CHÙA HÒA THẠNH
Cù lao Thới Sơn còn gọi là cồn Thới Sơn hay cồn Lân, về mặt hành chính thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là cồn lớn nhất trong số 4 cồn trên sông Mỹ Tho (là một đoạn của sông Tiền) có diện tích 1.211,64 ha với nhiều mương rạch chằng chịt. Tuy cùng nằm trên một khúc sông, nhưng cồn Rồng (còn gọi là cù lao Tân Long hay cồn Long) và cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang; trong khi cồn Quy và cồn Phụng (cồn nhỏ nhất) thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Dân cư ở cồn Lân sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn quả (nhiều nhất là cây nhãn và Sa pô chê), nuôi ong, đánh bắt và nuôi thủy sản. Đến thăm cồn Lân, du khách sẽ được mời nếm thử mật ong (ong ở đây chủ yếu chắt mật từ hoa nhãn nên cho mật có vị đậm đà riêng) cùng với nước trà và kẹo mứt.
Lúc đầu nơi đây chỉ là cái am nhỏ được Đại đức Thích Nhựt Lợi làm bằng cây lá đơn sơ để tịnh tu và tự nặn tượng để thờ cúng, lễ bái. Đến năm 1974, Đại đức Thích Nhựt Lợi về chùa Phước Duyên (Tân Thạch, Bến Tre) cầu xin thọ cụ túc giới với Hòa thượng Kiểu Lợi. Sau khi thọ đại giới, Đại đức còn thỉnh ý và được Hòa thượng đặt cho hiệu Chùa là “chùa Hòa Thạnh”. Khi trở về, Đại đức Thích Nhựt Lợi còn cho xây dựng lại ngôi Chùa theo kiến trúc tứ trụ, ngang 8m, dài 10m, phía trước là Chánh điện thờ Phật, phía sau là ban thờ Tổ, nhưng cũng chỉ bằng chất liệu cây lá thô sơ.
Đến năm 1994 (Mậu Tuất), do tuổi cao sức yếu, Đại đức Thích Nhựt Lợi viên tịch, Trụ thế 61 năm.
Đầu năm 2004, nhận thấy sức khỏe già yếu, Sư cô Nhựt Huê đến tìm nhị vị Ni sư trụ trì chùa Phật Quang (TP.Mỹ Tho) phát tâm giao ngôi chùa Hòa Thạnh; được Ni sư Thích Nữ Diệu Quang và Ni sư Thích Nữ Diệu Huệ tiếp nhận, tới lui phụ chăm lo ngôi Tam Bảo và hướng dẫn Phật tử tu tập trong những kỳ Sóc, Vọng cho đến ngày 11/2/2005 (Ất Hợi) thì Sư cô Nhựt Huê cũng viên tịch.
Năm 2005 Ni sư Thích Nữ Diệu Huệ đứng ra xin phép chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Ban Trị sự Phật giáo huyện Châu Thành và chính quyền các cấp để cho chùa Hòa Thạnh được gia nhập Giáo hội, sinh hoạt theo Hiến chương GHPGVN và Pháp luật Nhà nước quy định. Đến ngày 11/2/2006, Ni sư cũng được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang quyết định bổ nhiệm về trụ trì chùa Hòa Thạnh cho đến nay.
Ngôi Chánh điện bệ trên cao thờ Tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên tường trên cao là phù điêu Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền.
Bệ dưới phía trước là tôn tượng Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng (đều là các pho tượng cũ của chùa trước đây còn giữ lại), cùng bảy tượng Phật Dược Sư.
Phía sau Chánh điện là ban thờ Tổ sư Đạt Ma, di ảnh và long vị chư Hòa thượng tiền bối; các ban thờ hương linh bá tánh.
Đến năm 2008, Ni sư cho sửa lại phần nhà Tổ cùng các công trình phụ cận khác để tiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt tu học của chư Ni và Phật tử tại đạo tràng; nhưng vì kinh phí còn hạn hẹp nên các công trình này được cất tạm và thấp, vì vậy thường xuyên bị ngập do triều cường lên xuống, làm hư hại vật dụng rất nhiều.
Đầu năm 2020, Ni sư Trụ trì đã cho xây lại nhà hậu Tổ, trai đường, Ni xá và phòng khách Tăng rất khang trang, thoáng mát.
Ngoài việc chăm lo ngôi Tam bảo, hướng dẫn Phật tử tu tập đúng Chánh pháp, Ni sư Thích Nữ Diệu Huệ còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động chung của Giáo hội. Mỗi năm tổ chức 02 kỳ tặng quà từ thiện vào dịp Tết Nguyên đán và lễ Vu lan; tổ chức vui Tết Trung thu và tặng quà cho các em thiếu nhi vào dịp rằm tháng 8 âm lịch.
Ni sư còn tích cực tham gia với Hội Chữ thập đỏ và làm thành viên MTTQVN xã Thới Sơn, góp phần cùng địa phương từng bước xây dựng quê hương ngày thêm văn minh, giàu đẹp.
Thật là:
“Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa,
Tình dân gửi ấm đã bao đời,
Tổ tiên bồi đắp bao năm tháng,
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét