21 tháng 8, 2022

Chùa Phước Lâm

Phước Lâm cổ tự - Mỹ Xuyên, Sóc Trăng

Chùa Phước Lâm tọa lạc tại số 76, thuộc ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, trên diện tích 9.000 m². Nhắc đến Mỹ Xuyên là nhắc đến vùng đất Bãi Xàu - thương cảng Nam kỳ lục tỉnh xưa. Từ thế kỷ XIX, Sóc Trăng có nhiều trung tâm mua bán tấp nập như Đại Ngãi (Vàm Tấn), chợ Khánh Hưng. Đặc biệt, tại Bãi Xàu, tức chợ Mỹ Xuyên ngày nay, cũng đã hình thành một thương cảng. Bãi Xàu là trung tâm thương mại lớn của vùng Hậu Giang và là một trong 03 thương cảng lớn của vùng đất Nam bộ xưa. Cuối thế kỷ XIX, Bãi Xàu là trung tâm thị tứ của hạt Sóc Trăng, dân cư khu vực này lên đến 6.000 người. Từ tháng 02 đến tháng 6 mỗi năm, bình quân mỗi tháng có khoảng 250 ghe thuyền từ các nơi của thương buôn Trung Quốc, Mã Lai, Bắc Kỳ... chở hàng đến như vải sợi, tơ lụa, đồ gốm, thuốc lá, thuốc bắc... và chở đi gạo Bãi Xàu cùng một số sản phẩm khác như cá và khô [1].

Đại hùng bửu điện

Ngoài lợi thế phát triển về kinh tế như nông sản, thủy sản, Mỹ Xuyên còn mang dáng dấp của vùng đất có nhiều quần thể kiến trúc đình, chùa, miếu nổi tiếng, độc đáo của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trong đó, phải kể chùa Khmer Luông Bassac Bãi Xàu, được xây dựng 1892, chùa Thiên Hậu Quảng Châu, chùa Thiên Hậu Triều Châu, chùa Ông Bổn, chùa Xén Cón tạo nên sự đa dạng về nét văn hóa của địa phương đã góp nên sức hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân đến vùng đất này. Và chùa Phước Lâm là một trong những ngôi chùa có công trình kiến trúc nổi bật, đã gắn kết đạo - đời trở thành một phương châm, một lối sống tốt đời, đẹp đạo.

Tháp vãng sanh đường

Chùa Phước Lâm xưa kia chỉ là một cơ sở thờ tự đơn sơ, do Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Cơ xây dựng vào năm Bính Tuất (1886) thuộc đất công thổ [2], có mặt tiền chánh điện quay về hướng Bắc. Đến năm Ất Tỵ (1905) Hòa thượng viên tịch, hành đạo ở chùa được 19 năm. Sau khi Hòa thượng viên tịch, lần lượt các vị Hòa thượng ở nơi khác đến trụ trì nhưng do cơ duyên, các vị Hòa thượng không an trú được bao lâu thì rời đi. Tuy nhiên, cũng có các vị cố Hòa thượng: Thích Thiện Mười (Nhứt Ngươn), Phạm Đình Kiên, Quảng Đạt và Hòa thượng Thích Huệ An an trú lâu hơn. Do ngôi chùa bị xuống cấp nặng, đến năm 1940, Hòa thượng Thích Huệ An gợi ý cùng phật tử đại trùng tu lại chùa và mặt tiền quay lại hướng Đông (hướng ra lộ), để thuận tiện cho Phật tử, bá tánh đến viếng chùa. Chùa được ông Lê Văn Quạnh (ông chủ Quạnh) hợp cùng đồng bào Phật tử địa phương cùng chung lòng, chung sức trùng tu và ngôi chùa đã hoàn thành vào năm 1942. Ngày 15 tháng 10 năm Tân Mão (1951), Hòa thượng Thích Huệ An làm lễ thế phát truyền giới sa di cho vị đệ tử đầu tiên là sư cô Diệu Huệ, người Quảng Đông sang Việt Nam năm Tân Mùi (1931), lúc này sư cô được 19 tuổi. Đến ngày 17 tháng 12 năm Giáp Dần (1974) Hòa thượng viên tịch. Trong suốt quãng thời gian trụ trì chùa, Hòa thượng Thích Huệ An đã ra công khai khẩn đất lá thành đất ruộng được 09 mẫu tại ấp Chợ Cũ, còn 01 mảnh đất ở ấp Hòa Mỹ do ông Phạm Bình Cân cúng dường cho chùa, nay dân trong vùng canh tác và làm chủ. Ngoài ra, trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Phước Lâm còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng [3].

Gian thờ nơi chánh điện

Vào năm Mậu Thìn (1988), được sự giới thiệu của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã tạo mọi điều kiện, giúp Ban hộ tự và Phật tử đồng tâm chí thành thỉnh nguyện Thượng tọa Thích Giác Thời, thế danh là Trần Văn Chiến, sinh năm 1945, tu tại chùa Vạn Hoa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang về chùa Phước Lâm làm trụ trì cho đến nay.

Một năm sau, tức năm Kỷ Tỵ (1989), trong thời gian Hòa thượng khai hoang cây cỏ trong khuôn viên chùa, đã phát hiện ra ngôi mộ Tổ, trước mộ có kèm theo 01 tấm bia. Tổ thế danh là Nguyễn Văn Thinh, sinh năm 1808, thuộc dòng Lâm tế Chánh tông thứ 39, bia đá do 01 vị Phật tử pháp danh là Hồng Kiều lập dựng. Sau khi khai quật, mộ Ngài chỉ còn lại 03 miếng xương sọ, một số xương tay, chân và 01 chiếc răng. Hòa thượng cho xây dựng ngôi Bảo Tháp và hoàn thành sau 02 năm xây dựng, được chư tôn đức làm lễ nhập cốt sư Tổ vào ngôi Bảo Tháp. Ngoài ra, bà con Phật tử có người thân quá vãng, sau khi hỏa táng đều có thể đem đến chùa xin nhập vào ngôi Bảo Tháp, với ý nguyện cầu cho hương linh người thân được nhẹ nhàng siêu thoát. 

Tượng đài đức bổn sư Thích Ca ngồi nhập định 49 ngày dưới cây bồ đề

Bước qua cánh cổng, một công trình nổi bật nhất là Đại hùng Bửu điện được xây dựng mới vào năm 2008 và khánh thành vào ngày 28 tháng 02 năm 2013. Đại hùng Bửu điện được xây dựng 01 trệt 1 lầu, bê tông hóa, có kiến trúc hiện đại, gần gũi với người dân Nam bộ. Phía trước có thờ tượng phật Quan Âm ngự trên tòa sen, phía sau trên tượng Phật Quan Âm đề "Đại hùng Bửu điện". Và phần trên lầu là chánh điện thờ Phật Tích Ca. Tuy bên ngoài không sử dụng hoa văn, màu sắc nổi bật, chỉ sử dụng chủ yếu 2 màu hồng phớt và màu gạch, nhưng khi bước vào trong chánh điện, những đường chỉ hoa văn được tô vẻ trên các bao lam, câu đối, bức tranh đắp nổi trên trần và phía sau bệ thờ Phật là 02 màu vàng và đỏ, làm nổi hẳn không gian này. Giống như chánh điện của các ngôi chùa Bắc Tông khác, phần chánh điện luôn thờ Tổ sư Đạt Ma Sư tổ, Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, Tiêu Diện, Hộ Pháp, Tam Thế Phật, Phật Thích Ca là vị Phật thờ chính. Ngoài ra, bên trong chánh điện này còn có các bức ảnh kể về sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa và quá trình Thái tử ngộ đạo thành chánh quả.

Các tượng Phật được sắp xếp trang trọng trong chùa

Ngoài công trình Đại hùng Bửu điện này, các công trình khác cũng được Thượng tọa Thích Giác Thời đầu tư xây dựng, nhằm tạo khung cảnh, và giữ đạo hiếu nghĩa đối với bậc thầy đi trước, gồm: 03 ngôi mộ tháp của 02 vị Hòa thượng Thích Huyền Cơ, hòa thượng Thích Huệ Hạ An và sư cô Thích nữ Diệu Huệ; 01 giảng đường; 01 hậu tổ; 01 phòng Tuệ Tĩnh đường (Phòng Đông y chữa trị từ thiện); 01 ngôi phật thất; 01 ngôi dưỡng lão; 01 tăng xá; 01 quanh cảnh tứ Đồng Tâm; 01 nhà trù; tôn trí 03 tượng đài: Địa Tạng Vương, Quán Thế Âm lộ thiên, 01 ngọn núi Phổ Đà Sơn; 01 ngôi vãng sanh đường; tôn trí dãy núi và tượng đài Đức Bổn sư Thích Ca, ngồi nhập định 49 ngày dưới cội cây bồ đề; 01 ngôi Miếu bà Chúa Xứ,...

Chùa Phước Lâm có 02 điểm khác biệt so với các ngôi chùa khác cùng hệ phái Bắc Tông. Thứ nhất, tuy gọi là chùa nhưng người tu ở đây theo hệ phái Khất Sĩ (đúng ra là họ tu ở Tịnh xá), nhưng do Hòa thượng Thích Huyền Cơ khai sơn và gọi là chùa, từ đó Ban hộ tự ghi nhớ công lao của Ngài nên không thay đổi tên gọi. Tuy nhiên, việc tụng kinh hay tổ chức việc lễ đều làm theo hệ phái Khất sĩ. Thứ hai, chùa Phước Lâm đều có tăng và ni cùng tu học và hành đạo với sự tôn trọng, hỗ trợ nhau trong hoạt động phật sự và chăm sóc người già, người bệnh tật ở trong chùa.

Có nhiều câu chuyện kể xung quanh về ngôi chùa này, nổi bật trong đó có câu chuyện như sau: Vào lúc 16 giờ, ngày thứ bảy của năm 2011, chùa được tiếp đón 01 gia đình từ tỉnh Nghệ An vào chùa. Đi đầu là vợ của liệt sĩ Thiếu úy Phạm Văn Chương, hưởng dương 29 tuổi. Vợ ông Chương mang tấm ảnh, 01 lư hương, 01 Bằng Tổ quốc ghi công, 01 lá cờ nước và 01 cái quách.

Sau thời gian tiếp xúc, gia đình bắt đầu thuật lại sự việc cho nhà chùa biết, cụ thể là ông Phạm Văn Chương nhập xác về báo cho vợ biết là hiện tại hài cốt ông đang ở chùa Phước Lâm - Mỹ Xuyên - Sóc Trăng. Vào năm 1968, chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, ông Chương được điều vào Nam chiến đấu. Đến năm 1969, ông Chương hy sinh, lúc đó gia đình không biết ông Chương hy sinh ở đâu mà chỉ nhận được giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công.

Trong 01 trận đánh, do bị thương ngay ở chân, mất máu nhiều và không đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông Chương đã hy sinh. Ông được đồng đội chôn cất tại gốc cây điệp và hàng ngày vong linh ông Chương vào chùa nghe kinh, kệ. Ông Chương cũng báo thời gian lấy cốt của Ông vào lúc từ 01 giờ đến 05 giờ sáng ngày hôm sau (chủ nhật). Thượng tọa đã cho gia đình ông Chương lưu lại chùa để hoàn thành tâm nguyện nhận cốt ông Chương đem về quê an nghỉ. Đúng 04 giờ 30 phút sáng, Thượng tọa cùng 02 vị sư và gia đình đi về phía sau chùa. Lúc trời còn chưa rạng sáng, giọt sương còn đọng trên ngọn cỏ, ngọn cây, các vị sư và gia đình phải dùng đèn pin để rọi đường đi. Bỗng dưng, như có một sức mạnh phi thường, người vợ ông Chương đã 72 tuổi, lại bước nhanh nhẹn khỏe khoắn, giống như một người khác hoàn toàn, chứ không phải một cụ bà đang ở tuổi 72 nữa, và mọi người cũng phải đi nhanh theo bà.

Khoảng cách từ ngoài đường vào đến phía sau chỗ cây điệp khoảng 150m. Thượng tọa chú nguyện và thực hiện nghi thức cầu nguyện vừa xong, thì vợ của ông Chương liền dùng 2 tay xỏa tóc về phía trước mặt và dùng tay chỉ rồi nói "đây nè Sư". Khi ấy, 02 chân của Thượng tọa run lên chầm chập. Sau lúc bình tâm, Thượng tọa tiếp tục nguyện chú Đại Bi thì ổn định thần khí, trở lại bình thường. Xong Thượng tọa dùng len sắn xuống đất, đến len thứ 3 thì đụng nắp khạp da bò màu vàng vỡ ra, nằm sâu dưới mặt đất khoảng 5 tấc.

Mọi người bắt đầu đem phần đất trong khạp để vào cái quách, lấy khoảng được 1/2 khạp thì phát hiện ra miếng vải dù chừng 3 cm vuông nằm ngay giữa, kế tiếp phần đất dưới khập là đất bùn nhảo, nhưng lạ thay, lại có hiện tượng là trong đất có nhiều màu sắc, gia đình ông Chương đã ghi chép và chụp hình lưu giữ lại hiện tượng trên.

Để chứng nghiệm chuyện nhập xác, sau phần nghi thức xong, Thượng tọa chú nguyện, nhấn đầu bà Chương vào cái quách và nói "nhập vô, nhập vô". Bỗng dưng, bà vén tóc về phía sau và trở lại bình thường.

Lúc này gia đình sửa soạn 01 bình hoa, 01 dĩa trái cây (có 05 quả lê, trong đó 04 trái để nguyên và gọt vỏ 01 trái để trên chính giữa) và một số lễ vật cúng trên phần mộ kế bên chú nguyện và khấn thầm, nói rằng "nếu đúng là ông thì hãy ứng về cho mọi người tìm thấy ông". Lạ thay, quả lê được gọt bỗng dưng lăn xuống đất ngay chỗ bốc cốt ông Chương. Khi lấy cốt xong là vào lúc 5 giờ 30 phút sáng. Thượng tọa cho phép mang hài cốt ông Chương vào chùa. Đồng thời Thượng tọa cho mời phía chính quyền tại địa phương, gồm Mặt trận Tổ quốc và Phòng Lao động - Thương binh Xã hội đến cùng chứng kiến và làm lễ theo nghi thức quy định chung của Nhà nước, ông Nguyễn Văn Thanh là trưởng Phòng Thương binh Xã hội huyện Mỹ Xuyên cấp giấy xác nhận việc bàn giao này.

Sau phần thực hiện lễ nghi thức, đúng 12 giờ trưa, gia đình ông Chương rời chùa và mang hài cốt ông về Nghệ An [4].

Ngoài các ngày lễ, vía được tổ chức thường niên theo Phật giáo, chùa Phước Lâm còn tổ chức thêm những sự kiện khác như: lễ vía Quan Âm 03 lần 01 năm vào ngày 19/2; 19/6 và 19/9 Phật tử kính lễ lạy 500 danh hiệu Quán Thế âm Bồ Tát (Ngũ bách danh Quán Thế âm Bồ Tát); lễ vu lan Phật Thích Ca thành đạo; lễ húy kỵ của sư Ông tạo nên Phước Lâm cổ tự.

Ngoài ra, Thượng tọa Thích Giác Thời, là người gắn bó với công tác Phật sự và xã hội nơi đây khá nhiều năm. Thông cảm và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh, Thượng tọa đã nuôi dưỡng trên 30 người tật nguyền, già yếu neo đơn, bằng công sức tâm huyết của mình và sự hỗ trợ của Phật tử gần xa. Thượng tọa còn chủ trì việc xây dựng cầu đường vào chùa với kinh phí vận động đóng góp hàng trăm triệu đồng.

Hàng năm, Thượng tọa Thích Giác Thời còn tổ chức các khóa tu Phật thất hướng đến ngày vía Đức Phật A Di Đà, vào mùa hè cho con em Phật tử. Tại đây, các em đã được hướng dẫn vui chơi ca hát, học tập các oai nghi tế hạnh, thực tập ngồi Thiền tịnh tâm. Tham dự các buổi thuyết giảng của chư Tôn đức giảng sư. Phương pháp thực tập phát triển tiềm năng của tư duy, thực tập phương pháp Quản trị đời mình qua tư tưởng đạo đức của Phật giáo, nâng cao đời sống hướng thiện, học tập những thói quen tốt để phát triển thành nhân cách tốt… Tất cả đều hướng đến mục đích vận dụng tư tưởng giáo dục và đạo đức của Phật giáo ứng dụng vào đời sống thường ngày. Thông qua những hoạt động này để mọi người cùng phát huy tinh thần trách nhiệm đối với tự thân và cộng đồng, nâng cao nghệ thuật sống: sống khỏe, sống có ích, sống hạnh phúc và sống an lạc.

Lý Thị Phương

[1] Theo Tiến sĩ Trịnh Công Lý - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng (trang 16 - Bài Mùa xuân viếng chùa Ba Thắc - Bản tin du lịch Xuân Canh Dần 2010).
[2] Đất công thổ: là đất canh tác không thuộc sở hữu của riêng cá nhân hay đoàn thể nào mà là thuộc của chung một làng.
[3] Theo tư liệu mùa Xuân Mậu Tý 2008 của Thượng tọa Thích Giác Thời (vị trụ trì hiện nay).
[4] Theo tư liệu ghi chép của phật tử Ngọc Tiến, cẩn bút ngày 05/8/2015 và tư liệu được lưu tại chùa Phước Lâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét