19 tháng 7, 2022

Chùa Long Nguyên

TP. Mỹ Tho: Lịch Sử Chùa Long Nguyên

CHÙA LONG NGUYÊN
Ấp 3, xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang


Chùa Long Nguyên được xây dựng vào năm 1841, do ông bà Đắc là địa chủ của vùng đất Mỹ Tho lúc bấy giờ đã mua 10 mẫu đất hiến cúng và cùng một số tín đồ Phật giáo đứng ra kiến tạo. Nhưng do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh vệ quốc và sự tàn phá của thời gian nên ngôi Chùa xưa đã bị hư hỏng gần hết, không còn giữ lại kiến trúc ban đầu.

Trong thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa là sơ sở Cách mạng, là nơi lui tới hoạt động của Thành ủy Mỹ Tho.


Theo các long vị còn lưu lại cho thấy chùa Long Nguyên đã trãi qua các đời trụ trì sau:
  1. Thầy Thiện Bảo.
  2. Thầy Bảy.
  3. Thầy Giáo Thọ.
  4. Thầy Quản Cơ.
  5. Thầy Thiện Nghĩa.
Ngày 25 tháng 03 năm 1999, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã bổ nhiệm Hòa thượng Thích Hạnh Trân về trụ trì chùa Long Nguyên cho tới nay.

Hòa thượng Thích Hạnh Trân thế danh Lê Quang Chương, sinh năm 1949, nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi. Ngài cầu pháp xuất gia với Hòa thượng Huyền Tế tại chùa Bảo Linh (TP.Quảng Ngãi), thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42; hiện Hòa thượng Thích Hạnh Trân là Ủy viên Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang.


Từ khi tiếp nhận ngôi Chùa với hiện trạng đã bị hư hại gần hết, mái ngói rêu phong, tường vách xiêu vẹo, vườn tược cỏ mọc bít lối; Hòa thượng Thích Hạnh Trân đã từng bước trùng tu, kiến tạo lại cơ sở vật chất, xây dựng đạo tràng hướng dẫn Phật tử tu học theo Chánh pháp Đức Phật.

Năm 2000, được sự phát tâm của quý Phật tử Hòa thượng đã khởi công đại trùng tu ngôi Chánh điện bằng chất liệu bê tông cốt thép theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên. Phần mái Chùa được đúc bê tông và dán ngói mũi hài đỏ, các mũi đao gắn hoa văn rồng, đỉnh nốc gắn rồng chầu bánh xe Pháp luân. Tiền sảnh của chùa bên trên nóc trang trí hoa văn Tứ linh, bên dưới nóc được vẽ vân mây và hình chư Phật, Bồ Tát rất đẹp; hai bên tả hữu tiền sảnh là gác chuông và lầu trồng được trang trí hoa văn họa tiết và câu đối rất hài hòa. Các cửa đi và cửa sổ của chùa đều được làm bằng gỗ căm xe. Các hàng cột được chà đá mài bóng màu đỏ.


Bên trong Chánh điện thờ Tôn tượng đức Phật Thích Ca, hai bên tả hữu là ban thờ Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Địa Tạng, hai bức phù điêu Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền. Điện Phật được trang trí các khung bao lam hình rồng chầu và hoa sen, bên trên có treo bức đại tự “Điều Ngự Giác Hoàng”, tất cả đều được thếp vàng rất trầm hùng. Xung quanh tường Chánh điện phía trên cao được trang trí các bức phù điêu 18 vị La Hán.


Tiếp theo Chánh điện về phía sau là Tổ đường được xây theo kiến trúc Tứ trụ, mái lợp ngói mũi hài. Phần nóc mái có cổ lầu hình bảo tháp ba tầng được trang trí hoa văn góc mái hình sen lá; phần bờ nóc trang trí hoa văn sen và gắn bốn câu kệ nói về sự truyền thừa của chư Tổ từ Ấn Độ sang Trung Quốc và Việt Nam:

“Tây Thiên tứ thất; Đông Độ nhị tam; Việt Nam lịch đại; Tổ sư Bồ Tát”


Bên trong Tổ đường thờ Tôn tượng Tổ sư Đạt Ma, ảnh Lục tổ Huệ Năng, Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Bên trên có trang trí các bức đại tự: “Bát Nhã Đường”, “Dụ Hậu Côn” và “Kế Thế Phương”. Gian Hậu tổ là ban thờ long vị chư Hòa thượng tiền bối kiến tạo và trùng hưng Tam Bảo chùa Long Nguyên cùng ban thờ chư vong linh bá tánh.


Sau khi trùng tu xong ngôi Chánh điện và Tổ đường, Hòa thượng Trụ trì đã cho kiến tạo đài Quan Âm trên ao sen phía trước sân chùa rất thanh thoát, xây Giảng đường, Tăng xá, Khách đường; xây Tháp cốt vào năm 2011, xây cổng Tam quan và tường rào vào năm 2012, thiết kế lại toàn bộ khuôn viên Chùa, trồng nhiều hoa kiểng quý tỏa hương thơm ngát bốn mùa.

Là một bậc Giới sư tại các Đại Giới đàn trong tỉnh, bậc Giáo thọ sư của Trường Trung cấp Phật học tỉnh Tiền Giang, tỉnh Long An qua nhiều khóa học; cũng đã từng giữ chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Tiền Giang - Hòa thượng Thích Hạnh Trân luôn có tâm nguyện đem Chánh pháp đức Phật phổ hóa đến tất cả mọi người, để ai ai cũng hiểu biết nhân quả, thực hành lời Phật dạy mới có an lạc thật sự trong cuộc đời này; Chính vì vậy, từ khi về trụ trì chùa Long Nguyên, song song với việc trùng tu kiến tạo lại cơ sở vật chất, Hòa thượng đã nhanh chóng mở Khóa tu định kỳ cho Phật tử tham dự vào ngày mùng 1 hàng tháng, qua đó hướng dẫn giáo lý cho Phật tử ngày thêm lợi lạc. Ngài cũng đã tham gia giảng dạy Giáo lý cho Phật tử rất nhiều đạo tràng trong tỉnh Tiền Giang, chùa Phước Tường (tỉnh Trà Vinh), chùa Long Thành (tỉnh Vĩnh Long), chùa Xá Lợi (TP. Hồ Chí Minh),


Có duyên nhận trụ trì Chùa ở tuổi ngoài ngũ tuần, nên Hòa thượng Thích Hạnh Trân độ chúng đệ tử xuất gia rất ít. Tuy vậy, với đức độ kiêm ưu, Hòa thượng được Tăng chúng nương theo y chỉ tu học rất đông. Chùa Long Nguyên hiện tại có trên 10 vị nội trú tu học. Dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng, Tăng chúng luôn rất tinh tấn và nghiêm túc thực hành các thời khóa tụng niệm, trú dạ lục thời an yên tu học.
Thật đúng là:

“Thiền khách quá trần tự tại nhàn,
Cõi lòng thanh thoát Đạo thênh thang.
Hữu duyên kiến tạo Già lam cảnh,
Khêu tỏ đèn Thiền tiếp hậu côn.”

Về hoạt động xã hội, Hòa thượng Thích Hạnh Trân đã được người dân tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân dân cấp xã liên tiếp 2 nhiệm kỳ; và xuyên suốt 06 nhiệm kỳ làm Ủy viên Mặt trận Tổ quốc xã Đạo Thạnh cho đến nay. Đối với công tác từ thiện an sinh xã hội, Hòa thượng thường xuyên vận động Phật tử xây nhà tình thương, tặng học bổng, tặng quà người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ lũ lụt,…

Như vậy, gần 200 năm hình thành và phát triển, trải qua bao biến đổi của không gian và thời gian, nhưng chùa Long Nguyên vẫn trang nghiêm sừng sững giữa vùng đất Mỹ Tho hiền hòa, làm chỗ dựa tâm linh vững chắc cho những ai hữu duyên quay về học Phật, tìm con đường an lạc giải thoát.

Sau đây là một số ảnh tư liệu:



















Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét