Huyện Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Lương Viên
LỊCH SỬ CHÙA LƯƠNG VIÊN
Chùa Lương
Viên tọa lạc tại ấp An Lạc A, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh
Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Minh Thông đảm nhiệm chăm lo Tam
Bảo.
Vào thập niên 40 của thế kỷ XX, Thầy Thích Thiện Lý sau một thời gian
phụng sự Tam Bảo tại chùa Phước Sơn (xã Lương Hòa Lạc), năm 1948, Thầy
đã phát nguyện về lại phần đất nhà cất thảo am tịnh tu, lấy hiệu là
Lương Viên Tự. Đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Thầy Thích
Thiện Lý cũng muốn được xin gia nhập vào sinh hoạt trong Giáo hội, thế
nhưng tâm nguyện chưa thành thì Thầy đã viên tịch vào năm 1998, trụ thế
80 năm. Ngôi chùa Lương Viên từ đó cũng đi vào quên lãng.
Năm 2016, Đại đức Thích Minh Thông, thế danh là Phạm Ngọc Thái, sinh năm 1982 là người tại địa phương xã Lương Hòa Lạc; sau thời gian xuất gia tham học Phật pháp nhiều nơi, Đại đức đã trở về quê nhà phát nguyện phục dựng lại ngôi chùa Lương Viên làm nơi tu tập cho tín đồ Phật tử tại địa phương. Dưới sự hướng dẫn của chư Tôn đức Ban Trị sự GHPGVN huyện Chợ Gạo và tỉnh Tiền Giang; sau thời gian hoàn thành thủ tục xin phép theo đúng luật định, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chấp thuận qua Quyết định ký ngày 31 tháng 12 năm 2016.
Trong tiết xuân tháng giêng năm 2018, Đại đức Thích Minh Thông cùng bổn đạo Phật tử hân hoan tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình chùa Lương Viên dưới sự chứng minh tham dự của chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN huyện Chợ Gạo, đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương và đông đảo Phật tử tham dự.
Ngôi chùa Lương Viên được xây dựng với kiến trúc một tầng trệt và một tầng lầu, nền móng làm bằng xi măng cốt sắt vách tường, cột gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Tầng trệt là Khách đường. Phần tầng lầu là Chánh điện thờ Tam Thế Phật, chư Phật Dược Sư và các Bồ Tát; đặc biệt là Tôn tượng Phật A Di Đà bằng gỗ quý có tuổi thọ trên 300 năm có nguồn gốc từ tổ đình Giác Lâm (TP.Hồ Chí Minh), do Thượng tọa Thích Minh Nhựt (là Bổn sư của Đại đức Thích Minh Thông) tiến cúng.
Năm 2019, Đại đức Thích Minh Thông tiếp tục cho xây dựng cổng Tam quan, Tăng xá, nhà trù và các công trình phụ khác để phục vụ cho việc sinh hoạt của chư Tăng tại bổn tự và các Khóa tu của Phật tử.
Đại đức Thích Minh Thông cũng vận động Phật tử cùng với người dân địa phương nâng cấp con đường vào chùa có chiều dài gần 1 km. Thường xuyên tổ chức trao quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho học sinh hiếu học, xây nhà tình thương, làm cầu nông thôn, … góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới văn minh trong tinh thần “Đạo pháp đồng hành cùng Dân tộc”.
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Giáo hội Phật giáo Tiền Giang - 21/07/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét