27 tháng 9, 2021

Thích ca Phật đài

Tên thường gọi: Thích Ca Phật Đài

Phật đài tọa lạc ở số 608 đường Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. ĐT: 064.834418. Chùa thuộc hệ phái Nam tông.

Một góc Vũng Tàu nhìn từ chùa

Tam quan Thích Ca Phật Đài

Cổng chùa

Mặt tiền chùa Thiền Lâm (năm 1990)

Chùa Thiền Lâm (năm 2003)

Trước đây, vùng núi này không có người sinh sống. Năm 1957, ông Lê Quang Vinh, một quan phủ thời Pháp thuộc, lên đây dựng chùa Thiền Lâm để tu hành.

Sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (NXB. TP. HCM, 2002) cho biết vào giữa thập niên 40, Đại đức Narada Maha Thera cùng ông Lê Quang Vinh, Đốc Phủ sứ hồi hưu, viếng núi Lớn. Đại đức cho rằng đây là nơi thích nghi để lập một ngôi chùa. Đến năm 1957, ông Lê Quang Vinh xuất gia, pháp danh Giác Pháp, lên đây dựng chùa Thiền Lâm để tu hành.

Chùa Thiền Lâm đã được trùng tu vào năm 1961. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Ở án thờ chính giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền (cao 1,2m), một tượng đức Phật Thích Ca nhỏ phía trước. Hai bên thờ hai tượng đức Phật Thích Ca trì bình khất thực (cao 1,2m). Sách Sổ tay hành hương đất phương Nam (Sđd, trang 183) cho biết hai pho tượng hai bên là A Nan và Ca Diếp, nhưng chư Tăng của hệ phái Phật giáo Nam Tông thì cho biết đó là tượng đức Phật Thích Ca.

Điện Phật (năm 1999)

Điện Phật

Bảo tháp xá lợi Phật (tôn trí 13 xá lợi đức Phật vào lòng bảo tháp và khánh thành ngày 10–3–1963)

Bảo tháp xá lợi Phật

Đến năm 1961, Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy đã nhận thấy khung cảnh thiên nhiên ở đây đẹp đẽ, vị trí lại thuận tiện cho khách hành hương đến chiêm bái nên đã vận động tín đồ Phật tử đóng góp tiền của xây dựng khu Thích Ca Phật đài tại đây. Lễ đặt viên đá đầu tiên được tiến hành tại Bảo tháp ngày 4 – 6 – 1961. Lễ khởi công xây dựng được tổ chức vào ngày 20 – 7–1961. Sau 19 tháng thi công, lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào hai ngày 09 và 10 – 3 – 1963 (tức ngày 14 và rằm tháng hai năm Quý Mão).

Thích Ca Phật đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích về cuộc đời đức Phật Thích Ca gắn với cảnh quan thiên nhiên non xanh nước biếc đã là một điểm du lịch hành hương hấp dẫn hơn 40 năm qua tại thành phố biển xinh đẹp Vũng Tàu.

Cổng tam quan xây đơn giản, có bốn trụ vuông, trên đầu mỗi trụ có gắn một hoa sen. Chính giữa có tấm biển đề bốn chữ quốc ngữ Thích Ca Phật Đài, trên có gắn bánh xe pháp luân.

Các công trình ở đây được thể hiện trên triền núi, được chia thành ba cấp theo một hình tháp cao dần từ 3m đến 29m so với mực nước biển.

Tượng đức Phật Thích Ca (năm 1990)–(tôn trí 3 ngọc xá lợi đức Phật vào kim thân ngày 18–8–1962, khánh thành ngày 10–3–1963)

Tượng đức Phật Thích Ca (năm 2003)


Tượng Đản Sanh

Tượng Thái tử xuất gia

Tượng voi, khỉ dâng trái cây cúng Phật

Đài Phật chuyển pháp luân

Qua khỏi cổng, bước lên hết cấp thứ nhất, chúng ta gặp ngôi bảo tháp tưởng niệm nhà sư Giác Pháp, người dựng chùa Thiền Lâm. Lên bậc thứ hai theo đường vòng cung, đến độ cao 25m, là khu vực của những cụm tượng lớn dựa theo sự tích về cuộc đời đức Phật Thích Ca, từ khi ngài đản sanh đến lúc nhập niết bàn. Ở đây có tượng Bồ tát đản sanh (cao 1,2m) đứng trên bệ (cao 1m).

Nhóm tượng thứ hai là tượng Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia. Tượng Thái tử cắt tóc xuất gia (cao 3,3m), người hầu Xa Nặc trong tư thế quỳ (cao 1,6m) và con ngựa Kiền Trắc (cao 2,3m).

Để tưởng nhớ quá trình tu tập của Thái tử suốt sáu năm trong rừng già, nơi Ngài tham thiền và thành đạo, ở đây có tôn thờ cây Bồ Đề được chiết một nhánh từ cây Bồ Đề ở Sri Lanka.

Sách Di tích danh thắng Bà Rịa – Vũng Tàu (NXB Chính trị Quốc gia, H., 1996) cho biết, vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, một công chúa của vua A Dục đã chiết một nhánh từ cây Bồ Đề mà trước đây đức Phật ngồi tham thiền đem về trồng tại một ngôi chùa tại Sri Lanka.

Tượng Phật nhập niết bàn

Tượng đức Phật nhập Niết Bàn

Năm 1960, Đại đức Narada Maha Thera đã đến viếng núi Lớn và đã trồng tại đây một cây Bồ Đề này, gốc từ cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng. Tấm bia tại đây đã ghi: “Cội Bồ Đề lịch sử này là con cháu của cội Sri Maha Bodhi tại Bồ Đề Đạo Tràng. Từ chính cội cây thiêng liêng ấy, một nhánh chiết được cung thỉnh về trồng ở cố đô Anuradhapura xứ Sri Lanka (Tích Lan). Đại đức Narada Maha Thera cung thỉnh một cây con từ gốc này đến trồng tại đây ngày 02 – 11 – 1960, nhằm ngày 14 tháng 9 năm Canh Tý, Phật lịch 2503”.

Pho tượng Ngài thành đạo được diễn tả qua tượng Kim Thân Phật Tổ ngồi tham thiền trên tòa sen. Sách Di tích danh thắng Bà Rịa – Vũng Tàu (Sđd, trang 50) cho biết Đức Phật ngự trên đài bát giác cao 11,6m (đài được đúc bằng ciment cao 4,5m, tòa sen cao 2m, tượng đức Phật cao 5,1m). Tượng Kim Thân được thi công tại chỗ, riêng phần đầu được đặt đúc tại Sài Gòn. Ngày 20 – 7 – 1962, khi đem gắn đầu vào tượng, tương truyền lúc ấy nền trời xanh ửng lên một vầng hào quang quanh mặt đức Phật. Trong pho tượng Kim Thân có tôn trí ba viên ngọc Xá Lợi của đức Phật.

Theo tài liệu của nhà điêu khắc Phúc Điền, tên thật là Bùi Văn Thêm (thân phụ của ông là Bùi Quang Điển, một nghệ nhân đã tạc nhiều pho tượng ở các ngôi chùa cổ, được quý sư gọi là Tài công, tự là Cang) là người thực hiện pho tượng Kim Thân Phật Tổ ở Thích Ca Phật đài (Vũng Tàu) và ở chùa Long Sơn (Nha Trang), thì pho tượng đức Phật ở đây cao 6m, ngang 4m, bệ và tòa sen cao 7m (bệ hình bát giác tượng trưng cho Bát Chánh Đạo). Phần đầu được đúc tại cơ sở 267 đường Hùng Vương (kế chùa Tuyền Lâm, quận 6, TP. Hồ Chí Minh ngày nay).

Bảo tháp xá lợi Phật

Đại hồng chung

Sau khi thành đạo, đức Phật đến vườn Lộc Giả, thường gọi là vườn Nai và giảng đạo cho năm anh em Kiều Trần Như. Thường ở các chùa, nhóm tượng đức Phật chuyển pháp luân được trưng bày lộ thiên. Ở đây, nhóm tượng được tôn trí trong căn nhà bát giác. Đức Phật Thích Ca (cao 1,2m) ngồi trên tòa sen, năm tượng đạo sĩ (cao 0,6m) ngồi chung quanh nghe thuyết pháp. Các mặt của tòa bát giác khắc những lời dạy của đức Phật.

Kế nhóm tượng đức Phật chuyển pháp luân là nhóm tượng đức Phật ngồi tham thiền trên tòa sen (cao 2,7m), bệ ciment (cao 1m) có voi, khỉ dâng quả cho Ngài. Sách Di tích danh thắng Bà Rịa – Vũng Tàu (Sđd, trang 51) cho biết trong số các đệ tử của đức Phật, có hai đạo sĩ xích mích và hiềm khích nhau, gây chia rẽ. Ngài khuyên giải mãi không được, bèn bỏ vào rừng sâu và nhập hạ luôn trong đó. Cảm phục trước giáo pháp của Ngài, hằng ngày có một con voi và một con khỉ đi tìm kiếm hoa quả đến dâng cho Người. Dựng nên cảnh này, những bậc chân tu mong muốn và khuyên răn mọi người phải đoàn kết, sống hòa thuận với nhau.

Năm 80 tuổi, đức Phật đã giảng bài pháp cuối cùng rồi viên tịch, nhập cõi niết bàn. Pho tượng đức Phật nhập niết bàn nằm quay mặt về hướng Tây trên một bệ ciment (thân Phật cao 2,4m kể từ vai xuống, dài 12,2m, bệ cao 4,2m). Trước mặt Ngài là tượng bốn vị Tỳ kheo (cao 1,8m) chắp tay cung kính, phía sau là năm tượng Tỳ kheo (cao 0,7m) ngồi chắp tay hướng về Ngài. Tài liệu của hệ phái Phật giáo Nam Tông gọi tượng Ngài là đức Phật trong tư thế Sư tử ngọa và Níp bàn.

Điện thờ Bồ tát Quan Âm

Tượng đức Phật Thích Ca

Sách Di tích danh thắng Bà Rịa – Vũng Tàu (Sđd, trang 52) cho biết khi đức Phật nhập niết bàn, thi hài của Ngài được đưa về hỏa táng tại Cauthina. Sau khi hỏa táng, thi thể Ngài chỉ còn lại vài mảnh xương gọi là Xá lợi. Vua Malla để tất cả Xá lợi vào một cái hộp bằng vàng và cung nghinh về hoàng cung để chia cho các nước đem về thờ. Về sau, vua thâu lại tất cả các Xá lợi, trộn thêm một ít chất kết dính rồi viên lại thành 84.000 viên để phân phát cho các vương quốc đem về thờ trong Bảo tháp. Hai bên đường lên Bảo tháp có đắp hình rồng, ở bậc thang cuối có đôi sư tử chầu.

Bảo tháp ngọc Xá lợi ở Thích Ca Phật đài cao 17m xây giữa sân hành lễ rộng khoảng 300m2. Trong Bảo tháp bát giác có tôn trí 13 viên ngọc Xá lợi đức Phật đựng trong một hộp bằng vàng. Dưới bốn cạnh chân Bảo tháp có bốn đỉnh lớn, bên trong đặt đất thiêng được thỉnh về từ nơi Ngài đản sanh, nơi Ngài thành đạo, nơi Ngài chuyển pháp luân và nơi Ngài nhập niết bàn.

Thích Ca Phật đài là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất ở Vũng Tàu và miền Nam. Hằng năm, nơi đây tiếp đón cả triệu lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. 

Phật đài đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.


Cây bồ đề (Ngài Narada cung thỉnh một cây con từ Tích Lan đến trồng ngày 02–11–1960)

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường
Hậu duệ cây Bồ Đề thiêng của Phật tổ trồng ở Vũng Tàu

Trong khuôn viên Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu) trồng cây Bồ Đề có gốc từ cây mà Đức Phật ngồi thiền và giác ngộ.

Nằm trên sườn phía bắc của núi Lớn (còn gọi là núi Tương Kỳ), Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc Phật giáo nổi tiếng tọa lạc tại số 608 đường Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng Tàu. Nơi đây được giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đánh giá là vùng đất đắc địa tụ kết khí thiêng, có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, lại thuận tiện giao thông đi lại cho chư tăng, Phật tử thập phương hành hương. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên đã tạo nên sức hấp dẫn cho Thích Ca Phật Đài. 

Trong khuôn viên có một cây Bồ Đề do Đại đức Narada Mahathera (Sri Lanka) trồng vào năm 1960, khi ngài đến viếng Thiền Lâm Tự. Dưới gốc Bồ Đề có một tấm bia với nội dung: "Cội Bồ Đề này là con cháu của cội Bồ Đề Sri Maha Bodhi (Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ). Từ chính cội cây thiêng liêng ấy, một nhánh chiết được đưa về trồng ở cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Đại đức Narada Mahathera đã cung thỉnh một cây con từ gốc này đến trồng tại đây ngày 2/11/1960. Ảnh: wikimedia 

Toàn bộ kiến trúc Thích Ca Phật Đài xây dựng theo hình bán nguyệt, có kết cấu 3 tầng hình tháp, tầng thấp nhất cao 3 m, tầng trên cùng cao 29 m. Tầng 1 là cổng tam quan và khu vườn hoa, tầng 2 là khu nhà ở và nhà trưng bày truyền thống, tầng 3 là chùa Thiền Lâm và khu Phật tích. 

Công trình thờ tự chính trong quần thể Thích Ca Phật Đài là Thiền Lâm Tự, ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ thập niên 1950. 

Chính điện của Thiền Lâm Tự bài trí đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm. Ở án thờ chính giữa là tượng Đức Phật Thích Ca tọa thiền (cao 1,2 m), một tượng đức Phật Thích Ca nhỏ phía trước. Hai bên thờ hai tượng Đức Phật Thích Ca trì bình khất thực (cao 1,2 m). Có sách viết rằng hai pho tượng hai bên là A Nan và Ca Diếp (hai đại đệ tử của Đức Phật), nhưng chư tăng của hệ phái phật giáo Nam Tông cho biết đó cũng là tượng Đức Phật Thích Ca. 

Điểm nhấn là tượng Đức Phật thành đạo cao là 11,6 m. Tượng được thi công tại chỗ, riêng phần đầu được đặt đúc tại Sài Gòn. Bên trong tượng có đặt ba viên xá lợi Phật. 

Một kiến trúc nổi bật khác tại đây là bảo tháp xá lợi Phật hình bát giác cao 17 m, trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên xá lợi Phật đựng trong chiếc hộp bằng vàng. Lối lên bảo tháp đắp hình rồng, hai bên có đôi sư tử chầu. Ảnh: wikimedia. 

Trong quần thể tượng Phật ở nơi đây còn có tượng Phật nhập Niết bàn cao 2,4 m (tính từ vai xuống), dài 12,2 m, đặt trên một bệ xi măng cao 4,2 m. Phía trước có bốn tượng Tỳ kheo chấp tay cung kính. Phía sau có năm tượng Tỳ kheo ngồi chắp tay hướng về Đức Phật. 

Nhà bát giác là một công trình mang kiến trúc thanh thoát, có tượng Đức Phật ngồi trên toà sen trên đỉnh. Bên trong nhà bát giác có một bàn thờ với tượng năm anh em đại sỹ Kiều Trần Như nghe thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển. 

Lê Minh
Thích Ca Phật đài ở Vũng Tàu

Khi tôi còn nhỏ, khoảng cuối thập niên 60, đầu 70, Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu là điểm đến không thể thiếu khi đến thành phố biển này. Hồi ấy, dưới mắt một cậu bé lên mười và thời ấy những tượng lớn chưa có, tượng Phật nhập Niết bàn, kim thân Đức Phật ở đây thật là vĩ đại...

Năm tháng trôi qua, chú bé ngày xưa giờ đã thành người đàn ông qua tuổi tri thiên mệnh. Biết bao chùa lớn, tượng to đã được dựng lên, tôi đã đến nhiều chùa, và cũng đã đến Vũng Tàu không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa hề viếng thăm lại Thích Ca Phật Đài.

Rồi một ngày, tôi đến viếng Thích Ca Phật Đài cùng một người thân yêu.

Kim thân Đức Phật


Tượng Đức Phật nhập Niết bàn

Đến bên Kim thân Đức Phật, đến tượng Phật nhập Niết bàn, tôi có cảm giác tượng Phật nhỏ hơn nhiều lắm so với hình ảnh trong ký ức của tôi. Thay cho cảm giác nể sợ và hình tượng đồ sộ bây giờ là cảm giác kính ngưỡng và hình ảnh từ bi bác ái.

Tượng Đức Phật xuất gia

Cụm tượng Đức Phật xuất gia thấp thoáng sau ngàn xanh gợi lòng một nỗi chia ly man mác và cả một niềm tin bền vững trên con đường phía trước.

Đức Phật xuất gia, còn ta thì... không thể!

Bước lên tảng đá cao, nhìn xuống thành phố Vũng Tàu xa xa, thấy lòng mình nhẹ nhàng, tách ra khỏi ưu tư cuộc sống...


Có lẽ hôm nào lại cùng ai đó viếng thăm Thích Ca Phật Đài...
____

Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích về cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Quần thể được xây dựng trên triền núi Lớn, thành phố Vũng Tàu. Địa chỉ số 608 đường Trần Phú, phường 5, Vũng Tàu.

Nguyên thủy nơi đây là chùa Thiền Lâm, do ông Lê Quang Vinh là đốc phủ sứ về hưu xây dựng để tu hành, năm 1957. 

Năm 1961, Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy đã vận động tín đồ Phật tử đóng góp tiền của xây dựng khu Thích Ca Phật đài tại đây. Lễ đặt viên đá đầu tiên được tiến hành tại Bảo tháp ngày 4/6/1961. Lễ khởi công ngày 20/7/1961. Sau 19 tháng thi công, lễ khánh thành được tổ chức  vào hai ngày 09 và 10/03/1963 (tức ngày 14 và rằm tháng hai năm Quý Mão).

Cổng chùa

Các kiến trúc được tạo theo triền núi, gồm các cụm tượng: Đức Phật đản sinh, Đức Phật xuất gia, Đức Phật chuyển pháp luân, Đức Phật nhập Niết bàn...

Pho tượng Ngài thành đạo được diễn tả qua tượng Kim Thân Phật Tổ ngồi tham thiền trên tòa sen. Đức Phật ngự trên đài bát giác cao 11,6m (đài được đúc bằng xi măng cao 4,5m, tòa sen cao 2m, tượng đức Phật cao 5,1m). Trong pho tượng Kim Thân có tôn trí ba viên ngọc Xá Lợi của đức Phật.

Bảo tháp xá lợi

Bảo tháp ngọc Xá lợi ở Thích Ca Phật đài cao 17m xây giữa sân hành lễ rộng khoảng 300 m². Trong Bảo tháp bát giác có tôn trí 13 viên ngọc Xá lợi đức Phật đựng trong một hộp bằng vàng. Dưới bốn cạnh chân Bảo tháp có bốn đỉnh lớn, bên trong đặt đất thiêng được thỉnh về từ nơi Ngài đản sanh, nơi Ngài thành đạo, nơi Ngài chuyển pháp luân và nơi Ngài nhập niết bàn.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét