26 tháng 4, 2022

Chùa Linh Phước

H. Tân Phước: Lịch Sử Chùa Phật Đá (Linh Phước Tự)

CHÙA LINH PHƯỚC (PHẬT ĐÁ)
Khu I , Thị Trấn Mỹ Phước , Huyện Tân Phước, Tỉnh Tiền Giang

Vào thời vua Cảnh Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1772), vùng đất Bà Bèo còn hoang vu sình lầy, người dân sống bằng nghề trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, trâu bò để phục vụ việc đồng áng. Bấy giờ, nơi đây có ông Lương là một mục đồng lớn tuổi. Như thường ngày, ông thã trâu lội ngang qua vùng đất đầm nước (tục gọi nơi đây là Bào Sọ), tình cờ chạm phải một tượng đá, ngạc nhiên, ông về báo cho bà con trong làng biết. Được tin, mọi người cùng nhau đến đưa tượng lên mới biết đó là pho tượng Phật bằng đá có bốn tay đứng trên tòa sen cao khoảng 1,4 m. Hai tay trên cầm nhật nguyệt, hai tay dưới cầm trái châu và tích trượng.


Mọi người bèn thỉnh tượng về làng và đề nghị tìm một khu đất dựng chùa thờ tượng Phật để chiêm bái. Kết quả là ngôi chùa được hình thành bên cạnh dòng kênh Bà Bèo với tên gọi thân thương là Chùa Phật Đá (Vị trí chùa Phật Đá hiện tại cách ngôi chùa cổ hơn nửa cây số về hướng Tây bắc). Khi ấy, ông Lương lại tình nguyện hằng đêm đến thắp hương trong coi Phật tự. Từ đó, nơi vùng đất hoang vu này trở nên ấm áp hơn.

Năm 1787, có vị quan Bảo hộ, nhân dịp trên đường từ Nam Vang về Gia Định, đi ngang qua kênh Bà Bèo, Ông nghe tiếng về chùa Phật Đá nên quyết định đến viếng và tìm hiểu thêm về sự tích ngôi chùa nầy. Khi biết được ngọn ngành ông liền phát tâm hiến cúng cây gỗ để tu bổ lại, vì chùa khi ấy đã bị hư mục. Đến năm 1789, Ông tiếp tục cho mua sắm vật liệu sữa sang ngôi chùa khang trang hơn. Ngoài ra Ông còn đúc hai trụ đèn cao trước cổng chùa, những ngày lễ vía, mỗi khi thắp đèn lên thì cách xa từ 9 đến 10 km cũng có thể thấy ánh đèn này. Sau đợt xây dựng đó, quan Bảo hộ đã đặt tên chùa là “Linh Phước Tự”.


Năm 1859, đến thời vua Tự Đức, khi quân Pháp bắt đầu dùng tàu chiến phá thành Đà Nẵng, đánh chiếm thành Gia Định, không khí chiến tranh bao trùm khắp mọi nơi. Bấy giờ nơi vùng đất này không còn người lai vãng, chùa Phật Đá lâm vào cảnh hoang vắng suốt thời gian dài. Thừa dịp này, bọn trộm cướp đã vào chùa ẩn náo, bắt trộm trâu bò đem về đây cột giấu, thế nên khi ấy có câu ca dao rằng:

Ai đuổi cướp, ai đi lùa,
Mất trâu, mất bò về chùa Phật Đá.

Năm 1886, bọn trẻ mục đống còn lén đến khiêng pho tượng Phật Đá mang về tận chùa Mục Đồng ở chợ Bưng mà không hề có ai hay biết. Mãi đến một thời gian sau dân làng mới biết được và đến thỉnh tượng về ngôi chùa cũ vào năm Đinh Dậu (1897). Khi thỉnh Phật về xong, các vị bô lão trong làng bèn tổ chức trai đàn long trọng để cúng dường tạ Phật. Đồng thời quyết định tác lễ thỉnh cụ Từ Hòa về hộ trì ngôi Tam bảo.

Cụ Từ Hòa là chú ruột Ngài Giáo thọ Thích Quảng Ân - vị mà sau này mọi người quen gọi là Hòa Thượng Linh Phước. Cụ Từ Hòa sinh năm 1857, quê quán tại thôn Bà Bèo, là người trung niên xuất gia, viên tịch năm 1919, hưởng thọ 69 tuổi.


Năm Nhâm Tý (1912), cụ Từ Hòa cùng với chư vị Hương chức đồng niên đã thảo luận và quyết định rước Hòa thượng Thích Quảng Ân về kế nghiệp trụ trì ngôi Linh Phước Tự, năm ấy Ngài tròn 22 tuổi.

Nói về Ngài Giáo Thọ Thích Quảng Ân, do vốn có duyên lành cùng Phật pháp, nên từ nhỏ Ngài đã được song thân cho xuất gia theo Tổ Phước Chí tu học ở chùa Khánh Qưới (Cai Lậy). Ngài rất thông minh , hiếu học nên được thầy cho giữ chức thư ký nhà chùa. Với tư chất điềm đạm và oai nghi nên Ngài luôn được nhiều người quí mến.

Năm 1915, Hòa thượng Thích Quảng Ân cho trùng tu xong ngôi chánh điện chùa Phật Đá. Không bao lâu sau đó, vào năm 1917, Sở Trường Tiến cho xáng múc nạo vét kênh Bà Bèo, khuôn viên chùa Phật Đá bị thu hẹp và gần kênh, thấy không tiện để phát triển về sau, nên Hòa thượng Thích Quảng Ân đề xướng cùng bổn đạo dời về vùng đất khác thuộc xã Mỹ Điền (nay là Thị trấn Tân Phước), cách chùa cũ khoảng 500m, với diện tích là 7 mẫu.

Sau khi Chùa được dời về vùng đất mới, hàng Phật tử rất nhiệt thành ủng hộ. Hòa Thượng Thích Quảng Ân bắt đầu cho xây dựng ngôi chùa có bốn nốc cao rộng khang trang. Năm 1919 Ngài tổ chức lễ lạc thành cúng dường Tam Bảo, có thỉnh Chư tôn đức về chứng minh và quí thiện tín gần xa câu hội tham dự. Với khả năng hoằng hóa và đức độ sâu dày, Ngài đã cảm hóa rất nhiều người hướng về con đường đạo đức. Uy danh của chùa Phật Đá lúc bấy giờ được rất nhiều người biết đến.

Năm 1927, sau hơn 10 năm xây dựng, ngôi chánh điện chùa Phật Đá bắt đầu xuống cấp, Hòa thượng Thích Quảng Ân lại tiếp tục tiến hành tu sửa lại bằng chất liệu bê tong cốt thép; Ngài cho xây tường nối dài từ Chánh điện xuống nhà Tổ để tiện không gian khi hành lễ và Phật tử về tu học. Cảnh quan xung quanh vườn Chùa khi ấy có nhiều cây sao lâu năm cao ngất, phong cảnh thanh lịch tôn nghiêm, làm cho nhiều thi, thơ, vịnh, phú của các bậc anh tài, thi sĩ sáng tác, cảm đề về chùa Linh Phước, nhưng trãi qua bao ly loạn nhà chùa làm thất lạc giờ chỉ còn bài thơ của ông cư sĩ Phong sắc:

“Phước lộc ngao du quá tiểu khê
Am tiều dạ bạc ước di nê
Thiên niên tứ thủ chân Bồ Tát
Pháp tượng thiên thu tợ Chuẩn Đề
Bảo Hộ tích viên sùng tự viện
Từ Hòa Kim Nhựt thủ đang nghê
Anh linh vạn cổ trường sanh thạch
Hải ngoại trì danh nhậm phẩm đề”

Tạm dịch:

Qua làng Phước Lộc dạo chơi
Trước chùa đêm cũng thảnh thơi nhẹ nhàng
Tích xưa Bồ Tát rõ ràng
Bốn tay tượng giống dung nhan Chuẩn Đề
Bảo Hộ xưa dựng chùa quê
Từ Hòa thuở ấy lo phần khói nhang
Oai linh Phật Đá vẻ vang
Khắp trong thiên hạ lẫn ngoài biết danh.


Thế rồi, khi đất nước bước sang giai đoạn hết sức đau thương, chiến tranh chống pháp bắt đầu ác liệt, bà con xóm làng ly tán. Năm 1946 Chùa bị hư sập hoàn toàn. Năm 1955, đất nước tạm yên ổn, Hòa thượng Thích Quảng Ân trở về cùng môn nhơn đệ tử lo xây dựng lại ngôi Chùa. Nhưng kháng chiến chống Mỹ lại đến, đạn bom khói lửa cùng khắp quê hương. Kể từ năm 1960 đến năm 1962 Hòa thượng Thích Quảng Ân và chư Tăng chùa Phật Đá phải di tản lần lần, sau đó về Mỹ Tho lập một ngôi chùa khác vào năm 1966, cũng để hiệu là Linh Phước Tự (chùa Phật Đá), hiện ngôi chùa này tọa lạc tại đường Ấp Bắc, Phường 5, TP Mỹ Tho.

Cuộc đời hành đạo của Hòa thượng Thích Quảng Ân gắn liền với ngôi Chùa Linh Phước Bà Bèo, Mặc dù Ngài đã viên tịch tại chùa Linh Phước ở Mỹ Tho ngày 05 tháng 10 năm 1974, trụ thế 84 năm.


Năm 1976, Hòa thượng Thích Quảng Ninh (thường gọi là Thủ Tạ Khương) là đệ tử của Hòa Thượng Thích Quảng Ân về lại chùa Phật Đá dọn dẹp và canh tác vùng đất xung quanh nền chùa cũ. Tiếc thay! Ngài chưa có kế hoạch tái xây dựng chùa thì đã viên tịch vào ngày 11 tháng 11 năm 1979. Trụ thế 73 năm.

Ngày 23 tháng 1 năm 1979, Hòa thượng Thích Nhuận Sanh, cũng là đệ tử của hòa thượng Thích Quảng Ân, được đề cử về kế tiếp trụ trì chùa Linh Phước. Công việc đầu tiên của Hòa Thượng là sử dụng 2 mẫu đất của chùa còn lại để canh tác, lao động sản xuất, làm căn bản cho đời sống tu tập hằng ngày của Tăng chúng và từng bước xây dựng lại ngôi Chùa.

Nhân duyên đến, ngày 05 tháng 10 năm 1981, nhân là ngày húy kỵ Hòa thượng Thích Quảng Ân, Đạo hữu Thiện Sanh và một số Phật tử tại Mỹ Tho về tham dự đã phát tâm tu bổ lại ngôi Chùa. Sau khi thỉnh ý lên Ban Trưởng Tử (Hòa Thượng chùa Long Hội, Hòa thượng chùa Linh Phước Mỹ Tho) và được quý Ngài chấp thuận, năm 2006, Hòa thượng Thích Nhuận Sanh đã cho tiến hành công việc đại trùng tu chùa Phật Đá. Công trình xây dựng hoàn thành năm vào 2007.

Công việc trùng tu hoàn thành không lâu thì Hòa thượng Thích Nhuận Sanh lâm bệnh duyên và viên tịch vào ngày 22 tháng 6 năm 2013, trụ thế 65 năm.


Sau khi Hòa thượng Thích Nhuận Sanh viên tịch, Đại đức Thích Đức Thắng là đệ tử của Hòa thượng Thích Nhuận Sanh được Ban Trị Sự quyết định kế vị trụ trì chùa Linh Phước, tiếp tục thay Thầy chăm lo ngôi Chùa cho đến nay.

Nhận thấy chổ ở của Tăng chúng còn nhiều chật hẹp, chùa lại không có nơi để Tăng khách thập phương tá túc, nghỉ ngơi khi thăm viếng. Năm 2014, Đại đức Thích Đức Thắng đã cho tiến hành xây dựng hai dãy Tăng xá và Khách đường, kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng, đến năm 2016 thì hoàn thành, góp phần tạo nên vẻ đẹp và uy nghiêm cho ngôi Cổ Tự này.


Chùa Linh Phước là nơi đặt trụ sở Văn phòng Ban Trị Sự GHPGVN huyện Tân Phước từ khi thành lập năm 1987 cho đến ngày nay. Đây cũng được xem là chiếc nôi Phật giáo của vùng đất Bà Bèo, chính vì vậy hàng Phật tử nơi này về tu tập học hỏi giáo lý ngày càng đông. Mỗi tháng vào các ngày 14 và 29 đạo tràng mở Khóa tu Phật Nhật, Phật tử về tham dự có lúc trên 300 vị. Vào mùa hè hằng năm đều mở khóa tu cho các em thanh thiếu niên, số lượng tham dự có lúc lên đến hơn 500 người. Hiện tại tăng chúng xin vào xuất gia tu học cũng rất đông.

Chùa được Ủy Ban Nhân Dân huyện tân Phước công nhận Cơ sở Thờ tự Văn hóa năm 2006.


Hàng năm, chư Tăng và Phật tử nơi đây đều trang nghiêm tổ chức lễ Húy kỵ chư tiền bối Tổ sư khai sơn và gìn giữ ngôi Già lam này vào các ngày:
  • Ngày 15 tháng 3 âm lịch: Giỗ hội – Tưởng niệm đến tất cả chư tôn đức tiền bối hữu công tại chùa Linh Phước.
  • Ngày 21 và 22 tháng 6 âm lịch: Húy kỵ Hòa thượng Thích Nhuận Sanh.
  • Ngày 5 tháng 10 âm lịch: Húy kỵ Hòa thượng Thích Quảng Ân.
Ban Biên Tập Lịch sử Tự viện tỉnh Tiền Giang xin trân trọng giới thiệu ngôi chùa Linh Phước đến với bạn đọc.

Ghi Chú
  • Chùa Phật Đá (Linh Phước Tự)
  • Trụ Trì Hiện Nay: ĐĐ. Thích Đức Thắng - Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Phước. Đại biểu HĐND huyện Tân Phước.
  • Điện Thoại: 0986035963
  • Hệ Phái : Bắc Tông
Sau đây là một số hình ảnh của chùa Linh Phước:













Người viết : Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét