Tại Thủ đô Hà Nội có một ngôi chùa Phật giáo Nam tông khang trang với lối kiến trúc đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Ngôi chùa Khmer này nằm trong quần thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) với tổng diện tích 0,8ha. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của đồng bào Khmer giữa Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt vào các ngày lễ, Tết truyền thống của đồng bào Khmer, các vị sư sãi tập trung về đây tổ chức các hoạt động tôn giáo, văn hóa hết sức ý nghĩa nên thu hút rất đông du khách đến tham quan.
Ngôi chùa được xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2013 theo mẫu kiến trúc của chùa Khleang (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Chùa Khleang là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng. Năm 1990, chùa Khleang đã được bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ngôi chùa hội tụ đầy đủ những nét kiến trúc văn hóa của chùa Khmer ở Nam Bộ, như vị trí trung tâm là chánh điện, xung quanh có 4 tháp góc, bên trái là ao sen, vườn tháp, nhà hỏa táng và bên phải là am thờ.
Khu vực trung tâm ngôi chùa là chánh điện với lối kiến trúc điển hình của chùa Khmer.
Chánh điện chùa Khmer nằm dọc theo hướng Đông - Tây, được xây dựng theo tam cấp, các hoa văn, kiến trúc mang đậm văn hóa của đồng bào Khmer.
Đối với đồng bào Khmer, ngôi chùa không chỉ là công trình văn hóa tiêu biểu, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh mà còn là nơi đồng bào gửi gắm niềm tin, sức mạnh, sự sáng tạo không ngừng trong nghệ thuật trang trí.
Trước bậc thềm vào chánh điện ngôi chùa Khmer có nhiều tượng Chằn (Year) đứng bảo vệ ngôi chùa. Trong văn hóa Khmer, hình tượng Chằn mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Đồng bào mượn hình ảnh Chằn để thể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống.
Chằn xuất hiện với chức năng như vị thần bảo vệ người dân, bảo vệ chùa mang ý nghĩa thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng hung tàn. Tượng Chằn đã được Đức Phật thu phục để bảo vệ chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành.
Tháp thờ trang nghiêm, bề thế.
Các bức phù điêu, tượng tinh xảo, mang tính nghệ thuật, thể hiện đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Công trình chùa chạm khắc, sơn vẽ theo phong cách điển hình của chùa Khmer.
Đến tham quan ngôi chùa, du khách sẽ hiểu thêm về phong tục, tập quán, cũng như nghi thức của Phật giáo Nam tông Khmer. Qua đó góp phần tô đẹp thêm tình đoàn kết giữa đồng bào Khmer với cộng đồng các dân tộc anh em trong cả nước.
Duy Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét