22 tháng 8, 2022

Chùa Phước Long (Chùa Châu Đốc 3)

Chùa Bà Châu Đốc không ở Châu Đốc

Vài năm gần đây khách thập phương thường rủ nhau đến viếng Chùa Bà Châu Đốc 3, ở quận 9, TPHCM. Các trang mạng, báo điện tử viết về du lịch cũng thi nhau viết rất nhiều bài giới thiệu điểm đến độc đáo này. Chùa Châu Đốc 3, hay Chùa Bà Châu Đốc 3, hay Chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc 3 chính tên là Chùa Phước Long, quận 9. Vì vậy, bạn muốn đọc thêm về chùa này thì hãy lên Google search theo các từ khóa đó, sẽ có vô số kết quả. Còn trong bài này tui không kể những điều mà nhiều người đã kể nữa, chỉ ghi lại vài điều người ta chưa kể và cảm nhận cá nhân của mình thôi. 

Chùa Phước Long nằm ở Cù lao Bà Sang, phường Long Bình, quận 9

Chùa Phước Long ở đâu?

Chùa Phước Long nằm trên một cù lao ở giữa sông Đồng Nai, cho đến giờ muốn đến chùa phải qua đò. Bạn đi dọc theo đường Nguyễn Xiển (con đường dọc bờ sông) sẽ thấy khá nhiều bảng chỉ hướng ra các bến đò, các bến đò này tổ chức khá tốt và vì cạnh tranh nhau nên giá cả và phục vụ không xê xích bao nhiêu (có thể bạn đọc trên trang web nào đó nói rằng có 2 bến đò sang chùa thì đừng tin, không ít như vậy đâu!).

Cù lao mà ngôi chùa tọa lạc - nếu bạn xem trên Google Maps - có tên là Cù lao Ba Xang, tuy nhiên tên chính thức ghi trên giấy tờ của TPHCM thì là Cù lao Bà Sang. Tui ghi ra cả 2 tên để các bạn tham khảo.

Sao kêu là Chùa Bà Châu Đốc 3?

Thiệt tình là tui đã cố hết sức tìm hiểu nhưng không hề thấy chùa Châu Đốc 3 này có liên quan gì tới Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc hết! 

Trước hết, tên chùa là Phước Long, không phải Châu Đốc, cũng không phải Bà Chúa Xứ. Kế đến, đây là chùa, thờ Phật, không phải là miếu, thờ Bà. Tiếp nữa, đây là ở quận 9, TPHCM chớ hổng phải ở Châu Đốc!

Nghe đồn là trước đây trên cù lao này đã có miếu thờ Bà Chúa Xứ nhỏ xíu, không mấy ai biết. Cách đây 6 - 7 năm, có người nằm mơ thấy Bà hiện về yêu cầu đưa miếu thờ ra sát bờ sông cho khách thập phương dễ thăm viếng và tiếng đồn là linh thiêng nên người ta nô nức tới. Còn chùa Phước Long thì lại khác, trước đây là một ngôi chùa mái lá, xây dựng năm 1965 và mới được đại trùng tu năm 2009 nhờ công của Hòa thượng Thích Nhật Phát (trụ trì từ 1974). Ấy vậy nhưng du khách tới viếng chùa Phước Long, thắp nhang lạy Phật và nói là tới... chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc!


Mà thôi, dân đã gọi đây là chùa Châu Đốc thì... là chùa Châu Đốc, chớ cãi làm gì!

Sẵn đây cũng nói thêm: đã gọi là chùa Châu Đốc 3 thì ắt là phải có chùa Châu Đốc 2. Xin thưa, chùa Châu Đốc 2 cũng không phải ở Châu Đốc, mà ờ TPHCM luôn, đó là một ngôi chùa ở Nhà Bè, với sự tích giống giống như trên. Còn chùa Châu Đốc 1? Ừa, đó mới chính thiệt là tên người dân gọi Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc!

Tượng Phật nằm lớn bậc nhất Việt Nam?

Không biết các bài viết về chùa Phước Long có copy ý tưởng của nhau hay được mớm mồi hay không mà bài nào khi khi mô tả về những tượng ở trước sân chùa đều nhấn mạnh rằng du khách hết sức ấn tượng với tượng Phật nằm lớn bậc nhất Việt Nam. Mà đó là còn dè dặt, có bài còn ghi thẳng thừng luôn: Lớn nhất Việt Nam.

Xin mời mọi người coi thử hình này xem có hết sức ấn tượng với tượng Phật nằm lớn bậc nhất Việt Nam hay không nha:


Kích thước tượng hả? Dài 10 met! Xin nhắc rằng một bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn ở Thích Ca Phật đài (Vũng Tàu) mà nhiều người đã biết (chả ai nói dài bậc nhất Việt Nam hết) được tạo tác năm 1963 đã có chiều dài 12,2 met rồi. Còn tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam phải kể là: Tượng Phật núi Tà Cú dài 49 met, tượng Phật nằm chùa Hội Khánh dài 52 met, tượng Phật nằm chùa Vàm Ray dài 54 met (xin xem bài Từ Tà Cú đến Trà Cú).

Còn nếu nói ấn tượng là vì đẹp thì xin mời xem gần hơn để nhận xét. Các đường nét điêu khắc hết sức vụng về và thô, mất cân đối (hãy xem bàn tay và bắp đùi Đức Phật).


Cũng cần nói thêm, ở khu vực phía cổng chùa có rất nhiều cụm tượng mà hầu hết đều vụng về, thô hơn như vậy rất nhiều, thậm chí phản cảm nữa.



Kiến trúc uy nghi, độc đáo

Khách quan mà nói, ngoại trừ nhóm tượng hơi... nhố nhăng ở phía ngoài thì các tượng khác đạt vẻ mỹ quan, trang nghiêm cần thiết.

Từ chánh điện nhìn ra cổng chùa

Và ấn tượng nhất (ấn tượng thiệt, theo nhận xét của tui) là ngôi chánh điện của chùa. Chánh điện dài 80 m, rộng 25 m, diện tích 2.000 m2 được thiết kế với chất liệu chủ yếu là 1.500 khối gỗ quý. Kết cấu các gian chánh điện là gỗ, với cột, kèo, cửa đều là gỗ. Hầu hết vật dụng như bàn ghế, tủ thờ, chân đèn dầu, lư… trong chùa cũng đều bằng gỗ. Các tượng Phật trong chùa cũng đều là gỗ. Và tất cả ở đây đều được chạm khắc, điêu khắc tỉ mỉ, có tính nghệ thuật rất cao chứ không phải hời hợt như một số tượng... xi măng bên ngoài.

2.000 m² chánh điện của chùa, lại thêm một tầng lầu như vậy nữa đầy những tác phẩm điêu khắc quý giá đủ khiến khách tham quan choáng ngợp. Tuy nhiên...

Showroom...?

Chùa dành hẳn một không gian rộng trong chánh điện để trưng bày các bộ bàn ghế được điêu khắc tinh xảo. Ngoài ra còn có không gian trưng bày... xe cổ, đồ gốm sứ cổ và những thứ đồ cổ khác. Khách tham quan có cảm tưởng như đang ở một showroom chớ không phải chánh điện một ngôi chùa.


Không nói thì không biết đây là ngồi trong chùa!

Kinh doanh hiệu quả?

Sức thu hút của chùa Phước Long đã tạo nên những business phát đạt. Trước tiên là lực lượng đưa đò. Mặc dù cù lao Bà Sang là một nơi hoang vắng nhưng nhờ có chùa Phước Long mà những chuyến đò ngang luôn tấp nập đưa đón khách viếng chùa. Bước qua cổng chùa, người ta thấy rất nhiều người bán hàng rong: nhang đèn, chim cá phóng sinh...


Quanh chùa là các quán ăn, quán giải khát phục vụ khách tham quan chùa.

Ngay trước chánh điện, có bố trí sẵn các bàn để nhà chùa giúp khách thập phương các dịch vụ như cúng cầu an, giải hạn...

PR hiệu quả?

Bằng kỷ niệm được đặt trang trọng trong chánh điện chùa

Như ta thấy trong hình trên, chùa Phước Long (Châu Đốc 3) được bình chọn nằm trong Top 100 điểm du lịch văn hóa tâm linh được yêu thích năm 2016. Có điều ai bình chọn, tiêu chí bình chọn ra sao thì... chưa rõ lắm. Ngoài ra, chọn tới 100 điểm Du lịch Văn hóa tâm linh thì... có nhiều quá không ta?

Trên báo Gia đình Việt Nam (24/11/2014) còn cung cấp thông tin: Chùa Phước Long đã được Unesco công nhận là top 10 thương hiệu du lịch tâm linh tốt nhất Việt Nam năm 2013. Hòa thượng Thích Nhật Phát, trụ trì chùa Phước Long còn được tuyên dương là Doanh nhân tiên phong thời đại, Doanh nhân xuất sắc trong công tác từ thiện.

Không biết vô tình hay cố ý, tác giả bài viết không phân biệt giữa UNESCO và Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam (thương hiệu du lịch của chùa Phước Long do đơn vị sau công nhận). Giữa hai anh UNESCO này, uy tín khác nhau một trời một vực!

Ngoài ra, tuyên dương một hòa thượng là Doanh nhân tiên phong thời đại thì nghe hơi lạ tai!

Tượng sáp Hòa thượng Thích Nhật Phát đặt trong chùa

Tóm lại là...

Chùa Phước Long (Châu Đốc 3) là một điểm du lịch văn hóa tâm linh, điểm hành hương lý tưởng cho khách thập phương. Việc nằm tách biệt giữa một vùng sông nước tạo cho ngôi chùa nét đặc sắc, một sự yên tĩnh nhất định. Kiến trúc uy nghiêm của ngôi chùa cùng những điêu khắc đặc sắc rất đáng cho khách thập phương chiêm ngưỡng.

Có được những điều đó, công lao của hòa thượng trụ trì Thích Nhật Phát rất lớn, đáng trân trọng.

Mỗi công trình, mỗi sự việc đều có những ý kiến khác nhau. Những bài viết ca ngợi chùa Phước Long (Châu Đốc 3) đã rất nhiều rồi, ở đây chỉ nêu vài  cảm nhận khác một chút thôi chứ hoàn toàn không có ý phủ nhận những điều tốt đẹp của chùa.

Phạm Hoài Nhân
Ngôi chùa nằm giữa sông ở Sài Gòn

Chùa Phước Long (quận 9) nằm giữa một cù lao trên sông Đồng Nai, là điểm hành hương linh thiêng thu hút nhiều du khách.

Chùa Phước Long nằm trên cù lao Bà Sang giữa sông Đồng Nai (phường Long Bình, quận 9, TP HCM) còn có tên gọi khác là chùa Châu Đốc 3. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 25 km, khách phải đến đường Nguyễn Xiển rồi đi đò khoảng 10 phút để đến chùa.

Chùa được xây dựng vào năm 1965, thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông. Khi ấy, chùa chỉ là nhà mái tranh vách đất, các hạng mục như hiện nay chủ yếu được xây dựng, trùng tu năm 2009 trên diện tích rộng 1,5 ha. 

Điểm đặc biệt của ngôi chùa là có rất nhiều tượng với màu sắc sặc sỡ như thập bát la lán, các bồ tát, những nhân vật theo tín ngưỡng nhân gian, có cả tượng Tôn Ngộ Không, Đường Tăng... 

Nhìn từ phía cổng chùa vào, nổi bật là pho tượng Phật nằm dài khoảng 10 m. 

Khuôn viên chùa như một vượn tượng, tượng Quan âm bằng đá ở chính giữa hồ nước, bao quanh bởi những con rồng. 

Ở vị trí trung tâm chùa Phước Long là chánh điện dài 80 m, rộng 25 m, diện tích 2.000 m² được thiết kế với liệu chủ yếu là 1.500 khối gỗ trong ba năm. 

Bên trong chánh điện gồm ba gian với kết cấu chính là gỗ. Màu nâu gụ của gỗ, các cột kèo, mái sơn son thếp vàng càng làm không gian thêm phần cổ kính. 

Kiến trúc gỗ của các cây cột, kèo, cánh cửa đến tượng Phật được các nghệ nhân nổi tiếng đến từ Huế chế tác tỉ mỉ. 

Ngoài ra, hầu hết vật dụng như bàn ghế, tủ thờ, chân đèn dầu, lư… trong chùa cũng đều bằng gỗ. Nhiều nhất có thể kể đến các bộ bàn gỗ được điêu khắc tinh xảo. Nhà chùa dành hẳn một không gian rộng để trưng bày những món đồ này. 

Du khách còn có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập xe cổ, đồ gốm sứ qua các thời kỳ… cũng như nhiều vật dụng có giá trị lịch sử được nhà chùa sưu tầm, trưng bày. 

Mỗi buổi trưa, khách viếng chùa đều được miễn phí cơm chay do Phật tử nhà chùa nấu. 
"Tôi đã đến chùa Phước Long nhiều lần, những ngày rằm, lễ tết là cùng cả nhà. Chùa nằm ở giữa sông nên không khí nơi đây rất thoáng đãng. Từ khi được xây dựng lại, ngôi chùa càng trở nên uy nghiêm đẹp đẽ hơn", chị Thoa (Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ. 

Mỗi ngày đều có rất nhiều Phật tử, du khách đến cúng bái, vãn cảnh chùa. Riêng những ngày rằm, lễ Tết, Phật đản... chùa là điểm hành hương thu hút rất đông khách. 

Quỳnh Trần
Qua sông Đồng Nai là tới... Châu Đốc!

Chỉ cần có chút xíu kiến thức về địa lý là biết ngay qua sông Đồng Nai không thể tới Châu Đốc được. Ấy vậy mà có khi lại... được mới độc chớ!

Ngôi chùa cổ Hội Sơn nằm trên đường Nguyễn Xiển, quận 9, TPHCM, ngay bên bờ sông Đồng Nai. Cạnh chùa là một bến đò, gọi là... bến đò Châu Đốc. Tấm bảng ghi rõ những con đò ở đây đưa khách qua sông để tới Chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc! Vậy không phải qua sông Đồng Nai là tới Châu Đốc sao?

Một cách đầy đủ, người dân gọi tên ngôi chùa ở bên kia sông là Chùa Châu Đốc 3, hay Chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc 3. Kỳ thiệt, tên chính thức của ngôi chùa là chùa Phước Long.

Chùa Phước Long (Châu Đốc 3) nhìn từ bên này sông. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Nằm ở một cù lao trên sông Đồng Nai (cù lao Long Bình), con đường duy nhất đến chùa chính là qua đò nơi đây. Ngôi chùa đẹp, phong cảnh hữu tình giữa sông nước mênh mông, lại nghe nói là rất linh thiêng nữa nên thường xuyên có du khách và khách hành hương đến cúng bái. Đây được xem là ngôi chùa gỗ lớn nhất Đông Nam Á, và đã từng được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận nằm trong “Top 100 Điểm đến ấn tượng Việt Nam”.

Quang cảnh chùa bên bến sông

Chùa Phước Long được trao giải "Top 100 điểm đến ấn tượng"

Quả thật đây xứng đáng là một điểm đến tuyệt vời, có điều... Tui đã cố hết sức tìm hiểu nhưng không hề thấy chùa Châu Đốc 3 này có liên quan gì tới Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc hết! 

Trước hết, tên chùa là Phước Long, không phải Châu Đốc, cũng không phải Bà Chúa Xứ. Kế đến, đây là chùa, thờ Phật, không phải là miếu, thờ Bà. Tiếp nữa, đây là ở quận 9, TPHCM chớ hổng phải ở Châu Đốc!

Nghe đồn là trước đây trên cù lao Long Bình này đã có miếu thờ Bà Chúa Xứ nhỏ xíu, không mấy ai biết. Cách đây 6 - 7 năm, có người nằm mơ thấy Bà hiện về yêu cầu đưa miếu thờ ra sát bờ sông cho khách thập phương dễ thăm viếng và tiếng đồn là linh thiêng nên người ta nô nức tới. Còn chùa Phước Long thì lại khác, trước đây là một ngôi chùa mái lá, mới được xây dựng lại vài năm gần đây. Ấy vậy nhưng du khách tới viếng chùa Phước Long, thắp nhang lạy Phật và nói là tới... chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc!


Mà thôi, dân đã gọi đây là chùa Châu Đốc thì... là chùa Châu Đốc, chớ cãi làm gì!

Sẵn đây cũng nói thêm: đã gọi là chùa Châu Đốc 3 thì ắt là phải có chùa Châu Đốc 2. Xin thưa, chùa Châu Đốc 2 cũng không phải ở Châu Đốc, mà ờ TPHCM luôn, đó là một ngôi chùa ở Nhà Bè, với sự tích giống giống như trên. Còn chùa Châu Đốc 1? Ừa, đó mới chính thiệt là tên người dân gọi Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc!

Cũng sẵn đây xin nhắc lại một chuyện: Nam bộ có chùa núi Bà Đen ở Tây Ninh nổi tiếng linh thiêng, thu hút nhiều khách hành hương. Dân Sài Gòn muốn đi viếng chùa Bà Đen mà không tới Tây Ninh được thì chỉ cần qua chùa Bà Đen ở... quận 1! Người dân coi như đây là... Văn phòng 2 của chùa Bà Đen Tây Ninh. Kỳ thiệt, đây không phải chùa Phật mà là một ngôi đền Ấn Độ giáo, tọa lạc tại số 45 Trương Định, quận 1. Đền có tên chính thức là Đền Bà Mariamman. Dĩ nhiên là ngôi đền Ấn Độ giáo này không hề ăn nhập gì với chùa Bà Đen ở Tây Ninh hết, trừ một điều là... tượng bà Mariamman trong đền có màu đen! (Bạn có thể xem chi tiết hơn trong bài Bà Đen nhé!).

Phải công nhận là dân Nam bộ mình dễ tính và vui tính quá ha các bạn?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét