CHÙA LINH SƠN
17/1 Nguyễn Trung Trực, Khu phố 1, Thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang
Vào năm 1877, cũng tại phần đất do ông Lê Văn Lắm khai khẩn, Đốc binh Đặng Khánh Tình là một vị tướng của nghĩa quân anh hùng Trương Định đã đứng ra xây dựng chùa Linh Sơn. Ngôi Chùa là nơi thờ phượng cho dân chúng tín ngưỡng, lễ bái, cầu nguyện tu hành và cũng là nơi cho nghĩa quân hoạt động kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ.
Thời gian sau, hoạt động nghĩa quân bị bại lộ, ông Đặng Khánh Tình bị thực dân Pháp bắt chặt bêu đầu tại Chợ Gò Công (nay là Thị xã Gò Công) để thị uy nhân dân và làm chùn chí chiến đấu của nghĩa quân. Để tưởng nhớ và lưu lại chứng tích của vị anh hùng có công khai phá và sáng lập ngôi Chùa ở vùng đất Vĩnh Lợi này nên nhân dân lập Linh vị thờ Ông tại chùa Linh Sơn với dòng chữ “Phụng Vì Chủ Thổ Lập Tự Đốc Binh Đặng Khánh Tình Giác Linh”. Hiện nay Linh vị của Ông được tôn thờ và bảo tồn tại Nhà truyền thống thuộc Phòng Văn hóa Thông tin huyện Gò Công Tây để cho các nhà nghiên cứu, nhân dân hiểu biết về cuộc đời của vị anh hùng dân tộc.
Như vậy, Chùa Linh Sơn là cơ sở hoạt động của nghĩa quân chống Pháp và sau này cũng là cơ sở hoạt động kháng chiến chống Mỹ giành lại độc lập nước nhà (hiện nay cô Đặng Thị Mươi ngụ tại ấp Đông, thị trấn Vĩnh Bình là nhân chứng sống vì thời điểm đó Cô từng là giao liên cho hoạt động cách mạng).
"Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa
Tình dân gởi ấm đã bao đời
Tổ Tiên bồi đắp theo năm tháng
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ."
Từ khi thành lập đến nay hơn một thế kỷ, chùa Linh Sơn đã trải qua nhiều đời trụ trì, theo Linh vị tôn thờ hiện còn như sau:
- Từ Lâm tế Gia phổ tam thập thất thế thượng Hoằng hạ Giác húy Tiên Chí Tổ sư.
- Từ Lâm tế Gia phổ tam thập bát thế thượng Giám hạ Huyền húy Minh Nghĩa Tổ sư.
- Từ Lâm tế Gia phổ tam thập cữu thế húy Như Trí thượng Chánh hạ Tín Đại sư Giác linh.
- Từ Lâm tế Gia phổ tam thập cữu thế thượng Liễu hạ Liên húy Phước An Đại sư.
- Linh Sơn đường thượng Từ Lâm tế Gia phổ tứ thập thế thượng Hồng hạ Công - Huệ Ân Hòa thượng Giác linh (1844 - 1904).
- Linh Sơn đường thượng Từ Lâm tế Gia phổ tứ thập thế húy Hồng Thường thượng Thiện hạ Hòa Đại sư Giác linh (? – 1919).
- Linh Sơn đường thượng Từ Lâm tế Gia phổ tứ thập thế húy Hồng Tâm thượng Bửu hạ Đăng Hòa thượng Giác linh (1868-1930).
- Linh Sơn đường thượng Từ tế thượng Chánh tông tứ thập nhứt thế húy Thanh Quảng thượng Chánh hạ Hậu Hòa thượng Giác linh (1881-1960).
- Thượng tọa Thích Thiện Mai trụ trì từ (1961 – 1965).
- Thượng tọa Thích Thiện Quang trụ trì từ (1965 – 1975).
- Đại đức Thích Chánh Trí trụ trì từ (1975 – 1985).
- Sư cô Thích Nữ Diệu Liên (1986-2007).
“Vĩnh Bình tiếng gọi thân thương.
Linh sơn chùa cổ trường hương thuở nào.
Pháp âm chuyển hóa cho nhau.
Bền lòng hướng thiện chơn như gieo trồng.
Chùa xưa ngói đỏ mái cong.
Hồn thiêng sông núi chứng lòng trẻ thơ.
Con về bến giác mộng mơ.
Tích công bồi đức dự vào Không môn.
Từ bi hóa độ hết lòng.
Vì hàng sanh chúng vuông tròn trước sau.”
Với sứ mạng thiêng liêng cao quý “Tác Như Lai sứ hành Như Lai sự”, tiếp nối ngọn đèn chánh pháp của chư Phật, khơi dòng Tào Khê trường lưu bất diệt. Nương vào sự tu tập cũng như cảm mến giới hạnh của vị trụ trì, hàng Phật tử qui tựu về Quy Y ngày càng đông. Những buổi tụng kinh trang nghiêm, những ngày thọ Bát Quan Trai giúp cho hàng Phật tử hiểu được Giáo lý Nhân Quả của Đạo Phật, trãi rộng từ tâm đến muôn loài.
Hàng năm vào những ngày lễ lớn của Phật giáo cũng như Tết Nguyên Đán, chùa Linh Sơn đều có tổ chức tặng quà cho đồng bào nghèo, người bị khiếm thị, bệnh nhân nhiễm chất độc da cam……để xoa dịu bớt nổi khổ của mọi người, hòa chung vào nhịp sống tốt đạo đẹp đời.
Trải qua bao thế hệ tiền nhân, ngôi Chùa cũng được nhiều lần trùng tu sửa chữa như: Năm 1965 Hội Lương Hữu đứng ra xây dựng lại ngôi Chánh điện. Năm 1986 Sư cô Diệu Liên trùng tu lại ngôi nhà Tổ và sửa chữa lại cổ lầu ngôi Chánh điện vào năm 1995. Nhưng theo định lý Vô thường ngôi Chùa không khỏi bị xuống cấp. Với tinh thần trùng hưng Tam Bảo để báo Phật ân đức, tiếp dẫn hậu lai, thừa hành Phật sự. Đại đức Thích Trung Phước đã không ngại khó khăn, kiến thiết dần dần các hạng mục như: Xây dựng hàng rào, nhà khách, nhà bếp…….và hàng tháng duy trì đạo tràng Bát Quan Trai cho Phật tử tu tập.
“Chùa xưa tên gọi Giồng Xoài.
Linh thiêng vó ngựa đêm ngày reo vang.
Sơn môn hưng thịnh bình an.
Gò cao khí phách hưng bang một thời.
Công ơn tạc dạ xưa nay.
Tây thành Đặng mỗ danh ghi đời đời.
Tiền khai Thánh địa giồng xoài.
Giang sơn Vĩnh Lợi cho ngày hôm nay.”
Nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ cũng như sự phát tâm thù thắng của thiện tín đàn na, gần ba năm xây dựng, giờ đây ngôi phạm vũ được huy hoàng giữa lòng quê hương Gò Công Tây mến yêu này.
"Linh Sơn Cổ tự hiền hoà,
Khánh Tình xây dựng toà nhà Như Lai.
Trải bao thế hệ chung tay,
Tào Khê trường cửu mở khai đèn thiền.
Hồng Công tiếp nối châu viên,
Thiện Hoà - Chánh Hậu … bình yên đạo tràng.
Kế vị báo đáp thâm ân,
Già lam kiến tạo trùng quang vạn đời."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét