25 tháng 4, 2022

Chùa Thiên Chơn

CHÙA THIÊN CHƠN
  • Địa điểm: tổ 3, ấp Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán
  • Năm xây dựng: 1957
  • Người khai sơn: Cư sĩ Hà Văn Thôn và Nguyễn Thị Nhung
  • Trụ trì hiện nay: Ni sư Thích nữ Như Liên
  • Năm đại trùng tu: 2000
  • Hệ phái: Bắc Tông
  • Điện thoại: 061. 851866
Chùa Thiên Chơn tọa lạc tại cây số 113, Quốc lộ 20 con đường từ Dầu Giây (Long Khánh) đi Đà Lạt, bên dưới núi Voi, thuộc khu di tích Đá Chồng (Định Quán) đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia.

Chùa do ông Hà Văn Thôn và bà Nguyễn Thị Nhung (là cư sĩ chủ nhà hàng Hiền Đức ở Định Quán) xây dựng vào năm 1957 trên khu đất tự khai phá rộng 40.000 m² (500m x 80m). Nhưng do chiến tranh, một số hộ gia đình từ nơi khác về cất nhà, làm rẫy sinh sống trên đất chùa nên nay diện tích thu hẹp lại chỉ còn 4.000 m².

Chùa Thiên Chơn

Từ khi xây dựng đến nay, chùa Thiên Chơn đã trải qua nhiều đời trụ trì và giám tự:
  • Ông Hà Văn Thôn, bà Nguyễn Thị Nhung và Sư bà Như Trí trông coi chùa từ năm 1957 đến năm 1963.
  • Đại đức Thích Viên Thông (1963-1969)
  • Thượng tọa Thích Tâm Ngộ (1969-1971)
  • Đại đức Thích Nguyên Minh (1971-1975)
Từ năm 1975 đến năm 1987, chùa không có sư trụ trì, nhân dân và Phật tử tại Định Quán tự quản lý và kiến tạo tượng Thích Ca lộ thiên, màu trắng ngà, tọa trên tòa sen vẻ mặt đầy bao dung ở núi đá cao 28 m phía sau chùa.

Năm 1988, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm Ni sư Thích nữ Như Liên về trụ trì cho đến nay. Ban đầu Chùa Thiên Chơn có diện tích 135,36 m² (14,4m x 94m) được xây dựng bằng vật liệu bán kiên cố.

Ni Sư Thích nữ Như Liên (người đeo tràng hạt)

Trải qua thời gian dài chịu sự tác động của chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt cùng với địa thế chùa xây dựng trong khu đất trũng, thấp hơn mặt Quốc lộ 20, nên mùa mưa nước dâng ngập nền chùa, xuống cấp trầm trọng. Năm 2000, được sự trợ duyên của các cấp có thẩm quyền và sự hỗ trợ của Ni sư Huệ Hương - Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai đặc trách về Ni giới cùng sự ủng hộ công, của rất lớn của Phật tử gần xa, Ni sư Như Liên đã đứng ra đại trùng tu lại ngôi chùa trên nền cũ khang trang, bền vững như hiện nay.

Chùa Thiên Chơn nằm lọt giữa khu phố phường đông đúc, xung quanh là bức tường xây. Qua cổng chùa, ở khoảng sân rộng phía trước chánh điện có đài Quán Thế Âm và đài Di Lặc sừng sững, uy nghi vươn lên giữa nền trời xanh.

Chùa được xây dựng chữ Nhị (=) truyền thống, diện tích 364 m² (14mx26m), mặt tiền chùa nhìn ra Quốc lộ 20. Chùa gồm: chánh điện và hậu Tổ tiếp nối nhau không kể các công trình phụ. Mái chùa gồm hai lớp chồng diêm, đổ bê tông cốt thép. Tám mái với tám đao trang trí rồng, phụng uốn cong dáng vẻ thanh thoát nhẹ nhàng.

Ở hai bên bậc thềm tam cấp dẫn vào chánh diện có cặp rồng lớn há miệng tượng trưng cho long thần hộ trì Phật pháp.

Chánh điện rộng thoáng, toàn bộ hệ thống cửa sổ đều được trang trí rồng, phụng bằng xi măng, ngoài cẩn mảnh sành sứ nhiều màu nhìn rất sống động. Nổi bật ở vị trí trung tâm nội điện là bốn long trụ (cột rồng) đắp nổi, ngoài cẩn sành. Giữa hai cột có bao lam chạm lộng đề tài: Bát tiên lồng ghép tứ linh, dây hoa lá triền chi nhũ vàng óng ánh.

Chùa Thiện Chơn tuy mới được trùng tu xây dựng lại nhưng vẫn bảo lưu những đường nét kiến trúc cổ và hệ thống thờ tự truyền thống. Ngay giữa trung tâm Phật điện là tượng Bổn sư Thích ca Mâu ni ngồi thiền định trên tòa sen, phía dưới thờ Tam Thế Phật, tả hữu thờ Phật Di Đà và Phật Dược Sư.

Sau chánh điện là nhà Tổ thờ Tổ sư Đạt Ma. Ngoài ra, chùa còn có Trai đường, Thiền đường và các dãy nhà để làm nơi tiếp khách, sinh hoạt của chư Ni và nơi làm việc của Ban đại diện Phật giáo huyện Định Quán.

Ni sư Như Liên, thế danh Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1930, quê Long Xuyên, xuất gia năm 1973, tu học tại chùa Linh Sơn (Cầu Mới). Năm 1980, Ni sư về Biên Hòa cầu pháp y chỉ với Hòa thượng Thích Huệ Thành Phó pháp chủ Viện chủ Tổ đình Long Thiền, thọ Tỳ kheo năm 1980 tại giới đàn chùa Long Thiền.

Từ năm 1992 đến nay, Ni sư Như Liên là Chánh đại diện Phật giáo thị trấn Định Quán kiêm Phó đại diện Phật giáo huyện Định Quán, ủy viên Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai. Từ khi về trụ trì tại chùa Thiên Chơn đến nay, tâm nguyện của Ni sư Như Liên lúc nào cũng nghĩ đến việc hoằng pháp lợi sanh, tiếp độ Ni chúng và không ngừng tu bổ, phát triển chùa Thiên Chơn. Năm 1990, Ni sư sửa chữa hậu liêu; năm 1991 thỉnh thủ Phật lên Đài đá; năm 1993 sửa nhà bếp, xây miếu bà Linh Sơn Thánh mẫu và đài Quán Âm trước chùa; năm 1993 xây nhà bếp, dời cửa chùa vào 11m; năm 1994 xây Bảo Cái Bổn sư và đài Quán Âm phía sau chùa; năm 1995 xây tường rào xung quanh chùa dài 160m; năm 2000 đại trùng tu lại chùa Thiên Chơn và năm 2001 xây đài Di Lặc và xây lại đài Quán Âm trước chùa.

Ngoài việc tu học, chấn hưng, phát triển chùa Thiên Chơn, Ni sư Như Liên còn rất tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội: cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, phát tập vở cho các trẻ em nghèo hiếu học, đóng góp xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, giúp đỡ Hội người cao tuổi ở địa phương...

Ngày nay, đứng trước cửa chùa lộng gió quanh năm, lòng du khách cảm thấy thư thái lạ lùng và bồi hồi nhớ đến ân đức người đã khai sơn và các đời trụ trì kế tiếp gìn giữ, trùng tu phát triển, hoằng dương Phật pháp tại chùa Thiên Chơn. Từ ngôi chùa đơn sơ ban đầu, nay Thiên Chơn Cổ Tự đã là một đại Già Lam có qui mô kiến trúc tiêu biểu của huyện Định Quán. Nơi đây thường xuyên vinh dự đón tiếp đông đảo du khách, Phật tử đến lễ bái, sinh hoạt nhất là vào ngày lễ Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán hàng năm.

Những ngôi chùa Đồng Nai (tập 1, NXB. VHTT, Hà Nội, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét