật điêu khắc gỗ tài hoa, tinh xảo của nghệ nhân vùng Trấn Biên Gia Định, thế kỷ XVIII.
Sau chánh điện là bàn thờ Tổ Bồ đề Đạt Ma và các long vị của những vị sư đã trụ trì tại chùa.
• Sân Thiên tĩnh (Thiên tĩnh có nghĩa là giếng trời): có tác dụng để hứng nước mưa và nắng gió tạo sự âm dương điều hòa, thông thoáng trong chùa.
• Hậu đường cũng là giảng đường và nơi tiếp khách. Nơi đây thờ ông Giám Trai, tượng bằng đất nung.
Chùa Thiên Long là một trong những ngôi chùa cổ ở Đồng Nai còn lưu lại những giá trị nghệ thuật độc đáo về điêu khắc tượng thờ, chạm lộng trên bao lam, hoành phi, câu đối... mang tính hiện thực và đã được dân gian hóa. Với những nét đặc sắc đó, chùa Thiên Long xứng đáng là một di tích văn hóa của Đồng Nai.
Thượng tọa Thích Huệ Chí, thế danh Phan Văn Nhị, sinh năm 1943 tại tỉnh Đồng Nai, xuất gia năm 1952, cầu pháp đầu tiên với Hòa thượng Thiện Huệ ở chùa Bửu Sơn (Tp. Biên Hòa), thọ Tỳ kheo năm 1968 tại giới đàn Tổ đình Long Thiền. Năm Canh Ngọ (1990) Thượng tọa Huệ Chí được Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm về trụ trì tại chùa Thiên Long cho đến nay.
Suốt cuộc đời tu học Phật pháp và ở cương vị lãnh đạo ngôi chùa, Thượng tọa Huệ Chí luôn đem hết tâm sức, trí tuệ phục vụ cho Đạo pháp - Dân tộc - XHCN. Nhiệm kỳ (2002-2007) Thượng tọa Huệ Chí là Ủy viên kiểm soát, kiêm Phó ban nghi lễ tỉnh Đồng Nai, Phó đại diện Giáo hội Phật giáo Tp.Biên Hoà, hội viên Chữ Thập đỏ của phường Thống Nhất.
Nguyện vọng của Thượng tọa trụ trì và Tăng chúng trong chùa là được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét xếp hạng chùa Thiên Long là di tích văn hóa cấp Quốc gia, để chùa thuận duyên hơn trên đường hoằng pháp và có điều kiện để bảo tồn được một ngôi cổ tự cho đất nước.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét