Bí ẩn chùa Bảo Lâm
Từng là ngôi chùa lớn của nước ta nhưng trải qua thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử, chùa Bảo Lâm ở thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) giờ chỉ còn là phế tích.
Phát hiện tư liệu quý
Ngay sau khi phát hiện về sự tồn tại của thác bản (loại hình văn bản bằng giấy được in rập văn khắc Hán Nôm từ các bia đá, chuông đồng...) về chùa Bảo Lâm đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh rất bất ngờ, bởi đây là một tài liệu quý giá, cung cấp nhiều thông tin hiếm.
Theo thác bản, văn bia được viết vào năm 1559, có 494 chữ, trong đó 8 chữ đã mất do mờ và bị đục trước khi in rập. Văn bia ghi rõ người soạn, người viết, người khắc và năm dựng. Tuy nhiên, chưa rõ bia khắc mấy mặt, ở đây chỉ có mặt chính. Phần khắc chữ có kích thước 90 x 100 cm.
Trên mặt bia ghi chữ “Bia trùng tu chùa Bảo Lâm”. Theo thông tin trên tấm bia, chùa có tên là Bảo Lâm, ở xã Trâu Bộ, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn. Đây là ngôi chùa to và nổi tiếng nước Việt Nam. Không chỉ nói về thời gian xây dựng, người có công tu sửa ngôi chùa, trong tấm bia còn thông tin chi tiết, cụ thể cảnh quan ngôi chùa. Đó là một không gian rộng rãi, sông núi bao quanh, phong cảnh sầm uất “nhìn toàn cảnh như giấc mộng Hồ Thiên, như thế giới ngọc châu xưa”.
Theo ông Tăng Bá Hoành, nội dung văn bia cho biết chùa Bảo Lâm có từ thời Lý Trần, là ngôi chùa to đẹp nổi tiếng Việt Nam, nhờ Thánh từ Hoàng Thái hậu nhà Mạc quyên góp tiền tu sửa và làm mới đẹp hơn trước nhiều lần. Như vậy, điều giá trị nhất được khẳng định trong văn bia này là quốc hiệu Việt Nam đã được nhà Mạc tôn xưng. Trong tư liệu lịch sử, tên nước Việt Nam đã có từ cuối triều Trần và triều Mạc nhưng chủ yếu ghi trên giấy, rất dễ sai bản gốc qua các lần sao lại, nhưng đây ở trên văn bia đá nên khó bị sai lệch. Văn bia khẳng định đây là một trong những ngôi chùa to lớn và đẹp của Việt Nam thờ Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của thời Lý. Đây còn là quê hương của vua Mạc Đăng Dung, người làng Cổ Trai, thuộc phủ Kinh Môn đương thời (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).
Nhiều dấu tích của chùa Bảo Lâm cũ còn sót lại
Chỉ còn hoang phế
Trong trí nhớ của ông Nguyễn Văn Cửa (65 tuổi, người thôn An Bộ), khi ông còn nhỏ, nhiều dấu tích của chùa vẫn còn, đó là các bức tường, các tay vịn đặt ở các lối lên xuống làm bằng đá xanh nguyên khối được chạm khắc rất tinh xảo, hoành phi, câu đối, chuông chùa, khánh đá... Sau đó chuông được giao cho HTX làm kẻng rồi bỏ đi vì bị vỡ. Đất đai của chùa được giao cho người dân trồng cây nên họ đã đào bỏ nền, móng chùa, đập vỡ tường… Hiện nay, trong khu vực này vẫn còn mảnh vỡ của các viên ngói, gạch, chân tảng, mảnh lan can cầu thang… được người dân vứt ngổn ngang. Ngay trên nền ngôi chùa chính và khu vực xung quanh, người dân dùng làm nơi để đặt bia mộ.
Được người xưa truyền lại về nguồn gốc của ngôi chùa nên sau khi mảnh đất này được giao cho gia đình ông Cửa trông giữ theo chế độ giao khoán rừng, bố ông đã dựng một chiếc miếu nhỏ tại đây. Về sau này, khi có điều kiện, lại được sự quyên góp, ủng hộ của người dân trong và ngoài xã, ngôi chùa đã được xây dựng lại, cách nền chùa chính khoảng 15m. Tuy nhiên ngôi chùa khá nhỏ và đơn giản. Bên cạnh đó, người dân cũng đóng góp xây dựng đền thờ Hoàng Thái hậu nhà Mạc, người có công trùng tu, tôn tạo chùa trước đây.
Bà Trần Thị Vân, thủ nhang chùa Bảo Lâm cho biết sau khi được tu sửa, nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương. Hằng năm vào ngày rằm tháng giêng và ngày 12.7 (âm lịch) người dân đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vua Lý Chiêu Hoàng và Hoàng Thái hậu nhà Mạc.
Kết hợp giữa hệ thống thác bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và những mảnh vỡ còn lưu lại trong khuôn viên chùa Bảo Lâm, ông Tăng Bá Hoành khẳng định đây là những dấu vết vật chất rất quý về mặt lịch sử, một di tích được ví là "lâu đài đẹp như vàng ngọc" đích thực chứ không phải truyền miệng. Vì thế các cơ quan chức năng cần khoanh vùng, khảo cổ lại toàn bộ khu vực này với hy vọng sẽ tìm được văn bia bằng đá có thể còn lưu lại tại đây. Trên cơ sở đó sẽ hiểu rõ hơn về quốc hiệu Việt Nam đồng thời có căn cứ để phục dựng lại ngôi chùa từng được mệnh danh là to đẹp của nước ta.
THANH HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét