27 tháng 9, 2021

Thiền viện Đạo Huệ

Tên thường gọi: Thiền viện Đạo Huệ

Thiền viện tọa lạc ở ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Điện thoại: 061.841534. Thiền viện thuộc Hệ phái Bắc tông.

Cổng thiền viện

Thiền viện Đạo Huệ

Mặt tiền thiền viện

Biển tên chùa

Thiền viện nguyên là Hiếu Dưỡng thất do Thượng tọa Thích Thiện Trung xây cất trên khu đất của Hòa thượng Thích Thanh Từ cho vào năm 1975 để tu hành và nuôi dưỡng mẹ già. Năm 1992, ngôi thất được sửa chữa, đổi tên là thiền thất Chánh Pháp.

Năm 2000, thiền thất được xây dựng mới, được Hòa thượng Thích Thanh Từ đặt cho tên mới là thiền viện Đạo Huệ, tên của một thiền sư danh tiếng thời Lý.

Điện Phật tôn trí tượng đức Phật Thích Ca. Hai bên là hai phù điêu Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. 

Ở sân thiền viện có tháp chuông, trên treo quả đại hồng chung nặng 300 kg, được đúc tại Huế năm 2000.

Chánh điện

Điện Phật

Phù điêu Bồ tát Văn Thù

Phù điêu Bồ tát Phổ Hiền

Tranh Trúc Lâm đệ nhất tổ giảng pháp

Phù điêu Đạt Ma Tổ sư đàm đạo với Lương Võ Đế

Phù điêu Lục tổ Huệ Năng qua sông

Điện thờ Đạt Ma

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
____________

THIỀN VIỆN ĐẠO HUỆ 

  • Tên gọi cũ: Thiền thất Chánh Pháp
  • Địa điểm: ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái, huyện Long Thành
  • Năm xây dựng: 1975
  • Trụ trì: Thượng tọa Thích Thiện Trung (Thông Hiếu)
  • Năm trùng tu: 1992, 2000
  • Hệ phái gốc: Thiền Tông
  • Điện thoại: 061.841534

Thiền viện Đạo Huệ do thầy Thông Hiếu, tức Thượng tọa Thích Thiện Trung, thế danh Thân Văn Bua, quê ở tỉnh Bình Dương, khởi công xây cất trên khu đất của Hòa thượng Thích Thanh Từ cho vào năm 1975.

Ban đầu chỉ là một thất nhỏ, dựng bằng tre lá để thầy vừa tu, vừa nuôi mẹ già thuộc gia đình diện chính sách, Hòa thượng đặt cho cái tên: "Hiếu Dưỡng thất".

Năm 1992, ngôi thất được trùng tu lần thứ nhất, lấy tên là Thiền thất Chánh Pháp.

Năm 2000, Thiền thất Chánh Pháp được đại trùng tu, tức xây dựng mới hoàn toàn trên nền cũ có mở rộng và được Hòa thượng Thích Thanh Từ đặt cho tên mới: Thiền viện Đạo Huệ, lấy tên của một Thiền sư nổi tiếng Việt Nam, thuộc đời thứ 9 dòng Vô Ngôn Thông, thời nhà Lý (Lý Anh Tông).

Thiền viện Đạo Huệ tọa lạc trên khu đất rộng 6.300 m², có nhiều cây cổ thụ và cây ăn trái như mít, xoài, nhãn, thanh long, dừa... quanh năm tỏa bóng mát và thay nhau ra hoa, sai trĩu quả.

Thiền viện Đạo Huệ

Vào Thiền viện qua cổng chính, xây bằng đá xanh, trên có mái lợp ngói ống cổ, dưới là tấm biển đề: "Thiền viện Đạo Huệ" óng ánh màu bạc. Trên nóc cổng trang trí Bát Chánh đạo, biểu tượng của nhà Phật.

Thiền viện gồm chánh điện và nhà Tổ tiếp nối nhau, xây theo lối kiến trúc Á Đông, giản dị, hài hòa, mặt tiền xoay theo hướng nam. Chánh điện là tòa nhà gần như vuông, có diện tích 195 m² (15mx13m). Mái kiến trúc theo kiểu "thượng tầng, hạ hiên", còn gọi là chồng diêm hay cổ lầu, đổ bê tông, trên lợp ngói tây, tạo vẻ cổ kính. Các đầu mái uốn cong ngọn đao, vươn lên thanh thoát với những đường nét giản dị của nhà Thiền.

Chánh điện tạo dựng không có cột (cột ẩn tường), tạo cho không gian nội thất cao rộng, trong sáng. Phía trước là tiền sảnh, hai bên hông là dãy hành lang rộng, nổi bật hàng cột bê tông cốt thép tròn, ngoài sơn giả gỗ có đường kính 35cm.

Ở Tượng thờ trong chánh điện được bày trí đơn giản mà trang nghiêm. Ở điện Phật chỉ thờ duy nhất tượng đức Bổn sư Thích ca Mâu ni, tay phải cầm bông sen, biểu tượng của "Niêm hoa thị chúng", uy nghi tịnh tọa trên tòa sen, khoác áo thếp vàng lộng lẫy. Hai bên, trên tường là hai bức phù điêu lớn giả đồng miêu tả: Bồ tát Văn Thù cỡi trên lưng sư tử tượng trưng cho căn bản trí và Bồ tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà, tượng trưng cho Sai biệt trí và Lục độ.

Sau chánh điện là nhà Tổ, có diện tích 91m² (13mx7m), hơi thấp và nhỏ hơn chánh điện, bên trong thờ Tổ sư Đạt Ma, là vị Tổ thứ 28 Ấn Độ cũng là Sư tổ Thiền Tông ở Trung Hoa, với chủ trương: "Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật" làm tông chỉ. Chếch bên trái trước Thiền viện là tháp chuông bằng gỗ, trên treo đại hồng chung nặng 300kg, được đúc tại Huế năm 2000, của Phật tử phát tâm cúng dường. Cạnh đó là giảng đường, nơi thầy trụ trì giảng kinh và Thiền sinh tham vấn Phật pháp, Thiền học...

Thượng tọa Thích Thiện Trung, sinh năm 1944, quê Bình Dương, vừa là vị khai sơn ngôi Thiền thất Chánh Pháp, nay là Thiền viện Đạo Huệ, vừa là Sư trụ trì từ năm 1992 đến nay. Thượng tọa đã từng tham học qua các trường Phật học tại Tp.Hồ Chí Minh trước năm 1975, hiện nay là thành viên Ban hoằng pháp tỉnh Đồng Nai.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét