29 tháng 8, 2022

Chùa Viên Giác (chùa Thình Thình)

Chuyện kỳ lạ ở chùa Thình Thình

Trên đỉnh núi Thình Thình có ngôi chùa cùng tên. Gần một thế kỷ từ ngày khởi dựng đến nay, chùa vẫn “cô đơn” với những điều kỳ lạ… 

Tam quan chùa Thình Thình - Ảnh: Lê Xuân Thọ 

Hóa thân thành ngọn đuốc hồng

Thật ra ngôi chùa này có tên là Viên Giác tự, tên chữ là Thanh Thanh, do nằm trên núi Thình Thình nên dân quen gọi như thế. Vị trí của chùa nay thuộc thôn Diên Lộc, xã Bình Tân, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nằm trong khuôn viên rộng chừng 
500 m², bao gồm: cổng tam quan, sân chùa, chánh điện, nhà đông - tây, nhà khách và khu mộ tháp, chùa như được bao bọc bởi những hàng cổ thụ xung quanh và chìm giữa bạt ngàn bạch đàn. Đỉnh núi như một cao nguyên, bốn bề là một màu xanh thẫm đến u tịch.

Chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 1993. Hòa thượng Thích Vĩnh Trường (103 tuổi), trụ trì chùa Viên Giác, cho biết vào khoảng năm 1920, ông tổ thứ sáu của chùa Thiên Ấn (ở H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là hòa thượng Tăng Cang Diệu Quang khi đến thấy nơi đây yên tịnh nên đã lập chùa ẩn tu. “Ban đầu chùa chỉ là một túp lều nhỏ nằm trên đỉnh núi. Sau 3 lần phải xây lại chùa do bị bão quật và hỏa hoạn, chùa mới có vị trí và hình hài như ngày hôm nay”, trụ trì đời thứ 3 của chùa Viên Giác cho hay.

Do chùa nằm trên đỉnh núi, cách xa dân cư, đường sá nhiều trắc trở nên rất ít người cúng viếng, chỉ khi nào có ngày đại lễ thì dân chúng, phật tử gần xa mới về. Số sư thường trực ở chùa chưa khi nào quá 5 người. Hòa thượng Thích Vĩnh Trường cho biết, những đời trước đây chỉ một thầy một trò ẩn tu trên đỉnh núi. “Khi tôi lên làm trụ trì thì có đến 4 thầy trò. Sau đó một người ngã bệnh mất, một người không chịu nổi sự khổ cực nên bỏ đi. Nay chỉ còn tôi và một đệ tử 53 tuổi sớm hôm niệm kinh. Vì vậy người ta hay đùa rằng, đây là ngôi chùa vắng khói hương”, hòa thượng Thích Vĩnh Trường kể.

Vị trụ trì cũng cho hay, ngôi chùa này từng là nơi lánh giặc của bộ đội thời kháng chiến. Xung quanh đỉnh núi đều có hầm quân sự, nhưng nay đã bị lấp bởi thời gian dâu bể. Trong chùa còn thờ tự đại đức Thích Hạnh Đức, người đã noi gương hòa thượng Thích Quảng Đức, hóa thân trai trẻ thành ngọn đuốc hồng ngay sân chùa Tỉnh hội Quảng Ngãi, nhằm chống lại sự đàn áp của chính quyền Sài Gòn. Khi ấy ngài mới 19 tuổi, và sau cuộc tự thiêu ấy, ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phong Thánh tử đạo đầu tiên tại Quảng Ngãi.

Chuyện lạ quanh chùa

Cần phải lưu ý rằng, Thình Thình cũng không phải là cái tên chính của núi mà chùa tọa lạc. Nó vốn là dãy Thanh Thanh Sơn, còn tên Thình Thình là cách gọi dân dã của người dân trong vùng. Đỉnh Thanh Thanh Sơn có độ cao khoảng 170 m so với mực nước biển, toàn dãy núi có cấu tạo như hình thể một con cá sấu. Do cấu tạo của vùng đất trên đỉnh núi, nên khi bước chân nghe tiếng “ình ình”, sau đọc chệch thành “thình thình”, và người dân địa phương lấy đó làm tên gọi chỉ ngọn núi thuộc dãy Thanh Thanh Sơn.

Nói về thanh âm “thình thình”, hòa thượng Thích Vĩnh Trường, kể: “Tương truyền ngày xưa, có vị thiền sư lập am tu trên núi. Hơn mười năm sau, ngài chứng quả và phát nguyện, khi viên tịch không cần nhập tháp mà chôn vào lòng núi. Nằm trong lòng núi, ngài dùng thần thông diệu pháp để phát hiện kẻ ác người thiện. Nếu là người ăn ở hiền lành, bước chân trên núi của họ sẽ có âm thanh êm ả. Còn đó là kẻ dữ, ăn ở thất đức thì mỗi bước chân sẽ có tiếng “ình ình” kiểu gầm gừ của loài ác thú. Thanh âm này sẽ khiến họ đinh tai nhức óc, nhiều khi ngã lăn giãy giụa. Sau này đọc thành thình thình”.

Ngày nay dân gian cũng còn lưu truyền câu:

Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình
Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm
Vì đâu nên tiếng nên tăm
Để cho miếng đất ngàn năm thình thình.


Theo kết quả của một số nhà nghiên cứu, vào những năm cuối thế kỷ 19, sở dĩ vùng đất này phát ra âm thanh như thế là do lòng đất cấu tạo có nhiều chỗ hổng. Hòa thượng Vĩnh Trường cho biết, chỉ có khoảnh đất từ cổng tam quan chạy về phía tay phải khoảng 20 m mới nghe tiếng thình thình khi bước chân. “Hồi xây chùa, nhất là khi xây cổng tam quan, lúc đào móng gặp rất nhiều lỗ hổng nên phải đổ đất xuống và đầm cho chặt rồi mới xây. Tiếc là con lên đúng ngày mưa nên không thể nghe được những âm thanh ấy”, hòa thượng nói với tôi.

Chùa Thình Thình còn gắn với câu chuyện huyền bí về thần núi. Hòa thượng Vĩnh Trường lên chùa Thình Thình từ khi còn rất nhỏ, đến khoảng năm 18 - 19 tuổi thì ông chuyển vào TP.HCM, sau về Khánh Hòa sinh sống. Một lần trở về nơi cửa thiền xưa, thấy không ai trông coi chùa nên ông quay về làm trụ trì theo yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi chùa có sư, dân chúng ít nhiều đến viếng chùa. Họ kể cho vị trụ trì nghe về những chuyện mà họ cho rằng liên quan đến thần núi.

Dân chúng kể rằng, nhiều lần lên núi hái củi, thường thấy một vị thần râu tóc dài và bạc phơ chống gậy đi lại trên núi, nghe tiếng động là ngài biến mất. Nếu chỉ là hái rau quả, chặt cành, hay chặt những cây đã chết khô về làm củi thì mọi việc diễn ra hết sức bình thường. Tuy nhiên, những ai làm việc mang tính chất phá hoại, dù có cố gắng đến mấy cũng không thành. Đã có nhiều người đến vùng này săn bắn, dưới chân núi thì được vài con thú. Nhưng khi lên đỉnh, nhất là khu vực quanh chùa, thì không thể nào bắn hoặc bắt được chúng dù thấy rất gần ngay trước mắt. Họ cho rằng những con thú này được bảo vệ bởi vị thần kia.

“Đó là chuyện của ngày xưa, cái thời mà người ta có thể thêu dệt nên chuyện thần thánh. Tuy vậy, ngày nay vẫn còn tồn tại một hiện thực khó hiểu: nhiều người bẫy chim cu dưới chân núi hay vùng khác thì được. Nhưng khi đặt bẫy ở trên này thì tuyệt nhiên không có con chim nào mắc bẫy, dù chúng lân la đến chén mồi”, hòa thượng Thích Vĩnh Trường kết thúc câu chuyện trong hoài nghi.

Lê Xuân Thọ
Loạt bài Những di tích kỳ bí - Kỳ 16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét