23 tháng 4, 2022

Tu viện Phước Lạc

TU VIỆN PHƯỚC LẠC
  • Địa điểm: Ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1986
  • Cố vấn chỉ dạy Ni Chúng: Tỳ kheo Thích Thông Quả
  • Trưởng Ni chúng: Sư cô Thích nữ Hương Huệ
  • Năm trùng tu: 1997
  • Hệ phái gốc: Thiền Tông
Năm 1986, thầy Thông Quả và một số Ni chúng là môn sinh của Hòa thượng Thích Thanh Từ đã phát quang cỏ lau, san ủi mặt bằng dựng một ngôi tu viện đặt tên là Phước Lạc, trên khu đất rộng 1.000 m² của Thiền viện Thường Chiếu. Thầy Thông Quả đặt tên tu viện là Phước Lạc với mong muốn đem lại sự phước đức, yên lạc cho tất cả mọi người.

Tu Viện Phước Lạc

Ban đầu, tu viện có diện tích 148 m², vách đất, cột gỗ tràm, nền lót gạch Tàu, mái lợp lá. Trải qua nhiều năm, mặc dù được thầy trụ trì và Ni chúng trùng tu, sửa chữa nhiều lần, nhưng do tu viện cất bằng vật liệu nhẹ nên đã dột nát và hư mục cần phải xây dựng lại.

Ngày 20 tháng 2 năm 1997, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, thầy trụ trì đã chỉ đạo trực tiếp và Chứng minh khởi công xây dựng lại ngôi tu viện trên nền cũ, thu hẹp lại 43 m², còn 105 m² (14mx7,5m). Và cũng trong năm này tu viện Phước Lạc được khánh lạc trong niềm vui mừng khôn xiết của thầy, đại chúng Tăng, Ni và Phật tử.

Tu viện tọa lạc trong khuôn viên có nhiều cây cảnh, bồn hoa đan xen. Phía ngoài có cổng xây bằng đá xanh khá đồ sộ, trên có cặp rồng cách điệu và Bánh xe Pháp luân. Nổi bật ở trung tâm là ngôi chánh điện kiến trúc kiểu chữ Đinh truyền thống. Mặt tiền quay hướng đông-nam, tường xây bằng gạch, hai mái chồng diêm, lợp tôn thiếc giả ngói vảy cá, sơn màu nâu đỏ.

Chánh điện chỉ tôn thờ duy nhất đức Bổn sư Thích ca Mâu ni tọa thiền trên đài sen, trên đầu có vòng hào quang, phía sau là bức tranh vẽ cây bồ đề.

Sau chánh điện là Tổ đường, đây cũng là nơi thầy trụ trì và Thiền sinh thường tham vấn các vấn đề Thiền học. Tổ đường tạo dựng bởi 12 cột bê tông cốt thép tròn, có đường kính 40 cm, sơn màu nâu đen giả gỗ, mái lợp tôn thiếc. Tổ đường không có tường bao quanh tạo sự thông thoáng, mát mẻ, gần gũi với không gian, bồn hoa, cây cảnh và cả con người.

Phật Điện

Tổ đường thờ bức phù điêu đắp nổi chân dung Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Đối diện là bức phù điêu giả đồng: Tổ Lục Năng đeo đá giã gạo, kích thước (1,8mx1,35m). Ý nghĩa của bức phù điêu như sau:

Ngũ Tổ Huỳnh Mai chống gậy đến thăm cư sĩ Huệ Năng (sau là Lục Tổ Huệ Năng) lưng đeo đá đang giã gạo.

Tổ hỏi: - Vì Pháp quên thân đến thế ư? Rồi lại hỏi tiếp: - Gạo trắng hay chưa?

Ngài Huệ Năng trả lời: - Gạo trắng đã lâu còn thiếu Người giần sàng.

Ý của Ngài Huệ Năng là: tâm của Ngài đã sáng, đã ngộ đạo chỉ còn chờ Tổ đến Chứng minh.

Sau Tổ đường là các dãy nhà Ni chúng, nhà trù (bếp), cốc, thất.

Trước chánh điện chếch về bên trái là tháp chuông lợp lá đơn sơ, trên treo đại hồng chung nặng 100kg. Kế tiếp là đài Quan Thế Âm đứng trên hồ sen quanh năm nở hoa thơm ngát.

Tu viện Phước Lạc do Tỳ kheo Thông Quả (trụ trì tu viện Phước Hoa) trực tiếp chỉ dạy Ni chúng. Sư cô Thích nữ Hương Huệ, thế danh Võ Thị Định, sinh năm 1960 trực tiếp quản lý tu viện và quản chúng. Số Ni chúng của tu viện hiện nay là 50 người.

Dù chỉ muốn chuyên tu đạo Thiền, nhưng thầy và Ni chúng tu viện Phước Lạc vẫn tích cực tham gia công việc Phật sự và các hoạt động từ thiện cho xã hội với muốn mong "tốt đạo, đẹp đời".

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét