18 tháng 8, 2022

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện có chùa Một Cột thu nhỏ ở miền Tây

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là một trong những điểm đến văn hoá tâm linh nổi tiếng, toạ lạc ở thành phố Cần Thơ. 

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 15 km. Đây là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở khu vực Tây Nam Bộ. Công trình được xây dựng từ tháng 7/2013, trên diện tích khoảng 4 ha và hoàn thành sau một năm. Ảnh: Robin Westerbeeke. 


Từ cổng vào thiền viện, du khách có thể thấy chùa Một Cột nằm giữa ao nước nhỏ tựa chùa Một Cột ở Hà Nội. 

Công trình mô phỏng kiến trúc một cột từ đời nhà Lý. Ảnh: Robin Westerbeeke. 

Chùa đặt trên một trụ bằng gỗ, phần đế bằng xi măng, cao chưa đến một mét so với mặt nước. 

Chính điện (còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện) là nơi Phật tử chiêm bái. Công trình này được dựng từ 44 cột gỗ lim cỡ vòng tay ôm của người lớn. Tất cả cột trụ đều được đặt trên đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu. 

Phần chánh điện lợp ngói tám mái theo phong cách kiến trúc thời Trần, Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách thời Lý. 

Chánh điện nằm giữa khuôn viên thiền viện, gồm 2 tầng 8 mái chạy dài. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thờ trong chánh điện bằng đồng nặng 3,5 tấn. Bức tượng đúc Phật ngồi và tay cầm cành hoa (niêm hoa vi tiếu). 

Dọc hai bên lối vào chính điện là tượng 18 vị La Hán chạm trổ công phu. 

Phật tử và du khách có thể men theo lối ở bên hông chánh điện dẫn ra phía sau nhà Tổ. Dọc hai lối đi cũng là tượng của các vị La Hán kèm tranh ảnh giới thiệu các hoạt động của thiền viện. 

Lầu chuông, tháp trống được mô phỏng theo tháp chuông Chùa Keo ở Thái Bình. Vật liệu chính sử dụng để dựng chánh điện, nhà thờ Tổ, lầu chuông, tháp trống là gỗ lim nhập từ Nam Phi. 

Không gian Nhà Tổ như những căn nhà xưa ở Nam bộ. Bên trong có hai bộ trường kỷ cổ.

Sau khi lễ Phật và vãn cảnh chùa, du khách có thể đi ra khuôn viên bên ngoài, nơi có khu vườn xanh mát. 

Trong khuôn viên thiền viện còn có rất nhiều hạng mục khác như cầu ra Thuỷ Tạ, Quan Âm điện (ảnh), khách đường, trai đường, giảng đường, thư viện hay phòng Đông Y Nam Dược. 

Phong Vinh
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi lập từ thế kỷ 13. Sau nhiều năm tháng, thiền phái này bị quên lãng. Từ năm 1968, Hòa thượng Thích Thanh Từ là người đã gầy dựng lại Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó Ngài đã cho xây dựng nhiều thiền viện Trúc Lâm trên khắp cả nước (và cả ở nước ngoài), trong đó được biết đến nhiều nhất là Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (tức Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, 1993), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh, 2002), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc, 2005)... Thế nhưng mãi đến năm 2012 vẫn chưa hề có ngôi thiền viện Trúc Lâm nào ở miền Tây Nam bộ (trong khi sinh quán của ngài Thích Thanh Từ là ở Vĩnh Long, thuộc miền Tây Nam bộ).

Để thỏa ước mong của Phật tử nơi đây về một nơi tu tập, ngôi Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được khởi công năm 2012 tại Tiền Giang, và khánh thành ngày 22/11/2015. Gần như đồng thời, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khởi công tại Cần Thơ ngày 16/7/2013, khánh thành ngày 17/5/2014. Kế đến là Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh, khởi công năm 2014, khánh thành ngày 31/1/2016.

Ngôi chánh điện
.
Du khách đến viếng chùa có thể đọc thấy ngay các thông tin về chùa như sau:


Theo đó, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, khởi công xây dựng vào ngày 16/7/2013, khánh thành ngày 17/5/2014. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có tổng diện tích xây dựng 38.016 m2, gồm 25 hạng mục công trình.

Với diện tích gần 4 ha, đây là ngôi chùa có diện tích lớn nhất Cần Thơ và nhiều trang web đã mạnh dạn khẳng định đây là ngôi thiền viện lớn nhất miền Tây Nam bộ. Thật ra, hơn 38.000 m2 đúng là rộng thiệt, đi mỏi chưn luôn, nhưng so với 2 ngôi thiền viện Trúc Lâm ở miền Tây mới được xây dựng kể ở trên thì Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có diện tích... nhỏ nhất! Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh có diện tích 6,97 ha (69.700 m2) còn Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác có diện tích trên 30 ha (300.000 m2).

Lối kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam theo trường phái kiến trúc chung của các ngôi thiền viện Trúc Lâm Việt Nam: cao, rộng, thoáng, mô phỏng theo kiến trúc mỹ thuật Phật giáo thời Lý, Trần.

Cổng thiền viện

Lầu chuông

Gác trống

Giống như các ngôi thiền viện Trúc Lâm khác, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam không dùng bất cứ chữ Hán nào, tất cả các bảng tên, hoành phi, câu đối đều dùng chữ Việt. Bên trong chánh điện - được gọi là Đại Hùng Bửu Điện - ngoài các tượng thờ Phật như các chùa khác, còn có tượng thờ Trúc Lâm tam tổ (Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang) và tượng thờ các bậc anh hùng đất Việt như Hưng Đạo Đại vương, Thái sư Trần Thủ Độ...

Đại Hùng Bửu Điện

Khuôn viên Thiền viện rộng nên được bố trí nhiều tượng, cụm tượng đẹp mắt, hài hòa. Có cây xanh, có hồ nước mát, có sự yên tĩnh tạo cảm giác dễ chịu cho du khách.



Ngôi Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (và Trúc Lâm Trà Vinh) được hình thành đầu tiên do Đại tướng Phạm Văn Trà đã phát tâm vận động xây dựng các ngôi đại tự tiêu biểu cho Phật giáo miền Tây Nam bộ. Công trình ước tính tổng kinh phí 145 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.


Hiện nay, có khá nhiều ngôi chùa nguy nga, đồ sộ được xây dựng mới trên đất nước ta. Không ít ngôi trong số đó có dư luận không tốt, như lập chùa để... kinh doanh, để... rửa tiền hay những lý do không chính đáng khác. Cũng có một số dư luận kiểu như thế dị nghị về mục đích của ngôi Thiền viện này, nhất là khi đọc tên của Ban Vận động và mạnh thường quân như bảng trên, lại thêm các thông tin sau: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cung tiến tượng Phật Thích Ca chất liệu ngọc bích, Myanmar (do nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường, Chủ Công ty Thần Châu Ngọc Việt chế tác), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cung tiến tượng Bồ tát Quán Thế Âm chất liệu ngọc bích Myanmar...


Tui không biết và cũng không tìm hiểu xem những điều dị nghị ấy đúng sai thế nào, chỉ biết cảm nhận khi đến chốn này là tốt. Một nơi thanh tịnh, yên bình, cảnh vật hài hòa, kiến trúc đẹp và không phô trương. Phật tử có nơi tu tập, bày tỏ lòng thành kính. Nơi này không xa chợ nổi Cái Răng, làng du lịch Mỹ Khánh. Du khách có thêm điểm tham quan hợp lý. Vậy tốt quá rồi!

Phạm Hoài Nhân
Vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm phương Nam

Được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lý – Trần, Thiền viện Trúc Lâm phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng đất Tây Đô. 

Thiền viện Trúc Lâm phương Nam được xây dựng từ nguyện vọng của tăng ni, phật tử và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tp. Cần Thơ mong muốn có một ngôi chùa để kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Điểm ấn tượng đầu tiên mà du khách đến viếng thăm thiền viện là lối kiến trúc độc đáo. Cổng chính là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, cửa làm bằng gỗ. Bên trái cổng là tượng Vi Đà Hộ Pháp (ông Thiện) bảo vệ ngôi Tam Bảo. Bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (ông Ác) chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh. Qua cổng chính là khoảng sân gạch rộng lớn khiến du khách cảm nhận ngay được sự thoáng đãng của chốn thanh tịnh. Từ sân gạch, du khách phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ uy nghi của Chánh điện (còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện).

Cổng chính vào Thiền viện Trúc Lâm phương Nam.

Qua cổng chính là khoảng sân gạch rộng lớn với không gian đậm chất thiền môn.

Khuôn viên Thiền viện nhìn ra từ Chánh điện.

Vẻ đẹp sơn son thếp vàng trong Chánh điện.

Thiền viện là công trình độc đáo với kiến trúc bằng gỗ.

Những cây cột gỗ lim to lớn trong Chánh điện.

Lầu trống và Gác chuông (đại hồng chung nặng 1,5 tấn) được làm theo kiểu tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình.

Mô phỏng lối kiến trúc chùa Một Cột trong Thiền viện.

Mái đao cong vút lên theo lối kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Các bức tượng phật được đặt trong không gian hài hòa, yên bình.

Lầu ngắm cảnh là nơi nghỉ ngơi cho du khách khi thăm quan Thiền viện.

Du khách hành lễ cầu an trong Chánh điện.

Du khách xem triển lãm ảnh về Phật giáo tại Thiền viện.

Tượng thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Tượng thờ Thái sư Trần Thủ Độ. 
Không gian của Thiền viện rộng lớn trên diện tích 38.016 m², được khởi công xây dựng ngày 16/7/2013 và khánh thành vào ngày 17/5/2014. Thiền viện nằm trong khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, cách làng du lịch Mỹ Khánh chỉ vài trăm mét. Đây được coi là Thiền viện lớn nhất miền Nam đến thời điểm này.

4 hạng mục mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc của Thiền viện Trúc Lâm phương Nam gồm Chánh điện, Tổ điện, Lầu trống và Gác chuông nổi bật với kiến trúc bằng gỗ. Chánh điện lợp ngói tám mái theo theo phong cách thời Trần. Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách thời nhà Lý. Lầu trống và Gác chuông (đại hồng chung nặng 1,5 tấn) được làm theo kiểu tháp chuông chùa Keo ở tỉnh Thái Bình. Các bao lam, hoành phi, câu đối… đều được chạm khắc tỉ mỉ, công phu thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân điêu khắc gỗ của Nam bộ.

Một điều độc đáo Thiền viện là các bức tượng Phật được điêu khắc rất đẹp. Bên trong Chánh điện, ở giữa là tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 3,5 tấn, tạc ở tư thế ngồi và tay cầm cành hoa. Hai bên là tượng Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Văn Thù. Tổ điện có tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ. Hai bên lối vào chính điện là 18 bức tượng Phật bằng đá hoa cương.

Vẻ đẹp bình yên, trầm mặc của Thiền viện Trúc Lâm phương Nam thu hút đông đảo Phật tử, người dân và du khách viếng thăm.

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Thiền viện Trúc lâm Phương Nam – Nơi lan tỏa bản sắc Thiền dân tộc đến muôn nhà

Vùng Đồng Bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng, từ lâu đã tập trung nhiều dân tộc sinh sống như Kinh, Khmer, Hoa, Chăm góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của vùng đất phù sa trù phú này.


Tại thành phố Cần Thơ, sinh sống chủ yếu là 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer nên những công trình văn hóa tâm linh tại đây mang đậm bản sắc của 3 dân tộc này. Với nét đặc trưng rất riêng của vùng miền sông nước, vì vậy Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là một trong những địa chỉ được đoàn Khảo sát Kiến trúc Phật giáo lựa chọn để đến nghiên cứu và tìm hiểu trong đợt khảo sát của Ban Văn hoá TƯ GHPGVN phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn Di tích, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng các cơ quan nghiên cứu tại TP. Cần Thơ.


Thiền viện Trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại địa phận ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 15 km do Thượng tọa Thích Bình Tâm – Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cần Thơ – Hiệu Trưởng Trường Trung cấp Phật học làm Trụ trì. 


Thiền viện được khởi dựng từ tháng 7 năm 2013 và chính thức khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014, là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở Tây Nam Bộ với tổng diện tích lên đến 38.016 m vuông. 


Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được thành tựu như ngày hôm nay là nhờ Ông Phạm Văn Trà đã đề xuất và vận động các mạnh thường quân ủng hộ xây dựng tổng kinh phí 145 tỷ đồng. Với tâm nguyện phát triển Thiền phái Trúc lâm Yên tử của vua Trần Nhân Tông. Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử.


Thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nên hầu hết các hạng mục đều mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý – Trần. Đây là một nét đặc trưng rất rõ trong kiến trúc xây dựng của các ngôi Thiền viện ở Việt Nam. TP. Cần Thơ hiện nay 160 ngôi chùa, các ngôi chùa Nam tông xây dựng khoảng 600 năm, riêng Bắc tông chỉ 200. Do đó, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là khu du lịch tâm linh mang đậm kiến trúc ngoài Bắc thời Trần. Cho nên, đây cũng là yếu tố quan trọng để bất kỳ ai khi nhìn vào cũng đều phân biệt được với phong cách kiến trúc của những ngôi chùa Khmer Nam Tông hoặc Bắc Tông tại miền Tây Nam Bộ.

Với những giá trị hết sức ý nghĩa Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam ngày nay không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là điểm tham quan góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch của vùng đất lịch sử anh hùng Lộ Vòng Cung ngày càng phát triển. Thật ý nghĩa câu nói của tiền nhân:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam góp phần xây dựng du lịch đời sống văn hóa tâm linh cho xã hội. Thiền viện thường xuyên tổ các khóa tu, hội trại cho sinh viên, thanh thiếu niên, tuổi trẻ, cũng như Phật tử tu tập hằng tuần vào các ngày chủ nhật tại Thiền viện tổ chức tu học từ 7h30-11h30 theo thời khóa. Sám hối sáu căn, Tọa thiền, Nghe pháp, Thọ trai, trung bình có 80 Phật tử đến tham dự khóa tu thiền. Sự kế thừa và phát huy các Thiền viện thuộc hệ thống Trúc Lâm Yên Tử rất phù hợp với tinh thần nhập thế của Sơ tổ Trúc Lâm xưa kia. Hiện nay đã có hơn 60 ngôi Thiền viện và 100 đạo tràng thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đang phát triển mạnh khắp 3 miền đất nước cả ngoại quốc với hàng ngàn Tăng ni và hàng vạn Phật tử cũng như trong nước và ngoài nước cùng theo tu học, theo đường lối của Thiền tông Việt Nam đời Trần, phù hợp với căn cơ của người Việt. 


Sự hiện hữu của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam với tâm nguyện cống hiến các giá trị cao quý từ con đường từ bi, trí tuệ của đạo Phật nói chung cũng như kế thừa, ứng dụng những tinh hoa của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, góp phần tô đậm thêm mối liên hệ mật thiết giữa các giá trị cốt lõi của Phật giáo với tính tự lập, tự cường của dân tộc, vốn hình thành từ ngàn đời trong tiến trình văn hóa Việt Nam.

Thích Nữ Hoà Nhã

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét