Huyện Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Long Quang
Chùa Long Quang tọa lạc tại ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Vào năm 1856 cuối thế kỷ XIX, tương truyền có vị quan họ Phạm tại triều đình Huế cáo lão về quê, vào tận vùng Tây Nam bộ làng Bình Luông Tây, phủ Hòa Đồng (nay là xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) lập ngôi chùa bằng tre lá để tịnh tu; dạy học và hốt thuốc chữa bệnh cho dân làng, đặt hiệu Long Quang Tự. Thời gian sau ông xuất gia pháp húy Đạt Hòa dòng Tế thượng Chánh tông đời 41, đêm ngày tinh tấn tu trì, tụng kinh bái sám.
Năm 1904,
Giáp Thìn trời bảo tháng ba thổi sập ngôi chùa. Hòa thượng cho xây cất
lại ngôi chùa cũng bằng tre lá, có diện tích rộng hơn để có nơi Hòa
thượng dạy học và hốt thuốc cho dân làng. Thời gian sau, Hòa thượng viên
tịch vào năm nào không ai rõ, chỉ biết Ngài tịch vào ngày 19 tháng 9.
Sự ra đi của Hòa thượng đã để lại niềm tiếc thương và tôn kính cho mọi
người.
Năm 1923, Hòa thượng Huệ Ngọc (1881 – 1956) dòng Tế thượng đời thứ 42 húy Trừng Thuận kế thừa sự nghiệp của Hòa thượng Bổn sư; cho di dời ngôi chùa củ đến nơi nền đất mới (nền chùa hiện nay) xây dựng lại ngôi Chánh điện lợp ngói âm dương và tiếp tục hướng dẫn bá tánh tu trì. Từ đó tiếng kinh kệ du dương trầm bổng hòa trong không gian lan xa mãi vào chốn hư vô.
Năm 1957 hóa duyên ký tất Hòa thượng viên tịch, hàng môn đồ tứ chúng lập Tháp tôn thờ trong khuôn viên Chùa.
Năm 1968, Hòa thượng cho xây dựng lại ngôi Chánh điện bằng vật liệu bán kiên cố, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương, kiến trúc xây dựng theo hình tứ trụ có không gian rộng hơn để cho bá tánh thập phương về lễ bái trong dịp tam nguơn tứ quí. Mặc dù trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, Hòa thượng vẫn an nhiên gìn giữ ngôi nhà Phật pháp, mãi đến khi đất nước thanh bình, Bắc Nam sum họp.
Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, chùa Long Quang cũng gia nhập Giáo hội. Hòa thượng luôn luôn tham gia cùng Giáo hội trong mọi công tác Phật sự. Năm 2002 Hòa thượng được Ban Đại diện Phật giáo huyện nhà suy tôn vào Ban Chứng minh.
“Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” là hạnh nguyện của hàng đệ tử Phật. Mặc dù tuổi đời ngày càng cao, nhưng tâm Bồ đề không thối chuyển. Năm 2004 được sự phát tâm thù thắng của hàng Phật tử xa gần, sự trợ duyên của Đại đức Thích Nhật Độ (đệ tử của Hòa thượng), một lần nữa Hòa thượng cho trùng tu lại ngôi Chánh điện bằng vật liệu bê tông cốt thép kiên cố với diện tích chiều ngang 14m, chiều dài 20m; kiến trúc hình tứ trụ, có thêm tiền sảnh, vách xây tường, nền lát gạch bông, mái lợp ngói tây, các góc mái uốn cong trang trí hoa văn rồng mềm mại, mang đậm sắc thái ngôi chùa Việt Nam. Nối tiếp Chánh điện Hòa thượng cho xây dựng nhà Tổ, nhà khách có không gian rộng rãi, thoáng mát, là nơi thiền vị cho Phật tử về tu học.
Thời gian sau, do tuổi cao, Hòa thượng thường xuyên lâm bệnh nên không còn đủ sức khỏe để trông nom gìn giữ ngôi chùa và hướng dẫn Phật tử tu học cũng như tham gia vào các Phật sự cùng Ban Trị sự như thuở trước. Năm 2018 Hòa thượng viên tịch, Ngài đã để lại biết bao niềm kính tiếc cho chư Tăng Ni và Phật tử huyện nhà. Để ghi niệm công đức cả một đời tu hành của bậc Tôn sư khả kính, môn đồ pháp quyến an táng nhục thân và lập bảo Tháp tôn thờ Hòa thượng trong khuôn viên chùa.
Tổ tổ tương truyền, Sư sư tương kế. Đại đức Thích Nhật Độ tạm thay thế Hòa thượng duy trì ngôi chùa, tiếp tục hạnh nguyện của Hòa thượng Bổn sư. Thầy cho chỉnh trang toàn bộ các hạng mục phụ như: xây dựng Giảng đường, tôn tạo Quan Âm các, xây lầu chuông trước Chánh điện, tôn tượng Di Lặc, tôn tạo các Bảo tháp, nhà từ đường, trang trí hoa kiểng, cây lá xanh tươi tạo cảnh trí trang nghiêm cho ngôi chùa, tăng thêm niềm hỷ lạc cho Phật tử mỗi khi trở về chùa khi tham quan lễ bái; góp thêm một bông hoa nhỏ cho ngôi nhà Phật giáo và quê hương Yên Luông ngày càng tươi đẹp.
Một số ảnh tư liệu:
Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Giáo hội Phật giáo Tiền Giang - 01/01/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét