11 tháng 9, 2021

Chùa Bác Ái

Tên thường gọi: Chùa Bác Ái

Chùa tọa lạc ở thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Phía Đông giáp đường Trần Phú, Tây giáp đường Mạc Đĩnh Chi, Nam giáp đường Phan Chu Trinh, Bắc giáp đường Bà Triệu. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Một góc chùa

Tam quan chùa

Mặt tiền chùa

Chùa Bác Ái

Chùa được dựng vào năm 1932. Ông Võ Chuẩn, Huấn đạo tỉnh Kon Tum đã thiết kế và đốc cả người kinh lẫn đồng bào dân tộc thiểu số khai phá ngọn đồi rừng già để xây chùa, thiết kế theo kiểu chữ “Môn”.

HT. Thích Đổng Quán trong bài Chùa Bác Ái (Báo Giác Ngộ ngày 03 – 7 – 1999) cho biết chùa nguyên là Âm Linh miếu, là nơi thờ tự hàng vạn người ở các tỉnh miền Trung Trung Bộ bị hạn hán phải kéo nhau lên Kon Tum kiếm sống, bị chết đói dọc đường vào năm Tân Mùi (1931). Năm 1932, Ông Võ Chuẩn đã cho thỉnh ngài Hoằng Thông, thủ tọa chùa Bạch Sa, Quy Nhơn cùng chư tăng lên Kon Tum làm chay 3 ngày để cầu siêu cho những oan hồn uổng tử. Sau trai đàn chẩn tế, Ông Võ Chuẩn đã cung thỉnh ngài Hoằng Thông chứng minh khai tự hiệu Bác Ái. Bái Ái là lòng thương bao la, không phân biệt tôn giáo, người Kinh, kẻ Thượng.

Điện Phật


Tượng đức Phật

Tượng Bồ tát Quan Âm

Chùa đã được vua Bảo Đại ban tấm biển “Sắc tứ Bác Ái Tự” vào năm 1933. Chùa đã trải qua 5 đời trụ trì từ năm 1933 đến nay.

Thượng tọa trụ trì Thích Chánh Quang đã tổ chức trùng tu ngôi chùa trang nghiêm, thanh tịnh từ năm 1990. Chùa là một danh lam ở cao nguyên miền Trung.

Tháp Tổ

Biển tên chùa

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Chiêm bái Bác Ái cổ tự

Nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi, với kiến trúc hầu như còn giữ nguyên từ thuở mới khai tự, chùa Bác Ái đơn sơ, mộc mạc, thanh bình giữa Phố núi Kon Tum. Sắc tự, chiếc phản gỗ, bức tượng Quan Âm,… vẫn còn nguyên như những vật báu đầy tự hào của ngôi chùa cổ nhất Tây Nguyên này.

Những năm 1931-1932, người dân từ miền xuôi di cư ồ ạt lên Tây Nguyên bởi nạn hạn hán, đói khổ triền miên. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, những người con miền xuôi vẫn không thể yên tâm làm lụng, ngày đêm nơm nớp lo sợ. Để yên lòng dân, Tổ đình Bác Ái tự lập nên.

Tích xưa kể…

Tổ đình Bác Ái được xây dựng năm 1932, là ngôi chùa đầu tiên của Tây Nguyên. Ảnh: Phương Linh

Trò chuyện với chúng tôi, Hòa thượng Thích Chánh Quang-Trụ trì đời thứ tư Tổ đình Bác Ái bỗng trầm ngâm khi nhớ câu chuyện xưa truyền lại. Tương truyền, ngày chưa có chùa, xung quanh vùng chỉ toàn rừng rậm. Người dân từ xuôi lên khai hoang trồng trọt bị rắn rết, thú dữ rình rập, đêm đêm từ trong rừng sâu vẳng lại tiếng gầm gừ kinh hãi. Lúc bấy giờ, ông Võ Chuẩn đã thỉnh Hòa thượng Hoằng Thông-thủ tọa chùa Bạch Sa (Quy Nhơn) lên làm lễ cầu siêu và cung thỉnh khai tự Bác Ái. Ngôi chùa dựng lên trên nền rừng khai hoang, vách đất mành tre trở thành nơi thờ phụng đầu tiên của cả phật tử người Kinh và Thượng quanh vùng.

Từ ngày có chùa, cái âm thanh rùng rợn kia vơi bớt đi phần nào. Một hôm, trong rừng lững thững đi ra, hướng về phía ngôi chùa là một con hổ trắng ba chân vốn nổi tiếng hung dữ nên ai nhìn thấy cũng không khỏi hốt hoảng, lo lắng. “Thế nhưng, bước chân vào chùa, con hổ ấy bỗng trở nên hiền lành một cách lạ lùng. Nó đi vào bếp, nằm gác đầu lên chân và… ngủ. Đúng 5 giờ sáng hôm sau, con hổ đi vào chính điện nghe kinh Phật, sau lại lững thừng vào rừng. Cứ như thế suốt 8 năm liền (1932-1940), ngày nào hổ trắng cũng về nghe kinh Phật, sau rồi đi biệt, không nghe tung tích gì nữa”-vị trụ trì chùa Bác Ái thuật lại.

Phụ giúp dọn dẹp trong gian chính điện, bà Nguyễn Thị Kim (61 tuổi)-phật tử nhà chùa cũng góp chuyện. Vốn sống ở đây từ lâu nên bà Kim vẫn thường nghe mọi người truyền tai nhau về sự linh ứng của chùa Bác Ái. Bà chỉ tay về bàn thờ Quan Âm được đặt trong gốc cây to ngoài sân và nói: “Cách đây vài năm thôi, lúc chùa không còn lương thực, Hòa thượng Thích Chánh Quang đã tới bên bàn thờ và khấn, mong sao chùa có gạo để ăn. Thế mà hai ngày sau, có người chở mấy tạ gạo đến cúng dường cho chùa”. Không chỉ vậy, câu chuyện một phật tử dại dột “ôm trộm” tượng Phật của chùa đem vào Đồng Nai thờ nhưng làm ăn ngày càng lụn bại, sau phải đem tượng Phật trở về, làm lễ xá tội mới yên ổn cũng được các phật tử nhắc đến như tự dặn dò nhau giữ đức tâm trong sạch.

Cổ vật lưu giữ

Tổ đình Bác Ái vẫn giữ được lối kiến trúc chùa Huế. Ảnh: Phương Linh

Năm 1933, sau khi Bác Ái tự hoàn thành, vua Bảo Đại đã đích thân từ Huế lên viếng chùa. Trong dịp đó, nhà vua đã ban sắc tự cho chùa. Đến nay, bảng hiệu 5 chữ “Sắc tứ Bác Ái tự” vẫn còn giữ nguyên màu vàng óng trên nền đỏ rực, trang trọng nằm ngay lối vào gian chính điện. Cũng trong lần ngự sắc ấy, vua Bảo Đại đã cúng dường cho chùa một bộ phản gỗ rất chắc chắn 6 người khiêng không xuể, hiện đang là nơi ngự thiền của Hòa thượng trụ trì. Bức tượng Quan Âm Bồ Tát làm bằng gốm men rạn có từ thế kỷ XVI được coi là vật báu lâu đời nhất được truyền giữ tại chùa cho tới bây giờ.

Không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, chùa Bác Ái còn có giá trị về lịch sử khi trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong sân chùa vẫn còn gốc cây cà chít làm dấu mốc nơi 7 sĩ quan quân đội Nhật Bản chặt đầu tự tử không chịu về nước khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945. Năm 1968, Quân Giải phóng về náu trong chùa, đánh chiếm tòa hành chính Mỹ, bom đạn đã đánh sập ngõ tam quan cũng như làm hư hại tường vách và cả hình tượng “lưỡng long chầu nhật” rất đẹp trên nóc gian chính điện. “Đáng tiếc nhất chính là ngõ tam quan bị đạn bom đánh sập, phải làm lại nên không được như xưa”-sư trụ trì tiếc nuối. Đạn bom cũng phá hỏng chiếc chuông đồng cổ do Hoàng hậu Nam Phương đích thân trao tặng, phải thay thế bằng một chiếc khác. Tuy nhiên, lối kiến trúc mang dáng dấp những ngôi chùa Huế của Tổ đình Bác Ái được giữ hầu như nguyên vẹn. Qua nhiều lần trùng tu nhưng cũng chỉ thay phần vách đất bằng tường gạch kiên cố, trần lợp la phông.

Không to lớn, đồ sộ, Bác Ái tự nằm im lìm, thanh tịnh giữa không gian rợp bóng cây xanh cổ thụ. Mấy ai biết được đây từng là ngôi chùa thu hút hàng ngàn phật tử trong và ngoài tỉnh suốt từ những năm giữa thế kỷ XX. Giờ đây, khi khắp các tỉnh thành đã có nhiều ngôi chùa lớn mọc lên, lượng phật tử tìm đến Bác Ái tự cũng không còn như trước. Không còn nữa hình ảnh người người khắp nơi lũ lượt kéo về đứng chật cả khoảng sân chùa mỗi dịp cúng lễ. Song, những câu chuyên truyền miệng, lối kiến trúc cùng với những vết tích xưa như tấm sắc, tượng Quan Âm, những câu đối, bức hoành phi,… chùa Tổ đình Bác Ái vẫn giữ được dáng dấp cổ mặc, thanh bình, thoảng màu thời gian.

Phương Linh
Hổ trắng ba chân về nghe kinh Phật

Ở đường Mạc Đĩnh Chi, P. Quang Trung, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum bây giờ còn một ngôi chùa và ngôi đình có lối kiến trúc cổ xưa.

Bên trong đình Võ Lâm - Ảnh: Phạm Anh 

Dấu chân người khai sơn

Ít ai biết, chùa và đình này được xây từ chính bàn tay của những người miền xuôi lên khai khẩn đất Kon Tum. Đây là chùa tổ đình Bác Ái và đình Võ Lâm, tuy hai nhưng lại là một.

Từ giữa thế kỷ 19, người dân ở các tỉnh duyên hải miền Trung tìm lên sinh cơ lập nghiệp tại Kon Tum ngày một đông. Tuy nhiên, do chỉ có con đường độc đạo đi từ tỉnh Bình Định lên Tây nguyên nên thuở ấy, người Bình Định đặt chân lên Kon Tum sớm nhất. Theo đó, dòng di dân đầu tiên chính là những gia đình Thiên Chúa giáo trốn lệnh bắt đạo gay gắt của triều đình nhà Nguyễn, theo chân các cha cố Hội Truyền giáo Kon Tum. Dòng thứ hai là những gia đình muốn thoát cảnh sưu cao thuế nặng, hoặc trốn tránh những rắc rối về mặt pháp luật đang gặp phải ở quê nhà.

Theo sách Kontum tỉnh chí của Võ Chuẩn (sinh năm 1896), tại TP. Kon Tum hồi đó, Võ Lâm là làng thứ ba (sau làng Trung Lương và Lương Khế) ở nội thị Kon Tum gồm những gia đình ngoại đạo. Sách viết: Năm 1933 những người ngoại đạo xin phép lập một cái chùa thờ Phật và quy y các vong linh những người chết mà thân thuộc không thể đem thi hài về xứ được, ban đầu chùa lấy tên là Linh Sơn về sau đổi thành Bác Ái. Theo trụ trì đời thứ 4 chùa Bác Ái là hòa thượng Thích Chánh Quang, chính quan Quản đạo Kon Tum là Võ Chuẩn đã cho phép dựng chùa Linh Sơn. Tự ông Võ Chuẩn vẽ thiết kế và huy động nhân công phát hoang rừng rú, lấy đất xây chùa. Nhờ vậy, khởi công trong 10 tháng đầu của năm 1932, đến đầu năm 1933 thì chùa hoàn tất, với vách bằng mành tre, lợp ngói âm dương. Lúc xây chùa, xung quanh còn nhiều rừng rậm rạp. Phía sau chùa là rừng với nhiều cây đại thụ lớn. Còn phía trước chùa là con suối Bác Ái, nay đã bị lấp.

Sau khi xây dựng xong chùa Linh Sơn (tức Bác Ái), Võ Chuẩn đã chiêu mộ dân chúng khai hoang lập khu dân cư quanh khu vực chùa, tức làng Võ Lâm sau này. Theo sách Kon Tum - Di tích và danh thắng, tên làng Võ Lâm được giải thích: Võ là họ của Võ Chuẩn, người công đầu trong việc lập làng, còn Lâm nghĩa là rừng. Công việc khẩn hoang lập làng kéo dài từ năm 1933 đến 1935. Lúc này bà con dân làng bàn chuyện dựng đình Võ Lâm và chọn gần chùa Linh Sơn. Chính ông Võ Chuẩn chỉ định vị trí đất và giao quan Đề lại Hồ Thượng Chất chủ trì thi công đình với diện tích ban đầu khoảng 1.000 m2. Trước, đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, thờ tự âm linh cô bác, tổ thần thổ địa, về sau làm nơi thờ tự những vị tiền hiền khai canh và nay nó là nơi thờ Thành hoàng làng Võ Lâm là Quản đạo Võ Chuẩn.

Hổ dữ hóa hiền

Đưa chúng tôi đi thăm cảnh chùa, trụ trì Thích Chánh Quang cho biết khi chùa Bác Ái khánh thành, chính vua Bảo Đại đến dự và sắc phong biển Sắc tứ Bác Ái tự. Biển này giờ vẫn còn son đỏ và chữ vàng, không phai mờ. Từ đó, chùa chuyển sang tên Bác Ái. Sở dĩ có tên Bác Ái là do vua Bảo Đại biết chùa có gần 40 mẫu ruộng tốt, nhưng khi thu hoạch đều phân phát cho người nghèo, bất kể tín đồ hay tôn giáo khác hay cô khổ ở mọi nơi bước chân vào chùa xin cơm gạo. 

Tại đình Võ Lâm, hằng năm vào các ngày 12.2 và 12.8 âm lịch, dân sinh sống trong làng tề tựu đông đủ, cùng nhau đóng góp tiền của tổ chức ngày tế để tưởng nhớ tiền nhân. Trước 1975, mỗi dịp tế đình, bà con còn rước gánh hát bội Bình Định lên diễn mấy ngày liền. Bây giờ ở đình Võ Lâm, hình con bạch hổ được chạm khắc ở ngay bình phong vào chính điện thờ. Theo giải thích của sư Thích Chánh Quang, bạch hổ ở đây không chỉ trừ tà mà còn ngăn ngừa được “ma rừng” theo quan niệm của người bản địa. 
Tại đình Võ Lâm, hằng năm vào các ngày 12.2 và 12.8 âm lịch, dân sinh sống trong làng tề tựu đông đủ, cùng nhau đóng góp tiền của tổ chức ngày tế để tưởng nhớ tiền nhân. Trước 1975, mỗi dịp tế đình, bà con còn rước gánh hát bội Bình Định lên diễn mấy ngày liền. Bây giờ ở đình Võ Lâm, hình con bạch hổ được chạm khắc ở ngay bình phong vào chính điện thờ. Theo giải thích của sư Thích Chánh Quang, bạch hổ ở đây không chỉ trừ tà mà còn ngăn ngừa được “ma rừng” theo quan niệm của người bản địa. 

Trụ trì Thích Chánh Quang còn cho hay khi chùa xây lên, khói hương không ngớt hưng thịnh. Thế nhưng, xung quanh vẫn là rừng hoang, đêm đêm tiếng thú dữ đi ăn đêm vẫn gầm rú, nhà chùa nghe có cảm giác bất an. Có điều chưa có thú dữ nào xông vào chùa phá phách hay bắt chó, gia súc nuôi. Vậy mà vào một buổi chiều khoảng cuối năm 1932, cả chùa giật thót khi thấy một con bạch hổ ba chân lừ lừ từ rừng đi vào chùa. Con bạch hổ này vốn nổi tiếng hung bạo ở rừng này. Nó tấn công và ăn thịt tất cả các loài thú. Khi thiếu mồi, nó còn tấn công cả người. Một khi bạch hổ đã ăn thịt người thì nó càng hung tợn, càng dữ hơn bất cứ loài thú ác nào.

Lạ thay, khi bước vào chùa, con bạch hổ ba chân này không gầm gừ mà cong đuôi hiền lành về nằm tại khu bếp của chùa. Đầu bạch hổ gác lên hai chân trước, tai dỏng lên, mũi hít hít, còn mắt thì lim dim như tận hưởng cái gì đấy rất yên lành. Đến khoảng 20 - 21 giờ, các sư trong chùa vào chính điện để tụng kinh Phật, con bạch hổ cũng tiến về chính điện, nằm phủ phục ngoài cửa điện thờ, quỳ hai chân trước, đầu gác lên, còn một chân sau thì sãi ra. Khi hết giờ tụng kinh, các sư về nghỉ, bạch hổ lại chui vào gian bếp. Đến 4 giờ sáng hôm sau, nó lại dậy nghe kinh Phật lần nữa, rồi khi trời còn tờ mờ sáng thì vào rừng.

Cứ thế suốt 10 năm, con bạch hổ ngày nào cũng về chùa nghe kinh Phật như vậy. Các sư trong chùa quen dần, lấy tay vuốt lông, có người còn cưỡi lên, nhưng con bạch hổ vẫn hiền lành, đưa lưỡi liếm tay các nhà sư. Trụ trì Thích Chánh Quang đưa chúng tôi đi tham quan, chỉ gian bếp nơi bạch hổ về nằm, phía ngoài gian chính điện bạch hổ nằm nghe tụng kinh Phật. Đáng nói nữa là, từ khi về chùa Bác Ái nghe kinh Phật, xung quanh chùa thú dữ tránh đi hết, trong vùng không còn xảy ra các chuyện đau thương như người bị hổ vồ, hay thú dữ tấn công vật nuôi của làng Võ Lâm nữa. Đến khoảng năm 1943 thì bạch hổ bỏ đi đâu không ai biết. 


Phạm Anh - Tạ Văn Sỹ
Loạt bài Những di tích kỳ bí - Kỳ 11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét