25 tháng 4, 2022

Chùa Phổ Quang

CHÙA PHỔ QUANG
  • Địa điểm: ấp Bình Thạnh, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu
  • Năm xây dựng: thế kỷ XVIII
  • Viện chủ cố vấn hiện nay: Thượng toạ Thích Thiện Hiện (trụ trì chùa Hội Phước)
  • Giám tự thường trực: Đại đức Thích Thiện Thuận
  • Năm trùng tu: 1992 - 1993
  • Hệ phái : Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 971246 - 0918295746
Các vị bô lão kể lại rằng: chùa Phổ Quang do Tổ đạo Tấn Thượng Trí Hạ Kiên Thiền sư phái Lâm Tế đời thứ 36 cùng nhân dân chung sức dựng lên. Chùa được xây dựng trên đỉnh ngọn đồi Núi Đất, phía sau lưng là một dãy đồi làm bức tường thành cho sân bay Biên Hòa. Những tư liệu thành văn viết về chùa còn lại không nhiều, sách "Biên Hòa sử lược" của Lương Văn Lựu có nhắc tới chùa Phổ Quang với tính chất liệt kê về những địa danh cổ tích của tỉnh Đồng Nai. Chùa Phổ Quang gắn liền với nhiều truyền thuyết về: Bàn chân Tiên, Giếng Thiêng... Hiện nay chùa còn lưu giữ 13 bài vị các đời trụ trì cùng 4 ngôi Bảo Tháp được xây bằng hợp chất, mía mật đường và đá xanh, ghi vị sư đời thứ 41, 42, 44 phái Lâm Tế Chánh Tông, cùng hệ thống tượng gỗ tại chùa.

Chùa Phổ Quang

Chùa Phổ Quang đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, dấu hiệu duy nhất còn lại là các đoạn tường được xây bằng ô dước đan xen cùng các đoạn tường xây bằng vôi và xi măng cùng hệ thống ván vách gỗ được thay bằng tường. Hay hệ thống cột gỗ nơi Đông, Tây lang và tiền sảnh đều được thay bằng cột xi măng; cột kèo nơi nhà Tổ và nhà giảng đều thay bê tông cốt thép. Duy nhất kiến trúc cơ bản của chánh điện và tiền điện dường như vẫn được bảo lưu.

Chùa Phổ Quang quay mặt về hướng tây bắc nơi có tỉnh lộ 24 nối liền Biên Hòa và Vĩnh Cửu, xa hơn một chút là dòng sông Đồng Nai quanh co cuộn chảy. Chùa tọa lạc trên khuôn viên cây xanh sum suê hơn 1 mẫu, phân bố dạng chữ Tam (三) bao gồm chánh điện, nhà giảng, nhà Tổ liên kết nối tiếp nhau.

Chánh điện có diện tích 195 m², kiến trúc dạng nhà tứ trụ nổi bật lên hệ thống cột gỗ căm xe rắn chắc. Diện tích chánh điện mở rộng ra 4 phía bằng bộ kèo đâm kèo quyết và được đổ bằng hệ thống cột tròn. Điểm nối các cột là những mảng bao lam trang trí các đề tài: Thập bát La Hán, tùng lộc, trúc tước, sen dây hài hoà sống động. Bàn thờ Phật và Thập điện Diêm Vương đều xây bằng ô dước được bảo quản tốt. Chùa có sưu tập tượng gỗ (42 tượng) phong phú, đặc biệt tượng Phật Di Đà trong tư thế kiết già cao 1,4m. Hoành phi và liễn đối chữ Hán bằng gỗ treo trên mỗi cột do các hương chức, hương cả trong làng cúng dường vẫn lưu giữ được nguyên vẹn. Bộ Ngũ sám bài bằng gỗ cùng đại hồng chung và trống được giữ gìn khá tốt.

Phật Điện

Nối tiếp chánh điện là nhà giảng. Đây là kiểu nhà 5 gian bằng bê tông cốt thép, diện tích 52 m². Trên mỗi hàng cột đều có các câu đối chữ Hán được khắc nổi vào tường. Nhà giảng nối tiếp hậu Tổ bằng bộ kèo đúc bê tông. Diện tích hậu Tổ: 156 m², chính giữa là khánh thờ với dòng chữ Hán: "Tổ Sư Đạo" thờ Tổ sư Đạt Ma, cùng bài vị bằng gỗ phân bố hai bên. 13 long vị của các đời trụ trì được sơn son thếp vàng, hoành phi cổ với dòng chữ: "Tổ Ấn Trùng Quang" và tượng gỗ Giám Trai như tăng thêm vẻ cổ kính cho ngôi chùa.

Những năm trường kỳ kháng chiến mặc dù nằm sát vành đai quân sự nhưng chùa vẫn không bị ảnh hưởng. Đây là địa điểm nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng trong suốt thời gian dài chuẩn bị cho việc các đơn vị chủ lực của ta tấn công vào sân bay Biên Hòa. Hòa bình lập lại, ngoài vấn đề kiến tạo, tu hành, chùa Phổ Quang luôn làm tốt công tác Phật sự, tham gia tốt các hoạt động từ thiện xã hội.

Đại Đức Thích Thiện Thuận trước tháp cổ

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét