11 tháng 7, 2022

Chùa Tịnh Nghiêm

TP. Mỹ Tho: Lịch Sử Chùa Tịnh Nghiêm

CHÙA TỊNH NGHIÊM
Ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho


Chùa Tịnh Nghiêm tọa lạc trên quần thể khu Di tích lịch sử chùa Vĩnh Tràng, thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, do Ni Trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm khai sơn.

Năm 1980, sau khi rời khỏi Ni trường Huê Lâm với ý định nhập thất chuyên tu, Ni Trưởng thượng Tịnh hạ Nghiêm được song thân chắt chiu gom góp tài sản của gia đình, phát tâm mua một miếng đất bên cạnh Tổ đình Vĩnh Tràng để cất một am lá cho Ni Trưởng hoàn thành tâm nguyện.


Những tưởng, nơi thiền thất Ni Trưởng sẽ được trải qua những tháng ngày tĩnh lặng tư duy, tìm về chốn uyên nguyên nguồn cội. Nhưng duyên hóa độ chúng sanh không cho phép Ni Trưởng ẩn mình để hối tích thao danh huyên hiêu chỉ tuyệt, mà phải dấn thân vào con đường tiếp Tăng độ chúng lợi lạc quần sanh.

Ngôi am tranh nhỏ nhắn với bảng hiệu Ni Viện Tịnh Nghiêm, khiêm tốn nằm nép mình bên những rặng dừa cao. Phía trước là chiếc mương nhỏ chảy dài theo con đường dẫn đến cổng chính chùa Vĩnh Tràng sừng sững uy nghiêm. Nơi ấy - chốn thảo am tịch mịch, mỗi ngày đều có các thiện nam, tín nữ lui tới công quả tu học rất đông và dần dần các người nữ thân cận Tam Bảo đã phát tâm xuất gia theo Ni Trưởng sống đời phạm hạnh cao viễn. Vì thế, số Ni chúng ngày một nhiều, đòi hỏi cơ sở vật chất phải phát triển.


Năm 1984, bằng vào số tiền tự túc do chư Ni trụ xứ làm thực phẩm chay phát hành cũng như từ sự phát tâm hỷ cúng của quý Phật tử xa gần, Ni Trưởng đã xây lại ngôi Bảo điện bằng xi măng và cất thêm một số hạng mục khác nhưng chỉ đơn sơ vì thời buổi ấy kinh tế rất khó khăn.

Đến năm 1989, Ni Trưởng được Giáo hội bổ nhiệm về chùa Giác Phước trụ trì để hướng dẫn Phật tử tu học đồng thời quản lý chư Ni thuộc hệ phái Bắc tông trên địa bàn thị xã Gò Công. Chùa Tịnh Nghiêm được Ni Trưởng giao lại cho Ni sư Thích Nữ Tịnh Hạnh (đệ tử lớn của Ni Trưởng) kế nhiệm trụ trì. Vào năm 2000, ngôi Chánh điện chùa Tịnh Nghiêm theo thời gian đã xuống cấp trầm trọng, cho nên Ni Trưởng mặc dù đang hành đạo tại Thị xã nhưng vẫn tiến hành trùng tu ngôi Bảo điện.


Đến năm 2003, khi Ni Trưởng thượng Như hạ Hảo, trụ trì chùa Phổ Đức - Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang viên tịch, Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm được chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự Tỉnh giao trách nhiệm Quyền Trưởng Ban Từ thiện thay thế Ni trưởng chùa Phổ Đức. Do đó, Ni Trưởng phải trở về chùa Tịnh Nghiêm tiếp tục trụ trì để thuận tiện trong hoạt động Phật sự.

Cũng vào năm 2003 và tiếp tục năm 2004, chùa Tịnh Nghiêm được Ban Trị sự chọn làm điểm An cư Kiết hạ cho chư Ni toàn Tỉnh. Năm 2009, do nhu cầu công việc nên Ni Trưởng xin phép chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội cho phép đặt Văn phòng Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang tại chùa Tịnh Nghiêm. Vì nhu cầu sinh hoạt của bổn tự và công tác từ thiện, nên Ni Trưởng đã cho xây dựng lại khu Ni xá cùng các hạng mục khác như Văn phòng làm việc của Ban Từ thiện v.v… Cũng trong năm này, khi Phân Ban Ni giới tỉnh Tiền Giang được thành lập và Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm được phân công làm Phó trưởng Ban Thường trực, để dễ dàng cho hoạt động của Phân Ban nên chư Ni cũng quyết định đặt Văn phòng của Phân Ban Ni giới Tỉnh tại chùa Tịnh Nghiêm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cho Phật sự của Phân Ban Ni giới và Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Tỉnh, như công việc hội họp hay tổ chức các buổi Lễ của Phân ban Ni giới như: Lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo v.v…cùng với những nhu cầu sinh hoạt tu học của Ni chúng và Đạo tràng Phật tử tại Bổn tự trong các Khóa tu, ngày Sám hối,… nên vào năm 2014, ngay sau mùa cấm túc An cư, Ni Trưởng đã quyết định khởi công đại Trùng tu ngôi Chánh điện với qui mô lớn. Công trình xây dựng được thiết kế ba tầng: Tầng trệt dành nơi Tôn trí Đức Tổ Kiều Đàm và cũng là Giảng đường; Tầng giữa là nhà Tổ, trai đường; Tầng trên cùng là ngôi Bảo điện Chánh Giác. Sau 8 tháng nỗ lực thi công, toàn bộ các hạng mục nơi chùa Tịnh Nghiêm thập phần viên mãn. Lễ Hoàn nguyện được long trọng tổ chức vào 3 ngày: 24 - 25 - 26 tháng 3 năm 2015 để đáp tạ hồng ân Tam Bảo và bày tỏ lòng tri ân đến tất cả chư Tôn đức Tăng ni cùng quý Phật tử xa gần đã gia tâm chú nguyện và tùy hỷ cúng dường cho công trình sớm thành tựu tốt đẹp.

Ngôi Bảo điện, nhà Tổ, Giảng đường được thiết kế theo lối kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa phương Đông nói chung và nền văn hóa Việt Nam nói riêng. Đứng ở gốc độ nào nhìn vào đều cảm nhận được một sự sâu lắng thiền vị của ngôi già lam sừng sững uy nghiêm. Đặt chân vào, ai ai cũng cảm nghe lòng mình thanh thản nhẹ nhàng và an ổn.

Nơi đây, từ thời còn là một am tranh, dù chỉ có hai vị Ni trẻ cho đến hiện nay số Ni chúng lên tới vài chục vị, đều nghiêm chỉnh y theo Giới luật Phật chế cấm túc An cư trọn ba tháng mùa Hạ.

Chùa Tịnh Nghiêm, ngoài phương diện là một ngôi Chùa gắn liền với việc nuôi dưỡng, đào tạo các thế hệ Ni tài cống hiến cho Phật pháp; Còn là điểm qui tụ những tâm hồn cao thượng, những tấm lòng nhân ái của hàng Phật tử, nhà hảo tâm, chung tay góp sức cùng nhau mang lại cho bà con nghèo hay những mảnh đời bất hạnh, từng ngày với bao niềm an vui, hạnh phúc trong cuộc sống đầy khó khăn, nghiệt ngã.

Cũng như bao tự viện khác, ngoài việc tổ chức trang nghiêm trọng thể các lễ hội hằng năm, Ni Trưởng trụ trì còn mở các khóa tu dành cho Phật tử. Ni Trưởng rất quan tâm đến đối tượng khuyết tật, người già neo đơn, dân lao động nghèo … Nhằm tạo cơ hội cho họ thăng hoa đời sống tâm linh, Ni Trưởng đã thành lập Đạo tràng “Khơi Nguồn An Lạc” mỗi tháng vào ngày mùng 1 để dạy cho họ biết sống đời hiền thiện đạo đức, ăn chay niệm Phật, bỏ ác làm lành… Mở Đạo tràng “Diệu Pháp” dành cho người khiếm thị tham gia tu tập.

Đặc biệt, đối với thế hệ mầm non tương lai của đất nước, Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm đã trăn trở bao nhiêu năm trường khi nhìn thấy người dân từ các nơi đỗ về TP. Mỹ Tho để mưu sinh, vì kinh tế khó khăn nên trẻ nhỏ không đủ điều kiện đến trường mà phải theo mẹ trên các nẻo đường để kiếm sống. Nỗi mơ ước có một ngôi trường mầm non từ thiện để đón các cháu vào nuôi dạy đã trở thành hiện thực. Trường Mầm Non bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm ra đời với bao khó khăn thử thách. Đến nay, trường đã hoạt động hơn 10 năm. Đây là đứa con tinh thần mà Ni Trưởng đã đặt nhiều tâm huyết. Chỉ mong rằng, nhờ những nấc thang đầu tiên từ ngôi trường tình thương này sẽ mở ra cho các em con dân lao động nghèo một tương lai xán lạn.

Bên cạnh việc tiếp tăng độ chúng, giáo hóa Ni lưu, Ni Trưởng trụ trì đã từng bước hướng dẫn tín đồ Phật tử và bà con quanh vùng tu học, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của công dân, đồng thời tích cực hưởng ứng các phong trào như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”…

Khi còn ở cương vị Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh, cũng như hiện nay, hằng năm Ni Trưởng đều thực hiện các công tác ích nước lợi dân như tặng quà cho đồng bào nghèo trong các dịp lễ lớn của Phật giáo và đất nước: Đại lễ Phật đản, ngày Đức Phật thành đạo, mùa Vu lan báo hiếu, Tết Nguyên Đán, xây nhà tình thương, đúc cầu nông thôn, đem ánh sáng cho người mù nghèo, tặng xe lăn xe lắc cho người khuyết tật, phát học bổng, đồng phục tập vở cho học sinh nghèo hiếu học, bát cơm từ thiện cho dân nghèo mỗi ngày, cứu trợ thiên tai, bão lũ, ủng hộ Quỹ vì người nghèo… hầu góp phần cùng Nhà nước làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm, chư Ni và Phật tử chùa Tịnh Nghiêm quyết tâm thực hiện phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đem yêu thương, hiểu biết chan hòa vào đời sống của nhân sinh để nước nhà được bình yên, muôn dân được an lạc, ấm no và hạnh phúc.

Ban biên tập Lịch sử tự viện tỉnh Tiền Giang xin chân thành giới thiệu ngôi chùa đến với bạn đọc.

Ghi chú:
  • Chùa Tịnh Nghiêm: ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Số điện thoại: 0913601656
  • Trụ trì hiện nay: Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm – Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang.
Sau đây là một số hình ảnh tư liệu:















Người viết : Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét