23 tháng 4, 2022

Chùa Cồ Đàm

CHÙA CỒ ĐÀM
  • Địa điểm: ấp 8, xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai
  • Năm xây dựng: 1954
  • Người trụ trì: Đại đức Thích Chơn Thiện
  • Năm trùng tu: 1972
  • Hệ phái: Nam Tông
  • Điện thoại: 0903 856857
Năm 1954, Sư cô Thích nữ Diệu Đức (thế danh Hồ Thị Ân) chọn vùng đất An Phước khai phá rừng hoang lập chùa thờ tự. Ban đầu là một ngôi chùa bằng bê tông cốt thép, mái tole, nền gạch được phân hai cấp lầu, diện tích hơn 100 m². Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, chùa là cơ sở hậu cần vững chắc, là điểm liên lạc tin cậy của các đồng chí ở Mật khu Long Thành (Mật khu Bình Sơn).

Năm 1972, chùa Cồ Đàm chuyển về vị trí hiện hữu, cách ngôi chùa cũ 100m. Chùa có dạng nhà ống mái tole, nền gạch bông, xây cất bằng vật liệu kiên cố. Những năm sau, Sư cô Diệu Đức xây dựng thêm chánh điện và chỉnh trang lại khuôn viên chùa.

Năm 1998, Sư cô hiến chùa cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hệ phái Nam Tông, từ đó đến nay trụ trì chùa là Đại đức Chơn Thiện, thế danh Lương Văn Phước, đã cho hoàn tất các hạng mục như: xây dựng tượng Thích Ca lộ thiên, cổng chùa... dự kiến năm 2002 sẽ trùng tu điện thờ khang trang hơn.

Chùa Cồ Đàm nằm khiêm nhường bên Quốc lộ 51, được bao phủ bởi vườn cây xanh tươi. Các hạng mục: tượng đức Bổn sư Thích Ca tọa thiền lộ thiên, Phật Niết bàn, điện thờ, cốc... nối với nhau bằng những lối mòn dưới bóng những hàng cây, mang nét cổ kính, giản dị của ngôi chùa, tạo nên tổng thể trang nghiêm, thuần khiết mang đậm phong cách Phật giáo nguyên thủy.

Sư cô Diệu Đức gắn bó với chùa Cồ Đàm không chỉ ở vai trò của người khai sáng mà còn là người có công trong việc duy trì nền đạo pháp tại bổn chùa. Sư cô Diệu Đức sinh năm 1920, xuất gia năm 18 tuổi và tu học đạo rất nhiều nơi. Năm 1940, Sư cô tu Phật tại chùa Kim Sơn (Phú Nhuận TP. Hồ Chí Minh). Ngoài việc Phật sự, Sư cô còn tham gia hoạt động bí mật, biến chùa thành trụ sở của Thanh niên Tiền phong. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Sư cô từng vận động Tăng, Ni rải truyền đơn, tiếp tế lương thực, thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh căn cứ An Phú Đông. Thời gian này Sư cô giữ chức Thủ Bổn và là hội viên Hội Phụ nữ Cứu quốc. Những năm 1963, Sư cô được cử làm đại diện cho Tăng, Ni Phật giáo miền Nam phát trên Đài Phát thanh Giải phóng "Lời hiệu triệu toàn bộ tu sĩ Phật giáo, chư Đại đức, Tăng Ni hãy hưởng ứng theo đường lối cách mạng Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Phật pháp, giành lại quyền dân tộc tự quyết thống nhất Tổ quốc...". Năm 1965 bị lộ, Sư cô ẩn về Long Thành tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng và hoạt động đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Với những thành tích nổi bật, Sư cô Diệu Đức được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba về việc "Có công lao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước". Thời gian tới, chùa sẽ từng bước kiến tạo các di tích Phật giáo góp phần tăng thêm vẻ mỹ quan cho văn hóa Phật giáo nước nhà.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
_______

Chùa Cồ Đàm (GOTAMĀRĀMA): Ngôi Chùa Kiến Trúc Hoa Sen

Chùa Cồ Đàm tọa lạc tại số 120 Quốc Lộ 51 - Ấp 7 - Xã An Phước - Huyện Long Thành - Tỉnh Đồng Nai, thoáng nhìn qua bên ngoài, điều khiến chúng tôi ấn tượng đó là toàn thể nhất tự là sắc màu huỳnh kim đặc trưng của Phật giáo.

Qua cuộc trò chuyện, ĐĐ. Chơn Thiện chia sẻ thông tin chi tiết về ngôi chùa theo nhã ý của chúng tôi, vì ngôi chùa đang ở giai đoạn xây dựng nên rất cần sự vận động đóng góp người công người của thì các việc Phật sự nơi đây mới sớm viên thành.

Chùa Cồ Đàm do Sư bà Thích Nữ Diệu Đức (sinh năm 1920) hiến cúng cho chư Tăng GHPGVN - hệ phái Nam Tông vào năm 1992, tổng diện tích chùa rộng 7.000 m² (0,7 ha). Kiến trúc của chùa xây dựng theo ý tưởng duy nhất là hoa sen. Hình ảnh gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, nền chùa là gương sen - cột là cọng sen - mái là lá sen - vách là cành sen - trong mỗi cánh sen có một vị chư Thiên hiện ra với lòng thành kính và gìn giữ Phật Pháp.

Phía trước cổng chùa bước vào là Phật cảnh thành đạo được xây dựng vào năm 1992. Gồm tượng Phật Thích Ca cao 4m đang ngồi toạ thiền dưới gốc bồ đề cổ thụ hơn hai thế kỷ. Cao 9 m - đường kính thân cây 4,5 m.

Trước chánh điện là Phật cảnh đản sinh, minh hoạ tháp nước tràn bảy tầng sen cao 7m, theo hình ảnh bước chân đi của Thái tử Sĩ - Đạt - Ta lúc vừa hạ sinh. Phía trên tháp nước là tượng Bồ tát bằng đá trắng cao 1m8 khắc rất sống động - tay chỉ trời - tay chỉ đất.

Tổng diện tích chánh điện xây dựng là 480 m² (12x20x14), hình dáng bên ngoài như một thuyền sen hai tầng, với ý niệm đưa người vượt sông mê để đến bờ giác ngộ giải thoát. Tầng trên thờ duy nhất tượng Phật Thích Ca, tầng dưới là giảng đường nơi giảng dạy Phật Pháp. Xung quanh là hồ nước bao bọc độ sâu 50cm.

Thời gian hoàn thành chánh điện bên ngoài gần 6 năm, nhưng chưa khánh thành vì phần trang trí bên trong chưa xong bao gồm: Tượng Đức Phật cao 3,5m bằng pha lê với trăm ngàn sắc hào quang tỏa khắp châu thân xung quanh là chư Thánh chúng nghe giảng.

Phía sau chánh điện Bát Vạn Lộc (bình bát lớn nhất việt nam cao 7,5m rộng 9,5m) xung quanh bát được điêu khắc nhiều cánh sen bao boc rất tỉ mỉ và công phu. Bên trong thờ ngài Thánh Tăng Sivali, đại đệ tử của Phật, đệ nhất tài lộc.

Công trình hiện nay đang xây là Tăng xá, xây 05 phòng - 2 tầng (18x8), chiều cao là 10,5 m, kiến trúc xây giả tre - giả tre tượng trưng cho tre già măng mọc. Công trình đang được 2/3, chỉ còn phần hoàn thiện. Các công trình còn lại là trai đường và phước xá...

Chùa Cồ Đàm mặt tiền đường quốc lộ 51, nằm cạnh trại bò sữa Long Thành nơi rất tiện cho du lịch tâm linh. Đại Đức Chơn Thiện dự kiến tôn tạo nơi đây sẽ là điểm chiêm bái các Phật tích, và là nơi học tập Phật Pháp với những đặc thù riêng.

Nhìn từ cổng


Chánh điện



Một góc bên hông chánh điện

Hoa văn, mái chánh điện

Phía sau chánh điện

Góc hồ nước liên hoa





Bình bát

Hiền Huy Hòa Hiệp - Chơn Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét