25 tháng 4, 2022

Chùa Vĩnh Hưng

CHÙA VĨNH HƯNG
  • Địa điểm: ấp Vĩnh Hiệp , xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu
  • Năm khai sơn: cách nay khoảng 200 năm
  • Người trụ trì: Sư cô Thích nữ Chơn Hướng
  • Năm trùng tu: 1959, 1969, 1989
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 971129
Chùa Vĩnh Hưng được xây dựng cách nay khoảng 200 năm. Những sử liệu minh chứng sự hình thành của ngôi chùa cổ hầu như không còn bởi những yếu tố tác động như: chiến tranh, lũ lụt, ý thức giữ gìn của con người... Duy nhất còn lại là cấu trúc ngôi chùa mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật tôn giáo thế kỷ XIX. Đó là cách bày trí tượng thờ, các bức hoành phi, liễn đối bằng gỗ được chế tác công phu, sắc sảo, với nét chữ chân phương thể hiện dấu ấn của người xưa trong ngôi Tam bảo. Hiện nay, chùa còn lưu giữ bài vị bằng gỗ ghi tên người cúng ruộng (cúng đất cho chùa) vào năm Minh Mạng thứ mười bảy (1837) cùng bài vị bằng đá hoa cương khắc chữ Hán với hình tượng rồng mây sống động. Sau chùa có Bửu tháp xây bằng gạch, ô dưới với tấm bia ghi phái Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 39.

Chùa Vĩnh Hưng

Các vị bộ lão trong làng kể lại rằng: Xưa kia, chùa Vĩnh Hưng tọa lạc ở vị trí khác, do dân địa phương lập nên và có tên là Cẩm Vinh. Do chùa nằm ở vị thế không thuận nên các kỳ lão thống nhất dời chùa về vị trí hiện nay. Ban đầu, chùa quay mặt vào làng hướng tây bắc. Năm 1959, dân làng đổi hướng chùa quay về hướng đông và trùng tu các hạng mục: thay vách cây bằng tường gạch, thay ngói bị hư...

Chùa Vĩnh Hưng bố trí dạng chữ Tam (三) gồm chánh điện, hậu Tổ, nhà giảng nối tiếp nhau. Hành lang đông, tây, trước, sau với những hàng cột gạch thông thoáng kết nối ôm trọn không gian thờ tự, tạo nên tổng thể khép kín tăng thêm tính chất cổ kính trang nghiêm. Chánh điện là dạng nhà tứ trụ, 4 mái (mái dạng bánh ít đặc trưng của các nơi thờ tự ở Nam bộ). Diện tích được mở rộng ra 4 phía bằng bộ kèo đâm và kèo quyết. Nhà hậu Tổ và nhà giảng là kiểu nhà ngang 2 mái dạng xiên trính với những hàng cột gỗ tròn được nối xiên tâm nhau, trên đầu các trính được bày trí mô típ dân gian: bộ chày cối. Nổi bật là nghệ thuật bài trí hệ thống hoành phi, liễn đối làm tăng thêm giá trị vốn có của ngôi chùa cổ. Các mảng kiến trúc đơn lẻ kết tạo thành quần thể kiến trúc nghệ thuật điêu khắc tinh xảo thể hiện trên các mảng mô típ dân gian… tạo nên nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc kiến trúc thế kỷ XIX.

Chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng tồn tại không được lâu. Đến năm 1969, Ni sư Thích nữ Tắc Sanh về trụ trì tại chùa. Năm 1989, Ni sư viên tịch, Sư cô Chơn Hướng về thừa kế trụ trì cho đến nay. Theo tinh thần duy trì đạo pháp thỏa hạnh nguyện của người khai sơn tạo tự, cùng với quý Phật tử xa gần, Sư cô đã xây dựng thêm đài Quan Âm lộ thiên và chỉnh trang lại khuôn viên chùa. Bằng khả năng của mình, hàng năm chùa Vĩnh Hưng vẫn làm tốt công tác Phật sự theo tinh thần "Tốt đời, đẹp đạo" hòa hợp với "Đạo pháp-Dân tộc".

Sư Cô Thích Nữ Chơn Hướng

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét