- Địa điểm: ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu
- Năm xây dựng: 1817
- Người giám tự: Đại đức Thích Thiện Thông
- Năm trùng tu: 1954, 1972, 2002
- Hệ phái : Bắc Tông
- Điện thoại: 061. 865378
Theo các kỳ lão trong làng: chùa Bửu Lâm được chấn tích khai sơn vào năm 1817. Nguyên thuỷ gồm chánh điện mái lợp ngói móc, cột cây, nền gạch tàu, tường xây ô dước và nhà Tổ vách cây, mái âm dương. Ngôi chùa tồn tại, trải qua nhiều đợt sửa chữa nay bề thế khang trang. Năm 1945, theo tinh thần "tiêu thổ kháng chiến" chùa bị đốt hoàn toàn. Đến năm 1954, dân làng cùng nhau xây dựng lại chùa trên nền đá cũ, nhưng chỉ khôi phục duy nhất ngôi chánh điện với diện tích 64 m² là dạng kiến trúc tứ trụ, cột gỗ, mái ngói móc, nền gạch tàu, tường xây, hành lang trước sau bao bọc. Năm 1972, xây dựng nhà giảng (8mx3m), kiến trúc kiểu nhà ngang 3 gian cột gạch, vách tường, mái ngói móc, nền xi măng. Tiếp theo dân làng xây dựng thêm hậu Tổ diện tích 88 m² (8mx11m) cũng được kiến trúc theo kiểu nhà ngang 2 mái, cột kèo xiên trính bằng gỗ mái ngói móc, nền, tường xây xi măng. Năm 2002, trùng tu Chánh điện. Qua các đợt trùng tu về tổng thể chùa Bửu Lâm được phân bố theo chữ Tam (三) gồm: chánh điện, nhà giảng, nhà Tổ nối tiếp nhau. Hành lang đông, tây, trước, sau ôm trọn không gian thờ tự tạo nên một tổng thể khép kín, tăng thêm tính chất thâm nghiêm, u tịch của ngôi chùa cổ.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ hai bài vị bằng gỗ của Đại lão Hoà thượng Phổ Tế đời thứ 35 và Đại lão Hoà thượng Phước Chiếu đời thứ 38 dòng Lâm Tế Chánh Tông, một chuông đúc năm Quý Hợi cùng bộ sưu tập tượng thờ bằng gỗ.
Ban hộ tự trước tháp cổ
Hàng năm vào mùng 8 tháng 8 (âm lịch) dân làng Thới Sơn tổ chức giỗ Tổ (người có công khai sơn tạo tự). Trải qua nhiều đời trụ trì, năm 2001 Ban Đại diện Phật giáo huyện Vĩnh Cửu cử Đại đức Thích Thiện Thông về chùa cùng Ban Hộ tự chăm lo việc nhang khói cho ngôi Tam bảo, kế tục sự nghiệp đạo pháp theo hạnh nguyện của quý Thầy khai sáng.
Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét