19 tháng 7, 2022

Chùa Đức Lâm

TP. Mỹ Tho: Lịch Sử Chùa Đức Lâm

CHÙA ĐỨC LÂM
Ấp Mỹ Thanh, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang


Tiền Giang là một vùng đất trù phú nằm bên dòng sông Tiền hiền hòa chở nặng phù sa. Thành phố Mỹ Tho là trung tâm kinh tế văn hóa của tỉnh Tiền Giang, xưa kia được mệnh danh la Mỹ Tho đại phố. Mỹ Tho đại phố được hình thành cách nay hơn 330 năm, là một trong những đô thị phồn thịnh bậc nhất của miền Nam thời bấy giờ.

Đến với Tiền Giang du khách không chỉ đắm chìm vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với những cánh đồng quê bát ngát, những vườn cây trỉu quả, mà du khách còn được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, đặc biệt là những ngôi chùa cổ đã hiện diện trên vùng đất này từ vài trăm năm qua.


Trong chương trình Lịch sử các tự viên lần này, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo Tiền Giang hân hạnh giới thiệu đến quý khán giả một ngôi chùa cổ có lịch sử gần 300 năm, đó chính là chùa Đức Lâm.


Chùa Đức Lâm (hay còn gọi là chùa Bà Lớn) là ngôi chùa cổ được thành lập sớm nhất trên vùng đất Mỹ Tho. Năm 1740, Ngài Tổ Trí tự Khánh Hưng là đệ tử của Tổ Phật Tịnh - Từ Nghiêm ở chùa Long Hưng (TP. Biên Hòa), đã đến hành đạo tại vùng đất Mỹ Tho, gặp được bà Phật tử giàu có ở xã Mỹ Phong mà người dân trong vùng thường gọi là Bà Lớn (vì bà là vợ của một quan lớn tại địa phương nhưng đã qua đời). Bà Lớn đến nghe Tổ giảng Pháp nên phát tín tâm; lại thấy Tổ hành đạo không nơi nương tựa nên phát tâm cúng 3 mẫu đất vườn (30.000 m²) và xuất tiền để Tổ xây dựng lên một ngôi chùa, cũng là để có nơi cho người dân trong vùng quy tụ nghe Tổ giảng Phật pháp. Chùa Đức Lâm được hình thành từ đó.


Ngôi chùa Đức Lâm ban đầu được xây dựng theo kiến trúc nội Công ngoại Quốc, khang trang, rộng rãi. Các khám thờ, bao lam, liễng, đối, quyển thư đều được sơn son thếp vàng rất đẹp.

Sau khi xây dựng chùa khang trang, bá tánh đến nghe Pháp ngày càng nhiều. Tổ cũng bắt đầu thu nhận đệ tử xuất gia, mở lớp dạy Giáo lý, ngôi chùa Đức Lâm trở thành ngôi đại Già lam nổi tiếng lúc bấy giờ. Trong số đệ tử xuất gia của Tổ có năm vị xuất chúng như:

  1. Thiền sư Tiên Thiện - Từ Lâm sau này về trụ trì chùa Bửu Lâm.
  2. Thiền sư Tiên Kiến – Gia Đồ sau kế nghiệp Tổ ở chùa Đức Lâm.
  3. Thiền sư Tiên Vân – Ấn Tông sau về hành đạo tổ đình Sắc tứ Linh Thứu.
  4. Thiền sư Tiên Tường – Bảo Quan sau trụ trì chùa Đức Lâm.
  5. Thiền sư Tiên Cầu – Từ Nhượng sau trụ trì chùa Hội Tôn (Bến Tre).

Như vậy nơi đây từng là chốn dừng chân tu học của các vị danh Tăng vùng đất Nam bộ. Thế nhưng vào năm 1946 chùa bị phá hủy hoàn toàn, các tín vật của chư Tổ hành đạo và tu học ngày xưa hầu như không còn nữa.

Hòa bình lập lại, Phật tử địa phương đã cùng nhau trùng tu lại ngôi chùa nhưng thay đổi hoàn toàn với kiến trúc ban đầu. Các di chỉ còn lại gồm các bộ lam và bức đại tự “Đức Lâm Tự”; ba pho tượng Phật Di Đà và các long vị chư Tổ các đời trụ trì tại Đức Lâm:


1. Hòa thượng Tổ Trí - Khánh Hưng
2. Hòa thượng Tiên Vân - Ấn Tông.
3. Hòa thượng Tiên Tường – Bửu Quang.
4. Hòa thượng Minh Châu – Huệ Vân.
5. Hòa thượng Như Liễu – Chánh Định.
6. Hòa thượng Như Nhựt – Huệ Quang.
7. Hòa thượng Kiểu Tốt – Hoằng Trí.
8. Hòa thượng Kiểu Liên – Hoằng Pháp.
9. Hòa thượng Nhựt Minh – Hoằng Đức.


Năm 1998, sau khi Hòa thượng Thích Hoằng Đức viên tịch, Đại đức Thích Lệ Năng là đệ tử xuất gia của Hòa thượng đã kế vị Trụ trì chùa Đức Lâm chăm lo Tam Bảo và hướng dẫn Phật tử tu tập cho đến nay.

Năm 2013, nhận thấy ngôi Chánh điện trước đây được làm bằng gỗ, vách ván, mái lợp ngói, nền lát gạch tàu; nhưng theo thời gian đã bị xuống cấp, kèo cột đã bị mối mọt ăn gần hết nên Đại đức Thích Lê Năng đã phát nguyện khởi công xây mới lại ngôi Chánh điện bằng bê tông cốt sắt kiên cố theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên, chiều ngang rộng 13,5m, chiều dài 19m. Phần mái được đúc bê tông dán ngói mũi hài đỏ, các đầu đao gắn hoa văn sen lá.


Bên trong Chánh điện, bậc trên cùng thờ tôn tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni; bậc kế tiếp thờ 3 pho tượng Phật A Di Đà đều là những tượng cũ của chùa trước đây còn lưu lại. Hai bên phía trước Chánh điện là ban thờ đức Hộ Pháp Vi Đà và Tiêu Diệu Đại Sĩ.

Phía sau Chánh điện là Tổ đường, thờ bức phù điêu Tổ sư Đạt Ma, long vị chư Hòa thượng tiền bối. Bên trên là cuốn thư “Tổ Ấn Trùng Quang”. Hai bên tả hữu là ban thờ Ngọc Hoàng và các tượng cũ.


Ngôi Chánh điện được hoàn thành trang nghiêm và xinh đẹp, Đại đức Thích Lệ Năng tiếp tục xây dựng lại cổng Tam quan, xây tường rào, lán sân chùa, xây Quan Âm các, tôn tạo lại khu vườn Tháp Tổ. Ngôi Chánh điện của trước đây bị hư hoại, Đại đức Trụ trì cũng cho phục dựng lại, bố trí làm Trai đường và phòng khách để có nơi nghĩ chân cho khách Tăng thập phương.

Ngày nay tuy không còn giữ lại được không gian và những nét cổ kính lúc ban đầu, vì diện tích đất chùa cũng chỉ còn 17.000 m² (gồm luôn đất nghĩa địa), nhưng có dịp đặt chân đến chùa Đức Lâm chúng ta không khỏi ngỡ ngàng bởi vẽ đẹp hài hòa của ngôi cổ tự có mặt trên mảnh đất Sông Tiền gần 300 năm qua.

“Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa
Tình dân gửi ấm đã bao lần;
Tổ tiên bồi đắp bao năm tháng,
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ”.

Sau đây là một số ảnh tư liệu:
























Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét