28 tháng 1, 2023

Chùa Mui (Viên Quang tự)

Chùa Mui lưu giữ nhiều hiện vật giá trị

Nằm ở phía bắc huyện Thanh Miện, chùa Mui ở làng Cụ Trì, Ngũ Hùng hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật phong phú, giá trị.

Chùa Mui vẫn giữ được nét đẹp cổ kính

Lưu giữ nhiều giá trị

Làng Cụ Trì xưa thuộc tổng La Ngoại, huyện Thanh Miện, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Ngày nay, Cụ Trì là một trong năm thôn của xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện.

Xã Ngũ Hùng hiện bảo lưu nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Mỗi thôn My Trì, Cụ Trì, La Ngoại, Tiêu Lâm đều có 1 ngôi chùa thờ Phật. Trong đó chùa Mui ở thôn Cụ Trì còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị. Vào năm 2011, chùa đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Mui là nơi thờ Phật theo giáo lý của thiền phái Đại thừa, khuyên răn con người làm nhiều điều thiện tâm, tránh xa điều ác, gần gũi yêu thương giúp đỡ nhau để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Di tích còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tại đây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của các thời kỳ cách mạng. Kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), dưới nền thượng điện chùa là hầm bí mật của cán bộ Việt Minh tránh các cuộc càn quét của quân giặc. Đồng thời, nơi đây cũng là công binh xưởng sản xuất vũ khí; trụ sở làm việc của các cơ quan, đoàn thể; kho lương thực, địa điểm an dưỡng của thương binh, bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Chùa Mui do dân làng xây dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Vào năm Bảo Đại Tân Tỵ (1941) di tích được trùng tu lớn và những năm gần đây tiếp tục được tôn tạo. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, xây tường hồi bít đốc bổ trụ. Kết cấu chính của các vì kèo kiểu kẻ chuyền, chồng rường, chất liệu gỗ tứ thiết. Mái lợp ngói mũi truyền thống. Di tích còn lưu giữ một số mảng chạm lá hóa long, lá lật và phù điêu nghệ thuật, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân.

Hiện nay, chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật phong phú, đầy đủ cho một phật điện. Các pho tượng đều bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng và được tạo tác với tỷ lệ cân đối, nét mặt biểu đạt cảm xúc có hồn, mô tả sự riêng biệt của từng pho tạo nên sự hài hòa của nghệ thuật điêu khắc dân gian. Trong đó có nhiều pho tượng đạt trình độ cao về điêu khắc như pho tượng Ngọc Hoàng, Phạm Thiên, Đế Thích, Thánh Hiền, Đức Ông ...

Ngoài các pho tượng, chùa còn giữ được 4 tấm bia đá khắc dựng vào năm Tự Đức 8 (1855), Tự Đức 21 (1868), Thành Thái 8 (1896) và 1 quả chuông đồng đúc năm Duy Tân 4 (1910) có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích, chốn thiền môn thanh u, tĩnh mịch. Ngoài ra, chùa còn một số cổ vật khác, tuy số lượng không nhiều nhưng đều là những hiện vật có niên đại vào thời Nguyễn ẩn chứa giá trị lịch sử và nghệ thuật. Hằng năm, lễ hội tại chùa diễn ra long trọng theo nghi thức Phật giáo.

Tôn tạo di tích bằng nguồn xã hội hóa

Một số pho tượng có nét điêu khắc tinh xảo được lưu giữ tại chùa

Chùa Mui gắn liền với đời sống tinh thần của dân làng qua nhiều thế hệ, là niềm tự hào và được nhân dân địa phương dầy công gìn giữ. Vào những năm đầu 40 của thế kỷ XX, sư cụ của chùa đứng lên nâng cấp tiền đường và trông nom chùa. Trải qua hai cuộc kháng chiến gian lao, chùa Mui vẫn được tu sửa. Đặc biệt, trong hai năm (2010 -2011) công cuộc xã hội hóa tu bổ tôn tạo di tích được Đảng bộ, chính quyền địa phương, nhân dân, các dòng họ, bà con đang sinh sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc hưởng ứng. Chỉ trong hai năm, nguồn kinh phí xã hội hóa di tích lên đến 1,2 tỷ đồng, bằng vài chục năm trước đó cộng lại. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều hạng mục của khu di tích được nâng cấp, tu bổ như nền nhà tiền đường, xây cổng, lát sân, mua thêm đất để mở rộng khuôn viên, nâng cấp đường vào chùa…

Cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, UBND xã Ngũ Hùng cùng với lãnh đạo thôn, Ban Quản lý di tích đã và đang xây dựng các phương án tổ chức lễ hội, làm tốt việc giữ gìn, bảo quản các cổ vật, hiện vật, bia ký, mua sắm đồ thờ tự…

Mặc dù trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh, song đến nay chùa Mui vẫn là một di tích đẹp và cổ kính, là nơi sinh hoạt tinh thần của nhân dân địa phương.

NHẬT HỮU

Về Thanh Miện thăm di tích chùa Mui

Những ngày đầu của năm mới 2015, chúng tôi có dịp về xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương để chiêm bái. Tuy là một ngôi chùa có quy mô không lớn và lại toạ lạc ở vùng quê, chùa Mui thể hiện nét đẹp và sự cổ kính, linh thiêng.

Trước Cách Mạng tháng Tám, Cụ Trì là một trong năm xã của tổng La Ngoại, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, gồm có 5 thôn, trong đó thôn Ngọc Mai có tên Nôm là thôn Mui ở đó có ngôi chùa cổ kính nên nhân dân thường gọi là chùa Mui.

Chùa Mui có tên tự là Viên Quang Tự. Chùa là nơi thờ Phật theo Thiền phái Đại Thừa – Đây là Thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, chùa Mui có 3 vị sư trụ trì đó là: sư Hà, sư Trọng và sư Hành. Trong đó, sư Trọng khi mất đã được nhân dân tạc tượng thờ trong chùa.

Căn cứ vào kết quả khảo sát điền dã, nghiên cứu và hệ thống bia ký, câu đối đại tự quy mô kiến trúc hiện còn cho biết: chùa Mui đã được trùng tu vào năm 1941 và những năm gần đây. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, xây dựng theo kiểu bít đốc bổ trụ còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Phía sau chùa là khoảng sân rộng và 5 gian nhà Tổ, 5 gian nhà tăng, phía trước chùa là sân.

Năm 1941, sự Trọng đã cho nâng cấp gian Tiền đường. Năm 1948, 1949, 5 gian nhà Tổ, 5 gian nhà Tăng bị thực dân Pháp đánh phá. Sau Cách mạng tháng 8, tại chùa đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của xã Ngũ Hùng. Lúc này, chùa Mui là cơ sở xưởng sản xuất vũ khí, là nơi mở các lớp bình dân học vụ, và cũng là nơi mở lớp học của trường cấp I và cấp II của xã. Dưới nền hậu cung còn có hầm bí mật, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Những năm 1947 – 1948, chùa lại là nơi làm việc của Toà án nhân dân hyện Thanh Miện. Trong các năm 1950, 1951 chùa Mui là nơi sản xuất vũ khí của tỉnh đội Hải Dương; 1952 là trụ sở làm việc của văn phòng khu tả ngạn, năm 1960 – 1966 là kho thóc của Nhà nước. Đến năm 1967, 1968 là nơi nghỉ an dưỡng của thương binh ở chiến trường miền Nam. Đến nay, chùa Mui vẫn còn giữ được khá nhiều phong tục lễ hội truyền thống như: giỗ Mẫu 3/3; giỗ cụ sư Trọng 18/3…cùng với đó, chùa cũng còn lưu giữ được cổ vật như: 5 bia đá cổ niên đại thời Nguyễn, lư đồng, bát hương, kèo cột bằng gỗ lim…

Toàn bộ khuôn viên di tích chùa Mui được bao bọc bởi 2 mặt là ao nên cảnh quan rất đẹp và thoáng rộng. Cùng với sự tích cực tôn tạo, giữ gìn của chính quyền địa phương, khu di tích cũng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của con em quê hương đang công tác ở mọi miền tổ quốc, các dòng họ trong làng, chùa trúc Lâm – Yên Tử…để tu bổ cũng như mở rộng, khuôn viên, khôi phục lại những nét truyền thống đã mai một theo thời gian.

Với những nét đặc sắc, độc đáo của ngôi chùa cổ, di tích. Năm 2011 UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định xếp hạng chùa Mui thuộc di tích cáp tỉnh về kiến trúc nghệ thuật.

Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của các thế hệ con cháu thôn Cụ Trì mà còn là điểm hẹn của những du khách thập phương cùng tìm về những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Đức Tuỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét