18 tháng 10, 2024

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Vãn cảnh Chùa Phật Ngọc Xá Lợi – Vĩnh Long

Qua bao đời, Vĩnh Long tự hào là vùng “đất học” với nhiều di tích văn hóa Quốc gia như: Văn Thánh miếu, Chùa Tiên châu, Đình Long thanh, Miếu Công thần… Với những du khách muốn tìm cho mình một nơi chốn trầm lặng, thanh tịnh giữa những bon chen, xô bồ của cuộc sống hiện tại, hãy ghé thăm ngôi Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tại TP Vĩnh Long.

Cổng tam quan vào chùa

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tọa lạc tại ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long là một trong những ngôi chùa thiêng liêng và lớn nhất ở Vĩnh Long. Ngay từ bên ngoài là hình ảnh chiếc cổng chùa uy nghiêm, bề thế, nhiều người ghé thăm cũng không quên check-in để lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp này.

Chùa có kiến trúc nghệ thuật tinh xảo mà hài hòa

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi được xây dựng từ năm 1970 với diện tích là 1,7 ha, do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Đến tháng 04/1975, do hoàn cảnh khách quan, việc thi công phải tạm dừng.

Một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Vĩnh Long

Vào năm 2015, công trình chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh đã được tiếp tục xây dựng với các hạng mục: chánh điện, bảo tháp, đài Đức Quán Thế Âm lộ thiên, cổng tam quan, giảng đường, trai đường, bảo tàng, thư viện… trở thành trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và Phật giáo. Chùa có kiến trúc nghệ thuật tinh xảo mà hài hòa, vừa mang đậm tính tâm linh vốn có lại vừa mang nét kiến trúc truyền thống của Việt Nam.

Tượng đài Đức Quán Thế Âm uy nghiêm nổi bật

Đặc biệt, nổi bật giữa ngôi chùa là tượng đài Đức Quán Thế Âm với chiều cao 32 m và Bảo tháp cao 45 m. Không gian uy nghiêm cùng kiến trúc độc đáo nhất định sẽ khiến bạn phải trầm trồ khi chứng kiến tận mắt.

Bảo tháp cao 45 m

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long có ý nghĩa về mặt tâm linh, trở thành điểm tham quan chiêm bái hấp dẫn. Góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Long trên khắp cả nước.

Ngôi chùa trở thành điểm đến hấp dẫn du khách

Đứng trên quảng trường cao hàng chục mét rất thoáng đãng. Du khách sẽ có dịp vừa nghe tiếng chuông chùa ngân nga trong gió lộng, được nhìn ngắm thành phố Vĩnh Long đang nhộn nhịp đêm ngày; ngắm cầu Mỹ Thuận tất bật các phương tiện lại qua; ngắm sông Tiền rộng mênh mông…khiến lòng cảm thấy an nhiên lạ thường.


Khám phá Chùa Phật Ngọc Xá Lợi - Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long

Du lịch tâm linh là du lịch khám phá thế giới tâm linh để trở về với thế giới nội tâm, lắng nghe và tìm về những điều tốt đẹp. Du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác.

Vĩnh Long có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch sinh thái miệt vườn vì có nhiều đình, chùa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Thời gian gần đây, chùa Phật Ngọc Xá Lợi được nhiều người biết đến bởi đây là một trong những điểm đến nổi tiếng không chỉ dành riêng cho các tín đồ phật tử, các bậc cao niên, các bạn trẻ trong tỉnh Vĩnh Long mà còn có rất nhiều du khách thập phương đến để tham quan, chiêm bái,…và cũng là nơi lưu lại những khung ảnh đẹp, điểm “check-in sống ảo” của giới trẻ thời nay. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem lý do vì sao ngôi chùa này lại nổi tiếng như vậy nhé!

Đầu tiên cùng tìm hiểu về lịch sử hình thành của chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Khởi nguồn ngôi Bảo Tháp Xá Lợi này là ý tưởng của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa (Viện trưởng Viện Hóa Đạo). Bởi lẽ, vào năm 1970 Đại Đức NaRaDa (người Tích Lan) thỉnh ba viên Xá Lợi Phật, từ Nêpal Ấn Độ hiến tặng cho Hội Phật học Nam Việt tỉnh Vĩnh Long, từ đó Hòa Thượng Thích Thiện Hoa khởi xướng xây dựng Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây để phụng thờ Xá Lợi Phật và thành lập Trung tâm Văn hóa Phật giáo Miền Tây.

Đến năm 1972, công trình xây dựng được một trệt hai lầu đành dang dở vì hết kinh phí, một phần do ảnh hưởng của chiến tranh. Từ năm 1975 đến năm 2008, ngôi Bảo Tháp bị bỏ phế, chịu cảnh hoang tàn. Lúc này, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long giao, cấp lại cho Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Vĩnh Long 1,7 hecta đất.

Đến năm 2010, lễ Đặt đá được tiến hành khởi công xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi tỉnh Vĩnh Long và Bảo Tháp Xá Lợi Phật, nhưng sau đó do ảnh hưởng sự suy thoái kinh tế chung nên hai nhà tài trợ chính không thực hiện được như tâm nguyện lúc ban đầu, công trình xây dựng lại tạm dừng. Trải qua 05 năm, công trình phải dang dở lần hai.

Đến đầu năm 2015, nối tiếp tâm huyết của thế hệ đi trước, Cố Hòa Thượng Thích Đắc Pháp và Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Vĩnh Long cùng với lòng kính tin thiết tha Phật pháp của Tăng Ni và tín đồ phật tử đã tiến hành vận động để xây dựng tiếp tục công trình đến hiện nay.

Ngôi chùa này có gì đặc biệt mà khiến cho không chỉ các tín đồ phật tử, người lớn tuổi và cả giới trẻ khắp mọi nơi đều tìm đến?

Cổng Tam Quan chính của Chùa Phật Ngọc Xá Lợi rất lớn và uy nghiêm

Khi đến nơi, hiện ra trước mắt chúng ta là một Cổng Tam Quan rất lớn, uy nghiêm bề thế và đương nhiên cũng rất đẹp, được chạm trổ công phu, với một cổng chính và hai cổng phụ. Nhìn từ ngoài vào trong, cổng chính đề tên chùa Phật Ngọc Xá Lợi, hai cổng phụ đề Giác ngộ – Giải thoát; nhìn từ trong ra ngoài, cổng chính đề Vĩnh Thế Truyền Đăng, hai cổng phụ đề Từ bi – Trí tuệ. Theo Thầy Thích Phước Hạnh trụ trì của ngôi chùa này cho biết: điều đặc biệt đó là hai cột đá rồng lớn ở Cổng Tam Quan được đúc bằng đá Granite nguyên khối, cao 9 mét, chiều ngang 1,5 mét, dày 7 tấc, nặng khoảng 20 tấn,…rất hiếm có ở miền Tây.

Lối dẫn vào chùa trải dài, rộng lớn và sạch sẽ

Qua Cổng Tam Quan chính, lối dẫn vào chùa là con đường vô cùng rộng rãi, một không gian khoáng đãng, thiềng tịnh khiến cho chúng ta có cảm giác yên bình, rũ bỏ hết mọi xồ bồ, ồn ào, bon chen trong cuộc sống để thư giãn và cân bằng lại tâm hồn. Con đường có dãy phân cách chia thành hai chiều để tránh tình trạng khi tới những ngày lễ lớn, khách vào tham quan lễ phật chen lấn gây tắt nghẽn lối ra vào.

Kiến trúc của ngôi chùa rất độc đáo, đa dạng, xen lẫn giữa truyền thống và hiện đại mang nhiều phong cách nghệ thuật Phật giáo của nhiều nước trên thế giới. Các hạng mục xây dựng trong chùa gồm hai Cổng Tam Quan và hàng rào, Tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên, Chánh điện, Bảo Tháp Xá Lợi, Chánh Pháp Đường, Tăng Bảo Đường, Trai Đường, Giảng Đường, Tăng Xá,... vẫn còn đang trong giai đoạn xây cất.

Quang cảnh phía trước Chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Bước qua Cổng Tam Quan nhỏ được nối liền với hàng rào bao dọc xung quang ngôi chùa là một khuôn viên rộng với lối kiến trúc nghệ thuật tinh tế, hài hòa, vừa mang đậm tính tâm linh vốn có lại vừa mang nét kiến trúc truyền thống Phật giáo. Hệ thống tượng Phật ở chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long cũng vô cùng độc đáo, sinh động và linh thiêng với hàng trăm tượng Phật từ các vị Tổ Sư đến các vị La Hán được an vị xung quanh khuôn viên.

Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát lộ Thiên cao 32 mét

Ba chân trụ làm bệ đỡ vững chắc cho tượng Phật Bà Quan Âm được chạm trổ tinh xảo, đẹp mắt với 9 Rồng vàng uốn lượn xung quanh

Điểm nhấn nổi bật của ngôi chùa là tượng đài Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên với chiều cao 32 mét màu trắng ngà pha vàng ánh, được chế tác tinh xảo toát lên vẻ đẹp hiền từ, nhân hậu. Tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghiêm trên tòa sen hồng lớn, bệ đỡ tòa sen là 03 cột trụ có 09 rồng vàng (tượng trưng cho vùng đất Cửu Long) uốn lượn dưới chân được chạm trổ rất đẹp, công phu và vững chắc khiến cho ai cũng phải trầm trồ khi chiêm ngưỡng tận mắt, bên dưới là hồ nước có trồng nhiều hoa sen được lắp hệ thống đèn và đài phun nước, ban đêm nếu lên đèn và phun nước sẽ rất đẹp và tỏa sáng hào quang.

Phía trước Chánh Điện là 05 bức tượng đại diện cho 05 tông phái chính của Phật giáo Việt Nam: Hệ Phái Nam Tông, Tông Phái Mật Tông, Tông Phái Tịnh độ, Hệ Phái Khất sĩ, Thiền Phái Trúc Lâm, mỗi tượng sẽ có cách tạc tượng về trang phục, dáng đứng khác nhau theo đúng ý nghĩa của Tông Phái đó.

Trước cửa Chánh Điện là hai bức tượng Hộ Pháp được đúc đồng là Chư Tôn Bồ Tát (dân gian gọi là ông thiện và ông ác). Thật ra, tất cả chúng ta đều có thể trở thành những vị hộ pháp, khi tâm của con người hướng về Phật, từ bỏ đi những cái ác hướng về chân thiện mỹ thì cuộc sống của chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn, thiện lành hơn.

Chánh điện rộng lớn, thoáng mát với nhiều tượng Phật xung quanh

Hai tượng Phật lớn, nổi bật nhất trong Chánh Điện

Bên trong Chánh điện có rất nhiều cột trụ lớn được chạm trổ, điêu khắc hoa văn rất kỳ công, mỗi cột đều có các câu đối khác nhau trong kinh phật. Nổi bật nhất trong Chánh Điện và cũng là một phần biểu tượng đầu tiên gắn với tên ngôi chùa này đó là Tượng Phật Ngọc, theo Thầy Thích Phước Hạnh chia sẻ: Tượng Phật Ngọc được tạc bằng đá ngọc bích nguyên khối khai thác tại Canada, cao 1 mét 3, nặng khoảng 1 tấn, màu xanh ngọc, thỉnh về Vĩnh Long năm 2017 do phật tử phát tâm tặng cho chùa; Có thể nói, Tượng Bổn Sư Thích Ca đặt phía sau Tượng Phật Ngọc là tượng lớn nhất trong Chánh Điện với chiều cao 3,5 mét, nặng khoảng 4,5 tấn, đúc đồng, dác vàng 24k; Có một điều mà ít ai biết đó là chiếc Mỏ gia trì đặt bên trái Tượng Phật Ngọc được đúc bằng gỗ mít có tuổi thọ trên 100 năm, với đường kính 1mét 2 được cho là lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại; Phía mặt sau Chánh Điện, có Tượng Tổ Sư Đạt Ma được đúc đồng, dác vàng 24k. Ngoài ra, xung quanh Chánh Điện còn rất nhiều tượng phật lớn khác được tạc rất đẹp và thờ ở những vị trí rất trang nghiêm như tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương và Quan Thế Âm Bồ Tát,… đặc biệt là 18 vị La Hán bằng đồng quý hiếm có giá trị cao chỉ có ở chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, đó cũng là cái duyên hiếm có của chùa được phật tử phát tâm.

Tượng Phật Ngọc quý hiếm được tạc bằng đá ngọc bích nguyên khối khai thác tại Canada

Được biết, ngôi chùa do chính Thầy Thích Phước Hạnh tham vấn hướng phong thủy và ý tưởng sử dụng vật liệu, cách bố trí, sử dụng màu sắc hài hòa làm nên kiến trúc độc đáo, vì vậy nhiệt độ bên trong Chánh Điện quanh năm đều mát mẻ. Chính vì thế, không gian luôn có sự thanh tịnh nhẹ nhàng, đây cũng là điểm mà du khách ưng ý nhất khi đến tham quan lễ phật.

Bảo Tháp 9 tầng, cao nhất miền Tây thờ phụng ba viên Xá Lợi Phật quý

Điểm nổi bật tiếp theo và cũng là biểu tượng thứ hai của ngôi Chùa này đó chính là Bảo Tháp Xá Lợi, được mệnh danh là bảo tháp cao nhất miền Tây (tính tới thời điểm hiện tại) với chiều cao 45 mét gồm 9 tầng và đỉnh tháp. Tháp được xây dựng theo hình lục giác (ý nghĩa của Lục Độ trong đạo Phật). Các góc ngói của tháp được chạm trổ hoa văn hình rồng tinh xảo, đậm chất văn hóa xưa. Chúng ta có thể lên 9 tầng tháp bằng lối cầu thang bên trong Chánh Điện nhưng không ra được bên ngoài, nếu muốn ra ngoài quảng trường của chùa thì phải đi theo lối cầu thang bên ngoài khuôn viên. Mỗi tầng tháp đều có cách bày trí và thờ các tượng Phật khác nhau, có 9 tượng Phật lớn ở 9 tầng tháp đều được làm bằng đồng.

Riêng ba viên Xá Lợi Phật quý được thờ phụng rất cẩn thận ở tầng tháp thứ 9 của bảo tháp, quan khách sẽ không được chiêm bái. Tuy nhiên, theo lời Thầy Thích Phước Hạnh: một năm du khách sẽ được chiêm bái Xá Lợi Phật một lần vào mùng 8 tháng chạp hàng năm. Các bạn nhớ đến chùa để chiêm bái Xá Lợi Phật vào dịp này để cầu phúc cho bản thân và gia đình nhé!

Toàn cảnh của ngôi chùa nhìn từ trên cao

Nếu đến tham quan chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long mà chúng ta không leo lên Quảng trường của chùa thì thật là một điều thiếu sót và đáng tiếc vô cùng. Quảng trường của chùa cao hàng chục mét, rất rộng, có không gian thoáng đãng, từ độ cao này chúng ta sẽ nhìn bao quát được cầu Mỹ Thuận và một góc của thành phố Vĩnh Long, được hít thở bầu không khí trong lành vì nằm cách xa trung tâm thành phố. Không những thế, bạn còn được ngắm ánh bình minh nếu đi vào buổi sáng sớm, ngắm cảnh hoàng hôn lãng mạn nếu đến lúc chiều tà, bao nhiêu muộn phiền âu lo đều sẽ tan biến chỉ còn lại sự thanh tịnh và an nhiên đến lạ thường.

Sự linh thiêng của ngôi chùa Phật Ngọc Xá Lợi


Tương truyền rằng, Xá Lợi là những phần kết tinh còn lại sau khi làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu) nhục cốt của Đức Phật và các vị cao tăng. Ngọc Xá Lợi của Đức Phật có thể biến hóa từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn, từ đục thành trong và tỏa sáng hào quang. Sự biến hóa kỳ diệu này phải do sự thành tâm lễ bái chí thành của người có đạo tâm. Ngài Hư Vân kể rằng khi ngài tới lễ Xá Lợi của Đức Phật tại chùa A Dục, càng lễ thì hào quang từ Xá Lợi càng lúc càng tỏa rạng. Cũng nhờ thành tâm lễ bái Xá Lợi mà ngài hết bệnh.

Khi chiêm bái cùng một viên ngọc Xá Lợi, nhiều người sẽ thấy các màu sắc khác nhau, tùy theo nghiệp nặng nhẹ của mỗi người. Nói chung, tất cả các Xá Lợi đều có một vai trò quan trọng đối với chúng ta, vì Xá Lợi là báu vật biểu trưng như Đức Phật còn tại thế. Nếu chúng ta dùng tâm vô nhiễm, cung kính lễ bái, cúng dường, tán thán thì được phước đức vô lượng vô biên. Xá Lợi không chỉ là nhân tố tạo nên mọi sự phước đức mà còn là động lực chuyển xoay tâm hồn con người từ hung dữ trở thành hiền lương, từ vô đạo đức trở thành có đạo đức.

Là nơi học tập và giao lưu văn hóa Phật giáo

Hàng năm, chùa Phật Ngọc Xá Lợi thường tổ chức các sự kiện; Hội nghị Phật giáo; Các khóa An cư kiết hạ; Bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì cho Tăng Ni; Nơi sinh hoạt tín ngưỡng; Chiêm bái cho Phật tử và tín đồ xa gần; Đại lễ cầu Quốc Thái Dân An tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi được tổ chức rất long trọng, trong buổi Lễ cầu nguyện này, mọi người cùng đồng tâm, nguyện cầu cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh, nhân dân được an cư lạc nghiệp.

Đặc biệt, nơi đây cũng thường tổ chức các khóa thiền cho Phật tử. Mời các cao tăng từ các nơi về diễn thuyết và truyền thụ Phật pháp. Giúp cho mọi người có cái nhìn tốt về cuộc sống.

Tóm lại, khi đến tham quan chùa Phật Ngọc Xá Lợi chúng ta thu hoạch được những cái nhất và những điều thú vị (tính đến thời điểm hiện tại) đó là:

Thứ nhất, là ngôi chùa lớn nhất tỉnh Vĩnh Long.

Thứ hai, là ngôi chùa thờ phụng 3 viên Xá Lợi cực kỳ linh thiêng.

Thứ ba, có tòa bảo tháp Thờ phụng Xá Lợi Phật 9 tầng, cao nhất miền Tây (45 mét).

Thứ tư, có tượng Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao nhất miền Tây (32 mét).

Thứ năm, có tượng Phật Ngọc lớn, bằng khối đá ngọc bích quý hiếm bậc nhất miền Tây.

Thứ sáu, có Mỏ gia trì to nhất Việt Nam (đường kính 1mét 2).

Và được mệnh danh là cổ trấn thu nhỏ giữa lòng miền Tây.

Ngôi chùa nổi tiếng này hiện đang tọa lạc tại đâu?

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tọa lạc tại ấp Vĩnh Hòa, phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, dưới chân cầu Mỹ Thuận. Cách trung tâm thành phố khoảng 7 km theo hướng quốc lộ 1A đi thành phố Hồ Chí Minh.

Để đến được Chùa Phật Ngọc Xá Lợi chúng ta có thể đi được nhiều hướng: từ Cần Thơ qua sẽ theo tuyến quốc lộ 1A hướng lên thành phố Hồ Chí Minh, đi khoảng 40 km gần tới cầu Mỹ Thuận; Từ thành phố Hồ Chí Minh về, cũng theo quốc lộ 1A, đi khoảng 120 km qua Cầu Mỹ Thuận sẽ đến được ngôi chùa này; Từ hướng tỉnh Đồng Tháp qua sẽ đi khoảng 40 km.

Những điều cần lưu ý khi tham quan chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Đến nơi đây, ngoài việc thành tâm lễ phật, tìm chốn thanh tịnh để giải tỏa những muộn phiền, thì không gian của ngôi chùa này khiến chúng ta tưởng tượng đây là một phim trường cổ trang thu nhỏ, nếu bạn muốn có một bộ ảnh như phim cổ trang kiếm hiệp HongKong thật hoành tráng thì nên chuẩn bị vài bộ trang phục cổ trang để lưu lại những khoảnh khắc, những góc hình đẹp; là địa điểm “hot” để bạn “check-in sống ảo” lý tưởng.

Đặc biệt:
  • Nếu bạn không có máy ảnh, đừng lo vì tại đây có dịch vụ chụp ảnh lấy ngay.
  • Nếu bạn tham quan, chụp ảnh mệt, tại đây có dịch vụ ăn uống: món bún riêu chay (20.000đ/tô; nước suối, sâm lạnh, đậu nành…(5.000 – 8.000/chai).
  • Khi có dịp lễ lớn tại đây có bán quà lưu niệm.
  • Vào tham quan chùa miễn phí.
  • Giờ mở đèn của Bảo Tháp Xá Lợi: thứ bảy và chủ nhật hàng tuần từ 19h – 21h.
Lưu ý: Không gây ồn ào làm mất trật tự; không vứt rác hay khạc nhổ bừa bãi; trang phục kín đáo, lịch sự; chụp ảnh có ý thức, không gây phản cảm; hạn chế chụp ảnh cùng tượng Phật.

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi vừa linh thiêng, vừa nổi tiếng, nếu có dịp đi du lịch Vĩnh Long đặc biệt là vào dịp lễ 30/4, 01/5 này mời các bạn hãy đến tham quan ngôi chùa này nhé.

Bài: Hồng Xinh Xinh - Ảnh: Louis Ho

Phật Ngọc Xá Lợi - ngôi chùa ở Vĩnh Long xây dựng suốt nửa thế kỷ

Cũng đã khá lâu tui mới có dịp ghé vô Vĩnh Long, gần 10 năm. Là ghé vô, chớ còn đi ngang qua thì đi hoài. Lần này đi Vĩnh Long, tui ngạc nhiên thấy nơi đây có một ngôi chùa thật lớn mà trước nay mình chưa hề biết.

Từ Sài Gòn đi Cần Thơ theo cao tốc, qua cầu Mỹ Thuận đi thẳng ta sẽ thẳng tiến Cần Thơ, nhưng nếu quẹo trái (quốc lộ 1) thì vừa quẹo ta sẽ thấy ngay bên tay phải là ngôi chùa Phật Ngọc Xá Lợi với tháp Xá Lơi cao vút.



Chùa Phật Ngọc Xá Lợi được khởi dựng từ năm nào?

Kỳ thiệt, ngôi chùa này được khởi công xây dựng từ năm... 1972, nhưng lâu nay người dân và du khách không biết tới mãi cho đến khi ngôi chánh điện và ngôi Bảo tháp Xá lợi Phật hoàn thành thì nhiều người mới biết đến ngôi chùa này. Vị chi gần nửa thế kỷ!

Chúng ta hãy cùng đọc Văn bia lược sử chùa Phật Ngọc Xá Lợi (được đặt trong chùa) để biết quá trình hình thành chùa nhé.

Văn bia Lược sử chùa Phật Ngọc Xá Lợi trong khuôn viên chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

VĂN BIA LƯỢC SỬ
CHÙA PHẬT NGỌC XÁ LỢI VĨNH LONG

Địa chỉ: 1974, Khóm Vĩnh Hòa, Phường Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Vĩnh Long, một vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra rất nhiều những vị anh hùng của dân tộc, những nhà lãnh đạo tài ba của đất nước, những bậc cao Tăng thạc đức duy trì mạng mạch Phật Pháp, đã trải qua biết bao thăng trầm và gắn liền với thế cuộc thịnh suy của dân tộc. Những công trình mang tầm vóc lịch sử của vùng, miền, trong đó, cần phải nhắc đến Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây hiện tọa lạc ngay vị trí chân cầu Mỹ Thuận, cửa ngõ vào các tỉnh miền Tây.
  • Vào năm 1963, một phái đoàn Phật giáo Nguyên Thủy do Đại đức Narada người Tích Lan làm trưởng đoàn đến Vĩnh Long trao 3 viên XÁ LỢI PHẬT thỉnh từ Nepal Ấn Độ tặng cho Hội Phật Học Nam Việt Vĩnh Long. Và từ đó cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa - Viện Trưởng Viện Hóa Đạo lúc bấy giờ khởi xướng cho Hội mua 3 héc ta đất để xây cất Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây tôn trí và phụng thờ Xá Lợi Phật nhằm tạo dựng một thánh địa linh thiêng tại vùng đất này và cũng để Tăng, Ni, tín đồ Phật tử trở về đảnh lễ, chiêm bái, thể hiện lòng tôn kính đến bậc Đạo sư của ba cõi.
  • Qua 7 năm sau, vào năm 1970 Ngôi Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây được tiến hành khởi công xây dựng với tất cả lòng hoan hỷ của Chư Tông Ni, lãnh đạo chính quyền cùng thiện tín gần xa. Nhằm ổn định và phân công nhân sự chịu trách nhiệm xây dựng Ngôi Bảo Tháp nên vào ngày 20/03/1971, Ủy ban Xây cất Bảo tháp được thành lập.
  • Ngày Rằm tháng Tư năm Tân Hợi, PL.2515 buổi lễ khởi công đóng cây cừ bê tông cốt thép đầu tiên đặt nền móng cho Ngôi Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây.
  • Đến năm 2008, được quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long giao cấp lại cho Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long 17.322,6 m² đất tại khu bảo tháp Xá Lợi Miền Tây cũ, lúc đó do Cố Hòa thượng Thích Đắc Pháp, Nguyên Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đảm nhận và Hòa Thượng đã sáng lập đặt tên hiệu CHÙA PHẬT NGỌC XÁ LỢI VĨNH LONG.
  • Đến năm 2010 Đại Lễ Đặt đá xây dựng chùa được tiến hành với sự chứng minh và tham dự của Chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo TW GHPGVN, Chư Tôn Đức Ban Trị sự Phật Giáo các tỉnh, thành, quý lãnh đạo chính quyền các cấp và đông đảo chư Tăng, Ni, Phật tử cả nước. Với lòng thành kính nguyện cầu cho công trình sớm được thành tựu như ý nguyện và nơi đây sẽ là hải đảo tâm linh để biết bao người con Phật hướng về đảnh lễ, tu tập...
  • Vào năm 2012, nguyện cầu mọi Phật sự sớm được thành tựu cũng như làm điểm tựa tâm linh cho thập phương bá tánh, Thượng tọa Thích Phước Hạnh khởi công xây dựng, tôn tạo kim thân Thánh Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên cao 26 mét được tôn trí và phụng thờ trong khuôn viên CHÙA như hiện nay.
  • Đầu năm 2015, Thường Trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã ấn ký văn bản quyết định phó thác cho Thượng Tọa Thích Phước Hạnh - Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long làm Trưởng ban xây dựng. Chịu trách nhiệm vận động tài chính từ Tăng, Ni, Phật tử, doanh nghiệp khắp nơi cúng dường để xây dựng ngôi chánh điện và Bảo Tháp Xá Lợi Phật.
  • Đến cuối năm 2018, ngôi chánh điện 1.813 m² và ngôi Bảo tháp Xá lợi Phật 9 tầng, cao 36 mét được hoàn thành và cũng từ đó được UBND tỉnh Vĩnh Long giao trên 2 héc ta đất từ quốc lộ 1A vào khu bảo tháp để xây dựng con đường dân sinh liên xã Tân Hòa và Tân Ngãi. Thượng tọa Thích Phước Hạnh tiếp tục tiến hành xây dựng con đường tráng nhựa, hầu làm phương tiện thông thương cho đồng bào Phật tử tới lui chiêm bái. Cổng Tam quan quy mô hoành tráng cũng được xây cất cặp quốc lộ 1A, hướng nhìn về cầu Mỹ Thuận, cây cầu lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam.
  • Đến cuối năm 2019, công trình cổng Tam quan & con đường dân sinh liên xã được khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng.
  • Qua năm 2019, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long chính thức bổ nhiệm trụ trì lần thứ 1, nhiệm kỳ (2017-2022) TT Thích Phước Hạnh đương kim trụ trì và Ban Trụ trì Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long được thành lập gồm TT Thích Phước Hùng - Đại Đức Thích Thiện Tâm làm Phó Trụ trì.
  • Năm 2020, tiến hành xây dựng Giảng pháp đường Thiện Hoa với sức chứa 500 ghế ngồi nghe pháp.
  • Đến Nhiệm kỳ II (2022 - 2027), Thượng Tọa Thích Phước Hạnh tiếp tục tái nhiệm Trụ trì và Ban Trụ trì gồm TT Thích Thiện Tâm - Đại Đức Thích Tánh Bình làm Phó Trụ trì và một số Ủy viên.
  • Năm 2023, chư Tăng Ni trong toàn tỉnh tiến hành xây dựng Văn phòng Ban trị sự.
  • Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long - Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây sẽ là Trung Tâm Văn hóa Phật Giáo tỉnh Vĩnh Long, một công trình mang đậm nét kiến trúc Việt Nam, một suối nguồn tâm linh cho hàng vạn tín đồ Phật tử trở về tu tập, đảnh lễ và chiêm bái.
  • Kể từ khi tổng thể công trình CHÙA được hoàn thiện 70% thì nơi đây đã trở thành một địa danh văn hóa tâm linh nổi tiếng nơi Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Song song đó, tất cả mọi công tác Phật sự của Giáo Hội tỉnh nhà cũng được tổ chức tại đây như Đại Hội Phật Giáo cấp tỉnh, Đại Giới Đàn, An Cư Kiết Hạ, Bồi dưỡng Trụ trì, Đại Lễ Phật Đản, Đại Lễ Vu Lan, Khóa Tu Thiền mỗi tháng... đều được diễn ra một cách trang nghiêm và trọng thể.
  • Với biết bao lòng tín ngưỡng của quý Phật tử gần xa, vào những ngày Lễ Vía, hàng vạn người con Phật từ khắp mọi miền đất nước đều trở về dâng hương, lễ Phật với ước nguyện đất nước thái bình, nhân dân an lạc. Ngôi Chùa và Tháp kể từ đây sẽ là một dấu ấn đặc biệt của Vùng đất Vĩnh Long địa linh nhân kiệt, một di tích lịch sử Văn Hóa Phật Giáo gắn liền cùng với sự thịnh suy của dân tộc Việt Nam.
"PHẬT PHÁP HUY HOÀNG CHIẾU THÔNG BA CÕI
NGỌC ÁNH HÀO QUANG TỎA SÁNG MƯỜI PHƯƠNG
XÁ TỘI TIÊU KHIÊN CHÚNG SINH QUY NGƯỠNG
LỢI DÂN ÍCH QUỐC TAM GIỚI HÒA MINH 
ĨNH THẾ LƯU TRUYỀN NHƯ LAI ĐẠI ĐẠO
LONG HƯNG VẠN KIẾP TỪ PHỤ CAO ÂM"

Văn bia phụng lập vào ngày 18 tháng 01 năm 2024. 
(Nhằm mùng tám tháng Chạp năm Quý Mão) 
Sa Môn: Thích Phước Hạnh hiệu Vạn Thành 
Cẩn bút.

Ta thấy văn bia được phụng lập ngày 18/1/2024, tức là cập nhật rất sát ngày tháng hiện tại và người viết là Thượng tọa trụ trì Thích Phước Hạnh, bảo đảm nội dung văn bia là chính thống.

Chánh diện chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tóm lược theo văn bia thì khởi thủy năm 1963 Hội Phật Học Nam Việt Vĩnh Long được nhận 3 viên Xá lợi Phật thỉnh từ Nepal, từ đó cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa - Viện Trưởng Viện Hóa Đạo lúc bấy giờ khởi xướng cho Hội mua 3 héc ta đất để xây cất Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây tôn trí và phụng thờ Xá Lợi Phật. Năm 1970 Ngôi Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây được tiến hành khởi công xây dựng. Rằm tháng Tư năm Tân Hợi 1971 lễ khởi công đóng cây cừ bê tông cốt thép đầu tiên đặt nền móng cho Ngôi Bảo Tháp diễn ra.

Thế nhưng tới ngay sau thời điểm này (tháng Tư Âm lịch năm Tân Hợi 1971) thì nội dung văn bia nhảy vèo một cái tới tận... năm 2008, năm mà UBND tỉnh Vĩnh Long giao cấp lại cho Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long 17.322,6 m² đất tại khu bảo tháp Xá Lợi Miền Tây cũ.

Điều gì đã xảy ra từ năm 1971 đến 2008 (37 năm) với ngôi bảo tháp này mà có lẽ vì lý do gì đó mà văn bia không kể lại?

Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát lộ Thiên cao 32 mét. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tui không phải dân Vĩnh Long cố cựu, cũng không quen biết chức sắc Phật giáo nào để biết tường tận sự việc, nhưng vì thắc mắc nên tìm hiểu và hỏi han nơi bạn tui là người sống nơi đây hơn 60 năm qua và ghi nhận lại vài thông tin như sau:


Sau lễ khởi công năm 1971, đến năm 1972 công trình xây dựng được một trệt hai lầu thì tạm dừng, phần vì hết kinh phí, phần do ảnh hưởng của chiến tranh. Tới 30/4/1975, coi như công việc xây dựng chấm dứt hoàn toàn.

Từ năm 1975 đến năm 2008, ngôi bảo tháp bị bỏ phế, chịu cảnh hoang tàn. Theo lời kể của bạn tui, không chỉ bị bỏ phế,công trình đang xây dang dở này còn bị đập phá vì là... công trình mê tín dị đoan,tàn dư của chế độ cũ (ai đập thì... tui không biết!). Không có gì chứng minh cho lời kể của bạn tui, nhưng chắc là... đúng!

Tam quan chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long hiện nay

Đến 2008, khi Phật giáo ở Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ với rất nhiều ngôi chùa to lớn được xây dựng khắp cả nước, UBND tỉnh Vĩnh Long mới cấp lại cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long 1,7 ha đất (mà trước đây là sở hữu của GHPG Vĩnh Long).

Đến năm 2010, lễ khởi công xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi tỉnh Vĩnh Long và Bảo Tháp Xá Lợi Phật được tiến hành, nhưng sau đó do ảnh hưởng sự suy thoái kinh tế chung nên hai nhà tài trợ chính không thực hiện được như tâm nguyện lúc ban đầu, công trình xây dựng lại tạm dừng. Thêm 05 năm nữa, công trình phải dang dở lần hai.

Đến đầu năm 2015, nối tiếp tâm huyết của thế hệ đi trước, cố Hòa Thượng Thích Đắc Pháp và giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long cùng với tăng ni và tín đồ phật tử đã tiến hành vận động để xây dựng tiếp tục công trình đến hiện nay.


Đoạn sau, từ 2015 đến nay văn bia kể rất chi tiết, xin không lặp lại ở đây.

Sau nửa thế kỷ, kết thúc có hậu là ngày nay Vĩnh Long có một ngôi chùa rất uy nghiêm, bề thế, vừa là chốn thanh tịnh đáp ứng nhu cầu tâm linh của Phật tử, vừa là điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho mọi người.

Tui để dành những lời diễn tả về ngôi chùa này trong bài viết khác, nghen.

Phạm Hoài Nhân 

Những ấn tượng ở chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long

Vừa qua khỏi cầu Mỹ Thuận bạn đã thấy thấp thoáng từ xa bên trái là ngôi tháp cao của chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Diện tích khuôn viên chùa đến hơn 17.000 m² cùng với kiến trúc bề thế khiến cho một số website du lịch gọi đây giống như một cổ trấn.

Cổng tam quan chùa rất uy nghiêm, bề thế. Hai cột đá rồng lớn ở Cổng Tam Quan được đúc bằng đá granite nguyên khối, cao 9 mét, chiều ngang 1,5 mét, dày 7 tấc. Ảnh: Vĩnh Long Tourist

Ngôi chánh điện của chùa, phía sau là tháp Xá lợi Phật cao 9 tầng, 45 met. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phía trên chánh điện là sân thượng, hay còn được gọi là quảng trường của chùa vì rất rộng. Từ đây ta có thể nhìn bao quát được cầu Mỹ Thuận và một góc của thành phố Vĩnh Long.

Quảng trường chùa rất rộng, nơi đây thoáng đãng và có thể ngắm toàn cảnh Vĩnh Long, cầu Mỹ Thuận. Ảnh: Vĩnh Long Tourist

Điểm nhấn ở trước chùa là tượng Phật Bà Quan Âm, cao 32 met.


Tượng Phật Bà Quan Âm, cao 32 met. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Những phiến đá trong sân chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Nổi bật nhất trong chánh điện là tượng Phật Ngọc. Tượng Phật Ngọc được tạc bằng đá ngọc bích nguyên khối khai thác tại Canada, cao 1,3 mét, nặng khoảng 1 tấn, màu xanh ngọc, thỉnh về Vĩnh Long năm 2017 do phật tử phát tâm tặng cho chùa; Phía sau tượng Phật Ngọc là tượng Bổn Sư Thích Ca với chiều cao 3,5 mét, nặng khoảng 4,5 tấn, đúc đồng, dát vàng 24K.

Chánh điện chùa với nhiều cột trụ lớn được chạm trổ, điêu khắc hoa văn kỳ công. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tượng Phật Ngọc và tượng Bổn Sư Thích Ca trong chánh điện. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tượng Phật Ngọc. Ảnh: Vĩnh Long Tourist.

Xung quanh Chánh Điện còn rất nhiều tượng phật lớn khác được tạc rất đẹp và thờ ở những vị trí rất trang nghiêm như tượng Bồ Tát Địa Tạng Vương và Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng 18 vị La Hán...

Tượng các vị La Hán bằng đồng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Điều làm tui thấy ấn tượng là ở chánh điện chùa Phật Ngọc Xá Lợi ngoài những vị Phật được tôn thờ còn có Quốc công Tống Phước Hiệp - một danh tướng có công lớn của đất Vĩnh Long - cũng được phối thờ như ta thấy ở đây.

Quốc công Tống Phước Hiệp được phối thờ cùng Bồ tát Địa Tạng Vương. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ở bên ngoài chánh điện, trong khuôn viên chùa cũng có bệ thờ Quốc công Tống Phước Hiệp.

Bệ thờ Quốc công Tống Phước Hiệp. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Một điểm độc đáo gây ấn tượng nữa ở chùa Phật Ngọc Xá Lợi là phía trước Chánh Điện có 5 bức tượng đại diện cho 5 tông phái chính của Phật giáo Việt Nam: Hệ Phái Nam Tông, Tông Phái Mật Tông, Tông Phái Tịnh độ, Hệ Phái Khất sĩ, Thiền Phái Trúc Lâm.

Hệ phái Nam tông

Hệ phái Khất sĩ

Tông phái tịnh độ

Thiền phái Trúc Lâm

Tông phái Mật tông
Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét