28 tháng 1, 2023

Chùa Long Cảm

 Khánh đá cổ ở ngôi chùa nghìn năm tuổi

Chùa Long Cảm ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa) được xây dựng từ thời nhà Lý hiện lưu giữ đôi khánh đá có tiếng như chuông đồng.



Ngôi chùa cổ Long Cảm nằm bên bờ bắc của sông Mã xưa, nay là nhánh sông Lèn, tọa lạc trên sườn ngọn Cô Sơn ở thôn Trang Các (thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung). Long Cảm tự có cảnh trí đẹp với lối kiến trúc cổ, được bao bọc bởi đồng ruộng và thôn quê yên bình.

Theo sư thầy trụ trì Thích Đàm Quang, Long Cảm là một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Thanh. Vào năm 1.020, trên đường từ Thăng Long tuần du qua xứ Thanh, vua Lý Thái Tổ dừng xa giá tại vùng núi này, nơi xưa kia Triệu Đà đã dựng thành lũy, Triệu Quang Phục từng đóng quân. Đêm nằm mộng, vua linh cảm thấy thần thiêng sông núi của xứ sở này phù trợ, ban thêm sức mạnh cho mình. Cảm tạ ơn đức ấy, Lý Thái Tổ sai dựng ngôi chùa, lấy tên là Long Cảm.


Ấn tượng nhất với phật tử và du khách bốn phương khi đến vãn cảnh chùa Long Cảm là cặp khánh đá cổ đặt ở sân chùa. Hai chiếc khánh lớn, nặng khoảng 300-400 kg, cùng màu đá xanh xám, được treo trên các trụ đá và đặt song song nhau.

Chiếc khánh thứ nhất kích thước nhỏ hơn, khá đơn giản, không có hoa văn hoạ tiết cầu kỳ nhưng tiếng vang đặc biệt. Sư thầy Thích Đàm Quang cho hay, với chiếc khánh đá này, chỉ cần lấy tay vỗ sẽ phát ra những tiếng kêu trầm bổng ngân dài. Nếu dùng vồ gỗ gõ mạnh, nó ngân như tiếng chuông đồng, vang xa.

Không có cứ liệu rõ ràng nhưng các sư thầy tin rằng khánh được đặt cùng lúc dựng chùa, hàng nghìn năm trước. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, niên đại chiếc khánh cổ gần hơn, vào khoảng thời Hậu Lê, chừng 300-400 năm trước.


Chiếc khánh thứ hai có họa tiết hoa văn hình đám mây vốn không phải của nhà chùa. Trước đây nó ở trong ngôi chùa bên làng Thượng. Mấy chục năm trước, chùa Thượng bị đổ, nhiều đồ thờ bị vỡ hỏng, có người tiếc chiếc khánh quý bèn đem giấu xuống ao bèo để bảo quản. Sau này, người đó thuê người trục vớt lên, đem về chùa Long Cảm cung tiến nên nhà chùa treo bên cạnh chiếc khánh cổ ở sân.

Điểm khác biệt lớn nhất của hai chiếc khánh cổ còn nằm ở tiếng ngân vang. Với chiếc khánh đá nhỏ chỉ cần lấy tay vỗ vỗ sẽ phát ra những tiếng kêu trầm bổng ngân dài, còn chiếc khánh lớn mới được đưa về từ làng Thượng, dù gõ mạnh đến mấy cũng chỉ phát ra tiếng “lạch, cạch” trầm đục.

Theo sư thầy trụ trì, khánh là một trong những pháp khí cổ xưa của Phật giáo. Hiện nay, không còn nhiều chiếc khánh đá cổ như ở chùa Long Cảm. “Âm thanh của khánh đá có tác dụng rất mầu nhiệm với người tu thiền. Các thiền sư một khi đã nhập định đến một cảnh giới nào đó thì trời long đất lở xung quanh, thân tâm của các vị ấy vẫn bất động. Nhưng chỉ với một tiếng khánh nhỏ vang lên cũng đủ làm cho các ngài thức giấc” sư thầy Đàm Quang nói.

Hiện du khách thập phương vẫn thường tìm đến chùa để tự tay gõ nhẹ vào khánh đá cổ mà nghe tiếng kêu, để tâm hồn thanh thản. Có người gõ khánh để cầu may mắn, bình an hay cầu tự.


Ngoài hai chiếc khánh đá cổ, chùa Long Cảm còn có quả chuông được đúc hơn 200 năm trước. Chỉ nặng 70 kg song tiếng chuông vang rất xa, đứng cách hàng km vẫn có thể nghe được.


Chùa Long Cảm từng được trùng tu nhiều lần song vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ như ban đầu.


Trước hiên chính điện ngôi chùa cổ có 4 cột đá niên đại nghìn năm tuổi được khắc chữ Hán cổ, nói về lịch sử tổ đình này.


Sư thầy Thích Đàm Hảo, Phó trụ trì chùa Long Cảm đang đọc những tấm bia cổ ở hai đầu hồi. "Các tấm văn bia nói về việc trùng tu, hiến ruộng cho nhà chùa của quan lại thời phong kiến xưa", thầy Hảo nói.


Ở lối lên chùa Long Cảm có một cây xoài lớn, tuổi đời hàng trăm năm, cành lá xum xuê.

Gốc xoài có đường kính ba người lớn ôm mới xuể.

Bên trong chùa Long Cảm còn có tám pho tượng của tám vị tổ sư từng tu hành tại chùa, được coi là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, tinh xảo. Cạnh đó là những di vật có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí ngót nghét nghìn năm, được cung tiến qua các lần trùng tu.

Sư thầy Thích Đàm Quang tụng kinh đều đặn mỗi ngày để cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

Trải qua gần 10 thế kỷ, nhiều triều đại phong kiến đời sau đều rất quan tâm đến ngôi chùa độc đáo này. Nhiều tao nhân mặc khách cũng coi đây là chốn đi về bái Phật cầu an, vãn cảnh, tu dưỡng tâm tính, để lại nhiều thơ phú.

Hàng năm vào dịp Tết hoặc ngày rằm, mùng một, rất đông người dân và du khách thập phương đã đến vãn cảnh, lễ phật tại ngôi cổ tự Long Cảm.

Lê Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét