Tọa lạc tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, chùa Long Hưng được biết đến là một không gian an lạc và thanh tịnh bên dòng sông Thiếp.
Đây cũng là Trung tâm biên, phiên dịch xuất bản sách lĩnh vực Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là nơi tu học lớn tại khu vực Hà Nội, giúp mọi người hướng đến cuộc sống bình an, tinh tấn theo lời dạy của Đức Phật.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong thôn, chùa Long Hưng được xây dựng vào thế kỷ thứ 15 với kiến trúc chữ Đinh, nằm trên điểm cao nhất của gò đất được hình thành do dòng chảy sông Thiếp uốn lượn bao quanh. Dòng sông Thiếp có điểm đầu bắt nguồn từ ao cổ trước đình làng được ví như đầu rồng. Vị trí chùa nằm ở phần thân của Rồng, chỉ có một lối vào duy nhất là cây cầu bắc qua sông Thiếp do dòng chảy tự nhiên uốn quanh tạo thế rồng quận ngọc. Chính vì vậy chùa được đặt tên là Long Hưng.
Năm 2017, thể theo nguyên vọng của nhân dân, ban lãnh đạo thôn đã thỉnh thầy Thích Thanh Phong cùng các sư thầy trong giáo hội Phật giáo về trụ trì giúp nhân dân quản lý, tu bổ chùa Long Hưng ngày một khang trang.
Dưới tán cây bồ đề xòe rộng có tuổi đời hơn 100 năm là tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trang nghiêm ngồi ngự với nét mặt điềm tĩnh, an nhiên. Đó là hình ảnh ấn tượng đầu tiên đối với bất kỳ ai khi bước qua cánh cổng Tam quan, đến với chùa Long Hưng.
Cây bồ đề mọc lên từ một trong số 2 tháp cổ còn sót lại từ thời xưa của chùa. Qua thời gian rễ cây bao phủ hết tháp, tạo thành không gian mang những nét đặc biệt. Không gian ấy, khiến Phật tử nào đến chùa cũng ấn tượng với cây bồ đề vốn được coi là biểu tượng giác ngộ của Đức Phật.
Tôn tượng Đức Phật Di Lặc bằng đá xanh trước cửa tòa chính điện chùa Long Hưng.
Một nét riêng ấn tượng của chùa Long Hưng là từ không gian tòa Tam Bảo đến nhà Tổ - đều được xây dựng thống nhất theo phong cách những khung võng thếp bạc với những tấm biển ca ngợi Đức Phật, chư Tổ và chân lý trường tồn.Tất cả được viết theo lối thư pháp bằng tiếng Việt, tinh tế, dễ đọc dễ hiểu, giúp cho tất cả mọi người đều dễ dàng cảm nhận được sự linh thiêng, trang nghiêm của không gian cũng như kết nối nơi đất Phật với sự biết ơn sâu sắc, tâm thành hướng đến lối sống tích cực, an vui và những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Hệ thống tượng Phật tại chính điện được bài trí thể hiện sự hòa hợp và kỹ thuật chạm khắc tinh xảo.
Ngay khi bước vào chính điện sẽ bắt gặp ban thờ vua Hùng cho mỗi Phật tử thể hiện lòng kính ơn, nhắc nhở mỗi người luôn biết hướng về nguồn cội.
Bên trái chính điện là tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm.
Bên dưới chính điện được xây dựng thành hội trường lớn – là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện và các khóa tu học tại chùa.
Cận cảnh ban thờ các vị sư tổ tại chùa Long Hưng.
Bảo tháp An Lạc dành cho các khóa tu tập chuyên sâu từ 3-9 ngày với sức chứa 200 người.
Chùa Long Hưng còn được biết đến là nơi quản lý tro cốt bằng công nghệ 4.0. Tất cả những hũ tro cốt đều có mã QR riêng kết nối với hệ thống máy tính của nhà chùa.
Hũ đựng tro cốt được thiết kế bằng vật liệu làm từ nhôm Đuy-ra - vật liệu dùng để chế tạo máy bay, chống cháy, nổ, động đất, mưa lũ. Vỏ hộp được thiết kế hoa văn một cách tinh xảo, phù hợp với cảm xúc cũng như sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.
Tháng 3.2020, Trung tâm Biên, phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế thuộc Ban Phật giáo Quốc tế có văn phòng đặt tại chùa Long Hưng được thành lập. Theo chia sẻ của Đại Đức Thích Vạn Lợi (Phó Giám đốc Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế) đến nay, trung tâm đã xuất bản hơn 100 tác phẩm chuyên về Phật học, thiền học, ứng dụng lời dạy của Đức Phật trong cuộc sống. “Mỗi ngày, trung tâm có hơn 130 vị làm việc, trong đó có 45 vị trực tiếp làm việc tại chùa. Trung tâm được thành lập với sứ mệnh nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lời Đức Phật dạy vào cuộc sống, lan tỏa tri thức Phật giáo, đem lại lợi lạc cho nhân sinh, cũng như góp phần nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng” - Đại Đức Thích Vạn Lợi cho biết.
Phút bình minh lên bên hiên chùa.
Khoảnh khắc hoàng hôn đổ bóng trên mái chùa.
Bài và ảnh: Lương Đình Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét