13 tháng 8, 2022

Chùa Trông (Hưng Long tự)

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CHÙA TRÔNG

Xã Hưng Long và địa điểm khu di tích chùa Trông

Hưng Long là một xã thuần nông nằm ở cuối huyện Ninh Giang, cuối tỉnh Hải Dương. Hưng Long nằm ở phía nam của huyện, phía bắc giáp xã Hưng Thái, phía đông giáp xã Hồng Phúc, phía tây giáp thôn Trại Vàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, phía nam giáp sông Luộc, bên kia bờ sông là địa bàn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Theo đường bộ xã Hưng Long cách thành phố Hải Dương 30km, Hà Nội 85 km. Về đường bộ, có con đường 396B chạy qua, có cầu Hiệp thông thương với tỉnh Thái Bình và tuyến đường trục Bắc-Nam tỉnh Hải Dương đang xây dựng. Vị trí địa lý, điều kiện giao thông thuận lợi là một điều kiện quan trọng để Hưng Long phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn cũng như lâu dài.

Chùa Trông tọa lạc tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Chùa Trông được xây dựng trên mảnh đất bằng phẳng rộng rãi theo hướng Tây-Nam nhìn ra sông Luộc, dòng sông cổ nối liền sông Thái Bình và sông Hồng. Đây là mảnh đất được hình thành khá sớm trong lịch sử. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhân dân địa phương còn phát hiện được nhiều vỏ sò, thân cây sú, vẹt... là những di vật khảo cổ cho phép xác định một thời Hưng Long từng bị ngập mặn. Từ thời Trần về trước Hưng Long thuộc huyện Đồng Lợi, thời thuộc Minh (1418 - 1428) do châu Hạ Hồng lãnh, lệ vào phủ Tân An. Đầu thời Lê đổi làm Đồng Lại, đời Lê Quang Thuận (1466) đổi thành Vĩnh Lại, lệ vào phủ Hạ Hồng. Năm Gia Long thứ 10 (1811) giao cho phủ Ninh Giang kiêm lý. Địa phận Hán Triền và Hào Khê là 2 xã thuộc tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, thực hiện chủ trương thay đổi địa giới của Chính phủ, xã Hán Triền được chia làm hai: một phần cắt về xã Hưng Thái, một phần cắt về xã Hán Lý. Xã Hào Khê mở mang đất mới thêm Trại Hào cùng sáp nhập thành xã mới lấy tên là Hưng Long (theo tên chữ của chùa). Xã Hưng Long hiện tại gồm 3 thôn: Hán Lý, Hào Khê và Trại Hào thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, đời sống chính của nhân dân dựa vào nghề sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước.

Chùa Trông nguyên có tên là Chùa Tông, Đại Nam nhất thống chí ghi là đền thờ Minh Không thiền sư, họ Nguyễn, tự Chí Thành. Thời phong kiến thuộc xã Hán Lý, tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng. Từ năm 1947, Hán Lý là một thôn thuộc xã Hưng Long, huyện Ninh Giang. Chùa Trông thờ Phật và đức thánh Nguyễn Minh Không. Nguyễn Minh Không sinh ngày 14/9 năm Bính Dần, thời Lý, nguyên có tên là Nguyễn Chí Thành, quê xã Đàm Xá, huyện Trường An (Ninh Bình), quê ngoại ở Hán Triền tức Hán Lý hiện nay. Minh Không là một nhà sư nổi tiếng ở thời Lý, khi viên tịch (26/3 năm Giáp Tuất) được thờ ở nhiều nơi, trong đó có chùa Trông. "Ấn ban phong tặng Quốc sư Linh cấp thiêm gia Thánh tổ", nghĩa là: ấn vua ban phong tặng là Quốc sư, linh thiêng được ban thêm là Thánh Tổ. Đó là một trong những câu đối hay và độc đáo tại chùa Trông ca ngợi Minh Không thiền sư Nguyễn Chí Thành - Cao tăng thời Lý (1010-1225).

Lịch sử hình thành và kiến trúc của chùa Trông.

Chùa Trông có tên chữ là Hưng Long Thiên Tự, một trong những Thánh tích Phật Giáo với những hạng mục mang nhiều nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Nhà nước xếp hạng "Di tích quốc gia" về kiến trúc nghệ thuật năm 2003. Chùa Trông được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, dưới thời vua Lý Nhân Tông (1010-1225) và được trung tu tôn tạo vào thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18). Ngôi chùa nằm trên khu đất rộng gần 8.000 m².

Ao rối trước cổng chùa

Công trình tam quan có hai cổng cuốn vòm lớn: cổng Đông và cổng Tây

Trong khoảng không gian này, chùa Trông được xây dựng thành hai khu vực: chùa chính và nhà (đền) thờ Tổ theo kiểu "Tiền Phật, hậu Thánh" cân đối, truyền thống. Từ ngoài nhìn vào là khu vực ao rối rộng 819 m², được xây kè xung quanh. Trong những ngày hội làng, các đoàn nghệ thuật rối nước thường về đây biểu diễn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vui chơi, giải trí. Tiếp đến là tam quan, một công trình kiến trúc cổ độc đáo có quy mô lớn nhất tỉnh Hải Dương. Tam quan cao 19m, dài 27,5m, rộng 3,5m, kết cấu gồm 4 tầng theo kiểu "chồng diêm, cổ các". Công trình có hai cổng cuốn vòm lớn: cổng Đông và cổng Tây, hai cổng gắn đại tự "Nam Thiên Động" đối xứng với "Bắc địa đồng". Nối liền giữa hai cổng là một bức tắc môn trang trí "long cuốn thủy" thể hiện hình ảnh một con rồng lớn đang nhào lộn giữa mây trời và phun "nước thiêng" xuống biển khơi, ẩn hiện giữa các lớp sóng là những chú cá đang bơi lội... Nét chạm khắc tinh xảo, đẹp mắt thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa.

Ngôi chùa chính và hai cổng nhà (đền) thờ Tổ đối xứng hai bên

Liền sau tam quan là một khoảng sân rộng, hai góc sân phía trong có 2 cây đề lớn được trồng lại vào năm 1961 (cây cũ do bão đổ) nay đã giao cành, quanh năm tỏa bóng mát, ẩn hiện dưới tán lá đề là ngôi chùa, công trình được khôi phục năm 1984 có phần khiêm tốn so với mặt bằng chùa xưa. Kiến trúc kiểu chữ "đinh" gồm 5 gian tiền đường và 5 gian thượng điện xây "bít đốc, bổ trụ".

Bài trí thờ tự gồm 7 lớp với 30 pho tượng thờ các loại, chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn muộn (đầu thế kỷ XX) được bày từ thấp lên cao theo quy định của dòng thiền Đại thừa miền Bắc. Đối xứng hai bên chùa còn có 2 cổng nhà (đền) thờ Tổ cũng được xây khá đồ sộ: cao 10 mét rộng 2 mét dài 4,5 mét. Hai cổng được bố trí đồng trục với cổng đông và cổng tây của tam quan. Kết cấu công trình gồm 3 tầng theo kiểu "chồng diêm cổ các". Cổng bên trái do thợ Hồng Phúc (Ninh Giang) thi công, còn cổng bên phải do thợ Thái Bình thực hiện. Vượt qua hệ thống cổng vòm là một khoảng sân gạch rộng rãi. Trong những ngày lễ hội truyền thống, đây là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa phong phú, đa dạng.

Lối vào khu nhà (đền) thờ Tổ

Tiếp đến là khu nhà (đền) thờ Tổ, công trình xây dựng theo kiểu "tiền nhất, hậu đinh" chất liệu gỗ và bê tông cốt thép, 5 gian tiền tế, 5 gian trung từ và 3 gian hậu cung được khôi phục vào năm 1978 theo kiểu "bít đốc, bổ trụ". Năm 2000, tiếp tục trùng tu nhà trung từ, đây chính là không gian đặc biệt thiêng liêng của di tích, nơi thờ chính Thánh tổ Nguyễn Minh Không, Thân phụ, Thân mẫu và các quan văn, quan võ, lính hầu theo tín ngưỡng dân gian địa phương tôn vinh người có công. Riêng tượng Nguyễn Minh Không được đúc đồng liền khối, nét mặt nhân từ, mắt nhìn thẳng, mặc áo thụng dài. Tư thế ngồi xếp bằng, chân phải vắt lên đùi trái, tay đặt giữa lòng, bàn tay phải khép lại, bàn tay trái đặt nghiêng phía trước tự nhiên. Tượng mang phong cách nghệ thuật tạo hình thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là cổ vật quý hiếm của di tích được nhân dân địa phương trân trọng gìn giữ.

Khu nhà (đền) thờ Tổ

Sau ngày giành được chính quyền tháng 8/1945, tại chùa Trông đã phát động phong trào ủng hộ kháng chiến trong giới nhà sư, tăng ni, Phật tử. Chùa Trông còn là nơi tổng bộ Việt Minh đóng trụ sở, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, hội họp của nhiều đoàn thể kháng chiến trong xã, trong huyện.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, song đến nay chùa Trông vẫn giữ được đường nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tinh tế, từ cổng tam quan, nhà mẫu, nhà tăng đến đền thờ Minh Không Thiền sư, các bức tượng phật, các hoa tiết, trang trí, bia ký đều do bàn tay những nghệ nhân tài giỏi qua nhiều thế hệ tạo dựng. Trải qua nhiều thế kỷ, những hiện vật trong di tích vẫn rất sống động với nghệ thuật điêu khắc tinh tế. Hàng năm, nhân dân địa phương luôn quan tâm tu bổ, tôn tạo. Với giá trị nghệ thuật và lịch sử, chùa Trông là một ngôi chùa lớn có ảnh hưởng tới tâm linh phật giáo trong vùng.

Lễ hội truyền thống chùa Trông

Hội chùa Trông bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của thiền sư Nguyễn Minh Không từ thời Lý. Đây là lễ hội lớn nhất vùng Hạ Hồng xưa và đã được ghi vào lịch sử dân tộc. Hội kéo dài 16 ngày, từ 15/3-1/4 Âm lịch.

Lễ hội chùa Trông là lễ hội chung của hai làng Hào Khê và Hán Lý, vì xa xưa nguyên là một làng. Sau khi chia tách, mỗi làng có một đình. Đình Hán Lý thờ thành hoàng là Đường Cát đại vương, một vị tướng của Khúc Thừa Dụ có công đánh giặc Đường ở thế kỉ X. Đình Hào Khê thờ thành hoàng là Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của triều Lý. Như vậy ngày hội phải tế 3 vị, gồm hai thành hoàng và một thiền sư. Ở đây chỉ có tế nam, trang phục theo truyền thống gồm 3 mạnh bái, 16 bồi tế. Tên huý kiêng các từ: Minh, Lệ, Chiêu, Ứng.

Các sư tăng phật tử, đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ninh Giang cùng nhân dân làm lễ dâng hương khai mạc hội chùa Trông năm 2012

Ngày 15/3, lễ thỉnh kinh, rước nước, tổ chức rước kiệu rất trịnh trọng ra sông Luộc lấy nước cúng.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỄ RƯỚC NƯỚC

Đoàn rước bắt đầu khởi hành

Đi đầu là đội Lân-Sư-Rồng

Đoàn rước ra khỏi cổng làng đi về phía sông Luộc


Lễ lấy nước trên sông Luộc

Ngày 16/3, lễ rước Thành Hoàng và tế tại chùa. Quy trình tế gồm ngũ tuần: Tuần nhất: Dâng hương hoa, Tuần nhị: Dâng đăng trà, Tuần tam: Dâng quả thực, Tuần tứ: Đọc chúc văn, Tuần ngũ: Lễ Tất.

Sau lễ đức Thánh và nhị vị Đại vương là các trò vui dân gian kéo dài ba bốn ngày.

Ngày 20/3, lễ rước xuất Đông nhập Tây. Lễ này có từ khi xây dựng tam quan. Cổng phía Bắc ghi 3 chữ Bắc địa đầu, nghĩa là làng Hán Lý ở phía bắc. Cổng phía Nam ghi 3 chữ Nam thiên động, nghĩa là làng Hào Khê là động ở phía nam. Đoàn rước gồm: Kiệu bát hương, kiệu Đức thánh, hai kiệu Thành hoàng, kiệu Thánh mẫu. Kiệu này do nữ thanh đồng khiêng. Đoàn rước đi qua cổng phía đông, đi quanh hai làng, về cổng phía tây.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ LỄ XUẤT ĐÔNG NHẬP TÂY

Đoàn rước rời cổng Đông

Đoàn rước chuẩn bị về cổng Tây

Tối 25/3, mỗi giáp một mâm cỗ cúng tại đền Đức thánh, đọc kệ kể tiểu sử của Người. Từ 26/3-30/3, tế lễ Đức thánh và Thành hoàng. Sau tế có lễ dâng hương do một đội múa gồm 16 người thực hiện trước tượng Đức thánh theo điệu Hoa chúc, Giao liên, mô phỏng múa cung đình. Trong những ngày lễ hội có các trò diễn dân gian.

Sáng 1/4, tổ chức rước Thành hoàng về các đình, kết thúc hội.

Phần chia cỗ: Nếu tế bằng trâu bò, thì thủ biếu tiên chỉ một nửa, còn lại chia ba, một phần biếu già làng từ 60 tuổi trở lên, một phần biếu chức sắc, một phần biếu những người hành văn. Thịt chia theo đầu người từ hương ẩm trở lên.

Hội chùa Trông bao giờ cũng mời đại biểu chùa Hoa Vân đền Tân La (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đền Tranh, đền Trung Hoà (Ninh Giang). Trong những ngày hội, nhân dân Đà Phố, xã Hồng Phúc thường rước Thành hoàng lên chùa Trông dự cho hết hội, gọi là rước chạ.

Ngoài việc tổ chức lễ rước thành hoang, lễ dâng hương, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nhiều trò diễn dân gian như: Rối nước, đấu vật, hát chèo, múa hoa đăng, đu quay, cầu kiều, chọi gà, cờ tướng... Hội chùa Trông nay vẫn đông vui, nội dung khá phong phú không kém hội xưa.

Vào ngày tuần, rằm, lễ tết, nhân dân địa phương và khách thập phương thường đến thắp hương cầu cho quốc thái dân an, cuộc sống người dân no ấm, hạnh phúc.

Lễ hội chùa Trông xã Hưng Long mang đậm nét văn hoá cổ truyền của làng quê Việt Nam, là dịp để cho mỗi người dân giao lưu học hỏi, đoàn kết cộng đồng cùng nhau xây dựng đời sống văn hoá. Lễ hội có sức hấp dẫn không chỉ đối với nhân dân địa phương mà còn thu hút du khách các tỉnh, thành phụ cận thuộc đồng bằng Bắc bộ như Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam và Nam Định… Trải qua những thăng trầm lịch sử tự nhiên và xã hội, di tích và lễ hội đã có nhiều biến đổi theo từng thời đại, song những giá trị nhân văn cao cả ở đây luôn được các thế hệ người dân Hưng Long trân trọng, giữ gìn. Đó là việc làm tôn vinh người có công với dân với nước, củng cố đoàn kết cộng đồng dân cư. Việc tôn thờ Nguyễn Minh Không với tư cách vừa là "Quốc sư" vừa là "Thánh Tổ" chính là hiện tượng giao thoa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống người Việt.

Chăm sóc, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Thông qua hoạt động tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương, chúng ta thấy rằng việc các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân trở nên thú vị và hiệu quả hơn, học gắn với thực tiễn chứ không chỉ qua sách vở. Thiết nghĩ, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa ở địa phương để chăm sóc công trình di tích lịch sử, văn hóa phù hợp với các cấp học. Hướng dẫn học sinh nắm được yêu cầu kĩ thuật về việc chăm sóc, bảo vệ di tích. Nhà trường thường xuyên đánh giá và biểu dương những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Bên cạnh đó nhà trường phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội trong và ngoài nhà trường để tổ chức cho học sinh tìm hiểu ý nghĩa, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của di tích với các hình thức phong phú như thi tìm hiểu, thi kể truyện, thi giới thiệu về di tích lịch sử, văn hóa, đăng ký làm hướng dẫn viên tình nguyện cho di tích. Có kế hoạch phân công các lớp, nhóm học sinh chăm sóc, bảo vệ di tích lịch sử, bảo vệ cây trong di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương hoặc ở các con đường dẫn đến khu di tích theo kế hoạch của ngành văn hóa và chính quyền địa phương.

Nhà trường cũng cần khuyến khích các thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Nhạc, Mĩ thuật đưa vào bài giảng các nội dung hoặc yêu cầu bài tập gắn với các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương, có thể tổ chức học chính khóa hoặc hoạt động ngoại khóa cho học sinh ngay tại khu di tích.

Để tạo hào hứng cho học sinh trong việc chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, có thể tạo điều kiện cho học sinh tham các di tích khác, trao đổi với học sinh nơi đó về biện pháp, kinh nghiệm chăm sóc, phát huy giá trị để áp dụng vào việc chăm sóc, phát huy giá trị di tích chùa Trông. Ngoài ra có thể tổ chức chấm điểm chất lượng chăm sóc, trao đổi kinh nghiệm giữa các chi đội, đề xuất các ý kiến, việc cần làm để tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di tích.

Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác bảo tồn, trùng tu gắn với việc phát triển du lịch tâm linh. Phải xác định rõ quan điểm phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hoá, hay nói cách khác phát triển du lịch vì mục tiêu văn hoá. Đồng thời, việc bảo vệ tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống và phát triển du lịch văn hoá là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của các cơ quan chức năng.

Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và lòng tự hào yêu quê hương đất nước; giới thiệu cho khách du lịch từ mọi miền trong nước về lịch sử, văn hoá, nét đẹp riêng của chùa Trông; tăng thêm lợi ích kinh tế cho xã hội cho địa phương, cho người dân thông qua phát triển du lịch, "lấy di tích để nuôi di tích" (chữ nuôi ở đây mang nghĩa bảo tồn, bảo vệ, trùng tu, tu sửa và phát triển). Hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ hoạt động du lịch đối với tài sản văn hoá.

Nhiệm vụ của mỗi người dân là tìm hiểu một cách sâu sắc về di tích, tuyên truyền sâu rộng niềm tự hào về di tích, có các hình thức chăm sóc, bảo vệ, phát huy giá trị có hiệu quả. Tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo tồn theo khả năng của mình như quét dọn sân, cổng, khuôn viên chùa. Lau sạch sẽ, sắp xếp các hiện vật theo hướng dẫn của Ban quản lý di tích và sư trụ trì. Hướng dẫn, nhắc nhở khách thập phương đến lễ chùa giữ gìn vệ sinh, không làm ảnh hưởng đế các hiện vật… Những việc làm đó tuy nhỏ song đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của người dân đối với di tích của địa phương.

Học sinh quét dọn khu vực cổng tam quan

Mỗi người dân Hưng Long đều tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học. Niềm tự hào ấy được nhân lên khi trên quê hương có di tích lịch sử-văn hóa chùa Trông. Việc tìm hiểu, chăm sóc, bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích không chỉ là trách nhiệm của các cấp quản lý mà là của mọi người dân. Vì vậy mọi người dân đều phải có trách nhiệm nâng niu, trân trọng truyền thống quê hương, góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng quê hương Hưng Long ngày càng giàu mạnh và phát huy được giá trị mà di tích lịch sử-văn hóa chùa Trông để di tích mãi trường tồn cùng thời gian.

Hoàng Tuyến
Gìn giữ lễ hội chùa Trông

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội chùa Trông ở xã Hưng Long (Ninh Giang) đã hai mùa không thể tổ chức.

Lễ hội truyền thống chùa Trông thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương về dự

Nức tiếng một vùng

Ông Bùi Trác Nghiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Long cho biết để chuẩn bị cho lễ hội truyền thống, đầu tháng 4, Ban Tổ chức lễ hội đã họp bàn phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể trong xã để tổ chức lễ hội tốt nhất.

“Năm trước, lễ hội đã không được tổ chức do dịch Covid-19 nên năm nay bà con rất háo hức. Công tác chuẩn bị đều đã tươm tất. Vậy mà lại phải dừng trước ngày lễ chính. Chúng tôi rất tiếc nhưng để phòng chống dịch, địa phương sẽ chấp hành nghiêm”, ông Nghiên nói.

Lễ hội chùa Trông là một trong số ít lễ hội giữ được các tục kéo dài đến nửa tháng, từ ngày15.3-1.4 âm lịch hằng năm. Lễ hội không chỉ thu hút người dân địa phương mà cả ở các tỉnh lân cận.

Chùa Trông được xây dựng vào thời Lý, gắn với tên tuổi Thiền sư Nguyễn Minh Không, là một trong những cao tăng có công chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Ngài cũng là người có công kiến tạo nên An Nam tứ đại khí, là những báu vật bằng đồng nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý - Trần nên được nhân dân tôn là sư tổ nghề đúc đồng Việt Nam.

Sau khi thiền sư viên tịch và hóa Thánh về trời năm 1141, vua Lý Anh Tông liền sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ ngay tại chùa để thờ phụng và tôn vinh công lao.

Lễ hội chùa Trông có hai tục là rước nước và rước kiệu đức Thánh có từ khi khởi dựng chùa ở thế kỷ XI. Nhưng để lễ hội có quy mô lớn là từ cuối thế kỷ XIX, khi quan Thượng thư Thượng Đoàn là người chịu giỗ bên ngoại ở Hào Khê về xây dựng tam quan chùa. Lễ khánh thành tam quan, dân làng mở hội lớn, thu hút hàng vạn người dân Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... về dự.

Năm 1944 như nhiều địa phương khác, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, chùa Trông phải hạ giải, lễ hội không được tổ chức. Đến năm 1985, lễ hội mới được khôi phục. Hằng năm, lễ hội được người dân xã Hưng Long tổ chức với nhiều nghi lễ. Trong đó, ba nghi lễ chính quan trọng gồm rước nước, rước xuất đông - nhập tây và lễ tế Thánh về trời.

Chùa Trông nằm cạnh sông Luộc, dòng sông không chỉ cung cấp phù sa cho ruộng đồng mà còn là đầu mối thông thương giữa các vùng. Tục rước nước để bao sái cho Đức Thánh và coi nước là linh thiêng, là yếu tố hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Vì nghĩa đó, tục rước nước luôn mở đầu cho lễ hội chùa Trông.

Nghi lễ xuất đông - nhập tây được xem là nghi thức đặc trưng. Trước đây, chùa Trông thuộc hai làng Hán Lý và Hào Khê. Khi quan Thượng Đoàn xây dựng tam quan, cổng phía bắc ghi ba chữ “Bắc địa đầu”, biểu hiện cho làng Hán Lý ở phía bắc, cổng phía nam gọi là “Nam thiên động”, biểu hiện làng Hào Khê là động trời nam. Với ý nghĩa xây xong cổng chùa, dân làng muốn Đức Thánh và nhị vị Thành hoàng chứng cho việc dựng tam quan. Đến nay, tam quan chùa vẫn là công trình tạo điểm nhấn, thu hút du khách đến thăm.

Cổng chùa Trông tạo ấn tượng cho du khách tới tham quan

Giữ cho muôn đời sau

Mỗi mùa lễ hội, lực lượng rước kiệu, rước lễ, đội tế… cũng lên đến hàng trăm người, chưa kể phải tuân thủ rất nhiều thủ tục khắt khe. Đơn cử lễ xuất đông - nhập tây, ngay từ sáng sớm 20.3 âm lịch, đoàn rước kiệu cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương đi theo đường "Nghênh thần" từ cổng phía đông qua thôn Hào Khê, đi qua đống Tam Viên (nơi ngài hóa Thánh về trời) rồi quay trở về thôn Hán Lý và rước vào cổng tây.

Những người tham gia rước kiệu đều phải thực hiện những quy định khắt khe, nhất là phải chay tịnh trước khi diễn ra lễ rước. Những quy định này được nêu rõ trong hương ước xưa của làng, không thay đổi. Lực lượng tế Thánh phải là nam giới trên 50 tuổi, mẫu mực, không có tang…

Khắt khe là vậy nên mỗi mùa lễ hội, Ban Tổ chức phải họp bàn trước vài tháng để chuẩn bị chu đáo nhất. Với người dân, sau 1 năm lao động vất vả thì những ngày hội là dịp gặp gỡ, sum họp gia đình, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Làng nào cũng chuẩn bị sẵn lợn, gà, hoa quả, bánh gai... dâng lên lễ thánh. Ngoài các nghi thức truyền thống, lễ hội còn tạo ấn tượng bởi phần hội độc đáo, duy trì được các trò chơi dân gian như múa rối nước, kéo co, đi cầu kiều... để lễ hội thêm phong phú.

Đại đức Thích Hạnh Viên, trụ trì chùa Trông cho biết việc bảo tồn, gìn giữ lễ hội truyền thống có nhiều thuận lợi bởi hội đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân, cứ đến dịp người dân xa quê ở mọi miền Tổ quốc đều về dự lễ Thánh. Vì vậy, nhiều nơi lễ hội truyền thống bị mai một hoặc rút ngắn thời gian tổ chức thì hội chùa Trông vẫn giữ nếp, thậm chí quy mô ngày một lớn.

"Chuẩn bị cho lễ hội năm nay có khoảng 40 đoàn tế ở các địa phương đăng ký về dự, giao lưu văn hóa nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động đành phải tạm dừng là điều tiếc nuối", đại đức Thích Hạnh Viên nói.

Với những nỗ lực bảo tồn và gìn giữ lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội chùa Trông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

HUYỀN ANH
Đi thăm chùa Trông

Chùa Trông - Hưng Long Tự ở Ninh Giang, Hải Dương, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11, và được trùng tu tôn tạo vào thời Hậu Lê (Thế kỷ 17-18). Trước cổng chùa là ao múa rối rất rộng, đặc biệt là có hai cổng Tam quan bề thế, cao 19m, gọi là cổng Đông và cổng Tây. Trên cổng có chữ “ Nam thiên động" đối xứng với cổng bên kia "Bắc địa đồng", xây dựng thời nhà Nguyễn.


Hai tam quan có tên là Đông và Tây, trên đó có chữ Nam và Bắc, có lẽ ẩn ý của người xưa nhắc đến bài đồng dao gắn liền với Thiền sư Nguyễn Minh Không. Vào tháng 3 năm 1136 vua Lý Thần Tông bị bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày, các danh y tài giỏi được triệu đến chữa bệnh nhưng không thuyên giảm. Tức thì trong dân gian, xuất hiện bài đồng dao rằng:

"Bắc Nam có Tây Đông
Đáy bể ẩn có rồng
Vua mắc bệnh khó chữa
Hãy đón Nguyễn Minh Không.".


Minh Không được đón vào cung. Sau khi chữa cho vua khỏi bệnh ông được phong là Quốc sư.

Nối giữa 2 cổng là một tắc môn tất đẹp, liền sau tam quan là một khoảng sân rộng và điện Phật, phía sau là đền thờ Minh Không Thiền sư. Theo "Thiền Uyển Tập Anh", Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành (阮志誠) sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điền Xá, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình). Theo một số tài liệu, ông còn có đạo hiệu Không Lộ, từng tu ở chùa Không Lộ (Nam Định) và được thờ ở núi Không Lộ (chùa Thầy ngày nay).



Sau khi Thiền Sư qua đời, triều đình đã xuống chiếu cho lập đền thờ gọi là chùa Trông ngày nay.

Ông là thiền sư sáng lập nhiều chùa và là tổ nghề đúc đồng tại VN.

Chùa Trông là một ngôi chùa lớn có ảnh hưởng tới tâm linh Phật giáo trong vùng. Tuy nhiên đến nay danh lam này đã xuống cấp trầm trọng, hoành phi câu đối cổ hầu như không còn. Sắp tới chùa này sẽ được trùng tu.

Đền thờ Lý Quốc Sư có cho rút thẻ, nghe nói rất linh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét