21 tháng 8, 2022

Chùa Diêm Điền

Về Quảng Ngãi vãn cảnh chùa Diêm Điền

Diêm Điền tự là một trong ngũ đại danh tự của tỉnh Quảng Ngãi, cùng với chùa Hang (huyện đảo Lý Sơn), chùa Ông Thu Xà (Tư Nghĩa), chùa Thiên Ấn và chùa Hoa Nghiêm (TP.Quảng Ngãi). Đây là một trong những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của xứ Cẩm Thành.

Chùa Diêm Điền tọa lạc ở thôn Diêm Điền (xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi). Đây là một trong những ngôi chùa quê tiêu biểu của xứ Quảng. Chùa nằm trong một khuôn viên nhỏ, nép dưới những tán cây cổ thụ, khuất bóng sau những hàng tre, bốn bên ruộng đồng bao bọc…

Cổng chùa Diêm Điền. 

Khác với những ngôi chùa nổi tiếng khác, chùa Diêm Điền không quy mô, hoàng tráng bằng. Chùa nhỏ nhắn với tổng diện tích chánh điện chỉ vỏn vẹn 20 
 nhưng vẫn giữ được nét thâm nghiêm, cổ kính. Chùa được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của chùa Việt. Cổng chùa nép dưới bóng cây đa. Chánh điện của chùa được bài trí hài hòa, cân đối. Chùa nằm sâu trong thôn xóm, thấp thoáng giữa bốn bề cây xanh nên vô cùng tĩnh mịch.

Về sự ra đời của chùa Diêm Điền, người dân xã Tịnh Hòa còn lưu truyền một giai thoại rất nổi tiếng. Tục truyền rằng, thuở trước, Diêm Điền là vùng đầm phá nhiễm mặn (vì gần biển), người dân làm nghề đánh cá, trồng lác dệt chiếu, mùa nắng làm muối (tên gọi Diêm Điền có nghĩa là “ruộng muối”).

Chánh điện chùa Diêm Điền. 

Hồi đó, có một thời gian, cả vùng Diêm Điền bị nhiễm mặn nghiêm trọng, các giếng trong làng đều bị mặn, người dân không có nước ngọt để dùng. Ngày nọ, có một nhà sư cùng một chú tiểu không biết từ đâu đến làng, chặt cây rừng dựng am thờ Phật, ban đêm tụng kinh, ban ngày đào giếng. Đến khi giếng được đào xong và có nước ngọt thì nhà sư và chú tiểu đã đi đâu không ai biết.

Để tưởng nhớ công ơn của hai vị, người dân Diên Điền đã lập một đền thờ ngay tại am Phật mà vị nhà sư cùng chú tiểu năm xưa đã dựng nên. Khoảng năm 1850, chùa Diêm Điền được xây dựng ngay tại vị trí này.

Ngày nay, giếng nước mà nhà sư và chú tiểu đào thuở ấy vẫn còn. Người dân vùng Diêm Điền gọi bằng cái tên thân thương và cung kính là “giếng Chùa”. Giếng nằm ở bên tả chánh điện chùa, được xây bằng vôi, nước quanh năm trong vắt, mát ngọt và không bao giờ cạn, kể cả những năm đại hạn. Người dân trong làng thường đến lấy nước ở giếng Chùa về uống, đun nước pha trà. Du khách đến viếng chùa thường xin nước giếng Chùa mang về với mong ước may mắn, phước lộc sẽ đến với mình.

Về thăm chùa Diêm Điền, du khách sẽ ngỡ ngàng với một truyền thống lâu đời của chùa mà ta ít gặp ở các chùa khác. Đó là chùa không nhận bất kì khoản tiền cúng dường nào của khách thập phương, dù là ít ỏi. Mỗi khi chùa cần tu bổ hay có lễ lạt gì, người dân Diên Điềm sẽ tự tổ chức đóng góp.

Đây là cách bày tỏ người dân nơi đây bày tỏ lòng tri ân của mình đối với những công đức của chùa. Cho nên, về Tịnh Hòa, khi hỏi về chùa, thế nào du khách cũng sẽ được nghe câu ca dao: “Quý khách đã đến Diêm Điền/ Viếng chùa càng quý, viếng tiền xin lui/ Chùa quê nghèo thật, xin người/ Đốt hương niệm Phật hoa tươi hương đèn”.

Vãn cảnh chùa Diêm Điền, nghe kể về sự tích nhà sư đào giếng giúp dân, rửa mặt bằng dòng nước mát lành ở giếng Chùa sẽ là những trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá vùng đất miền biển Tịnh Hòa.

Bài, ảnh: PHẠM TUẤN
Đến Diêm Điền nghe chuyện lạ về giếng Chùa

Còn gì thú vị hơn, ngày rằm tháng Giêng, tìm về ngôi chùa Diêm Điền cổ kính, tọa lạc ở thôn Diêm Điền, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) để nghe người dân và thầy trụ trì nơi đây kể về tích xưa, chuyện cũ, kể về giếng Chùa trong lành, ngọt mát và không bao giờ cạn, kể cả hạn hán...

Nằm nép mình giữa đồng lúa xanh bao la của làng Diêm Điền, chùa Diêm Điền hiện ra với cổng chùa đã ngả màu rêu phong và bức tường màu vàng đã lâu không sơn quét nên nhạt màu. Ngay bên cạnh chùa là chiếc giếng cổ mà người dân trong vùng vẫn gọi bằng cái tên thân thương, cung kính: “giếng Chùa”.

Không chỉ ngày xưa, mà đến tận bây giờ, người dân Diêm Điền vẫn tìm đến giếng Chùa để lấy nước về dùng. 

Ông Phạm Hả, ngụ ở thôn Diêm Điền đang múc nước giếng, tâm sự: “Thoạt nhìn tưởng nước giếng đã cạn đến đáy, nhưng dù múc, hoặc bơm bao lâu thì nước giếng cũng không cạn. Nước giếng Chùa trong vắt, không chút rong rêu, cợn bẩn... hoặc nhiễm mặn, nhiễm phèn. Dù các giếng nước xung quanh đây đều phèn, mặn cả”. Bởi thế, người làng Diêm Điền vẫn thường lấy nước giếng Chùa về uống, nấu nước pha trà đãi khách. Du khách đến tham quan và cúng lễ chùa thì mang theo bình xin nước giếng mang về với mong ước rước may mắn, tài lộc đến cho gia đình.

Tương truyền rằng, ngày trước, khi chưa xây dựng bờ đắp ngăn mặn, toàn vùng Diêm Điền người dân đào đâu cũng chỉ gặp toàn nước phèn, nước mặn. Đến một hôm, có một nhà sư và một chú tiễu không biết từ đâu đến làng Diêm Điền, chặt cây rừng dựng lên một ngôi am thỉnh Phật, ban đêm kinh kệ, ban ngày đào giếng. Cho đến khi giếng có nước ngọt thì nhà sư và chú tiễu đó lại ra đi. Để tưởng nhớ công ơn của các vị trên, người dân Diêm Điền đã lập đền thờ các vị đó ngay tại am Phật mà nhà sư và chú tiễu đã từng an tọa.

Chùa Diêm Điền bây giờ, chính là được xây dựng trên vị trí am Phật mà nhà sư và chú tiễu đã từng an tọa ngày trước. Chùa hướng về phía đông nam, tọa trên một gò đất cạnh rừng rất cao và rộng. Phía bắc chùa là mộ ông tiền hiền họ Phạm – người tương truyền đã có công di dân đến khai hoang, vỡ hóa vùng đất này. Sư trụ trì chùa Diêm Điền Thích Thông Đạo cho biết: “Ngôi mộ này đã có từ rất lâu đời, nhưng lạ một điều là dù không đắp, nhưng mộ vẫn ngày một cao lên”.

Khách tham quan nếu có dịp ghé thăm chứng tích Sơn Mỹ, hoặc biển Mỹ Khê... hãy bớt chút thời gian ghé qua chùa Diêm Điền để tận mắt nhìn thấy ngôi chùa, diện tích vỏn vẹn 20 m², nhưng chứa đựng biết bao câu chuyện, để tự tay xin nước trong lòng giếng, nhấp một ngụm để cảm nhận hương vị tinh túy của làng Diêm Điền...

Bài, ảnh: Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét