CHÙA HUỲNH LONG (Giồng Tre)
Khoảng giữa thế kỷ XIX (1860), Thiền sư húy Hải Cảm hiệu Ngọc Dũng đến đây tu học, nhưng sau đó đã về lại chùa cũ và viên tịch. Bổn đạo chùa Huỳnh Long thương tiếc Ngài nên tôn làm Lão tổ Hòa thượng và lập Long vị thờ tại Chùa đề: “Lâm tế Chánh Tông, tam thập cửu thế húy Hải Cảm, thượng Ngọc hạ Dũng đại Lão tổ Hòa thượng. Nguyên Đinh Mão niên (1808) chánh ngoạt thập ngũ nhật, vãng sanh Canh Ngọ niên 1870”.
Kế thừa Hòa thượng Ngọc Dũng là thầy Phạm Văn Đạo, hiệu Huệ Nhiên đại sư. Sau thầy Huệ Nhiên là Hòa thượng Trừng Trữ, hiệu Quảng Huệ đời 42 thiền phái Lâm Tế. Hòa thượng Quảng Huệ khai sơn và hành đạo nhiều chùa ở vùng Cai Lây như: Chùa Huỳnh Long (Bến Lợi) ở ấp Bình Long, xã Bình Phú; chùa Phước Lâm ở xã Phú Nhuận; chùa Phước Hội (chùa Am) ở xã Thạnh Phú, v.v…. Năm Quý Dậu (1873) tại chùa Phước Lâm, Ngài thiết lập Đại Giới đàn được Tăng chúng tôn làm Đường đầu Hòa thượng. Lúc Ngài sắp viên tịch, đệ tử đưa về chùa Phước Lâm để lo tang lễ và nhập tháp tôn thờ. Long vị thờ tại chùa Phước Lâm ghi: “Lâm Tế Chánh Tông tứ thập nhị thế húy Trừng Trử thượng Quảng hạ Huệ đại lão Hòa thượng Giác linh nghê tòa” (1829-1889).
Sau khi Hòa thượng Chơn Chánh viên tịch, tổ đình Phước Lâm và tổ đình Khánh Qưới cử Hòa thượng húy Nguyên Hòa, hiệu Thiện Thuận giám tự chùa Huỳnh Long một thời gian khoảng 10 năm rồi vị này cũng đi hành đạo ở chùa khác. Sau đó thầy Nguyễn Văn Thuận pháp hiệu Đức Minh Huệ thuộc tông pháp Bửu Sơn Kỳ Hương giám tự. Thầy mất năm 1948, Bổn đạo tổ chức tang lễ và an táng nhục thân Thầy phía sau Chùa (1905-1948)
Trong giai đoạn chiến tranh, chùa Huỳnh Long không có thầy đến trụ trì, chỉ có một vị Sa di Ni lớn tuổi pháp danh Quảng Định, tự Diệu Ngộ thế danh Phạm Thị Đính trong coi gần 20 năm (mất vào năm 1968) hiện Long vị đang thờ tại Chùa (Phật tử thường gọi vị Sa di Ni này là Bà Bảy).
Sau khi Sa di Ni Quảng Định qua đời không có ai quản lý chính thức và thường xuyên nên ngôi Chùa đã bị xuống cấp rất nhiều. Ngày 16 tháng 3 năm 1988, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang bổ nhiệm Ni sư Thích Nữ Minh Nhẫn làm Trụ trì với hai người bạn trợ giúp là Ni sư Minh Nguyệt và Ni sư Như Diệu.
Tháng 4 năm 1988, sau lần đi viếng Phật thấy ngôi chùa quê bị dột nát, gia đình ông Lý Văn Thuận - chủ hãng xe Thuận Thành ở Mỹ Tho quy y Tam Bảo với Pháp danh Thiện Đức cùng bà con trong ấp Bình Trị phát tâm xây dựng lại Chánh điện chùa Huỳnh Long theo kiến trúc nhà ba gian miền Nam. Kèo bằng cây dầu, mái lợp ngói âm dương, vách tường, nền lát gạch tàu. Lễ Khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 11/8/1988 (29 tháng 6 năm Mậu Thìn).
Năm 1993 Ni sư Thích Nữ Minh Nhẫn tiến hành xây dựng lại nhà Hậu Tổ thờ Di ảnh Tổ Kiều Đàm Di và cố Ni trưởng Thích Nữ Liễu Tánh.
Năm 2000, Ni sư trụ trì tiếp tục trùng tu lại Chánh điện. Do vì phần khèo và đòn tai của nốc chùa trước đây làm bằng cây dầu và lợp ngói âm dương nên đã bị mục, Ni sư đã cho thay lại bằng cây sao, mái lợp tôn và đóng laphong; thay nền gạch tàu bằng gạch men. Xây thêm hai bên hành lan và tiền sảnh để thoáng mát, tiện nghi cho Phật tử trở về tham dự khóa tu, kinh hành niệm Phật vào ngày mùng 9 âm lịch và các ngày Chủ nhật hàng tháng.
Năm 2012, Ni sư cho xây dựng Giảng đường để làm nơi thính pháp và sinh hoạt tu học cho Phật tử xa gần. Song song thời gian này Ni sư còn xây dựng Cổng chùa, làm tường rào, xây bờ kè đoạn sông phía trước chùa và nhiều công trình phụ khác để tiện nghi cho Ni chúng sinh hoạt tu học. Tuy các công trình của chùa Huỳnh Long ngày nay không lớn lắm nhưng đó là cả một sự chắc chiu dành dụm của Ni sư Thích Nữ Minh Nhẫn đối với ngôi chùa cổ nơi miền quê này.
Với uy đức và hạnh từ của Ni sư Thích Nữ Minh Nhẫn, hàng Phật tử trở về chùa quy y và tham gia tu học Phật pháp ngày càng đông. Để hướng dẫn Phật tử tu học theo Chánh pháp và có quy củ, Ni sư đã mở khóa tu Niệm Phật từ năm 2009 đến nay. Trong mỗi khóa tu, Ni sư đều có dành thời gian đề thuyết pháp, qua đó Phật tử ngày thêm hiểu biết đúng hơn về giáo pháp Đức Phật, vững chãi thực hành lời Phật dạy vào cuộc sống thường nhật để được an lạc trong cuộc sống.
Nhiều Phật tử quanh chùa khi được hỏi cảm nhận của mình về ngôi chùa Huỳnh Long này đều có chung ý nghĩ với những câu thơ của đại thi hào Nguyễn Bính thuở nào:
“ Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi …”
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi …”
Và lỡ như:
“…Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa.”
Một số ảnh tư liệu:
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa.”
Một số ảnh tư liệu:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét