Chùa tọa lạc ở thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa được dựng vào thời Lê và đã được trùng tu nhiều lần.
Lần thứ nhất do cung tần vương phi Hoàng Thị Ngọc Nhất làm hội chủ hưng công vào năm 1632, xây ngôi chùa quy mô hoành tráng. Lần thứ hai do Thiền sư Giác Viên tổ chức trùng tu, mở rộng vào năm 1863. Lần thứ ba, Thiền sư Thông Mệnh tổ chức đại trùng tu vào những năm 1920 – 1930.
Hòa thượng Thích Quảng Kính đã tổ chức trùng tu vào năm 1988, xây tam quan năm 1991.
Từ năm 1998 đến nay, chùa liên tục sửa chữa thành ngôi cổ tự khang trang. Đạ đức Thích Thanh Quy trụ trì hiện nay.
Chùa còn nhiều hiện vật cổ như 2 tấm bia đá (thế kỷ XVII), đại hồng chung (năm 1872), bình hương gốm cao 0,40m (thế kỷ XVI), lư hương đồng (thế kỷ XIX).
Đặc sắc nhất ở chánh điện là tượng Bồ tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn ngồi trên tòa sen. Tượng có khuôn mặt đều đặn, đôn hậu; phía trước có 21 cặp cánh tay trong các tư thế hoạt động khác nhau; phía lưng có 610 cánh tay nhỏ đều đặn xếp thành ba lớp xòe ra thành vòng ánh hào quang. Tượng ngồi trên tòa sen, do đầu con A-tu-la (thủy quái) đội đưa lên từ mặt nước. Tượng cao 1,32m, cả bệ cao 2,55m, tạc bằng gỗ mít, phủ sơn thếp vàng (thế kỷ XVI). Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1990.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét