25 tháng 4, 2022

Chùa Kim Long

CHÙA KIM LONG
  • Tên cũ: Chùa Thanh Long - Ngày nay là hậu thân của chùa Thanh Long & Kim Cang
  • Địa điểm: ấp Bình Phước, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu
  • Năm khai sơn: khoảng thế kỷ XVIII
  • Người trụ trì: Đại đức Thích Hải Thành
  • Năm trùng tu: 1947, 1968, 1998
  • Hệ phái gốc: Bắc Tông (Thiền Lâm Tế)
  • Điện thoại: 061. 865543
Chùa Kim Long tọa lạc tại ấp Bình Phước, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, ngày nay là hậu thân của hai ngôi chùa Thanh Long và Kim Cang.

Chùa Kim Long

Chùa Thanh Long do nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên sáng lập vào thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1648-1687) để thờ Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình và Châu Xương. Còn chùa Kim Cang do Tổ sư Nguyên Thiều là vị Tổ đời 33 Thiền phái Lâm Tế khai sơn. Người dân quen gọi là "Chùa Tháp" (vì trong khuôn viên của chùa có 2 tháp: một của Tổ sư Nguyên Thiều và một Phổ Đồng).

Tổ sư Nguyên Thiều hay Thọ Tôn, húy Siêu Bạch, hiệu là Hoán Bích (1648- 1782), thọ giới với Hòa thượng Khoáng Viên ở Quảng Đông. Năm 1672, Ngài theo thuyền buôn sang Việt Nam, lập chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định.

Khoảng năm 1683-1684, Thiền sư ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung; chùa Ấn Quốc và tháp Phổ Đồng ở chùa Quốc Ân (Huế). Sau đó Tổ sư Nguyên Thiều phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Trân trở về Trung Quốc thỉnh các danh Tăng, pháp tương, pháp khí sang Việt Nam để phát triển Phật giáo. Cũng từ đó phái Thiền Lâm Tế phát triển mạnh mẽ và tạo nên sự phát triển của Phật giáo đàng Trong. Lúc bấy giờ ở đàng Trong phát triển Lâm Tế có đế 3 danh hiệu: Lâm Tế Chánh Tông, Lâm Tế Gia Phổ, Tế Thương Chánh Tông.

Nối tiếp ngọn đèn pháp của Tổ sư Nguyên Thiều, các đệ tử và các Thiền sư thuộc hàng đệ tử của Ngài đều là bậc Long Tương của Thiền Tông, đã góp nhiều công đức trong việc hoằng dương Phật pháp ở khắp miền Nam. Riêng ở Đồng Nai có các đệ tử và Pháp Tôn nổi danh như các Thiền sư Thanh Đằng và Minh Lượng (Nguyệt Ân) hoằng hóa ở chùa Đại Giác; Thiền sư Minh Vật Nhựt Trí hoằng hóa ở chùa Kim Cang; Thiền sư Thanh Nhạc - Ấn Sơn hoằng hóa ở chùa Long Thiền; Thiền sư Thành Trí - Pháp Thông hay Minh Dung hoằng hóa ở chùa Bửu Phong.

Các vị sư này đã giúp cho phái Thiền Lâm Tế ở Đồng Nai rực sáng, hưng thịnh và lưu truyền mãi cho đến hôm nay.

Phật Điện

Hiện nay, Tháp Tổ Nguyên Thiều đang tồn tại cách vị trí chùa Kim Long khoảng 100m về hướng tây. Tháp có hình lục giác, cao 3 tầng được xây bằng hợp chất ô dước. Chiều cao từ mặt đất lên đỉnh tháp là 5,20m, được xây dựng trên nền đá xanh hình chữ nhật có kích thước (3mx4mx0,60m). Tháp được xây dựng càng lên cao thân tháp càng nhỏ dần. Đỉnh tháp là một bầu hồ lô hay còn gọi là "bình thủy tịnh"- Bửu pháp của Quan Thế Âm Bồ tát. Các đầu mái của tháp đều được uốn cong trang trí hình chữ thọ, cá chép, đầu rồng. Sáu mặt trên thân tháp đều được trang trí tứ linh (long, lân, qui, phụng) và bộ Bát Bửu.

Theo sách Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể và sách Đại Nam nhất thống chí đều cho rằng: Tổ sư Nguyên Thiều chỉ hoằng hóa Phật pháp từ Bình Định trở ra Thuận Hóa và trụ trì ở chùa Hà Trung suốt 30 năm (khoảng 1691-1694-1728) cho đến ngày viên tịch.

Nhưng ngày 18/2/1989 trong khi tu sửa nền tháp và xây dựng hàng rào (do đất sạt lở phía sau tháp) nhà chùa đã phát hiện phía dưới tháp có hình "kim tĩnh, xung quanh là phần nền tháp, ở phía dưới đất có hình chữ nhật, phía trong phủ lớp đá vôi đầy vỏ sò, vỏ san hô, các cục đá vôi nhỏ, trắng và xốp và đã có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, Hán nôm tới đây tìm hiểu nghiên cứu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng: Đây có khả năng là tháp Chơn của Tổ sư Nguyên Thiều.

Tuy nhiên, cả hai ngôi chùa trên (Thanh Long và Kim Cang) đều bị thiêu hủy vào năm 1946. Chùa Kim Cang chỉ còn lại nền chùa và hai tháp cổ (tháp của Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch và tháp Phổ Đồng) cùng long vị bằng đá non nước của Thiền sư Minh Vật - Nhật Trí và một số tượng Phật, pháp khí.

Sau năm 1946, nhân dân ấp Bình Phước mua lại ngôi nhà gỗ 3 gian dựng lại ngôi chùa trên nền cũ để thờ Phật và Quan Công, giữ nguyên biển hiệu chùa Thanh Long.

Đến năm 1968, ngôi chùa được trùng tu bằng vật liệu kiên cố và đổi biển hiệu thành Kim Long Cổ Tự, đồng thời thỉnh Hòa thượng Thích Minh Lượng về trụ trì. Năm 1998, chùa Kim Long được trùng tu lần thứ 3 bằng bê tông cốt thép nguy nga tráng lệ như hiện nay.

Tháp Tổ Nguyên Thiều

Hòa thượng Thích Minh Lượng viên tịch vào năm Canh Thìn (2000). Đệ tử của Hòa thượng là thầy Thích Hải Thành tu tại chùa Kim Long từ năm 1972 được thừa kế trụ trì.

Đại đức Hải Thành, thế danh Nguyễn Phúc Thọ, sinh năm 1943 tại Đức Hòa, (Long An), trong một gia đình có đức tin ngôi tam bảo. Năm 16 tuổi, thầy xuất gia học đạo tại chùa Long Tuyền, tỉnh Hậu Nghĩa (nay là tỉnh Long An), sau đó về tu học tại chùa Kim Long cho đến nay. Đại đức Hải Thành đã được đào tạo qua các khóa Phật học cơ bản, Trung cấp Phật học, là Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa 7 và 8 của huyện Vĩnh Cửu, được Hội Chữ thập đỏ Trung ương tặng Huy chương về công tác hoạt động từ thiện và được Giáo hội Phật giáo Tỉnh cấp Tán dương công đức. Hiện nay thầy đang giữ chức vụ: Phó Ban Đại diện Phật giáo huyện Vĩnh Cửu.

Chùa Kim Long được xây dựng trên vùng đồi thấp, rộng 5.000 m² ở miền quê xứ bưởi Tân Triều. Từ Tp. Biên Hòa theo lộ 24 đi Trị An, đến ngã tư Bến Cá đi tiếp vào đường đất đỏ khoảng 500m là đến.

Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc tân cổ kết hợp. Theo ý tưởng của Viện chủ Hòa thượng Thích Minh Lượng và được kiến trúc sư Hà (Sở Xây dựng Đồng Nai) thiết kế. Toàn bộ sườn mái được đổ bằng bê tông cốt thép. Chùa có lối kiến trúc dạng chữ Nhị (=) với hai lớp mái chồng diêm gồm chánh điện và nhà Tổ nối tiếp nhau. Chánh điện có hành lang phía trước và hành lang hai bên tả, hữu kết nối với nhau bằng hệ thống cột tròn bê tông cốt thép, đường kính 30cm sơn giả gỗ. Nối giữa các cột với nhau dọc hành lang được trang trí bằng hệ thống bao lam với biểu tượng sen dây, hoa văn kỷ hà cách điệu như những áng mây phiêu bồng, tạo nên những đường nét mềm mại, duyên dáng cho kiến trúc. Đặc biệt, hệ thống con sơn đỡ mái được trang trí sen dây lồng ghép tế với hoa văn kỷ hà cùng biểu tượng Bát chánh đạo. Đây là nét trang trí rất riêng trong kiến trúc của chùa Kim Long.

Ngoài ra, các khâu đao, nóc mái đều được tạo dáng cong vút trang trí sen dây màu vàng chanh vươn lên vào khoảng không vô tận giữa bầu trời xanh thẫm, tạo cho kiến trúc ngôi chùa dáng thanh thoát nhẹ nhàng. Ngay giữa nóc mái có cặp lưỡng long màu vàng chầu "Thập nhị nhân duyên".

Vào trong chánh điện là một không gian rộng rãi thoáng mát, tôn thờ duy nhất pho tượng Bổn sư Thích Ca bằng đồng cao 2m tọa trên đài sen, phía dưới là bộ Sám bài (5 bức bằng gỗ của chùa Kim Cang xưa còn sót lại).

Ngoài ra, trong chánh điện còn thờ Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và đức Địa Tạng là những pho tượng quí hiếm của Tổ đình Kim Cang xưa. Phía sau Phật điện là bàn thờ Tổ, tại đây thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, di ảnh cùng long vị của Tổ sư Nguyễn Thiều - Siêu Bạch và long vị của Thiền sư Minh Vật - Nhựt Trí.

Trong khuôn viên chùa, thấp thoáng dưới vòm cây xanh là đài Quan Âm Các, được xây dựng vào năm 2002, hình lục giác 2 tầng, bên trong tôn trí pho tượng Quan Âm Bồ tát cao 3,5m, tạc bằng đá non nước.

Có thể nói, đây là một trong những ngôi chùa ở Đồng Nai có lối kiến trúc đẹp, kết hợp hài hòa đường nét kiến trúc cổ mang đậm phong cách Á Đông và triết lý nhà Phật sâu sắc.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét