25 tháng 8, 2022

Chùa Sư Muôn (Hùng Long tự)

Chùa Sư Muôn - Hùng Long tự

Hầu hết các tour du lịch Phú Quốc đều có một điểm đến là chùa Sư Muôn, tức Hùng Long tự. Có vài lý do khiến ta nên đến đây, nhưng có một lý do... trật lất (thường được các hướng dẫn viên vốn không phải dân Phú Quốc, nói bô lô ba la): Đây là ngôi cổ tự, ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên hòn đảo này.

Hùng Long tự, ngôi chùa không cổ, kiến trúc cũng khá bình thường

Chùa do Thiền sư Giai Minh, thế danh là Nguyễn Kim Môn (1892-1946) khai sơn vào khoảng năm 1930 (nghĩa là cách nay chưa tới trăm năm, ngôi chùa xưa nhất ở Phú Quốc được xác định là Sùng Hưng cổ tự, xây dựng vào cuối thế kỳ 19). Chùa tọa lạc trên triền núi Điện Tiên (ấp Suối Đá), cách thị trấn Dương Đông khoảng 5 km. Thuở xưa, người dân gọi là chùa Sư Môn, hoặc am Sư Môn, riết rồi đọc trại thành Sư Muôn. Đáng nói là ngôi chùa do thiền sư Giai Minh (tức sư Môn) xây dựng đã bị người Pháp đốt rụi vào năm 1946. Chùa được xây dựng lại vào đời trụ trì thứ tư, và xây dựng khang trang như ngày nay vào đời trụ trì thứ năm, tức vị trụ trì hiện nay (khởi công 1980, hoàn tất 1982). Bước đến chùa, sẽ dễ dàng thấy ngay kiến trúc còn rất mới, không thể nào gọi là cổ tự được. Vị trí xây dựng ngôi chùa hiện nay cũng là vị trí khác, thấp hơn vị trí cũ. Từ ngôi chùa hiện nay đi lên trên là vị trí chùa cũ, gọi là chùa tổ. Chùa tổ đã bị tàn lụi, nên các vị trụ trì đời sau xây một ngôi chùa nhỏ, đơn sơ để tưởng nhớ. 

Vậy ta đến đây không phải vì là ngôi cổ tự. Phải chăng là vì kiến trúc đặc sắc, uy nghi? Cũng không luôn! Ngoài cột rồng khá ấn tượng nơi chánh điện (để thể hiện đúng tên chùa: Hùng Long), các kiến trúc, điêu khắc khác ở chùa đều không quá nổi trội.

Chánh điện chùa Sư Muôn

Cột rồng nơi chánh điện khá ấn tượng

Đối với người dân địa phương thì chùa Sư Muôn nổi tiếng ở sự linh thiêng. Người dân Phú Quốc đến đây cầu xin rất nhiều và nghe nói rằng cầu gì cũng được cả (?). Ở sân chùa có một khối đá to nổi lên, và người ta tưởng tượng ra rằng đó là một con cọp nằm. Người ta dùng sơn vẽ các vằn vàng và mặt, râu cọp lên cho giống. Đồn rằng ông cọp đá này rất linh thiêng, thí dụ như muốn cầu có con trai thì sờ lên đầu cọp, muốn có con gái thì sờ phần đuôi.



Mà nghĩ cho cùng, sự linh thiêng ấy là dành cho dân Phú Quốc, còn du khách rốt cuộc tới đây vì cái gì? Câu trả lời là: cảnh quan

Chùa nằm trên triền núi Điện Tiên, phía sau chùa là cảnh quan rừng nguyên sinh trầm mặc, yên tĩnh. Sau lưng chùa là núi có nhiều cây to cao vút. Nước từ khe cao chảy xuống chân chùa, chia làm nhiều ngách bao bọc quanh thềm, chảy vào sân sau; ngách khác len lỏi dưới rặng tre để xuống triền sim. Du khách cảm thấy mình hòa vào chốn rừng xanh tĩnh mịch, vào cõi bình lặng, tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Đặc biệt nơi đây có cây kơ-nia 300 năm tuổi, bên dưới gốc cây là tượng Phật Thích Ca ngồi tĩnh tâm. Xa xa là rừng sim tím bạt ngàn.

Tượng Phật bên gốc cây kơ-nia




Vậy đó, chùa Sư Muôn là một nơi đáng dừng chân khi có dịp đến đảo Ngọc Phú Quốc, nhưng nếu có hướng dẫn viên không phải người bản địa thì nhớ đừng nghe nó nói nhé!

Phạm Hoài Nhân
Độc đáo chùa Sư Muôn ở Phú Quốc

Chùa Sư Muôn không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo quan trọng của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan thu hút nhiều du khách ở Phú Quốc.

Tọa lạc trên địa bàn thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chùa Sư Muôn, tên chữ Hán là Hùng Long tự, là một ngôi chùa có tuổi đời gần 100 năm của hòn Đảo Ngọc.

Chùa được xây dựng năm 1932 bởi nhà sư Nguyễn Kim Môn (1892-1946). Ông vốn là một nhân viên ngân hàng Đông Dương, sau khi ngộ đạo đã đi tu và truyền đạo ở nhiều nơi như đảo Thổ Chu, đảo Hòn Thơm…. cuối cùng ông dừng chân ở Phú Quốc và dựng chùa. Do dánh tiếng của ông nên người dân gọi chùa là chùa Sư Môn, theo thời gian chệch thành Sư Muôn.

Chùa nằm trên triền núi, giữa một rừng cây xanh tốt quanh năm. Muốn lên chùa, du khách phải đi qua 60 bậc đá

Trước chính điện của chùa Sư Muôn có một tảng đá tự nhiên được sơn phết thành hình Ông Hổ theo một truyền thuyết có từ thời khai phá Phú Quốc.

Chính điện được cất trên nền đá cao gần 3 mét bên trong thờ tượng Phật lớn, với đường nét điêu khắc sắc sảo

Cột rồng chống đỡ chính điện.

Cặp rồng chầu trên mái chính điện.

Khu tháp Tổ, nơi lưu giữ di cốt các vị sư từng tu hành tại chùa.

Sau chùa là khu rừng rậm với nhiều cây to cao vút.

Ngày nay, chùa Sư Muôn không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo quan trọng của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách ở Phú Quốc.

Quốc Lê
Chùa Sư Muôn – di tích không thể bỏ qua ở Phú Quốc

Lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, nương mình dưới tán cây bốn mùa lao xao tiếng lá non gọi gió, vì thế dù chưa đến trăm năm tuổi và tuy không có được nét cổ kính, khang trang như nhiều cổ tự ở đất liền, nhưng chùa Sư Muôn (Dương Tơ - Phú Quốc - Kiên Giang) luôn là điểm không thể bỏ qua với du khách đến Đảo Ngọc.

Cổng tam quan nằm ven tuyến lộ Dương Đông - Hàm Ninh

Tọa lạc trên triền núi Điện Tiên (ấp Suối Đá), còn giữ được cảnh quan rừng nguyên sinh, vì vậy tuy chỉ cách trung tâm thị trấn Dương Đông - thủ phủ của huyện Phú Quốc khoảng 5km, nhưng đến với chùa Sư Muôn, du khách dễ dàng có cảm giác như đến với thế giới khác lạ.

Từ cổng tam quan nằm ven con đường 2 làn xe Dương Đông – Hàm Minh, đi ngược lên triền núi với nhiều cây xanh nằm ven con đường uốn lượn khoảng 1km là đến chùa. Nhưng để lên đến ngôi chánh điện, du khách phải leo 60 bậc đá, số bậc vừa đủ để bước thoải mái, vừa ẩn chứa ý nghĩa thâm sâu của vòng quay đời người (lục thập hoa giáp).

Để lên đến chánh điện, du khách phải bước qua 60 bậc đá.

Chùa nằm trên triền núi, xung quanh cây cối xanh tốt, tạo cho du khách cảm giác thư thái. Trước chùa có tượng Quan Âm tọa trên tòa sen, hai bên là hai khối đá tự nhiên mang hình dáng “rồng chầu, hổ phục”. Từ đây nhìn xuôi triền núi theo hướng Tây Bắc là thảm cỏ tranh xanh mướt, những vườn tiêu thắng tắp vuông vức nổi lên giữa nền xanh đậm của vườn cổ thụ, những mái nhà ẩn hiện dưới bóng khói, bóng mây.

Phía trước chánh điện là tượng Quán thế âm

Sau chùa là núi có nhiều cây to cao vút. Nước từ khe cao chảy xuống chân chùa, chia làm nhiều ngách bao bọc quanh thềm, chảy vào sân sau; ngách khác len lỏi dưới rặng tre để xuống triền sim. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự bình lặng, tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc dân gian truyền thống. Chánh điện dựng trên nền đá cao 3m, bên trong bày trí đơn giản với tượng Phật tổ và các vị Bồ tát. Phía trước “Đại hùng bảo điện” là đôi rồng (long) ôm cột theo thế dũng mãnh, tượng trưng cho tên “chính quy” của ngôi chùa: “Hùng Long” (tiếng Hán là Hùng Long tự).

Ngôi "Đại hùng bửu điện" được xây dựng đơn giản theo kiến trúc truyền thống

Hai khối đá tự nhiên mang hình rồng và cọp đã tạo cho chùa nằm theo thế "rồng chầu, hổ phục"

Sau khi đắp nền cao thêm 3m để cất chánh điện, phát hiện đỉnh đá lân cận có hình hổ phục.

Hai hàng cột trước Đại hùng bảo điện được kết cấu hình rồng lượn với thế dũng mãnh tượng trưng cho tên gọi chùa Hùng Long.

Tuy nhiên, phía sau chánh điện mới thực sự là thế giới để du khách khám phá. Nếu đi theo hướng bên trái, đầu tiên là giếng nước mang bên trong nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại. Tuy chỉ sâu khoảng 2m và tọa lạc trên triền núi, nhưng quanh năm giếng luôn đầy nước xanh trong, không chỉ đáp ứng sinh hoạt trong chùa mà còn cung cấp cho xóm dân cư dưới chân núi.

Từ đây leo thêm 50m là đến cây kơ-nia khoảng 200 tuổi, dưới gốc to hơn vòng tay người lớn là tượng Phật Thích Ca ngồi tĩnh tâm với nụ cười hoan hỷ. Cách đó không xa về hướng Tây là bảo tháp của các vị tiền bối (ni) nằm giữa bạt ngàn sim xanh mướt.

Phía sau chùa có cây kơ-nia khoảng 200 tuổi, thân to hơn 3 vòng tay người lớn.

Nếu theo hướng bên trái chánh điện, leo bậc đá khoảng 200m là ngôi chùa tổ do tổ khai sơn Thiền sư Giai Minh, tên thật là Nguyễn Kim Môn (1892 – 1946), được người đời gọi là sư Muôn, xây dựng vào năm 1930.

Theo Thượng tọa Thích Thiện Thông, đương kim trụ trì Hùng Long tự đời thứ 5, lưu truyền sinh thời, sư Muôn xuất thân là một nhân viên kế toán của ngân hàng Đông Dương, sau thời gian ngộ đạo đã đi tu và truyền đạo ở các nơi như đảo Thổ Chu, đảo Hòn Thơm, cuối cùng dừng chân ở Phú Quốc và chọn đỉnh núi Điện Tiên xây chùa Hùng Long.

Cao cao phía trên ngôi chánh điện là chùa tổ.

Do chiến tranh, chùa tổ đã tàn rụi, các vị trụ trì đời sau đã dựng lại ngay nền chùa cũ ngôi chùa đơn sơ để tưởng nhớ đến vị tổ.

Bên trong cũng bày trí hết sức đơn sơ nhưng không kém phần trang nghiêm

Sư là người yêu nước nên có tham gia phong trào cách mạng và từng tổ chức nuôi chứa người yêu nước trong khu vực chùa. Và cũng chính vì thế mà năm 1946 khi Pháp đổ bộ lên Phú Quốc đã đốt rụi ngôi chùa, sư bị giam cầm... Năm 1946 trong lần về thăm chùa, sư Muôn có di ngôn: “Sau này ta chết, không có đám ma cũng không có mồ mả. Nếu đệ tử có nhớ, lấy ngày mồng 8 tháng 10 làm kỷ niệm". Từ đó sư Muôn đi biệt tích...

Nền đá xung quanh chùa tổ quanh năm xanh mướt rêu...

Cách đó không xa là bảo tháp với ngôi mộ gió hình búp sen để tưởng nhớ tổ sư Gia Minh.

Do nhiều thăng trầm lịch sử, có lúc ngôi chùa bị đổi thành am. Mãi đến đời trụ trì thứ 4 Minh Úc, chùa mới được xây dựng lại và chính thức lấy lại tên Hùng Long. Nhưng đến đời trụ trì thứ 5, Hùng Long tự mới được đầu tư xây dựng khang trang như ngày nay. Tuy vậy, người dân địa phương vẫn quen gọi đây là chùa Sư Muôn, để tưởng nhớ đến vị sư khai sáng có lòng yêu nước nồng nàn...

Chân dung thiền sư Gia Minh đang lưu giữ tại chùa Sư Muôn.

Cao cao phía trái ngôi chánh điện là di tích chùa tổ. Do bom đạn chiến tranh, chùa tổ đã không còn. Giờ đây, ngay trên nền chùa cũ đã được xây dựng lại kiến trúc mới, nhưng du khách vẫn có thể dễ dàng cảm nhận được chuyện xưa. Bởi không xa đó là ngôi nhà tưởng niệm với bia đá ghi lại câu chuyện về vị tổ khai sơn: Thiền sư Gia Minh, cùng những bài kệ đầy tính thâm sâu của triết lý nhà Phật...

Tuy nằm trên núi, nhưng giếng nước của chùa quanh năm đầy ắp nước trong xanh, đủ dùng cho cả xóm dưới chân núi.

Thượng tọa Thích Thiện Thông, trụ trì đời thứ 5 của chùa Sư Muôn bên cây mai vàng có thân to ngang thân người lớn.

Lục Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét