20 tháng 9, 2021

Chùa Vạn Đức

Tên thường gọi: Chùa Vạn Đức

Chùa tọa lạc tại số 23/4 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 08.8962388. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa Vạn Đức

Ngôi chánh điện

Chùa được Hòa thượng Thích Trí Tịnh khai sáng vào năm 1954. Ngài là Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tăng sự Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Ngoài cổng vào, bên trái chùa có đài Quan Âm được xây dựng năm 1954. Chùa được trùng tu, mở rộng vào các năm 1964, 1989 và 1993.

Chùa có Đạo tràng Bát quan trai và Đạo tràng Pháp Hoa. 

Chùa thường xuyên đón tiếp các phái đoàn Phật giáo trong nước, nước ngoài, cùng đông đảo Phật tử, du khách đến tham quan, chiêm bái, sinh hoạt.


Điện Phật


Tháp Quan Âm

Tháp Vạn Đức

Tụng kinh

Chân dung Hòa thượng Thích Trí Tịnh, chủ tịch hội đồng trị sự (năm 1989)

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Ngôi chùa có chánh điện cao vời vợi

Tui không thích kiểu nói "Ngôi chùa lập kỷ lục xyz", vì tui nghĩ đã là chùa thì không có tham sân si, không quan tâm hơn người, đạt kỷ lục này nọ. Rào trước đón sau như vậy để nói rằng khi đến viếng chùa Vạn Đức (Thủ Đức) tui không quan tâm đến chuyện nó xác lập kỷ lục gì mà chỉ nói đến những ấn tượng ngôi chùa tạo ra thôi.

Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận chùa Vạn Đức là ngôi chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam, với chiều cao là 43,5 met. Đây là chiều cao được xác định từ nóc chánh điện xuống. Xuống đâu thì tài liệu không nói rõ, nhưng theo tui - sau khi đã tới viếng chùa - thì là xuống tới nền tầng trệt. Thôi, giờ lướt qua những thông tin mào đầu đó, hãy cùng tui đi thăm chùa nhé.

Chùa Vạn Đức tọa lạc tại số 502 đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức, nhìn từ xa đã thấy ngôi chùa cao nổi bật.


Nhìn bên ngoài ta cứ nghĩ là ngôi chùa có nhiều tầng lắm, thế nhưng bước vào thì thấy chỉ có 2 tầng thôi. Tầng trệt là giảng đường, dùng làm nơi thuyết pháp cho Phật tử; tầng trên mới đúng là chánh điện. Như ta đã biết ở trên, ngôi chánh điện này cao đến 43,5 met, và như vậy sau khi trừ đi tầng trệt, gian chánh điện cũng sẽ có khoảng không từ sàn đến trần vô cùng lớn.

Đây là tầng dưới.


Còn đây là gian chánh điện, nơi tạo cho ta ấn tượng vì cao vời vợi




Không rõ chiều cao của chánh điện là bao nhiêu, nhưng theo ghi trong kỷ yếu xây dựng chùa Vạn Đức thì cao hơn 20 met. Cũng theo kỷ yếu thì sở dĩ Hòa thượng Trí Tịnh cho xây phần chánh điện cao trên 20 met là vì muốn có đủ diện tích để cây bồ đề (sau lưng đức Phật) có đọt. Đa số các chùa trang trí cây bồ đề sau lưng đức Phật đều không có đọt. Cây bồ đề ở chùa Vạn Đức không những có đọt mà có cả một bầu trời trăng sao lồng lộng, như ta thấy trong hình, tạo nên một cảm giác thoáng đãng, cao vời vợi. Dưới cội bồ đề là dòng sông Ni Liên Thiền.

Còn một chi tiết cần nói đến nữa là lá của cây bồ đề. Lá đã được làm khuôn cho Phật tử công quả in ra gần 10.000 lá vừa lớn vừa nhỏ. Sau khi đắp thân cây và nhánh, lá sẽ được gắn vào nơi phù hợp.



Hai bên vách là chư vị hộ pháp thể hiện sự bàng bạc khắp nơi trong cõi không trung, lần lượt mỗi bên là 2, 4, 8 vị. Trên cùng là Bồ tát Quan Âm.


Nội điện có nhiều ô cửa sổ, bên ngoài có lan can, bên trong trên mỗi lớp lan can có thờ tranh - tượng các vị Phật.

Bước ra ngoài nội điện là lầu chuông và trống, có phù điêu rồng rất ấn tượng.




Giờ ta bước xuống và trở ra để đi vào từ cổng nhé. Bước qua cổng, trước mắt ta là bức tượng Phật bằng đá cao khoảng 15 met, tôn tạo năm 2017.



Bên trong của tường bao ngoài cổng là các phù điêu về sự tích đức Phật.



Bên phải chánh điện là đài Quan Âm.



Cũng ở phía này, ta đi dọc theo lối đi có dãy tre vàng cùng những tiểu cảnh, bia đá khắc lời dạy của cố Hoà thượng trụ trì Thích Trí Tịnh.





Lối đi này dẫn đến phía sau chùa, nơi có khu mộ.


Cũng cần nói thêm, chùa có thư viện rất phong phú sách vở, tư liệu. Bạn có thể ngồi đọc tại chỗ hoặc mượn về. Một số sách bạn có thể thỉnh hẳn về nhà.


Phạm Hoài Nhân
Độc đáo ngôi chùa có tòa chánh điện cao nhất Việt Nam

Không những là ngôi chùa có tòa chánh điện cao nhất Việt Nam, chùa Vạn Đức còn được nhiều người biết đến bởi lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên hài hòa khiến du khách cảm giác như chìm vào chốn bồng lai tiên cảnh. 

Chùa Vạn Đức tọa lạc số 234 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Chùa do cố HT.Thích Trí Tịnh, đời thứ 41 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ, khai sơn năm 1954
 
Tòa chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, được xây dựng uy nghiêm tráng lệ với nét kiến trúc độc đáo và được xem là ngôi chùa có chánh điện cao nhất hiện nay.

Chánh điện chùa có kết cấu như một ngôi tháp cao lớn với chín tầng, trên đỉnh là đài hoa sen, loài hoa gắn liền với Phật giáo. Phần mái lợp ngói lưu ly màu xanh, trên các đầu đao có gắn hoa văn hình bông sen cách điệu

Khu nội điện thờ Phật với không gian rộng rãi, phía trên trần cao hơn gần 40 m. Nơi đây tôn trí tượng Phật Thích Ca và Tam thế Phật. Đặc biệt, trung tâm nội điện là bức phù điêu nổi hình cây bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập đây là "Bức phù điêu cây bồ đề đắp nổi lớn nhất nước".

Phần trần nội điện được trang trí những bức phù điêu cảnh trời xanh, mây trắng, nằm giữa trung tâm là hình hoa sen được đắp nổi tinh xảo

Xung quanh các bức tường được trang trí những bức hình của các vị Phật xen lẫn với chữ Phật được đắp nổi bằng chữ Hán.

Các góc của tòa chánh điện được trang trí hình các vị Bồ tát, các chư thiên đang cưỡi mây chu du trong cõi ta bà để hoằng hóa và cứu độ chúng sinh thoát khỏi bể khổ luân hồi để nương về cõi Tây Phương

Bên ngoài khu chánh điện, những lan can được trang trí với hoa văn tinh xảo, với gam màu vàng làm chủ đạo. Trên các trụ của lan can được đắp nổi hình hoa sen bằng đá với đường nét hoa văn tỉ mẩn như những cánh hoa sen thực

Khu vực để chuông, trống nằm phía ngoài chánh điện nổi bật với hình chạm khắc 2 con rồng rất lớn, mang đậm nét đặc trưng văn hóa về hình tượng rồng trong truyền thuyết, tâm thức của người Việt

Các khung cửa gió, những bức tường được trang trí bằng hình hoa sen chạm khắc bằng đá trắng rất lớn

Tất cả hoa văn được chạm khắc, trang trí ở tòa chánh điện đều lấy hình thể hoa sen làm chủ đạo, là Quốc hoa của nước ta hiện nay và cũng là loài hoa gắn liền với văn hóa Phật Giáo

Đài Liên hoa được xây dựng nằm giữa hồ nước, bên trong tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ Tát

Trước tòa chánh điện là bức tượng Bổn Sư đang đứng uy nghi trên đài sen với chiều cao hơn 10m

Không những có kiến trúc độc đáo, uy nghi, ngôi chùa là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên yên bình, khiến nhiều du khách khi đã bước chân vào đây dường như quên mất đi khái niệm về không gian và thời gian.

Tố Nhã
Ngôi chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam ở Sài Gòn

Chùa Vạn Đức hơn 50 năm tuổi sau khi được xây dựng thêm, trở thành chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam với 43,5 m. 

Chùa Vạn Đức (đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức, TP HCM) nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15 km, được xây dựng từ năm 1954. Chùa nằm trên khu đất rộng vốn là của một gia đình giàu có trong vùng hiến tặng cả đất và nhà. 

Sau khi nhận nhà và đất, trụ trì giữ nguyên hiện trạng, chỉ làm thêm phía trước cho giống chùa và đặt tên là Vạn Đức. Trải qua nhiều lần sửa chữa, năm 2004, nhà chùa bắt đầu đại trùng tu chánh điện cùng nhà Tổ. 
Sau hai năm, khu chánh điện hoàn thành, có chiều cao từ nóc xuống là 43,5 m và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là ngôi chùa "Có chánh điện cao nhất Việt Nam". 
Chánh điện dù cao nhưng chỉ có hai tầng, tầng trệt là giảng đường còn phía trên là nội điện, nơi diễn ra các hoạt động Phật pháp chính của chùa. 

Chánh điện chùa có kết cấu như một ngôi tháp cao lớn với chín tầng, trên đỉnh là đài hoa sen, loài hoa gắn liền với Phật giáo. Phần mái lợp ngói lưu ly màu xanh, trên các đầu đao có gắn hoa văn hình bông sen cách điệu. 

Khu nội điện thờ Phật với không gian rộng rãi, phía trên trần cao hơn gần 40 m. Nơi đây tôn trí tượng Phật Thích Ca và Tam thế Phật. Đặc biệt, trung tâm nội điện là bức phù điêu nổi hình cây bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập "Bức phù điêu cây bồ đề đắp nổi lớn nhất nước". 

Phần trần nội điện được trang trí những bức phù điêu cảnh trời xanh, mây trắng. Trần ở độ cao gần 40 m, khiến khách tham quan có cảm giác như đang ngắm nhìn cả bầu trời bao la. 

Xung quanh nội điện có nhiều ô cửa sổ trông như những đám mây trắng, mỗi ô lại treo một bức tranh đức Phật. Cạnh cửa sổ là những ô cửa thông gió có hình chữ “Phật”. 

Bên ngoài, mỗi góc chánh điện lại được bài trí các tượng Phật, Quan thế âm, thần Hộ Pháp, rồng... Hình ảnh hoa sen cách điệu được trang trí ở rất nhiều nơi trong chùa. 

Tất cả cửa và cầu thang, hành lang... đều làm bằng thép trắng, xi măng, đá granite...với kiến trúc tinh xảo vừa mang tính truyền thống nhưng lại tân kỳ. 

Cuối năm 2017, chùa xây dựng thêm bức tượng Phật cao khoảng 15 m, bằng đá nguyên khối ở ngay trước chánh điện. Đối diện tượng có đài Liên hoa, bên trong tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ tát. 
Chùa Vạn Đức là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn ở TP HCM. Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, công trình còn là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc hiện đại. 

Quỳnh Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét