27 tháng 8, 2022

Chùa Vân Phong

Uốn lượn đường thông xanh lên chùa ‘bàn tay của Phật’

Nằm trên dãy núi trông ra vịnh Cửa Lục, cảng Cái Lân; chùa Vân Phong (khu 9, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) đơn sơ, tĩnh lặng dưới tán thông xanh cao vút.

Con đường dốc thoai thoải dẫn lên chùa Vân Phong rợp bóng thông xanh 

Chùa Vân Phong có tên nôm là chùa Cao, ngôi chùa duy nhất trên địa bàn thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ. Không có mái ngói rêu phong, cong vút hay cột lim bóng nhoáng, ngôi chùa này chỉ là những tấm tôn ghép lại khá đơn sơ, được xây dựng trên nền phế tích ở dãy núi hình cái ngai. Con đường lên chùa quanh co, uốn lượn, rợp bóng thông xanh . Sư thầy trụ trì Thích Thanh Văn cho biết, lúc trước, đây là đường đất đá chênh vênh giữa núi rừng, sau đó người dân quyên góp tiền phá đá, làm con đường bê tông lên chùa dài hơn 1,3km. 

Dọc đường lên chùa là những cây thông xanh cao vút, giữa nắng hè chói chang, dáng thông khẳng khiu vằn vện in trên nền trời xanh bao la. Không khí trong lành, mát dịu, tiếng chim rừng hót líu lo giúp bước chân người lữ khách quên đi những mệt mỏi của cuộc sống công nghiệp ồn ào, xô bồ ngoài kia. 

Chùa Vân Phong tọa lạc giữa 3 ngọn núi, tạo hình như một cái ngai. Sau lưng chùa là một ngọn núi dài, theo phong thủy gọi là thế huyền vũ, có nghĩa là con rùa đen. Bên phải chùa là ngọn núi cao, có khe nước chảy, người dân địa phương gọi là khe Chùa nhưng hiện đã bị cạn nước do tình trạng khai thác rừng ở khu vực lân cận. Núi non trải dài, trùng điệp tạo thành thế thanh long – bạch hổ rất đẹp để chùa ngự ở giữa. 

Đứng trên chùa Vân Phong, bạn có thể phóng tầm mắt ra khu dân cư ở phía dưới chân núi và cảng Cái Lân, vịnh Cửa Lục mênh mông sóng nước. Chùa được bao bọc bởi rừng thông xanh mát, có những cây thông cổ thụ thân to hai người ôm mới hết. Qua tìm hiểu được biết, chùa Vân Phong có từ thời nhà Trần. Tương truyền, xưa kia vua Trần Nhân Tông đi ngang qua đây định lập am tu hành nhưng sau đó đã về Yên Tử. Vì vậy, sau này con cháu của Phật Hoàng đã xây dựng nên ngôi chùa Vân Phong này để kỷ niệm và chư tăng tu hành ở đây cũng rất đông. 

Theo văn bia ghi lại, chùa Vân Phong được đại trùng tu vào thời Hậu Lê, năm 1732. Thế rồi, thiên tai, địch họa khiến chùa chỉ còn là phế tích với nền móng cổ có các chân tảng và ngói gạch. Do không có chùa, người dân ở thị trấn Trới phải đi lễ chùa ở xã Lê Lợi và vùng lân cận. Năm 2003, một người quê ở khu 9, thị trấn Trới, sống và làm việc ở Úc nằm mơ thấy ở quê mình có một ngôi chùa rất linh thiêng ở trên núi, nên đã phát tâm một số tiền gửi về quê để nhờ người đi tìm và phục dựng lại chùa. Năm 2009, chùa Vân Phong đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt vào danh mục những ngôi chùa phế tích cần được phục hồi xây dựng. 

Theo quy hoạch, khuôn viên của chùa Vân Phong giống như bàn tay của Phật, nơi đất trời hài hòa, linh khí hội tụ. Thầy Thích Thanh Văn cho biết, vào sáng ngày 5.6 sẽ tổ chức lễ động thổ xây dựng chùa Vân Phong và đúc chuông. “Quy hoạch tổng thể chùa gồm 20 hạng mục công trình, tổng chi phí 100 tỉ đồng, nguồn kinh phí từ xã hội hóa”, thầy Thanh Văn nói.

Tọa lạc trên đỉnh dãy 3 quả núi hình cái ngai, ngôi chùa tĩnh mịch giữa không gian ngút ngàn cây xanh 

Chùa đơn sơ trên nền phế tích năm xưa 

Trước cửa chùa là những hàng chè xanh trồng thành tầng nấc 

Nhà giảng pháp lặng lẽ giữa rừng thông trong buổi sáng tinh mơ 

Những cây thông cao vút giữa trời xanh bao la 


Khách đến chùa dịp này được sư thầy Thích Thanh Văn mời ăn đào trong vườn chùa 

Trong vườn chùa có khoảng 50 gốc đào trồng xen kẽ giữa rừng thông 

Một nhóm thợ đúc đồng ở Thừa Thiên – Huế đang tạo khuôn để đúc chuông chùa vào ngày 5.6 

Từ trên sân chùa có thể phóng tầm mắt nhìn xuống khu vực dân cư ở phía dưới chân núi 


Trên con đường dẫn vào chùa Vân Phong là làng mạc thanh bình với những ruộng lúa, vườn mía xanh mướt mắt 

Bài, ảnh: Vũ Ngọc Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét