27 tháng 9, 2021

Chùa Phước Hải

Tên thường gọi: Chùa Phước Hải

Chùa tọa lạc ở ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Điện thoại: 061.876839. Chùa thuộc Hệ phái Bắc tông. Từ Quốc lộ 51, đi vào cổng phụ của nhà máy bột ngọt Veđan, đi thẳng vào khoảng 500m, trên đường vào cảng Gò Dầu, chùa nằm bên trái.

Chùa Phước Hải

Tượng Bồ tát Quan Âm

Ngôi chánh điện

Chùa được xây dựng vào năm 1990 do kiến trúc sư Đoàn Hồng Dũng thiết kế với sự cộng tác của Ni sư Thích Nữ Như Như.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Án giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca, hai bên thờ tượng Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng. Phía trước, thờ tượng đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca và đức Phật Dược Sư. Chùa còn giữ một số pho tượng cổ. Ở sân chùa, có nhiều tượng Phật lộ thiên như: vườn Lâm Tì Ni, tượng đức Phật chuyển pháp luân, tượng đức Phật nhập niết bàn, đài Quan Âm… 

Chùa nổi tiếng với tên chùa rau má hay chùa bún riêu, do chùa thường đãi miễn phí chư Phật tử gần xa và khách du lịch món bún riêu chay và rau má rất ngon.


Điện phật

Tượng Hộ Pháp

Tượng Tiêu Diện

Bàn thờ Tổ Đạt Ma

Vườn Lâm Tì Ni

Tượng đức Phật thuyết pháp

Tượng đức Phật nhập Niết Bàn

Du khách và Phật tử dùng bữa miễn phí

Phòng phát hành kinh sách

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
_________________

  • Địa điểm: ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1986
  • Người trụ trì: Ni sư Thích nữ Như Như
  • Quản lý Tu viện trực tiếp hiện nay: Sư cô Thích nữ Như Nhã
  • Năm trùng tu: 1990 đến 2000
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 876839

Tu viện Phước Hải tọa lạc trong khu công nghiệp Gò Dầu huyện Long Thành. Từ Quốc lộ 51 đi vào cổng phụ của nhà máy bột ngọt VeDan con đường vào cảng Gò Dầu khoảng 500 m, nhìn về bên trái du khách sẽ thấy thấp thoáng sau những tán cây cổ thụ là nóc mái ngôi chánh điện tu viện lợp ngói đỏ tươi, tường quét vôi vàng rộm.

Cổng Tu viện Phước Hải

Du khách vào tu viện qua cổng tam quan bề thế và sẽ đi dưới những hàng phi lao, bạch đàn, xoài cao vút để đến ngôi chánh điện. Ngay trước sân tu viện là tượng Bồ tát Quan Thế Âm đứng trên đài sen. Phía trước chếch về bên trái là một am nhỏ thờ đức A Di Đà và Bồ tát Phổ Hiền. Bên phải là vườn Lâm Tỳ Ni (tượng Phật đản sinh).

Ngay giữa trung tâm là ngôi tu viện chính gồm: chánh điện và hậu Tổ tiếp nối nhau theo chiều dọc. Tu viện được khởi công xây dựng từ năm 1990 và khánh lạc năm 1991, do kiến trúc sư Đoàn Hồng Dũng thiết kế với sự cộng tác của Ni sư Thích nữ Như Như. Tu viện Phước Hải là căn nhà hình chữ nhật với 2 lớp mái chồng diêm mang dáng dấp cổ kính Á Đông. Bốn góc mái trên và dưới trang trí rồng, phụng. Giữa đỉnh nóc có Bánh xe Pháp luân.

Tu viện Phước Hải không lớn lắm, diện tích 108 m² (12mx9m), chiều cao 6,5m tính từ mặt nền đến đỉnh mái, nền cao 0,5m. Hành lang mặt trước và sau rộng 3m, hành lang hai bên rộng 1,5m. Nổi bật ngay giữa hành lang mặt tiền là hai long trụ (cột rồng) sừng sững, uy nghiêm. Giữa hai cột là tượng Phật Di Lặc tọa trên tòa sen.

Chính Điện

Nội thất chánh điện không có cột (cột ẩn tường) tạo cho không gian thoáng rộng. Bệ thờ Phật được thiết kế trang nghiêm. Ở Bảo điện, bậc trên cao sát mái nhà, chính giữa thờ đức Phật Thích Ca, hai bên là Quan Thế Âm Bồ tát và Địa Tạng Vương Bồ tát. Bậc chính giữa thờ đức A Di Đà, Dược Sư và đức Thích ca Mâu ni. Ba pho tượng này bằng sành được tạo tác ở Đài Loan. Bậc cuối cùng thờ Phật Đản sinh và đức Phật Di Lặc. Điểm chung là các tượng ở tu viện Phước Hải là không lớn lắm, chất liệu chủ yếu bằng xi măng, lên cốt năm 1991. Ngoài ra, tu viện còn lưu giữ một số pho tượng cổ: đức A Di Đà tọa trên đài sen, cao 0,9m, bằng đất; đức Thích Ca đứng, cao 0,6m bằng đá thạch anh trắng và một số pho tượng gỗ.

Ni Sư Thích Nữ Như Như

Sau điện Phật là nhà Tổ thờ: Tổ sư Đạt Ma. Ngoài ngôi chánh điện và nhà Tổ, tu viện Phước Hải còn có các công trình phụ như: nhà Chuẩn Đề, nhà Ni chúng, nhà khách, Trai đường, các cốc, thất, nhà trù (nhà bếp)... được xây dựng ngang, dọc có tất cả đến 29 căn. Đặc biệt, nhà trù với 2 dãy nhà ăn có sức chứa đến 350 người.

Điểm nổi bật của tu viện Phước Hải không chỉ là tọa lạc trong một khuôn viên thoáng rộng có nhiều cây cổ thụ và cây ăn trái, mà nơi đây có hoạt động từ thiện (nấu ăn miễn phí) từ năm 1991 - năm đại trùng tu ngôi tu viện.

Ni sư Thích nữ Như Như, thế danh Mã Thị Ghết sinh năm 1947, quê tỉnh Minh Hải, xuất gia từ nhỏ, tu học ở chùa Phước Huệ (Sa Đéc), Phước Hậu, Từ Nghiêm (Tp. Hồ Chí Minh), tốt nghiệp Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh (Tp. Hồ Chí Minh), cử nhân Văn chương. Năm 1986, Sư cô lên xã Phước Thái tìm đất cất tu viện trên khu đất rộng 3 hécta để tịnh tu, lao động sinh sống và truyền mạng mạch Chánh pháp ở đời.

Năm 1991, sau khi đại trùng tu xong ngôi tu viện Phước Hải, Ni sư về đất Đại Tùng Lâm (Bà Rịa-Vũng Tàu) xây dựng tu viện Thiện Hòa, giao ngôi tu viện lại cho Sư cô Như Nhã, Như Vân, Như Hương, Minh Thanh đại diện quản chúng và điều hành công việc.

Tượng Cổ A Di Đà (bằng đất)

Khác với việc làm từ thiện của các ngôi chùa, tu viện, tịnh xá... trong tỉnh Đồng Nai, Ni sư Như Như làm từ thiện bằng cách gieo vào lòng người quả thiện, nấu cơm miễn phí phục vụ người lỡ bữa, lỡ đường và cả những đoàn du khách Bắc Trung-Nam đến thăm ngôi tu viện bái Phật, cầu an. Vào ngày rằm: tháng Giêng, tháng 4, tháng 7, tháng 10 nhân dân địa phương và các tỉnh lân cận thường tụ hội về tu viện thắp nhang, lạy Phật, ăn cơm chay một ngày. Nhiều gia đình không đi một người mà cả đại gia đình. Trong những ngày này, tu viện đã vinh dự đón tiếp đến vài ngàn người thật là con số kỷ lục, vậy mà vẫn phục vụ chu đáo. Mọi người thắp nhang lạy Phật và ăn bữa cơm chay từ tu viện trở về lòng thấy thanh thản, giũ bớt bụi trần, hướng thiện. Đây chính là mong muốn và nguyện vọng của Ni sư trụ trì tu viện Phước Hải.

Hiện nay, nhiều người dân ở Bắc-Trung-Nam, ngay cả các tỉnh miền Tây xa xôi, đều biết đến Tu viện Phước Hải với các tên dân dã: "Chùa rau má hay Chùa bún riêu", vì cơm miễn phí của tu viện thường đãi hai món đặc sản là rau má và bún riêu chay rất ngon.

Tu viện Phước Hải được Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành đánh giá rất cao trong công tác làm từ thiện: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", thật là "tốt đạo và cũng đẹp đời".

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Chùa Bún Riêu

Dù không có số liệu thống kê chính xác, nhưng tui chắc rằng ngôi chùa ở Đồng Nai có nhiều người viếng thăm nhứt là một ngôi chùa ở huyện Long Thành, được người dân gọi tên là chùa Bún Riêu.

Nói là có nhiều người viếng vì không chỉ dân Đồng Nai, mà người khắp nơi trong cả nước vẫn thường ghé vào đây, đặc biệt là du khách đi Vũng Tàu trên quốc lộ 51, trong đó có thể có cả bạn - người đang đọc bài viết này.

Tu viện Phước Hải, tức chùa Bún Riêu. Ảnh: PHN, năm 2015.

Mọi người gọi tên chùa là chùa Bún Riêu, vì ngôi chùa này nấu ăn miễn phí cho khách thập phương với rất nhiều món chay, trong đó đặc sắc nhứt là món bún riêu. Bên cạnh các thức ăn, chùa cũng phục vụ miễn phí luôn thức uống, trong đó ngon nhất là rau má, do đó chùa còn có tên là chùa Rau Má. Những thức ăn, thức uống này được phục vụ quanh năm, chứ không riêng gì ngày rằm hay lễ tết, và phục vụ miễn phí cho tất cả mọi người.

Ngôi chùa tọa lạc trên một khu đất rộng, cảnh quan thoáng mát, đẹp nên chẳng những mọi người ghé vào dùng bữa mà đây còn là nơi nghỉ ngơi của du khách hay những người làm việc gần đó, du khách tham quan, ngoạn cảnh chùa.



Các cụm tượng Phật trong khuôn viên tu viện Phước Hải

Ái chà, mải mê nói chuyện vô chùa... ăn bún riêu, ngắm cảnh và nghỉ ngơi mà quên béng cái chuyện quan trọng là... vô chùa lễ Phật. Có 2 điều du khách thường lơ mơ, đó là tên chùa và chùa nằm ở tỉnh nào. 

Về tên chùa, nhiều người vẫn tỉnh bơ coi như Bún Riêu là tên chùa, thật ra tên chính thức của chùa là Tu viện Phước Hải. Ngoài ra, do ghé chùa trên đường đi Vũng Tàu nên nhiều người vẫn cho rằng chùa nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thật ra chùa tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nghĩ rằng chùa ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng... xém đúng, vì chỉ cần nhích thêm 1 km nữa là tới địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu rồi!).

Để đàng hoàng và nghiêm túc, xin được kể về ngôi chùa, Tu viện Phước Hải nhé! (dữ liệu được viết dựa theo sách Những ngôi chùa Đồng Nai do Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai biên soạn).

Tu viện Phước Hải tọa lạc trong khu công nghiệp Gò Dầu, ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành. Từ quốc lộ 51 đi vào cổng phụ của nhà máy bột ngọt Vedan con đường vào cảng Gò Dầu khoảng 500 m, phía bên trái là tu viện.

Tu viện Phước Hải, năm 2005. Ảnh Võ văn Tường

Ngôi chùa được ni sư Thích Nữ Như Như khởi dựng năm 1986. Ni sư Thích Nữ Như Như, thế danh Mã thị Ghết sinh năm 1947, quê tỉnh Minh Hải, xuất gia từ nhỏ, tu học ở chùa Phước Huệ (Sa Đéc), Phước Hậu, Từ Nghiêm (Tp. Hồ Chí Minh), tốt nghiệp Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh (Tp. Hồ Chí Minh), cử nhân Văn chương. Năm 1986, Sư cô lên xã Phước Thái tìm đất cất tu viện trên khu đất rộng 3 hécta để tịnh tu, lao động sinh sống và truyền mạng mạch Chánh pháp ở đời.

Chùa được đại trùng tu vào năm 1990 do kiến trúc sư Đoàn Hồng Dũng thiết kế với sự cộng tác của Ni sư Thích Nữ Như Như.

Điểm nổi bật của tu viện Phước Hải không chỉ là tọa lạc trong một khuôn viên thoáng rộng có nhiều cây cổ thụ và cây ăn trái, mà nơi đây ni sư Thích Nữ Như Như đã gây dựng nên hoạt động từ thiện (nấu ăn miễn phí) bắt đầu từ năm 1991. Chính từ lúc này tu viện nổi tiếng với tên chùa rau má hay chùa bún riêu, được đông đảo chư Phật tử gần xa và khách du lịch đến viếng.

Trong khuôn viên chùa có nhiều cây ăn trái. Ảnh: PHN, năm 2005

Năm 1991, sau khi đại trùng tu xong ngôi tu viện Phước Hải, ni sư Thích Nữ Như Như về đất Đại Tùng Lâm (Bà Rịa-Vũng Tàu) xây dựng ni viện Thiện Hòa, giao ngôi tu viện lại cho sư cô Như Nhã, Như Vân, Như Hương, Minh Thanh đại diện quản chúng và điều hành công việc. Tại ngôi tự viện mới, ni sư Thích Nữ Như Như lại tiếp tục hạnh nguyện của mình là nấu ăn miễn phí cho khách thập phương, với món ngon là bánh xèo chay. Và cũng từ đó, ni viện Thiện Hòa có danh xưng thân thiết là chùa Bánh Xèo.

Trở lại với chùa Bún Riêu - à quên, tu viện Phước Hải - suốt hơn 30 năm nay chùa vẫn thường xuyên nấu ăn phục vụ miễn phí. Mỗi ngày, chùa đãi khách thập phương viếng chùa hết 300 ký bún (xin nhắc lại một lần nữa: Miễn phí), ngày thứ bảy - chủ nhật thì gấp đôi vì khách du lịch nhiều, ngày lễ lớn như Vu lan, Phật đản thì phải đến... 2 tấn bún!

Tô bún riêu chay ở chùa Bún Riêu

Trong những ngày dịch Covid-19 vừa qua, chùa tạm ngưng nấu ăn từ thiện để hạn chế lây lan dịch bịnh. Không biết hiện giờ chùa đã nấu ăn trở lại chưa. Nếu bạn có dịp đi Vũng Tàu xin ghé viếng chùa và kể lại cho tui biết nghe. Giả như chưa có bún riêu thì cũng là dịp viếng thăm một ngôi chùa thoáng đãng, đẹp và rất đáng trân trọng ở Đồng Nai vậy.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét