27 tháng 6, 2024

Chùa Phước Lâm

Huyện Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Lâm

LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC LÂM

Chùa Phước Lâm hiện nay do Thượng tọa Thích Minh Nghĩa trụ trì, tọa lạc tại ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

“Thành cổ chùa xưa vang tiếng chuông,
Hồn quê gửi ấm đã bao đời.
Phước Lâm tịnh địa lưu dấu sử,
Thuận Bình muôn thuở đẹp xinh tươi.”

Chùa Phước Lâm được thành lập vào cuối thế kỷ 18, cách nay khoảng 200 năm. Đây là ngôi chùa nằm trong quần thể di tích Óc Eo – Gò Thành.

Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển ở Nam bộ Việt Nam từ thế kỷ I đến VII sau Công Nguyên. Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước, con người ở vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông và có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á cổ đại. 

Tại Nam Bộ, nhiều di tích văn hóa Óc Eo đã được khai quật ở các tỉnh thành như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Khu vực Óc Eo – Ba Thê (An Giang) được xem là trung tâm của nền văn hóa này.


Cũng như nhiều ngôi chùa khác, trong hai cuộc kháng chiến của đất nước, chùa Phước Lâm là một trong những nơi nuôi dưỡng che giấu các chiến sĩ cách mạng. Năm 1960 ông Lê Phú Định chính thức về trụ trì chùa để dễ bề hoạt động cách mạng, đến năm 1967 thì viên tịch. Vì chùa không có người trông coi hương khói nên bổn đạo nơi đây đã lên chùa Hoằng Khai thuộc tỉnh Long An thỉnh Sư cô Diệu Tu và con là Thầy Thiện Thức về trụ trì.

Năm 1968 Ngụy quyền bắt dân đi lính rất nhiều, để che dấu các thanh niên yêu nước trước cảnh khó khăn này nên Thầy Thiện Thức đã đứng ra xuất gia và bảo dưỡng trên 30 thanh niên trốn đi quân dịch. Thầy Thiện Thức cũng tham gia giao liên cho đến ngày cách mạng thành công.



Sư cô Diệu Tu là người trung niên xuất gia. Đến năm 2005 vì thấy Sư cô tuổi già sức yếu nên các người con đã rước Sư cô về quê nuôi dưỡng, giao lại ngôi chùa Phước Lâm cho Thượng tọa Thich Minh Nghĩa trông coi cho đến ngày nay.

Căn cứ theo các sử liệu hiện còn trong chùa cho biết đến nay chùa Phước Lâm đã trải qua năm đời trụ trì.

1.    Hòa thượng húy Tiên Liêng thượng Bửu hạ Tàu.
2.    Hòa thượng Giác Viên.
3.    Hòa thượng Như Trí.
4.    Ông Lê Phú Định (Từ năm 1960 – 1967)
5.    Sư cô Diệu Tu (Từ năm 1967 – 2005)
6.    Thượng tọa Thích Minh Nghĩa (Từ năm 2005 đến nay).


Từ khi thành lập đến nay chùa Phước Lâm đã được trùng tu lại nhiều lần. Lần trùng tu vào năm 1990 được sự phát tâm của gia đình ông Lâm Đăng Ngọt, ông Nguyễn Văn Phước nên Thượng tọa Thích Minh Nghĩa đã cho trùng tu lại phần Chánh điện với kiến trúc bán kiên cố, mái lợp ngói, vách tường, nền lát gạch bông.
Năm 2001, với sự trợ duyên của ông Nguyễn Linh (Phật tử TP.HCM) nên thầy Thích Minh Tài và ông Lê Văn Tỷ đã cho cất lại nhà Hậu Tổ cùng các công trình phụ khác để thuận tiện hơn trong sinh hoạt tu tập.


Năm 2005, vì mái chùa lợp ngói âm dương lâu ngày bị mục và dột nát, Thượng tọa Thích Minh Nghĩa đã đổi lại bằng mái tole.

Do vì ngôi chùa nằm trong quần thể di tích nên việc trùng tu, mở rộng là rất khó khăn, vì vậy chùa Phước Lâm hiện tại có không gian sinh hoạt rất khiêm tốn. Mặc dù vậy, Thượng tọa Trụ trì cũng thường xuyên vận động tổ chức trao quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương trong tinh thần “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”.

Một số ảnh tư liệu:





Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Giáo hội Phật giáo Tiền Giang - 05/07/2023 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét