1 tháng 12, 2022

Chùa Phước Hựu

Huyện Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Phước Hựu

CHÙA PHƯỚC HỰU


Trên đường tỉnh lộ 872, cách trung tâm hành chính huyện Gò Công Tây về phía đông 02 km, xa xa chúng ta nhìn thấy một ngôi chùa mái đỏ, có kiến trúc thuần Việt; đó là chùa Phước Hựu, tọa lạc tại ấp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh, huyện Gò công tây, tỉnh Tiền giang.

Xưa kia tại làng Vĩnh Viễn, nhà cửa thưa thớt, giữa cánh đồng mênh mông, sau mùa lúa vàng trĩu hạt. Vào những buổi thả trâu, các vị Mục đồng thường nắn tượng Phật làm vui. Bấy giờ có bà Huỳnh Thị Quẹo thấy những tượng Phật xinh xắn, thả xuống ao không bị chìm, cho là linh thiêng nên Bà hiến một phần đất của gia đình cùng dân làng lập ngôi chùa lá đơn sơ thờ cúng các tượng Phật, từ đó ngôi Chùa được hình thành, dân làng bấy giờ quen gọi là chùa Bà Quẹo. (nên biết việc “Mục Đồng” nắn tượng rồi thành lập Chùa là một hiện tượng phổ biến ở vùng đồng bằng Nam bộ lúc bấy giờ).


Thời gian sau có vị Hòa thượng pháp hiệu Phước An đến xây dựng lại ngôi chùa và đặt tên là “Phước Hựu Tự”; hàng ngày tụng kinh bái sám, nhang khói cho Phật và hướng dẫn bá tánh quanh vùng tu học. Ngôi nhà Phật pháp tại vùng đất Long Vĩnh được phát triển mãi mãi từ đây.

“Làng quê thưa thớt ngôi nhà nhỏ,
Ruộng lúa mênh mông thẳng cánh cò.
Xa xa ẩn hiện ngôi chùa cổ,
Chuông chùa vang vọng tiếng du dương.
Lời kinh tiếng kệ âm vang mãi,
Dân làng viếng cảnh lễ Như Lai.
Phật pháp truyền lưu bao thế hệ,
Nguồn cội tâm linh mãi Ta bà.”


Chùa Phước Hựu đã trãi qua nhiều đời trụ trì nhưng do các điều kiện khách quan nên không có tư liệu ghi chép lại. Theo các Linh vị được tôn thờ tại Chùa ngày nay như sau:

Từ lâm tế gia phổ, tam thập cửu thế, thượng Liễu hạ Vận, húy Phước An, Bổn sư Giác linh.

Từ tế thượng chánh tông Thái Bình Hòa thượng, tứ thập nhứt thế húy Đăng Chơn, thượng Phước hạ Chí, Hòa thượng Giác linh.

Từ lâm tế gia phổ tứ thập thế húy Hồng Hoa, thượng Thạnh hạ Hoa, Đỗ Ngọc Hòa thượng Giác linh (viên tịch ngày 12/2 năm Đinh Hợi 1947)

Sau khi Hòa thượng Hồng Hoa viên tịch, có ngài Yết ma Đẩu, thầy Thiện Lạc, thầy Thiện Quế thay nhau gìn giữ.

Hòa thượng Thiện Hóa hiệu Nhựt Tồn trụ trì từ năm 1966 đến năm 1967.

Trong suốt thời gian chiến tranh, từ năm 1967 đến khi thống nhất đất nước. Ngôi chùa được gia đình ông Nguyễn Văn Năm (tự ông Sáu Lâm) gìn giữ.


Từ năm 1975 Thượng tọa Thiện Khai hiệu Tâm Huê được bà con thỉnh về trụ trì. Gần 30 năm hoằng pháp lợi sinh, Thượng tọa hướng dẫn Phật tử tu học và từng bước trùng tu, sửa chữa lại ngôi chùa với chất liệu bán kiên cố, vách tường, mái lợp ngói âm dương, để có không gian rộng cho bà con đến dâng hương lễ bái vào các dịp tam ngươn tứ quí; đồng thời Thượng tọa cũng cho xây dựng cổng tam quan phía trước Chùa.

Từ nhiệm kỳ 2 của Giáo hội, Thượng tọa là thành viên Ban Đại diện đảm trách Trưởng ban Nghi lễ Ban Đại diện Phật giáo huyện Gò Công Tây. Đến năm 2002 Thượng tọa lâm trọng bệnh và viên tịch, để lại cho hàng Phật tử cùng Giáo hội niềm thương tiếc vô hạn.


Sau khi Thượng tọa Tâm Huê viên tịch, Đại đức Thích Thiện Nghiêm (là Sư đệ của Thượng tọa) được Tông phong mời về kế vị; Ban Đại diện và các cấp chính quyền chấp thuận bổ nhiệm Trụ trì.

Trước sứ mạng thiêng liêng cao cả “Trụ Pháp vương gia, Trì Như Lai tạng”, Đại đức Thích Thiện Ngiêm đã hết lòng vì ba ngôi Tam Bảo, chăm lo ngôi Chùa và hướng dẩn Phật tử tu học, sinh hoạt tuân thủ theo Hiến chương của Giáo hội và Pháp luật Nhà nước qui định.

Theo định luật vô thường, chùa Phước Hựu dần bị xuống cấp, với không gian nhỏ hẹp, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của hàng Phật tử. Hội đủ duyên lành ngày 19 tháng 9 năm 2004 (06/8 năm Giáp Thân), Đại đức Thích Thiện Nghiêm long trọng tổ chức lễ Đặt đá xây dựng lại ngôi Đại hùng Phật điện với sự phát tâm thù thắng của gia đình bà Phan Thị Nhường, Pháp danh Diệu Kỉnh, quê hương tại ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu hỷ cúng toàn bộ kinh phí xây dựng.

Gần 09 tháng xây dựng, ngôi Chánh điện được hoàn thành. Vào ngày 03 tháng 4 năm 2005 (nhằm ngày 25/02 năm Ất Dậu) lễ Lạc thành được tổ chức thật trang nghiêm trong sự hoan hỷ của chư Tôn đức Tăng Ni và đông đảo tín đồ Phật tử.


Sau lễ lạc thành, Đại đức Trụ trì tiếp tục vận động bà con Phật tử xây dựng ngôi nhà Tổ, cùng các hạng mục phụ như nhà bếp, nhà vệ sinh, khung viên cây cảnh….
Năm 2010, Đại đức Thích Thiện Nghiêm cũng cho xây dựng lại cổng Tam quan, đài Quan Âm, đài Địa Tạng, đài Di Lặc tạo thêm vẻ mỹ quang cho ngôi chùa và làm nơi cho bà con lễ bái, chiêm ngưỡng sau chuỗi ngày lao động mệt nhọc.

Cũng trong năm 2010, Đại đức Thích Thiện Nghiêm được chư Tôn đức mời tham gia cộng tác trong Ban Trị sự Phật giáo huyện nhà với chức vụ Phó ban Trị sự GHPGVN huyện Gò Công Tây

Với vai trò là Phó ban Trị sự, Đại đức luôn thực hiện đúng phương châm mà Giáo hội đề ra “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, đồng hành, gắn bó, đoàn kết một lòng với đồng bào các giới trong sự nghiệp “hộ quốc an dân”, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hướng dẫn Phật tử làm tốt công tác từ thiện xã hội, tương thân tương ái, giúp người già neo đơn, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ Khuyến học, nạn nhân chất độc da cam và các công trình phúc lợi tại địa phương.


Qua nhiều năm kiến thiết, chùa Phước Hựu ngày nay được khang trang, không những là nơi sinh hoạt tu học cho hàng Phật tử mà còn là một bông hoa nhỏ kết tựu cho quê hương Gò Công Tây ngày them tươi đẹp. Vì thế ngôi Chùa đã được Ủy ban Nhân dân huyện công nhận là “Cơ sở thờ tự văn hóa” vào năm 2013.

“Phước sơn khai hóa già lam cảnh,
Hựu môn tứ chúng huệ tâm tu.
Liễu Vận khơi nguồn chơn Phật pháp,
Sư sư tương kế chốn đạo tràng.
Nối tiếp tiền nhân xây dựng lại,
Thiện tín vãng lai cộng quy y.
Nghiêm trang cảnh Phật ngày thêm sáng,
Lưu dấu nhân gian chánh pháp mầu.”

Một số ảnh tư liệu:
















Người viết: Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét