Chùa tọa lạc ở số 161/35/20 đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08.8581674. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa ban đầu là một am nhỏ mang tên là Quan Âm các. Năm 1798, khi trùng tu chùa Giác Lâm, nơi đây là bến Hố Đất được chọn làm nơi chứa gỗ. Vị thầy lo nhang đèn (hương đăng) của chùa Giác Lâm được cử đến đây để bảo quản gỗ, đã dựng một am nhỏ thờ Bồ tát Quán Thế Âm. Năm 1804, chùa Giác Lâm lạc thành, am nhỏ ở đây được sửa lại. Năm 1850, Thiền sư Hải Tịnh đổi Quan Âm các thành chùa Giác Viên.
Chùa được trùng tu lớn vào các năm 1899 – 1902 dưới thời Hòa thượng Như Nhu trụ trì và vào các năm 1908 – 1910 dưới thời Hòa thượng Như Phòng trụ trì.
Kiến trúc chùa Giác Viên gồm hai nếp nhà tứ trụ ghép liền nhau. Nếp nhà trước làm chánh điện, thờ chư tổ; nếp nhà sau làm giảng đường, phòng khách. Hai bên hông có hai dãy Đông lang và Tây lang nối vào nhà chính.
Bàn thờ Bồ Tát Di Lặc
Bàn thờ Bồ Tát Chuẩn Đề
Bàn thờ chư Tổ
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chùa có 153 pho tượng và 57 bao lam, hầu hết được tạo tác và chạm khắc vào hai lần đại trùng tu ngôi chùa. Các pho tượng Tổ thờ ở nhà Tổ được xem là tượng chân dung sớm ở Nam Bộ.Các bao lam ở chùa đều có giá trị nghệ thuật cao, như ba bao lam chạm lộng cả hai mặt ở nhà Tổ. Nhiều đề tài dân gian được thể hiện trên bao lam như : Tô Vũ chăn dê, Ngư tiều canh độc… đặc biệt là bao lam Bá Điểu và bao lam Thập bát La Hán thượng kỳ thú. Ở bao lam Bá Điểu, với chiều dài 3m, chiều rộng 2,2m, người xem như thấy cả thế giới loài chim đang sinh hoạt ở quanh mình, từ chim công, phụng, trĩ đến chim sẽ, chim bói cá, chào mào, họa mi, le le… Chùa còn có bộ Sám bài bằng gỗ chạm nổi Ngũ Hiền (tượng Phật và bốn vị Bồ tát Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền) đặc sắc; tấm bình phong đặt ở bàn thờ tổ, Đề Thính được khắc chìm, nét chạm điêu luyện, săc sảo; và tượng Giám Trai bằng gốm, cao 105cm, đặt tại Đông lang do Nam Hưng Xương tạo vào năm 1880.
Chùa là một trung tâm ứng phú của vùng Gia Định cuối thế kỷ XIX do Thiền sư Hải Tịnh đứng ra tổ chức. Thiền sư đã được triều đình Huế phong chức Tăng cang, ban võng, lọng, trang phục. Giá võng hiện vẫn còn giữ ở chùa.
Chùa còn là một trung tâm in ấn kinh sách Phật giáo trên những bản gỗ, như bộ luật Trường Hằng có tên Tì ni sa di nhựt dụng yếu lược do Hòa thượng Minh Khiêm biên soạn bằng chữ Nôm cùng nhiều bản kinh khác đã được in ấn tại đây. Năm 1952, chùa đã mở Trường Phật học Lục Hòa thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét