2 tháng 8, 2022

Chùa Phi Lai

 Uy nghi Tổ đình Phi Lai

Với lối kiến trúc độc đáo, thêm vào đó là không gian trong lành, tĩnh lặng… Tổ đình Phi Lai (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã trở thành biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách gần xa. Đây còn là ngôi chùa lưu dấu của bậc cao tăng có nhiều công lao trong công cuộc chấn hưng Phật giáo…


Tổ đình Phi Lai với lối kiến trúc độc đáo

Nơi lưu dấu bậc cao nhân

Theo lời các bậc cao niên, Phi Lai cổ tự là một ngôi chùa làng, được xây dựng vào năm 1786 theo lối Bắc Tông với mái tranh, vách đất đơn sơ, có tên là Phi Lai Cổ Tự. Do chùa thuộc làng Tú Tề - Doi Bà Khẹt (đây là địa danh của dân tộc Khmer) nên còn được gọi là chùa làng Tú Tề. Sau này, khi Hòa thượng Thích Chí Thiền - Tổ Chí Thiền về đây tu tập và hoằng hóa, người đã mở mang khai phá, từ một ngôi chùa am tranh vách đất trở thành một ngôi già lam hết sức khang trang, tú lệ.

Theo các nguồn tư liệu, Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền thế danh Nguyễn Văn Hiển, húy Như Hiển. Nguyên quán tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi, sau khi Phong trào Cần Vương chống Pháp dưới thời vua Hàm Nghi thất bại, vì tránh sự truy đuổi của địch nên ngài lánh nạn vào Nam sinh sống. Năm 1881, ngài xuất gia tại chùa Giác Viên (Gia Định), quy y với Tổ Minh Mai, được ban pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39.

Đầu năm 1900, Tổ sư Như Hiển- Chí Thiền vào núi Cấm tịnh tu. Sau thời gian, Tổ được thỉnh về làm trụ trì chùa Phi Lai (Phi Lai cổ tự) tại Châu Đốc (nay là Tổ đình Phi Lai, huyện Tịnh Biên). Trong thời gian tu tập nơi đây, Tổ Chí Thiền đã dẫn dắt chư tăng, thường xuyên hỗ trợ người dân vùng biên ải khó khăn. Điển hình là các hoạt động cứu giúp nạn dân vùng Châu Đốc qua cơn thiên tai tàn khốc năm Đinh Mùi (1907), tương tự như việc ngài đã từng làm với nhân dân xứ Gò Công trong nạn nước năm Giáp Thìn (1904).

Ngoài việc đóng góp kinh tài, những năm 1915-1930, chùa Phi Lai còn là nơi hội họp của chư vị Hòa thượng: Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh, Vạn Ân, Phổ Tuệ… để bàn phương hướng chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ, trong đó có nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm Quý Dậu (1933), ngài thọ bệnh và viên tịch vào ngày rằm tháng 2 năm Quý Dậu.

Kiến trúc độc đáo

Tổ đình Phi Lai là ngôi cổ tự gắn liền với dòng lịch sử của bậc cao tăng có nhiều công lao trong công cuộc xiển dương chánh pháp và chấn hưng Phật giáo, nơi hội tụ những giá trị đạo đức tâm linh, văn hóa tín ngưỡng đặc thù chùa Việt. Hiện nay, Tổ đình Phi Lai là một trong những nơi được người dân địa phương và du khách thập phương thường xuyên ghé đến...

Tổ đình Phi Lai tọa lạc ngay dưới chân một ngọn núi nhỏ có tên Kỳ Hương. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Tổ đình Phi Lai hiện nay trở thành một trong những ngôi chùa bề thế, với lối kiến trúc hiện đại pha lẫn nét văn hóa truyền thống của Phật giáo vùng An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Về tổng thể, công trình gồm có các hạng mục: Chánh điện, nhà Tổ, trai đường, khu tăng phòng, khu lưu niệm, các tôn tượng và vườn cảnh lộ thiên. Trong đó, nổi bật nhất là tòa Chánh điện, bố cục một trệt, một lầu và 7 mái cổ lầu cùng với một đỉnh tháp bằng đồng dát vàng có trọng lượng 3 tấn và chiều cao lên đến 8m.

Tầng một là không gian thờ tự chính của tổ đình, gồm 3 gian: Tiền điện tôn trí Bồ tát Di Lặc, Tứ Đại Thiên Vương và Kim Cang Hộ Pháp. Trung tâm là chính điện, thờ Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền và thập bát La Hán. Hậu Điện thờ Tổ sư Chí Thiền cùng chư liệt vị tiền bối Tổ sư qua các thời kỳ. Tầng trệt là khu Trai đường và phòng nghỉ của chư Tăng. Với tổng diện tích sử dụng 2 tầng lên đến gần 4.000 m². Ngoài ra, tổ đình còn có khu lưu niệm, nơi lưu giữ những tôn tượng Phật và Bồ tát từ thời Tổ Chí Thiền đến nay.

Tổ đình Phi Lai có không gian thoáng đãng, bên cạnh đó còn được bao quanh bởi rừng cây xanh mát nên bầu không khí khá trong lành. Những năm qua, Tổ đình Phi Lai đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách bởi sự cổ kính và uy nghiêm. Du khách đến hành hương, lễ Phật, ngắm cảnh thiên nhiên nơi đây sẽ thấy tâm mình được thanh thản, bình yên cho một ngày mới bắt đầu…

ĐỨC TOÀN
Thăm ngôi chùa Việt từng bị Khmer Đỏ biến thành biển máu

Khi người dân trở về ngôi chùa Phi Lai, họ thấy phía trước chính điện máu lẫn nước vàng tràn ngập. Rất nhiều xác chết nằm ngồi đủ kiểu, đang thối rữa...

Ngôi chùa Phi Lai ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một trong những chứng tích tiêu biểu nhất về tội ác của Khmer Đỏ ở Việt Nam nam 1978.
 
Chùa vốn là một tự viện danh tiếng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, được xây dựng vào 1887. Trong kháng chiến chống Pháp, công trình đã nhiều lần bị thực dân Pháp đến đốt phá và phải qua nhiều lần trùng tu mới có diện mạo như hiện tại. 

Sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử chùa Phi Lai đã xảy ra vào chiều ngày 20/4/1978, khi quân Khmer Đỏ của Polpot từ Campuchia vượt biên giới tràn vào thị trấn Ba Chúc

Tại chùa Phi Lai, quân Polpot đã bắn xối xả, tung lựu đạn giết chết tại chỗ hơn 80 người đang ẩn náu ở đây. Những người dân hốt hoảng tháo chạy ra cửa bị bọn chúng dùng gậy đập vào đầu hoặc bắn chết hơn 100 người nữa

Có 40 người đang ẩn trốn dưới bàn thờ Phật, cũng bị ném lựu đạn làm chết 39 người, chỉ một phụ nữ còn sống sót nhờ nép trong góc và nhờ những xác người che chắn.

Sau khi chạy lánh nạn, ngày 30/4/1978, người dân Ba Chúc gồng gánh trở về. Vào chùa Phi Lai, họ thấy rất nhiều vết máu in trên tường vách

Phía trước chính điện, máu lẫn nước vàng tràn ngập. Khắp nơi mùi tử khí bốc lên nồng nặc, bởi rất nhiều xác chết nằm ngồi đủ kiểu, đang thối rữa...

Theo thống kê, số người bị thảm sát ở toàn bộ thị trấn Ba Chúc là 3.157 người dân thường. Gần 200 người bị giết ở chùa Phi Lai

Hiện nay Nhà mồ Ba Chúc ở cạnh chùa Phi Lai trưng bày 1.159 bộ hài cốt, số còn lại đã được thân nhân đem chôn, hoặc nằm lại trong những hang sâu trên núi Tượng... 

Chùa Phi Lai đã trở thành một địa điểm tiêu biểu nằm trong Khu chứng tích tội ác diệt chủng Polpot, tại Ba Chúc, được nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Quốc Lê
Chùa Phi Lai và những ký ức kinh hoàng

Hướng dẫn chúng tôi tham quan chùa Phi Lai ( tọa lạc tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang) ông Võ Văn Hồng 72 tuổi hiện là thủ tự chùa trên 30 năm kể với giọng thật buồn “…đã 37 năm qua mà cuộc thảm sát dã man như mới hôm qua, họ giết người như thời trung cổ không còn một chút tính người…”. 

Chùa Phi Lai được các tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo có nguồn gốc tại An Giang xây dựng năm 1877 nằm cạnh Núi Tượng rất uy nghiêm. 


Trong những năm 1920, chùa này được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam chọn làm nơi đào tạo tăng sinh để bố trí vào các chức vụ quan trọng của giáo hội. Đặc biệt đây là nơi sáng lập Hội “ Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học”. 

Ngày 13/4/1978, bọn Pôn pốt bắt đầu tràn sang toàn biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia mở màn cuộc thảm sát tàn khốc trong lịch sử loài người. Pháo của chúng bắn ào ạt sang xã Ba Chúc,Vĩnh Gia, An Nông, Lạc Quới Nhân dân quanh chùa phải chạy vào chùa Phi Lai để tránh đạn pháo, tổng số là trên 250 người. Tuy nhiên một trái pháo đã rơi xuống phía sau sân chùa, trúng vào dòng người đang ẩn náu làm hàng chục người dân thiệt mạng. Chưa dừng lại ở đời dây, bọn diệt chủng tràn sang bắn giết người vô tội bất kể già, trẻ, gái, trai bằng những phương tiện giết người như gậy gộc, lưỡi lê, đao, kiếm và súng trường. Nhiều dân thường đã vào trú thân tại chùa với hy vọng bọn diệt chủng sẽ không lùng sục, giết người nơi cừa Phật. Trong đợt thảm sát nầy toàn xã Ba Chúc đã có hơn 3000 người dân bị giết, trong đó có trên 150 người bị giết chết tại khuôn viên nhà chùa Phi Lai. 


Ngày 20/4/1978, quân Pôn–pốt tràn vào chùa Phi Lai, bắn bừa bãi vào hầm trú ẩn của nhân dân làm chết 50 người, những người sống sót chạy ra ngoài bị chúng bắn và dùng cây đập đầu chết rồi ném xuống những hố sâu, xác người nằm chất chồng quanh chùa khoảng 100 người. 

Ông Trịnh Văn Huấn, người đang làm nhiệm vụ trông coi hương khói nhà chùa nhớ lại: lúc này trong chùa còn lại khoảng 40 người bị thương, họ dựa lưng vào vách tường chùa máu ra lênh láng. Để đảm bảo an toàn, họ bảo nhau ẩn náu ở dưới bàn thờ Phật, bên ngoài được ngụy trang bằng những bao lúa rất lớn. Không ngờ có một tốp lính Pôn Pốt quay lại chùa. Phát hiện số người trên, chúng đã ném lựu đạn hàng loạt vào hầm làm chết 39 người, chúng dùng lựu đạn ném xuống làm chết 39 người, chỉ còn một người sống sót nay đã bước sang tuổi 62. 

Sau ngày sóng yên gió lặng, những người còn sống sót trở về tìm lại người thân, chỉ nhìn thấy nhiều bàn tay vây máu trên vách tường, hành lang chùa Phi Lai, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Vách bên trái có một vệt máu bắn lên tường cao 4 m. Bên phải là một vệt dài 7 m, cao 0,6 m. Trước chánh điện máu và nước vàng ngập lênh láng, cột máu cao 0,2 m. Bà con xã Ba Chúc và các đội chữ thập đỏ phải mất nhiều ngày liền mới thu gom xong xác chết và dội rửa nền chùa. 

Hiện nay chùa còn lưu giữ nguyên vẹn những vết máu của những người bị thương và căn hầm oan nghiệt đã cướp đi 39 sinh mạng người dân vô tội như những chứng tích của bọn sát nhân từ bên kia biên giới. 

Ông Giêm Sơn, du khách Mỹ cho biết “…tàn ác đến nỗi không thể nào tàn ác hơn, họ đã thành những con quỷ dữ mất tính người của nhân loại…”. 

Ngày 4/12/1997, chùa Phi Lai đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, là nơi trưng bày tội ác của bọn diệt chủng với công luận trên toàn thế giới. 


Trần Trấn Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét