23 tháng 7, 2024

Chùa Bửu Khánh

Huyện Cai Lậy: Lịch Sử Chùa Bửu Khánh

LỊCH SỬ CHÙA BỬU KHÁNH

Chùa Bửu Khánh tọa lạc tại ấp Hội Nhơn, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Quảng Ân đảm nhiệm trông trông coi và điều hành Phật sự.

Nằm khiêm tốn trong làng quê yên bình, chùa Bửu Khánh được xây dựng 1950, do Giáo thọ Thích Minh Bửu, thế danh Võ Văn Châu thành lập trên phần đất nhà để làm nơi an tịnh tu tập, cho đến năm 1982 thì Thầy viên tịch.

Từ đó nơi này được Thượng tọa Thích Bửu Duy, thế danh Võ Văn Thanh kế vị hương khói và phương tiện hóa độ người hữu duyên. Thượng tọa Thích Bửu Duy hành đạo tại đây đến năm 1992 thì viên tịch. 

Sau khi Thượng tọa Thích Bửu Duy viên tịch, ngôi chùa Bửu Khánh được Đại đức Thích Bổn Nhơn, thế danh Võ Văn Tựu kế vị trụ trì.

Năm 2012, thấy ngôi chùa bị xuống cấp, Đại đức Thích Bổn Nhơn đã vận động trùng tu lại bằng chất liệu bê tông cốt thép kiên cố theo kiến trúc Tứ trụ; mái lợp ngói tây, vách tường, cửa sắt, nền lát gạch bông.

Năm 2021, vì thấy tuổi cao sức yếu, thông qua Ban Trị sự Phật giáo huyện Cai Lậy, Đại đức Thích Bổn Nhơn đã mời Đại đức Thích Quảng Ân về phụ chăm lo Tam Bảo và hướng dẫn Phật tử đạo tràng tu học.

Hóa duyên viên mãn, Đại đức Thích Bổn Nhơn đã viên tịch vào ngày 29 tháng 4 năm 2022, trụ thế 86 năm.

Đại đức Thích Quảng Ân thế danh là Trịnh Ngọc Duy An, sinh ngày 23 tháng 4 năm 1987. Xuất gia tu học với Đại đức Thích Nguyên Phước tại chùa An Long (TP. Mỹ Tho) và được Thầy Bổn sư cho theo học tại Trường Trung cấp Phật học Tiền Giang (Khóa 5), học Cao đẳng Phật học tại TP. Hồ Chí Minh (Khóa 6) trước khi nhận lời về phụ chăm lo Tam bảo tại chùa Bửu Khánh.

Sau 70 năm hiện hữu và đã trải qua ba đời trụ trì nhưng ngày nay về cơ sở vật chất chùa Bửu Khánh còn khá khiêm tốn, chỉ có Chánh điện và chưa có các công trình phụ, diện tích đất cũng nhỏ; muốn phát triển đạo tràng lớn mạnh trong thời gian tới, đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều của Đại đức Thích Quảng Ân cũng như sự phát tâm ngoại hộ của hàng Phật tử thiện tín gần xa. 

“Xây chùa, tạc tượng, đúc chuông,
Làm nơi quy ngưỡng thập phương tu hành,
Cũng là phương tiện độ sanh,
Làm cho cuộc sống an lành dài lâu.”

Một số ảnh tư liệu:












Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
Phật giáo Tiền Giang - 18/06/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét